Bi hài kịch “pháp quyền”…Trương Nhân Tuấn
5-1-2025
Tiengdan
1/ Bi kịch bắt chước và lỗi dịch hạch
Năm 1994 ông Đỗ Mười đưa ra khái niệm “Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Nội dung “Nhà nước pháp quyền XHCN” được tóm tắt trong Nghị quyết “VỀ CHIẾN LƯỢC XÂY DỰNG VÀ HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020”.
“Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” không phải là một khái niệm pháp lý về một mô hình nhà nước mới, đặc thù của Việt Nam. Cụm từ này đơn thuần chỉ là “diễn Nôm hóa” thuật ngữ “quốc gia pháp trị xã hội chủ nghĩa” của Trung Quốc.
“Quốc gia” được diễn Nôm bằng “Nhà nước” và “pháp trị” được đổi thành “pháp quyền”.
Từ cuối thập niên 80 thế kỷ trước, trước nhu cầu thay đổi pháp luật để gia nhập kinh tế toàn cầu, Trung Quốc đưa ra khái niệm “quốc gia pháp trị xã hội chủ nghĩa”. Đây là một mô hình nhà nước kiểu mới, lấy “pháp chế xã hội chủ nghĩa theo màu sắc Trung Quốc” làm nền tảng, nhằm thay thế mô hình nhà nước tư bản Tây phương “l’Etat de Droit”.
Điều 5 Hiến pháp Trung Quốc 1982 (còn gọi là Hiến pháp bát nhị) nói về sự “tôn nghiêm và thống nhứt của pháp chế”. Năm 1999 điều 5 bản Hiến pháp này được tu chính lại, với nội dung “Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quản trị quốc gia theo pháp luật đồng thời xây dựng một quốc gia pháp trị xã hội chủ nghĩa”.
Nhờ sự tu chính này mà luật pháp Trung Quốc được sự tin tưởng của các nước tư bản. Trung Quốc quản trị quốc gia bằng luật lệ – Rule Of Law đồng thời Trung quốc là một Quốc gia pháp trị – Etat de Droit. Trung Quốc được gia nhập WTO năm 2000.
Mỗi thời lãnh đạo cộng sản Trung Quốc tạo một “dấu ấn”, qua một đóng góp “tư tưởng” của cá nhân về mô hình “quốc gia pháp trị”. Ông Giang Trạch Dân chủ trương “dĩ pháp trị quốc 以法治国” – tức dùng pháp luật quản trị đất nước và “kiến thiết xã hội chủ nghĩa pháp trị quốc gia 建设社会主义法治国家”, tức là “xây dựng quốc gia pháp trị xã hội chủ nghĩa”. Hồ Cẩm Đào đóng góp tư tưởng “Xã hội hài hòa”: “hài hòa xã hội tựu thị pháp trị xã hội 社会就是社会法治”, tức là “xã hội hài hòa tức là xã hội pháp trị”. Đặc biệt thời Tập Cận Bình, tư tưởng pháp trị của ông này là “trụ cột thứ ba” trong bốn trụ cột “tư tưởng Tập Cận Bình”, chủ đề được đưa vào Hiến pháp và được đưa vào dạy các trường đại học. Tập Cận Bình chủ trương “trụ cột thứ ba”: 1/ đảng lãnh đạo, 2/ chủ quyền thuộc về nhân dân 3/ bình đẳng trước pháp luật 4/ dựa vào pháp luật để quản trị đất nước và bằng các tiêu chuẩn đạo đức (依法治国 Ỷ pháp trị quốc và 德治 đức trị).
Thuật ngữ “quốc gia pháp trị”, được sử dụng ở các quốc gia Nhật, Hàn, Đài Loan, Việt Nam Cộng hòa (trước 1975), dùng để chuyển nghĩa khái niệm “Etat de Droit”, mô hình “xây dựng quốc gia dựa trên các hệ thống luật lệ” của Pháp quốc.
“L’Etat” có nghĩa là “quốc gia”.
“Droit” có (ít nhứt) ba ý nghĩa: 1/”luật pháp”, 2/”quyền”, 3/ pháp quyền (quyền xác lập bởi luật lệ).
Ý nghĩa của “Droit”, trong “Etat de Droit”, là “pháp luật”. “L’Etat de Droit” là quốc gia được xây dựng trên các hệ thống luật.
