Monday, January 6, 2025

VNTB – Việt Nam lập trung tâm tài chính để cứu vãn kinh tế
Dân Trần
06.01.2025 4:24
VNThoibao



(VNTB) – Có thể “trung tâm tài chính” lại là cái bánh vẽ như bao cái bánh vẽ khác mà CSVN đã từng bịa ra để mị dân

 Hai lãnh đạo cao nhất trong Chính phủ Việt Nam là Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình đều tới TPHCM để dự hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam ngày 04/01.

Tại đây, ông Chính nói về chủ trương lập trung tâm tài chính và khu vực và quốc tế ở TP HCM và TP Đà Nẵng là nhu cầu cấp thiết của Việt Nam để “thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo thêm nguồn lực mới, thúc đẩy nguồn lực hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế, xã hội; thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, theo chuẩn mực quốc tế; tạo ra động lực mới, tạo sự đột phá về phát triển”. (1)

Nếu nhìn lại các chủ trương thúc đẩy kinh tế, tài chính gần đây của Việt Nam thì việc lập trung tâm tài chính không có gì mới. Từ thời ông Nguyễn Xuân Phúc còn làm thủ tướng thì ông Phúc đã nhiều lần nói về việc biến TPHCM làm đầu tàu của Việt Nam, phát triển như các trung tâm tài chính như Singapore, Hongkong…

Tuy nhiên, thời ông Phúc thì chỉ nói ngoài miệng, bây giờ thì ông Chính đã lập ra hẳn “Ban Chỉ đạo liên ngành về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế”. Để cho thấy quyết tâm của mình, ông Chính còn nhấn mạnh rằng “xây dựng trung tâm tài chính là việc khó, mới và phức tạp, nhưng khó mấy cũng phải làm”.

Phát biểu của Phạm Minh Chính cho thấy hai vấn đề: một là ông thủ tướng muốn chứng tỏ quyết tâm với các nhà đầu tư quốc tế; hai là tình hình kinh tế tài chính Việt Nam hiện đang rất khó khăn, không thể phát triển kinh tế dựa trên các hoạt động truyền thống (như công nghiệp nhẹ, nông nghiệp, du lịch…), buộc phải xây dựng trung tâm tài chính để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, nhìn vào bộ sậu của “Ban Chỉ đạo liên ngành về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế” này thì khó lòng thấy được tương lai lâu dài. Trưởng Ban Chỉ đạo là Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình là phó ban thường trực. 5 Phó Ban Chỉ đạo gồm có ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP HCM, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Tài chính, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng.

Hầu hết những người trên đều chỉ giữ chức được hết nhiệm kỳ này, tới đầu năm 2026 thì bộ sậu khác lại lên nắm Chính phủ và địa phương. Cho nên rất có thể “trung tâm tài chính” lại là cái bánh vẽ như bao cái bánh vẽ khác mà CSVN đã từng bịa ra để mị dân.

Hơn nữa, muốn lập trung tâm tài chính quốc tế hay khu vực Á Châu để cạnh tranh với những trung tâm hiện nay thì cần phải có một chính quyền minh bạch để hạn chế tuyệt đối vấn đề lũng đoạn tài chính, thao túng thị trường. Điều này là gần như không thể đối với một thể chế tham nhũng như Việt Nam.

Muốn sánh ngang với những trung tâm hàng đầu Á Châu và thế giới như Singapore, Hongkong, Seoul, Tokyo thì gần như không thể. Thậm chí ngay tại Đông Nam Á thì ngoài Singapore, còn có 4 trung tâm tài chính quốc tế được xếp hạng chính thức gồm Jakarta, Manila, Bangkok, Kuala Lumpur. Chỉ số dân chủ ở các nước này vẫn ở mức cao hơn Việt Nam, họ cũng có chiến lược chống thao túng thị trường tốt hơn Việt Nam.

Việt Nam muốn thu hút đầu tư, lập được trung tâm tài chính quốc tế thì phải cải cách toàn diện hệ thống chính trị, dân chủ hoá toàn diện. Nói thẳng ra là thay đổi thể chế mới có đại bàng về làm ổ, chứ các nhà đầu tư ngoại không dại gì mà đem tiền đổ vô ổ mối! Có chăng chỉ là nơi rửa tiền cho các tập đoàn Trung Cộng, Nga…

 

____________________

Tham khảo:

(1) https://vnexpress.net/vi-sao-viet-nam-co-the-xay-dung-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-4835490.html

No comments:

Post a Comment