Saturday, January 4, 2025

Châu Âu giám sát tàu ma của Nga, NATO chống phá hoại cáp biển
samedi 4 janvier 2025
Thuymy


Đăng ngày: 

Giọt nước tràn ly, Phần Lan tịch thu tàu Nga 

Một trong những chiếc tàu đã bị cảnh sát Phần Lan tịch thu hôm thứ Bảy 28/12 sau khi cắt cáp ngầm dưới biển Baltic. Rõ ràng là Nga đã quá trớn, vụ này giúp Phần Lan có lý do để chống lại đoàn tàu ma của Matxcơva. Hải quân đã cho kéo về cảng chiếc tàu dầu Eagle S bị nghi ngờ dùng neo cắt đường cung cấp điện chiến lược giữa Phần Lan và Estonia để điều tra. Tàu mang cờ quần đảo Cook, chở xăng không pha chì của Nga.

Ủy ban Châu Âu lập tức hoan nghênh động thái của Phần Lan và loan báo ý định trừng phạt những con tàu loại này. Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo nói đây là « thêm một sự cố trầm trọng trong hàng loạt vụ đã quá nhiều ». Trong năm qua có ít nhất bốn tuyến cáp viễn thông hoặc dẫn điện, và một ống dẫn khí bị phá hoại ở biển Baltic, mỗi lần như vậy các tàu Nga hay Trung Quốc đều bị nghi ngờ. Le Monde cho biết thêm, chiếc Eagle S rời cảng Oust-Louga hôm 24/12, và tàu Yi-Peng-3 cũng quá cảnh ở đây. Thủ tướng Orpo nhấn mạnh đây là lời cảnh cáo, kêu gọi có biện pháp đối phó với đoàn tàu ma của Nga.

Đoàn tàu ma đe dọa môi trường, vi phạm cấm vận

Sau khi xâm lăng Ukraina tháng 2/2022, Matxcơva đã mua lại hàng trăm tàu dầu cũ, sửa sang và cho treo cờ các nước khác, tên chủ tàu liên tục thay đổi, không thông báo vị trí hải hành.Elina Ribakova, nhà nghiên cứu của Trường Kinh tế Kiev cho biết « Riêng trong tháng 10, đã có 111 tàu ma chở dầu thô rời các cảng Nga », và ước tính 85 % dầu lửa Nga được xuất đi bằng cách này. Các « tàu ma » sang mạn ngoài khơi xa cho những tàu hợp pháp. Các nước bị trừng phạt như Venezuela hay Iran cũng đã dùng cách tương tự, nhưng Nga thực hiện với quy mô chưa từng thấy.

Có đến 84 % tàu dầu ma trên 15 tuổi, những con tàu già nua không bảo hiểm là nguy cơ cho môi trường biển châu Âu. Ngày 15/12, hai tàu dầu Nga bị chìm tại eo biển Kertch ở Hắc Hải, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến hiệu quả của cấm vận. Ngày 16/12, mười hai quốc gia bên bờ Baltic loan báo kiểm soát bảo hiểm đối với các tàu dầu di chuyển ở biển Manche, eo biển Grand Belt, giữa Đan Mạch, Thụy Điển và vịnh Phần Lan. Tình báo Phần Lan cho rằng Nga sẽ cho tàu chiến hộ tống, và như vậy thêm gia tăng căng thẳng.


Bảo vệ cáp ngầm đáy biển : Cuộc chiến giữa NATO và Nga

Nhìn rộng hơn, Le Monde giải thích « Các nước NATO tổ chức như thế nào để bảo vệ cáp ngầm dưới biển », sau vô số sự cố.Tờ báo coi đây là một cuộc chiến không tiếng súng trên biển giữa Nga và NATO. Từ vài tháng qua, nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng ở biển Baltic bị hư hại vì neo của các tàu đi qua quá gần. Dù khó thể xác định đó là phá hoại, NATO không còn tin chỉ là sự tình cờ và thứ Sáu 27/12 thông báo sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại vùng biển này. Bộ trưởng quốc phòng Estonia, Hanno Pevkur đề nghị có sự hợp tác song phương trong khi chờ đợi Liên minh.

