Tuesday, October 22, 2024

Tân Tổng bí thư Tô Lâm – “Kỷ nguyên mới” có gì mới?
Bình luận của Huỳnh Trần
2024.10.21
RFA

Thủ tướng Phạm Minh Chính (trái) và Tổng bí thư Tô Lâm (phải) đến viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội hôm 21/10/2024 trước phiên khai mạc Quốc hội
Nhac NGUYEN / AFP


Sau gần ba tháng ‘chấp chính’ tân Tổng bí thư Tô Lâm đã có khởi đầu ‘suôn sẻ’ và, tuyên bố về ‘‘kỷ nguyên mới” và “đổi mới phương thức lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam (Đảng)” thể hiện mong muốn, mục tiêu và phương châm hành động cho thời kỳ cầm quyền của người đứng đầu Đảng. Nó khẳng định quan điểm ‘đảng trị’ nhưng ‘đổi mới phương thức lãnh đạo’… để bước vào “kỷ nguyên mới”

Phần hai
‘Kỷ nguyên mới’

‘Kỷ nguyên mới’ được nhiều lần nhấn mạnh trên nhiều diễn đàn. Đây là phát biểu ‘chính sách’ trong chuyến công du mới đây tới CH Ai Len: “… Đối với Việt Nam, đây là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút để kiến tạo kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; hiện thực hóa các mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045, và khát vọng xây dựng nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.”[1]

‘Kỷ nguyên mới’ cắt nghĩa cho việc tân Tổng bí thư Tô Lâm khởi đầu thời kỳ cầm quyền của mình thay vì một tuyên bố về quan điểm chính sách. Điều này lý giải cho một số ý kiến từ giới nghiên cứu và quan sát rằng không thấy đề cập về những nội hàm cần có trong ‘kỷ nguyên mới.’ Nó có thể coi như sự quyết tâm chính trị và lời kêu gọi chung, hướng tới các mục tiêu được phóng chiếu theo các mốc thời gian năm chẵn gắn với ngày ra đời của Đảng (1930) và thành lập Nước (1945) với những ‘khát vọng’ của các nhà sáng lập chế độ. Chẳng hạn, sẽ trở thành nước có thu nhập cao vào năm nào đó trong tương lai.

Cách mô tả kỷ nguyên mới là “vươn mình” sẽ tập trung về tăng trưởng kinh tế. Đây là chỉ tiêu tổng quát và dễ nhận biết, có thể lượng hoá và có thể đạt được bằng nhiều cách kể cả việc huy động nguồn lực tối đa trong thời gian ngắn và xem nhẹ tính hiệu quả, tính bền vững. Ông thủ tướng Chính phủ được Đảng phân nhiệm điều hành lĩnh vực kinh tế. Từ đầu nhiệm kỳ ĐH 13 người ta thấy ông ấy ‘năng nổ’ như ‘tư lệnh mặt trận’ và, cùng với thường trực Chính phủ trung ương tháo gỡ ‘khó khăn, vướng mắc’ cho các công trình giao thông trọng điểm, như dự án đường dây 500kV mạch 3 (từ Quảng Bình đến Hưng Yên), sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai… và thúc đẩy các dự án đầu tư công, đặc biệt ở nhiều địa phương tỉnh... Ông ấy kêu gọi hãy “cùng nhau xây dựng các công trình tầm cỡ đánh dấu sự vươn mình của đất nước.”[2]….

Hiện tại, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam là ‘quyết tâm chính trị’ của Đảng, Bộ Chính trị, Ban chấp TƯ đã “nhất trí cao” và nay đưa ra kỳ họp 8, Quốc hội khoá 15 đã khai mạc ngày 21/10. Dự án này được Nhà nước tuyên truyền rầm rộ nhưng dây là dự án đang gây nhiều quan ngại, không chỉ về quy mô 70 tỷ đô-la Mỹ và đến năm 2035 mà chủ yếu về tính khả thi và tính hiệu quả. Mặc dù không gian mạng xã hội bị giới hạn nhưng đã có những ý kiến ‘phản biện’ mang tính xây dựng, chẳng hạn bài viết tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu trên Facebook nhận được nhiều bình luận ủng hộ. Ngoài ra, 17 nhà chuyên môn, kỹ sư giao thông đường sắt đã có thư góp ý về đề án ‘khủng’ này, sau tham dự một hội thảo “Lấy ý kiến về dự thảo Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam” vào ngày 7/11/2023 do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức, nhưng không được công khai… Phần nào các ý kiến này đã phản ánh niềm tin giảm sút về thực trạng những gì đang diễn ra đối với những dự án đường sắt: dang dở, kéo dài và đội vốn nhiều lần. Ngoài ra, đã có một tiền lệ là Quốc hội khoá 12 dưới thời cố Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đã ‘không thông qua’ đề xuất một dự án đường sắt Bắc – Nam vào năm 2010.[3] Sau hơn 10 năm đề án mới ‘tham vọng’ hơn nhiều đang được thảo luận tại Quốc hội 15. Trong bối cảnh ‘thiếu vắng không gian phản biện và nhiều lãnh đạo ‘im lặng chờ thời’ liệu dự án này sẽ được thông qua?