“Quốc gia pháp trị xã hội chủ nghĩa” vì vậy (có thể) dịch sang tiếng Pháp là “Etat de Droit Socialiste”.
Đỗ Mười mượn tư tưởng của cộng sản Trung Quốc, “quốc gia pháp trị xã hội chủ nghĩa” của Trung Quốc được Việt Nam thay đổi một chút, trở thành “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
Đây là bi hài kịch thứ nhứt trong Luật hiến pháp của Việt Nam. Bi hài kịch về sự “diễn Nôm” bừa bãi một thuật ngữ, một khái niệm pháp lý về xây dựng quốc gia.
“Quốc gia” được diễn Nôm thành “nhà nước”. Quốc 國 = nước và gia 家 = nhà.
Cụm từ “Nhà nước Pháp quyền” của Việt Nam trở thành một cụm từ “ba rọi”, nửa Nôm nửa Hán, tương tự “lính thủy đánh bộ” (lính, đánh là chữ Nôm; thủy, bộ là tiếng Hán Việt). Đây là lối dịch hạch, đánh dấu một sự xuống cấp thê thảm trong ngành dịch thuật của Việt Nam.
Bi hài kịch thê thảm khác nữa là từ “Pháp trị” (trong Quốc gia Pháp trị của Trung Quốc) được Việt Nam đổi thành “pháp quyền” trong “nhà nước pháp quyền”.
“Pháp trị” vốn là một thuật ngữ pháp lý, bắt nguồn từ thời nhà Tần bên Trung Quốc, có nghĩa là “dùng pháp luật để cai trị”. Các quốc gia ảnh hưởng văn minh Trung Hoa (Nhật, Hàn, Đài Loan, VNCH trước 1975) sử dụng thuật ngữ (khái niệm) “Pháp trị” để chuyển dịch thuật ngữ (khái niệm) “Rule of Law” của Anh (và Mỹ). Nhiều luật gia cho rằng từ “pháp trị” có thể bị hiểu là “rule by law”. Vì vậy họ đề nghị từ “dụng pháp trị” để chỉ “rule by law” và “Dân chủ Pháp trị” hay “Pháp trị” để chỉ “Rule of Law”.
“Pháp quyền” là gì? Pháp có thể hiểu là pháp luật, tương đương với từ “droit” trong tiếng Pháp.
Còn chữ “quyền”? Chữ “quyền” có ít nhứt 4 ý nghĩa mà mỗi ý thuộc về một lãnh vực (luạt học) khác nhau. 1/ Quyền trong “quyền lực – power, droit”. 2/ Quyền trong “nhân quyền” – right, droit”. 3/ Quyền trong luật lệ “pháp quyền – jurisdiction, juridiction”. 4/ Quyền có nghĩa là “quyền biến”, hiểu sao cũng được.
Vậy “pháp quyền” có nghĩa là gì? Chữ “quyền” có tới 4 nghĩa khác nhau thì từ “pháp quyền” là môt từ vô định.
2/ Bi hài kịch thằn lằn rụng đuôi
Hiến pháp Việt Nam 2013, Điều 2 khoản 1 qui định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.
“Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” là một “khái niệm” xây dựng “quốc gia xã hội chủ nghĩa” trên nền tảng các hệ thống luật XHCN.
Vì là một cụm từ thuộc về “khái niệm”, các từ trong cụm từ này không thể tách rời.
Khai niệm “Etat de Droit” của Pháp ta không thể tách chữ “Etat”, hay chữ “Droit” ra ra khỏi cụm từ “Etat de Droit” rồi tự tiện gán cho các từ này một ý nghĩa khác.
Tách rời “Xã hội chủ nghĩa” ra khỏi “nhà nước pháp quyền” sự ngộ nhận sẽ cực kỳ lớn. Việc này sẽ tạo ra sự nhập nhằng giữa hai mô hình xây dựng quốc gia, một là “Etat de Droit” thuộc chế độ dân chủ tự do và một là độc tài cộng sản Mác xít Lê Nin nít.
Từ khi ông Đỗ Mười cóp nhặt tư tưởng “quốc gia pháp trị xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc” của Trung Quốc, trí thức Việt Nam, trong và ngoài nước, mỗi người có một cách hiểu khác nhau về nội hàm “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” của Việt Nam.
Không biết đến nay (tới hạn năm 2020) cái gọi là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” đã được “định hình” cụ thể hay chưa?
