Friday, October 18, 2024

Trung Quốc mua ồ ạt rồi ngưng, giá cau Việt Nam lao dốc
VOA Tiếng Việt
18/10/2024
VOA

Cau là loại quả gắn với tục ăn trầu hàng ngàn năm của người dân Việt Nam. (Hình ảnh chỉ mang tính minh họa)


Giá cau Việt Nam đang “lao dốc không phanh” khi Trung Quốc ngừng mua sau thời gian tăng giá cao chưa từng thấy để đáp ứng nhu cầu của thương lái nước này, theo thông tin từ báo chí trong nước.

Giá cau tươi ngày 18/10 ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, vùng chuyên canh trái cau ở Việt Nam, chỉ còn 60.000 đồng/kg, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, tức đã giảm 25% chỉ sau hai ngày.

Tờ báo này dự báo giá cau sẽ còn giảm tiếp trong những ngày tới.

Giá cau trước đó đã tăng vọt lên mức kỷ lục 80.000-85.000 đồng/kg, có thời điểm đạt 95.000 đồng/kg, tức là cao gấp 3, gấp 4 lần so với giá mọi năm vốn chỉ vào khoảng 25.000-30.000 đồng/kg, theo ghi nhận của Lao động và Dân trí.

Ngoài huyện Sơn Tây, tại các vùng trồng cau khác của tỉnh Quảng Ngãi như Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức…, giá thu mua cau tại các lò sấy cũng đã giảm gần 20%, cũng theo Tuổi Trẻ.

Tờ báo này cho biết trước tình trạng cau rớt giá, các lò sấy trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang giảm hoặc thậm chí ngừng thu mua.

Điều này hoàn toàn trái ngược với thời điểm chỉ cách đó vài ngày khi mà các lò sấy đã tranh nhau mua cau tươi và phải hoạt động hết công suất. Theo ghi nhận của Lao động, các lò sấy cau ở huyện Hải Hậu của tỉnh Nam Định đã “hoạt động suốt ngày đêm” để đáp ứng nhu cầu thu mua cau sấy của thương lái Trung Quốc.

Trang Dân trí dẫn lời một chủ lò sấy ở huyện Ngọc Lặc ở tỉnh Thanh Hóa cho biết khi cau được giá, mỗi ngày bà thu mua gần 10 tấn cau tươi để sấy, thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi tháng, tạo việc làm cho 15 nhân công.

Vụ cau ở Việt Nam kéo dài từ tháng 8 đến đầu tháng 11, và các thương lái Trung Quốc đã tăng thu mua ngay từ đầu vụ, tức là từ tháng 7, và duy trì nhịp độ thu mua cho đến nay, theo báo chí trong nước.

Theo lời một thương lái địa phương thu gom cau cho phía Trung Quốc được Tuổi Trẻ dẫn lại thì phía Trung Quốc đột ngột ngừng mua vì nhiều công ty của họ đã đủ nguyên liệu để sản xuất kẹo cau.

“Phía Trung Quốc hiện đang ngừng nhập cau từ Việt Nam, họ chỉ còn nhập những lô cuối cùng mà họ đã cọc tiền cho các lò sấy cau ở Việt Nam trước đây. Những ngày tới khả năng cao là giá tiếp tục giảm hoặc Trung Quốc sẽ ngừng nhập,” người thương lái ẩn danh này được Tuổi Trẻ dẫn lời cho biết.

“Cau hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên hên xui lắm. Ớn nhất là đang giá cao thì họ không mua,” người thương lái này nói thêm.

Theo ghi nhận của Lao Động, sở dĩ Trung Quốc năm nay tăng thu mua cau của Việt Nam là do họ bị thiếu hụt nguyên liệu sau khi các vùng trồng cau của họ bị dịch bệnh hoành hành trong khi nhiều vùng trồng cau khác bị thiệt hại nặng do bão Yagi.

Còn Pháp Luật cho biết, khi cau tăng giá, đã xảy ra tình trạng nông dân bỏ các vụ mùa khác, nhất là cây ăn quả, để chuyển sang trồng cau.

Tờ báo này dẫn lời ông Đinh Xuân Sâm, chủ tịch huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi cho biết địa phương này đang kiểm soát chặt chẽ diện tích trồng cau và không khuyến khích người dân trồng cau một cách ồ ạt.

Ông Nguyễn Quang Trung, phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, cũng được Pháp luật dẫn lời cảnh báo rằng thị trường tiêu thụ cho trái cau “rất khó đoán”.

Trước đây, từng nhiều lần xảy ra tình trạng nông dân Việt Nam đổ xô đi trồng một loại cây nào đó do thương lái Trung Quốc tăng cường thu mua, chẳng hạn như lá nhãn, cau non, lá điều, móng trâu, hay ốc bươu vàng, nhưng sau đó phải chặt bỏ hoặc tận diệt khi Trung Quốc ngừng mua, gây ảnh hưởng cho các loại cây trồng khác và mùa màng.

Năm ngoái, thương lái Trung Quốc đã qua Việt Nam mua giun đất ồ ạt dẫn đến tình trạng trộm giun tràn lan ở các tỉnh phía bắc bằng cách kích điện, gây tai họa cho các vườn cây ăn trái.

Theo VTC, những vụ thu gom “kỳ lạ” của thương lái Trung Quốc đã tạo ra những cơn sốt ảo ở Việt Nam, để lại hậu quả nặng nề cho nông dân và nông nghiệp trong nước.

nghiệp trong nước.

Giá cau Việt Nam lao dốc vì thương lái Trung Quốc mua ồ ạt rồi ngưng

VOA: Xem videoVOA: Xem video

No media source currently available

0:001:291:01



    No comments:

    Post a Comment