_____________




______________

So sánh ‘hơn kém’ giữa nhiệm kỳ khác nhau dưới thời của các lãnh đạo khác nhau là điều cấm kỵ và, nếu có thể, sẽ là bí mật nội bộ Đảng. Tuy nhiên, sự cảm nhận của người dân và các nhà quan sát về thực trạng đất nước theo thời gian thực là một kênh quan trọng. ‘Kỷ nguyên mới’ được ngầm hiểu sự cam kết kế thừa nhưng sẽ làm tốt ‘hơn’ người tiền nhiệm. Sự khác biệt tạo ra sự hy vọng trong bối cảnh phức tạp hiện nay. Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được Đảng ca ngợi là “nhà lý luận xuất sắc,”[4] ông ấy từng muốn ‘lý luận’ trở thành một trong tiêu chuẩn cho cương vị tổng bí thư Đảng, nhưng đã không kịp ‘bồi dưỡng’ người kế nhiệm mình khi qua đời ở giữa nhiệm kỳ thứ ba cầm quyền. Giới nghiên cứu đã đặt vấn đề liệu di sản, được in thành sách theo các chủ đề như ‘mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam’, về chiến dịch ‘đốt lò’ hay ‘ngoại giao cây tre’…, nhưng vẫn ‘dở dang’ sẽ tiếp tục thực hiện thế nào?

Gốc gác là viên tướng đầu ngành an ninh là cơ sở cho suy đoán rằng vị tân Tổng bí thư Đảng sẽ là người lãnh đạo ‘thực dụng’, ông Tô Lâm sẽ tiếp cận khác người tiền nhiệm đối với thực tế thay vì sa vào những vấn đề ‘lý luận’ mang tính thử nghiệm của học thuyết Mác, vận dụng cho mô hình Liên Xô trước đây và đã thất bại. Và hiện tại mô hình Trung Quốc đang thử nghiệm và Việt Nam học theo. Tạo sự khác biệt để thành công cần có sự thay đổi mạnh mẽ, trong đó hai vấn đề quan trọng. Thứ nhất, liệu ông ấy tránh được ‘chông gai’ (giáo điều) trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thế nào để xây dựng ‘kỷ nguyên mới’? Thứ hai, minh bạch và thể chế hoá mối quan hệ trong cơ chế “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân là chủ” thế nào?

Sự giáo điều CNXH ‘quá thái’ khiến nhiều cơ hội ‘vươn mình’ trong quá khứ bị bỏ lỡ, chuyển đổi kinh tế thị trường bị kìm hãm, siết chặt kiểm soát xã hội, cấm đoán quyền cơ bản của công dân được hiến định. Đức trị ‘quá thái’ khiến quan chức nhờn bỡn, luật pháp không nghiêm và bị lợi dụng, phân biệt đối xử giữa quan và dân… Hậu quả là động lực, nguồn lực vật chất và tinh thần đều không được phát huy. Ngoài ra, mối quan hệ ‘phức tạp’ giữa Đảng và Chính phủ dưới thời cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những nguyên nhân bất ổn chính trị, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là ‘một di sản nữa’ sẽ cũng là thách thức đối với người kế nhiệm.
 














Thừa nhận vấn đề là khởi đầu, nhưng lay chuyển ‘di sản’ để đổi mới là việc khó khăn. Tổng bí thư Tô Lâm kêu gọi “đổi mới phương thức lãnh đạo” của Đảng.[5] Thay vì ‘chờ’ tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương ban hành các nghị quyết hay ra quyết định, ông Tô Lâm đã cá nhân hoá một số vấn đế bằng các bài viết của mình. Mới đây, hôm 20/10 ông có bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”[6] nhấn mạnh thượng tôn pháp luật tạo nên pháp luật. Và trước đó ông ấy viết về “Chống lãnh phí”[7] và v.v. Những bài viết này chứa đựng các thông điệp được ‘cá nhân hoá’ liệu có phản ánh sự khởi đầu cho “đổi mới phương thức lãnh đạo” của Đảng?

Tổng bí thư Tô Lâm đang thể hiện là lãnh đạo ‘thực dụng’, trong bối cảnh duy trì đảng trị nhưng đã tỏ rõ sự cứng rắn, quyết đoán. Có ý kiến ông sẽ phải trở thành ‘độc đoán’ để cải cách và thúc đẩy hệ thống chính trị đang trì trệ và kém hiệu năng. “Kỷ nguyên mới” là mục đích và phương tiện là “phương thức lãnh đạo của Đảng” nhưng phải “đổi mới” – đây là việc quảng bá nhấn mạnh vào hành động thực tế nhưng không thể là triết lý lãnh đạo mới. Hãy tự an ủi: sau ‘độc đoán’ sẽ là ‘dân chủ’ như kiểu Hàn Quốc hay Đài Loan trước kia!

Tham khảo:

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Tin, bài liên quan

No comments:

Post a Comment