Không chỉ tại biển Baltic, mà hoạt động của Nga cũng gia tăng tại Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Theo thông tin của Le Monde, có hai tàu Nga thường xuyên di chuyển theo tuyến cáp viễn thông. Đó là chiếc Kildin, tàu đánh cá lớn có khả năng nghe sóng điện từ, và chiếc Yantar, một tàu gián điệp hiện đại hơn nhiều. Tàu này từ đầu tháng 11 đã di chuyển dọc theo duyên hải Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, mà theo tiết lộ của một nguồn tin quân sự thì « đi theo đúng đường cáp ngầm dưới biển của châu Âu ». Tuy du hành trong hải phận quốc tế nhưng nay chúng bị hải quân các nước châu Âu thay phiên theo dõi chặt chẽ, và mỗi lần đến quá gần đường cáp thì nước liên quan điều chiến hạm đến.

Hải quân NATO ý thức được mối đe dọa từ khi Nga chiếm Crimée của Ukraina năm 2014. Từ đó đến nay, đã trang bị thêm nhiều phương tiện như robot điều khiển từ xa hay drone, giúp nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu bất thường. Nhưng đối với các tập đoàn viễn thông tư nhân quản lý những tuyến cáp, trong cuộc chiến tranh đa diện mà Nga đang tiến hành, khó thể xác định ngay một sự cố là tình cờ hay phá hoại. Người ta lo ngại trong tương lai sẽ có nạn nhân là dân thường, và việc lập lờ tránh né điều 5 của NATO. « Một hỏa tiễn bắn vào Vacxava sẽ khiến Liên minh phải trả đũa, nhưng làm gì đây trước một loạt vụ được khẳng định hay nghi ngờ là phá hoại ? »

Gazprom : Gót chân Achille của Putin

Trong khi đó Les Echos cho biết Gazprom là gót chân Achille trong chính sách ngoại giao khí đốt của Vladimir Putin. Những hợp đồng cuối cùng giữa Gazprom và châu Âu dường như là chủ yếu để tập đoàn này tồn tại, và Kremlin khó thể bỏ qua yếu tố này. Cái tên Gazprom quay trở lại trong những cuộc tranh luận về nguồn cung năng lượng sắp tới cho một số nước Đông Âu, với việc kết thúc hợp đồng trung chuyển sang Ukraina ngày 31/12, và loan báo ngưng cung cấp cho Moldova kể từ ngày 01/01/2025. Hai năm rưỡi sau khi khởi đầu cuộc xâm lăng, có một điều chắc chắn, đó là trừng phạt của châu Âu đã làm Gazprom thiệt hại rất nhiều. Năm ngoái, tập đoàn do Nhà nước Nga kiểm soát đã lỗ mất 6,4 tỉ euro, con số kỷ lục kể từ năm 1999 đến nay.

Giáo sư Thierry Bros của Sciences Po giải thích, đầu 2022, Gazprom theo lệnh của Kremlin, không bán khí đốt cho châu Âu, chấp nhận thua thiệt, nhưng nay tình thế đã khác. Tập đoàn đã giảm tất cả những chi phí có thể giảm được, hạn chế đầu tư, và nay khả năng duy nhất là sa thải nhân viên, tạo nguy cơ rối loạn xã hội. Nhưng Kremlin chừng như không muốn điều này xảy ra. Lần này Matxcơva có thể lắng nghe các nhà lãnh đạo của đơn vị khổng lồ có nửa triệu nhân viên và chiếm 8 % GDP Nga.

