Saturday, October 19, 2024

Vì sao Tổng Bí thư, Chủ tịch nước VN Tô Lâm phát đi thông điệp ‘chống lãng phí’?
VOA Tiếng Việt
19/10/2024
VOA

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam tại một sự kiện khi ông thăm Ireland hồi đầu tháng 10/2024.


Ông Tô Lâm, hiện đang chính thức đứng đầu cả Đảng Cộng sản lẫn nhà nước Việt Nam, đưa ra bài viết về chống lãng phí hôm 13/10. Hai nhà trí thức cao tuổi ở trong nước mới đây nhận định với VOA về lý do ông Lâm nhắm đến vấn đề đó vào thời điểm hiện nay.

Như VOA đã đưa tin, bài viết với nhan đề “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm đã được truyền thông nhà nước đăng rộng rãi cách đây ít ngày. Trong bài, ông Lâm nêu những giải pháp chính, đứng đầu là phải coi đấu tranh phòng, chống lãng phí là “cuộc chiến chống giặc nội xâm” và nó “có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Bên cạnh đó, theo ông Lâm, cần “hoàn thiện” và “triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí”, đi kèm với “xử lý nghiêm” các cá nhân, tập thể “gây thất thoát, lãng phí tài sản công”. Việc soạn, sửa và thực thi luật về vấn đề này cũng cần phải “đổi mới mạnh mẽ”, song song với “cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính” và “chống bệnh quan liêu”, ông Lâm nêu ra.

Một điểm nữa được ông nhấn mạnh là cần “tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Hai nhà trí thức cao tuổi Mạc Văn Trang ở thành phố Hồ Chí Minh và Nguyễn Đình Cống ở thủ đô Hà Nội nói trong những cuộc phỏng vấn riêng rẽ với VOA hôm 17/10 rằng nhà lãnh đạo Tô Lâm hô hào chống lãng phí là điều được nhân dân mong đợi và ủng hộ, song việc này sẽ chỉ là một vòng luẩn quẩn nếu Việt Nam không đổi mới thế chế và cho nhân dân có nhiều quyền tự do, dân chủ hơn.

VOA cố gắng liên lạc với ông Tô Lâm để tìm hiểu thêm nhưng không kết nối được.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang, 86 tuổi, nhận định với VOA rằng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm công bố bài viết về chống lãng phí ở thời điểm này vì muốn thể hiện rằng ông ấy khác với người tiền nhiệm - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - đã qua đời hồi tháng 7:

“Ông Tô Lâm phải tạo ra hình ảnh mới, phương thức lãnh đạo mới, quản lý mới. Ông ấy muốn không phải là cái bóng của ông Nguyễn Phú Trọng mà phải là người có đổi mới, có sáng tạo. Ông ấy nói là kỷ nguyên mới, tức là đổi mới, thay đổi ghê lắm. Ông ấy đưa ra mấy cái đó được dân chúng ủng hộ lắm. Một là chống tham nhũng quyết liệt hơn và nhanh gọn hơn trước, thứ hai là chống lãng phí thì cũng rất đúng”.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống, 87 tuổi, đồng ý rằng có thể ông Tô Lâm mới nhậm chức vài tháng nên cần tạo ra dấu ấn về sự khác biệt, đổi mới, nhưng ông Cống cho rằng không nên trông đợi quá nhiều:

“Ông Tô Lâm nói về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển của dân tộc, đã có nhiều người hưởng ứng và cho rằng kỷ nguyên mới phải là kỷ nguyên dân chủ hóa, nhưng chưa thấy ông ấy đụng chạm gì đến cả. Ông ấy chỉ nói chung chung thôi”.

Để củng cố cho lời nhận xét nêu trên, GS.TS. Nguyễn Đình Cống dẫn ra một điều mà ông quan sát thấy:

“Trước đây, người ta nói rằng ‘đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ’, thì ông ấy có nói ngược lại. Ông ấy bảo ‘nhà nước do nhân dân làm chủ, chính quyền quản lý và đảng lãnh đạo’, thì vẫn cả 3 cái, không có gì là thay đổi cả. Ông ấy chưa nói đến nhà nước Việt Nam quá cồng kềnh vì 3 cấp, thì phải đơn giản hóa nó đi”.

Do sự cồng kềnh đó, theo ông Cống, người dân và doanh nghiệp phải “bôi trơn” cho chính quyền – hàm ý về việc hối lộ, đút lót để giải quyết công việc – cũng như xảy ra tình trạng lãng phí trong khu vực công. Vị giáo sư-tiến sĩ bình luận thêm:

“Chống tham nhũng bằng việc ‘đốt lò’ của ông Trọng và bây giờ ông Tô Lâm tiếp tục chỉ là hình thức thôi, không có tác dụng. Phải có cuộc cách mạng mạnh mẽ thì may ra mới cải thiện được. Chứ còn Việt Nam thì ông [lãnh đạo] nào nói cũng hay nhưng làm rất kém”.

Cuộc cách mạnh mà ông Cống đề cập đến là “phải đổi mới chính trị, đổi mới thành thể chế khoan dung, bao hàm và dân chủ”, ông nói với VOA.

PGS.TS. Mạc Văn Trang không phủ định hoàn toàn công cuộc ‘đốt lò’, vì dưới góc nhìn của ông, sinh thời, TBT Nguyễn Phú Trọng đã hành động “rất quyết liệt” với một số kết quả chấn động là “cho thôi chức cả chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, thường trực Ban Bí thư, phó thủ tướng, một loạt bộ trưởng…”.

Nhưng theo ông Trang, vấn đề mấu chốt là chính cơ chế một đảng nắm toàn quyền lãnh đạo sinh ra tham nhũng, lãng phí, tiếp đến, tự đảng lại đi trừng trị tham nhũng, lãng phí theo từng đợt mà thường là chậm trễ, rồi lại phát sinh, rồi lại xử lý, và ông nhận xét là “có gì đó rất bí”.

Cũng như ông Cống, ông Trang kêu gọi cho một cơ chế dân chủ hơn:

“Làm sao có tam quyền phân lập, có xã hội dân sự, có tự do ngôn luận, được nhân dân giám sát, như vậy việc chống tham nhũng, lãng phí được giám sát thường xuyên, sẽ xử lý thường xuyên, thì không để tồn đọng như ông Nguyễn Phú Trọng giải quyết vừa qua và ông Tô Lâm giải quyết hiện nay. Nó tồn đọng lâu quá. Nhiều người hy vọng có thay đổi từ bên trên”.

Trong các bài diễn văn và phát biểu gần đây của TBT-CTN Tô Lâm, ông nhiều lần nhắc đến việc Việt Nam bước vào “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Một bài đăng trên báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 4/10 nói rõ thêm rằng Đại hội 13 của đảng vào năm 2021 đã vạch ra “mục tiêu vươn mình” là đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, đồng nghĩa sẽ là nước công nghiệp hóa với thu nhập bình quân đầu người trên 12.050 đô la/năm.

Vẫn theo bài viết, để đạt mục tiêu, Việt Nam sẽ theo đuổi các chiến lược gồm “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, “phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo”, và “phát triển nhanh và bền vững”. Tuy nhiên, vấn đề dân chủ hóa hay cải cách thể chế chính trị không được đề cập tới, theo quan sát của VOA.

No comments:

Post a Comment