Sunday, October 20, 2024

Quan hệ giữa Trump và Putin được hé lộ trong cuốn sách điều tra của nhà báo Mỹ
Chi Phương
Đăng ngày: 19/10/2024 - 12:00
RFI

Trong bối cảnh châu Âu muốn siết chặt chính sách nhập cư, nhiều người Maroc, vẫn tìm cách vượt biên trái phép vào khối 27 nước. Tại Cisjordanie, lực lượng chiếm đóng Israel chặt phá cây oliu của người Palestine bất chấp mùa thu hoạch. Vài tuần trước bầu cử tổng thống Mỹ, quan hệ giữa Donald Trump và Vladimir Putin được hé lộ trong một cuốn sách. Giải Nobel Văn Học của nữ nhà văn Han Kang thúc đẩy doanh số bán sách. Trên đây là những chủ đề chính trong tạp chí thế giới đó đây tuần này.

Ảnh minh họa cựu tổng thống Mỹ Donald Trump và nguyên thủ Nga Vladimir Putin. SPUTNIK/AFP/File


Tại Hoa Kỳ, chỉ còn vài tuần nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống, một cuốn sách của nhà báo điều tra Bob Woodward, ra mắt công chúng hôm 15/10 vừa qua đã thu hút sự chú ý của công luận.

Từng là tác giả tiết lộ vụ bê bối chính trị Watergate, khiến tổng thống Richard Nixon phải từ chức, nhà báo Bob Woodward lần này hé lộ những mối quan hệ của tổng thống Donald Trump và Joe Biden với các lãnh đạo nước ngoài, trong cuốn sách với tựa đề « War » - « Chiến tranh ». Đáng chú ý nhất là mối quan hệ giữa ông Trump và nguyên thủ Nga, Vladimir Putin.

Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :

« Vào năm 2020, đại dịch Covid-19 lan rộng trên khắp hành tinh. Các nhân viên y tế bỏ mạng trong bệnh viện. Lúc đó vẫn chưa có vac-xin và có rất ít xét nghiệm để phát hiện bệnh, ngay cả tại Mỹ.

Là chủ nhân Nhà Trắng thời điểm đó, Donald Trump đã gửi các thiết bị xét nghiệm Covid trực tiếp cho đồng nhiệm Nga, Vladimir Putin. Trong cuốn sách, nhà báo Bob Woodward cũng trích dẫn một cộng sự của Donald Trump để xác nhận rằng ông Trump có liên hệ trực tiếp với Vladmir Putin sau khi rời Nhà Trắng. Theo nguồn tin này, có ít nhất 7 cuộc điện đàm giữa hai bên từ năm 2021. Kể từ khi thông tin này được tung ra, Donald Trump và đội ngũ của ông đã lên án, coi đó là bịa đặt và gây nghi ngờ danh tiếng của Bob Woodward.

Ban vận động tranh cử của bà Harris, đối thủ của Donald Trump, thì coi những thông tin này có thể khiến ứng viên đảng Cộng Hòa không đủ tư cách để làm tổng thống. Phe Dân Chủ cũng bị những tiết lộ của nhà báo Bob Woodward, ảnh hưởng đến danh tiếng, đặc biệt là liên quan đến việc giải quyết khủng hoảng Gaza của Joe Biden và mối quan hệ phức tạp với Benjamin Netanyahu. Cuốn sách xác nhận những thông tin bị rò rỉ trên báo chí cách nay nhiều tháng về việc tổng thống Hoa Kỳ lăng nhục thủ tướng Israel. Nhà Trắng không chính thức bác bỏ thông tin này nhưng nói về một mối quan hệ trung thực và thẳng thắn trước đây».

Tại Cisjordanie, cây oliu bị chặt phá ngay trước vụ thu hoạch

Trong tuần vừa qua, cuộc chiến tại Trung Đông vẫn là chủ đề khiến công luận quốc tế quan tâm. Israel tiếp tục thực hiện các cuộc oanh kích thường nhật vào nhiều khu vực tại Gaza, từ bắc chí nam, và vừa tuyên bố đã triệt hạ được thủ lĩnh của Hamas Yahya Sinouar vào hôm qua, 17/10/2024. Đồng thời Israel cũng bị cáo buộc áp dụng chiến lược « bỏ đói », để « giảm dân số Gaza » khi ngăn chặn hàng viện trợ đến dải dất với hơn 2 triệu người Palestine.

Tại vùng Cisjordanie (Bờ Tây) vùng lãnh thổ của người Palestine bị Israel chiếm đóng, vụ thu hoạch quả oliu đã bắt đầu từ khoảng đầu, giữa tháng 10. Đây là thời điểm quan trọng đối với người Palestine, bởi đây là kế sinh nhai của 80 000 đến 100 000 hộ gia đình. Thế nhưng kể từ khi Hamas tấn công vào Israel, Nhà nước Do Thái đã thắt chặt các biện pháp an ninh đối với người Palestine tại khu vực này. Từ thành phố Qusra, thông tín viên Nicolas Feldmann cho biết thêm thông tin :

« Ẩn sau các tán cây oliu, ông Ali đập mạnh vào các cành cây để quả oliu rụng xuống một tấm bạt lớn được dải trên đất. Ông cho biết : « Đây là những cây oliu của chúng tôi, là biểu tượng của Palestine, năm nào chúng tôi cũng đến đây. Mùa vụ năm nay khá ổn vì chúng tôi được làm việc trên đất của chúng tôi ».