Theo tôi là chưa. Bởi vì cái gọi là “xã hội chủ nghĩa” của Việt Nam, thay vì được xác định là XHCN của Mác Xít Lê Nin nít. Nay đã thành vô tưởng vì “không biết trăm năm nữa xây dựng được hay chưa”. Huống chi nó còn “lai tạo – hybride” kiểu “xăng pha nhớt”, trở thành “kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
Qua Hội nghị trung ương XIII vừa rồi ta thấy ông Trọng đề cập tới “đức trị”. Bề mặt ta thấy đảng CSVN vẫn loay hoay đi tìm một mô hình chính trị, một chế độ chính trị đứng đắn để tiêu diệt tham nhũng. Bề trong thì mọi thứ đều rập khuôn tư tưởng của Trung Quốc, mà thực chất là của Tập Cận Bình: “đảng lãnh đạo, chủ quyền thuộc về nhân dân, ỷ pháp trị quốc và đức trị”.
Học giả Việt Nam “mỗi người mỗi ý”. Khái niệm “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” không chỉ diễn giải “lung tung” mà ngôn từ còn bị cắt xén ra từng khúc.
Không biết từ khi nào cái đuôi “xã hội chủ nghĩa” bị rụng mất để trở thành “nhà nước pháp quyền”. Không mấy ai còn nhớ nội hàm “pháp chế xã hội chủ nghĩa” gắn liền với “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
Cái đuôi thằn lằn rụng đi thì mọi người cần nhớ là con thằn lằn vẫn là con thằn lằn.
Nhưng “bi kịch” về “luật học” của Việt Nam vẫn chưa chấm dứt lúc con thằn lằn đứt đuôi. Nó chỉ mới bắt đầu.
Một số học giả Việt Nam, trong ngoài nước, lại “chặt chân” con thằn lằn đứt đuôi kia. Cái râu ria “nhà nước” đơn thuần bị “cắt” đi. Từ “pháp quyền” được khai sinh thay thế “nhà nước pháp quyền” mà mỗi người “diễn giải” ý nghĩa “pháp quyền” theo cái cách của mình.
Pháp quyền là gì? Đố học giả Việt Nam nào định nghĩa được chữ “quyền” trong cụm từ “nhà nước pháp quyền”.
Tự điển Việt Nam hiện nay không có từ “pháp quyền”, theo ý nghĩa “mô hình xây dựng nhà nước trên luật pháp”.
(Trước 1975, Pháp quyền được sử dụng để dịch “juridiction”, tức là “quyền được xét xử, tức là “quyền tài phán”).
Không ai định nghĩa được “pháp quyền” là gì, chính xác là không ai có thể xác định được. Vì chữ “quyền” có rất nhiều nghĩa (vô định): thuộc về quyền lực, thuộc về pháp luật, quyền biến…
Con thằn lằn rụng đuôi thì vẫn là con thằn lằn. Tách “pháp quyền” ra khỏi “nhà nước”, “pháp quyền” có ý nghĩa là “pháp luật”. (Tây phương không ai tách chữ “Droit” ra khỏi “Etat de Droit” như học giả Việt Nam. “Etat de Droit”, cũng như “nhà nước pháp quyền” là từ “khái niệm”, một tập hợp chữ không thể tách rời. Tách ra “Etat” có nghĩa là “quốc gia hay nhà nước”, “droit” trở thành “pháp luật”. Hai chữ tách rời không có chút ý nghĩa nào liên quan đến “Etat de Droit”).
Nhưng việc tách “pháp quyền” ra khỏi “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, hệ thống luật lệ xây dựng nhà nước của Việt Nam trở thành một “bi kịch”.
Một bài viết mới đây của trí thức Việt Nam thấy xuất hiện cụm từ “dân chủ pháp quyền”. Bi kịch chồng lên bi kịch. Pháp quyền định nghĩa chưa xong lại nhặp nhằng vào đó khái niệm “dân chủ”.
Khái niệm về “dân chủ” ở Việt Nam chết đi sống lại, hết lên bờ rồi xuống ruộng nhiều lần. Ngôn ngữ chính trị của CSVN “lạm phát” việc sử dụng từ dân chủ. Điều ít ai nói tới nội hàm dân chủ ở đây là “dân chủ nhân dân”, cách nói khác của “dân chủ tập trung”.
Rốt cục “dân chủ pháp quyền” là gì vẫn không thấy ai nói tới!
No comments:
Post a Comment