Theo ông Bros, mỗi quý Gazprom phải bán được 11 tỉ đô la khí đốt để cân bằng chi phí cố định. Thế nhưng hợp đồng với các nước khác trên thế giới không thể nào bù đắp nổi, và việc ngưng trung chuyển sang Ukraina khiến Gazprom mỗi năm thiệt mất 6,5 tỉ đô la. Trung Quốc đã có hợp đồng 38 tỉ mét khối khí qua đường ống Power of Siberia, không muốn mua thêm từ Nga, và Gazprom còn bị Bắc Kinh ép giá. Với Ấn Độ và Pakistan, ống dẫn khí phải đi qua những vùng đất phức tạp như Afghanistan, và thương lượng không tiến triển từ nhiều năm qua.

Tập đoàn còn phải trả giá về sai lầm chiến lược : Chỉ tập trung vào đường ống dẫn khí mà không quan tâm đến khí hóa lỏng GNL. Nhờ bán được cho châu Âu trong năm 2024, tình hình tài chánh của Gazprom khả quan hơn, tuy nhiên lượng khí đốt bán sang đến 2035 chỉ còn 1/3 so với trước chiến tranh. Nếu châu Âu đạt được mục tiêu không mua khí đốt Nga từ năm 2027, bài toán cho Gazprom sẽ rất khó giải quyết.


Hòa bình công chính cho Ukraina

Về quân sự, trả lời Libération, ông Andriy Yermak, cánh tay mặt của tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh : « Ukraina cần ở thế mạnh để nói chuyện ngang hàng với Matxcơva ». Còn ba tuần nữa ông Donald Trump nhậm chức, rất nhiều ý kiến được đưa ra nhằm thúc giục tham gia đàm phán, nhưng Kiev đặt ra điều kiện của mình. Ông Yermark khẳng định dù viện trợ Mỹ không còn nữa, dân tộc Ukraina vẫn tiếp tục chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, và công lý đứng về phía Kiev. Ba năm qua không phải là vô ích, và cần phải dẫn đến một nền hòa bình công chính, một nền độc lập dài lâu. Đối với Ukraina, đó là vấn đề tồn vong chứ không đơn giản là một vài vùng đất.


Syria : « Năm zéro trong tiến trình đi tìm công lý »

Những thách thức của kinh tế thế giới trong năm 2025, một loạt từ ngữ đánh dấu những sự kiện lớn trong năm 2024, Hoa Kỳ là trung tâm thị trường tài chánh quốc tế, tình hình Syria và giải pháp cho đảo Mayotte của Pháp sau bão, là những chủ đề chiếm trang nhất báo chí Pháp hôm nay. La Croix chạy tựa trang nhất « Cuộc tìm kiếm công lý ». Sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ Bachar Al Assad nhất định sẽ khiến Syria đi vào lịch sử. Nhưng nỗi vui mừng lật đổ nhà độc tài khát máu nhanh chóng được thay bằng một loạt nghi ngại. Những ông chủ mới của Damas thực chất là như thế nào ? Và loại quyền lực nào sẽ được họ thiết lập, một chế độ dân chủ hay Hồi giáo ?

Trong thời kỳ chuyển tiếp này, chính quyền mới phải khởi đầu công cuộc hòa giải và tạo tình đoàn kết. Trong tiến trình này, số phận của thiểu số Alaouite và cộng đồng Công giáo sẽ được các quan sát viên quốc tế theo dõi chặt chẽ. Và để đạt đến sự hòa hợp, cần thiết lập một nền tư pháp thực sự, để xét xử những kẻ gây ra tội ác trong những năm qua, mà hàng đầu là nhà cựu độc tài đã đào tẩu sang Nga. Tuy nhiên không nên đưa đất nước vào vòng xoáy trả thù tai hại. Từ khi phe Al Assad chạy trốn, người Syria đã phát hiện được nhiều hố chôn tập thể. Với 150.000 người « mất tích », sẽ mất nhiều thập niên để nhận dạng các nạn nhân của chế độ.


