Saturday, January 4, 2025

VNTB – Sài Gòn đổi thành Hồ Chí Minh, sửa “đường” thành “phố”: xoá sạch ký ức huy hoàng
Dân Trần
05.01.2025 3:30
VNThoibao


(VNTB) – CSVN đang rất quyết tâm đồng hoá dân miền Nam, xóa hết mọi dấu tích về một thời Sài Gòn huy hoàng, rực rỡ trong lòng dân

Mấy ngày qua, trước khu chợ vải Soái Kình Lâm bỗng dưng xuất hiện bảng tên mới là “Phố Vải Soái Kình Lâm”, khiến dân tình hoang mang, cảm giác như mất đi cái hồn của khu Sài Gòn – Chợ Lớn ngày xưa. Soái Kình Lâm là khu chợ ở quận 5, nơi có nhiều người Hoa sinh sống, chợ được hình thành từ năm 1989, chuyên bán sỉ nhiều loại vải khắp Sài Gòn và khắp cả nước.

Đối với những người dân ở khu này thì việc đổi cách gọi “chợ” thành “phố” khiến cho mọi thứ trở nên lạ lẫm, mất đi cái bản sắc xưa nay. Trên trang facebook 𝐂𝐡𝐨𝐥𝐨𝐧 𝐃𝐨𝐰𝐧𝐭𝐨𝐰𝐧 có bài viết đạt hơn 5000 lượt like về việc người dân bất bình trong chuyện đổi tên này.

Bài viết giải thích: “Nhưng đối với những con đường, những khu chợ đã quá quen thuộc với người dân Chợ Lớn thì chữ “Phố” nó quá xa lạ đi. Đặc biệt là từ lúc những cái bảng này xuất hiện, nó giống như khẳng định tên gọi của mấy địa điểm này vậy. Ở đây, ai cũng kêu “chợ vải Soái Kình Lâm” rồi, nên khi xuất hiện cái bảng này nó giống như một cái gì đó ở chỗ khác gắn vô chứ ko phải là của Chợ Lớn nữa. Hỏi sao mọi người không chịu!” (1)

Không chỉ là người dân ở khu Chợ Lớn, mà cả những người mới tới Sài Gòn những năm gần đây cũng không chấp nhận chuyện đổi “đường/chợ” thành “phố” như vậy. Facebooker Trần Nhật Bình viết: “Tôi là người ở phía Bắc (ngoài) vĩ tuyến 17, 100%, sinh ra và lớn lên ở thành phố, quá quen với từ “phố”, ấy thế mà khi đọc chữ “phố vải Soái Kình Lâm” tôi đã thực sự ngạc nhiên, bởi gần 30 năm sống ở Sài Gòn tôi chưa thấy ai gọi “chợ vải Soái Kình Lâm” là “phố vải” cả”. (2)

Thậm chí ông Trần Nhật Bình còn hoài nghi về trình độ của của người đưa ra tối kiến này. Ông viết trên facebook: “Ngôn ngữ thì tranh luận cả ngày, có khi không cần thiết nhưng trong trường hợp này quả là đáng tranh luận, vì “chợ vải Soái Kình Lâm” là danh từ quá quen thuộc của người Sài Gòn, chúng tôi gọi thế đã quen (và không hề sai) thế giờ hà cớ gì phải đổi thành “phố vải”, nghe lạ lẫm và chối tai quá?! Đây là “tối kiến” của cha nội nào? Tôi nghi ngờ trình độ học vấn của người này, cũng giống như hồi người dân nghi ngờ trình độ của cha đổi tên “trạm thu phí” thành “trạm thu giá”, mà hễ nghi là thành thật. Các ông nên sửa đi”. (2)

Giải thích cho việc đặt tên Phố Vải Soái Kình Lâm, ông Nguyễn Xuân Thành, Chánh Văn phòng UBND quận 5 cho biết “từ phố là từ thông dụng được sử dụng khắp cả nước”.

Ông Thành nói với báo chí: “Chợ Soái Kình Lâm chỉ là một ngôi chợ chuyên bán vải nhưng có khuôn viên khá nhỏ. Trong khi đó, khu vực nhiều tuyến đường chung quanh chợ cũng có những gian hàng bán vải như trong chợ Soái Kình Lâm. Vì thế khi định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù trên địa bàn, chúng tôi gọi nguyên khu vực đó là phố chứ không phải là đổi chợ thành phố. Phố là bao trùm cả chợ lẫn các tuyến đường xung quanh và khu vực đó có chợ nổi tiếng là Soái Kình Lâm nên chúng tôi quyết định giữ tên này cho phố bán vải tại quận 5”. (3)

Với lập luận này thì rõ ràng nhà nước CSVN đang muốn “Hà Nội hoá” cách dùng ngôn ngữ của cả nước. Người Sài Gòn vốn xài từ “hẻm”, “đường” chứ không dùng từ “ngõ”, “phố” như Hà Nội. Bây giờ Sài Gòn lại xuất hiện hàng loạt cái tên mới như Phố Đi Bộ, Phố Đông Y, Phố Lồng Đèn, Phố Trang Sức, Phố Ẩm Thực, Phố Thời Trang, Phố Văn Phòng Phẩm… Có vẻ như CSVN đang muốn xây dựng Sài Gòn thành một bản sao của Hà Nội 36 phố phường.

50 năm trước, Sài Gòn đã thất thủ để rồi phải đổi tên là Thành Phố Hồ Chí Minh. Nhưng người dân có câu “Sài Gòn cố chôn nhưng không chết, Hồ Chí Minh đã chết nhưng không được chôn”. Hàm ý mỉa mai rằng CSVN cố xoá sổ Sài Gòn, nhưng Sài Gòn vẫn sống mãi trong tâm trí người dân, còn Hồ Chí Minh thì đã chết nhưng bị phơi xác, bị ép phải sống để làm bức bình phong cho cộng sản. Giờ đây, việc “Hà Nội hoá” ngôn ngữ, đường xá ở Sài Gòn cho thấy CSVN đang rất quyết tâm đồng hoá dân miền Nam, xóa hết mọi dấu tích về một thời Sài Gòn huy hoàng, rực rỡ trong lòng dân…



_____________________

Tham khảo:



No comments:

Post a Comment