Erdogan, nhà bảo trợ của Syria hậu Assad ?

Theo Le Figaro, Thổ Nhĩ Kỳ được hưởng lợi nhiều và hy vọng đóng một vai trò quan trọng tại Syria. Ngày 29/01/2014, tổng thống Recep Tayyip Erdogan khi lên án việc Bachar Al Assad thảm sát dân Syria, thề rằng một ngày nào đó sẽ đến đền thờ Omeyyades ở Damas để cầu nguyện. Điều ước này sắp thành sự thật.

Từ khi chế độ Damas sụp đổ, viên chức nước ngoài đầu tiên được thủ lãnh nổi dậy Hayat Tahrir Al-Cham (HTC) mời uống trà tại Dinh tổng thống là Hakan Fidan, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ. Ayse Seyidoglu, phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ cao trong chính quyền mới là người song tịch Syria-Thổ Nhĩ Kỳ ; tân ngoại trưởng Assaad Hassan Al-Chibani của chính phủ lâm thời từng học ở Istanbul.

HTC loan báo thỏa thuận với « tất cả các nhóm vũ trang » ở Syria để các nhóm này giải tán và hội nhập vào bộ quốc phòng, tuy nhiên không có FDS – bị Ankara coi là « khủng bố » vì có sự hiện diện của YPG, nhánh Syria của Đảng Lao động Kurdistan (PKK), kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ. Trước chuyến thăm chính thức, Recep Tayyip Erdogan tuyên bố « vui mừng nhìn thấy lá cờ Syria tự do bên cạnh cờ Thổ Nhĩ Kỳ ở Aleppo, Damas, Hama, Homs, Deraa và Manbij ». Chính ở thành phố Manbij miền bắc mà các dân quân thân Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng tấn công người Kurdistan.


Đập thủy điện khổng lồ ở Tây Tạng, nguy cơ lớn cho môi trường

Tại châu Á, Le Monde bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc thông qua dự án đập thủy điện khổng lồ ở cao nguyên Tây Tạng, có thể là quy mô nhất hành tinh. Đập Motuo có năng lực 60 gigawatt, gấp ba lần đập Tam Hiệp - lớn nhất thế giới hiện nay. Một đường hầm 20 km sẽ được đào xuyên qua ngọn núi Namcha Barwa (7.782 mét) của Himalaya, chuyển phân nửa lượng nước của con sông cao nhất thế giới cho các tua-bin, sau đó sông tiếp tục chảy sang Ấn Độ và Bangladesh. Trung Quốc không cho biết lịch trình và chi tiết, để đặt trước việc đã rồi, trước sự phản đối của Ấn Độ.

Hiện nay tại Tây Tạng có đến 193 đập thủy điện đã và sẽ được xây dựng. Đây là mối đe dọa lớn cho hệ sinh thái, tạo nguy cơ địa chấn, lở đất, lụt lội, giảm lượng nước và khiến nhiều người dân Tây Tạng phải di dời. Hôm 14/02, nhiều người đã tập hợp trước trụ sở chính quyền ở Dege (Tứ Xuyên) đòi hỏi ngưng dự án đập ở Kamtok làm 4.000 người mất nhà cửa, xóa bỏ hai xã và sáu tu viện trong đó có tu viện Wontoe từ thế kỷ thứ 13. Trong một video, người ta thấy những người Tây Tạng quỳ gối van xin, nhưng hàng trăm người sau đó bị bắt theo luật « an ninh quốc gia » và đến nay vẫn còn một số bị giam giữ.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20241231-ch%C3%A2u-%C3%A2u-gi%C3%A1m-s%C3%A1t-t%C3%A0u-ma-c%E1%BB%A7a-nga-nato-ch%E1%BB%91ng-ph%C3%A1-ho%E1%BA%A1i-c%C3%A1p-bi%E1%BB%83n




No comments:

Post a Comment