Tuy nhiên, có một khu vực mà những người Palestine không thể tiếp cận được nữa. Một người Palestine khác, ông Abdel Azim Wadi chỉ cho chúng tôi về phía một trong những mảnh đất của ông ấy, gần với nơi chiếm đóng Mighdalim do Israel dựng lên. Ông Addel không thể đến đó nữa, vì theo ông ‘những kẻ chiếm đóng sẽ đến và đánh đập ông’. Các cây oliu đã bị chặt phá cách nay vài ngày.

Ông nói : « Hãy nhìn xem, trong video này, họ đã cắt các cây oliu của chúng tôi. Tổng cộng là 107 cây oliu của tôi và của hàng xóm. Những người định cư Do Thái muốn chiếm đất của chúng tôi. Trước ngày 07/10, chúng tôi đến đây khi chúng tôi buồn, chúng tôi cảm thấy được yên lòng ở đây, nhưng hiện giờ chúng tôi đến cùng với nỗi sợ hãi.

Tại khu vực này, Israel cũng áp đặt các hạn chế di chuyển. Theo văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hiệp Quốc, kể từ ngày 07/10/2023, một nửa số nông dân Palestine không thể thu hoạch oliu.

Một nông dân cho biết : « Chúng tôi lo lắng trước hết là vì không biết khi nào có thể kết thúc vụ thu hoạch, chúng tôi cũng không biết liệu có bán được quả oliu hay không. Họ đã ngừng cấp giấy phép lao động đến Israel, các nhân viên của chính quyền Palestine không có lương. Tôi không thể tính trước được tương lai sẽ ra sao, cuộc sống của chúng tôi hiện rất khổ sở ».

Theo Abdel Azim, không còn hy vọng gì đối với việc giáo dục con cái hay thấy chúng lập gia đình, mà chỉ mong các con ông có thể sống sót.

Nhiều người Maroc vẫn tìm cách vượt biên trái phép vào châu Âu

Về thời sự châu Âu, các lãnh đạo châu Âu đã họp tại Bruxelles trong hai ngày, 17-18/10/2024, với trọng tâm là vấn đề nhập cư. Sau cuộc họp hôm thứ Năm, Hội Đồng Châu Âu đã kêu gọi ‘có hành động cụ thể để tạo điều kiện, gia tăng và đẩy nhanh việc trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp’ ra khỏi Liên Âu, đồng thời kêu gọi Ủy Ban Châu Âu nhanh chóng đưa ra luật mới để thắt chặt chính sách nhập cư vào khối.

Đối với công dân tại nhiều nước, đặc biệt là từ các nước châu Phi như Maroc, việc xin visa hợp lệ vào Schengen vốn đã khó, nay càng khó hơn. Từ Casablanca, thông tín viên François Hume-Ferkatadji cho biết thêm thông tin :

« Ahmed năm nay 14 tuổi. Sau khi tan học tại một ngôi trường ở Tanger, cậu thường đến một trung tâm văn hóa ở khu phố và tham gia diễn kịch. Từ nhiều năm qua, cậu đã chuẩn bị cho hành trình đến Tây Ban Nha hoặc Pháp.

Cậu nói : « Tôi thực sự muốn rời đi, vì muốn phát triển, muốn cải thiện bản thân, muốn học… mà muốn làm những điều này ở Maroc thực sự là phức tạp vì trình độ không tốt. Tôi sẽ học tốt hơn ở đó, có nhiều cơ hội việc làm hơn. »

Có hàng ngàn người trẻ muốn làm điều tương tự như Ahmed ở Maroc. Nhưng không phải ai cũng xin được visa để du học, hay làm việc hoặc du lịch ở châu Âu. Maroc là nước thứ hai trên thế giới có nhiều hồ sơ xin visa đến Pháp bị từ chối nhiều nhất. Do vậy, một số đã tìm cách đến Pháp bằng con đường bất hợp pháp.

Một cư dân ở Fnideq, thành phố miền bắc đất nước, cho biết đã chứng kiến vào tháng trước cảnh người dân cố gắng vượt biên từ Maroc đến vùng Ceuta của Tây Ban Nha. Hơn 3000 thanh niên Maroc đã cố gắng đến vùng lãnh thổ này của châu Âu. Ông nói : ‘Tôi hiểu là những người trẻ này thấy cuộc sống ở đây quá khó khó khăn cho họ, không có khả năng để học tập tốt hay kiếm sống một cách đúng nghĩa. Ở đây, họ gặp rất nhiều khó khăn. Con trai tôi cũng đã vượt biên bất hợp pháp và hiện đang ở Madrid, Tây Ban Nha’.

Vào năm 2021, Pháp đã quyết định giảm một nửa số visa cấp cho người Maroc, và điều này đã dấy lên căng thẳng giữa hai nước. Tuy nhiên, Paris đã quyết định bãi bỏ quyết định này một năm sau đó. »

Giải Nobel văn học của Han Kang thúc đẩy doanh số bán sách tại Hàn Quốc

Nhìn sang châu Á, giải Nobel Văn Học được trao cho Han Kang, nhà văn người Hàn Quốc Han Kang vào tuần trước. Một tuần sau, hiệu ứng « Han Kang » vẫn lan rộng tại thủ đô Hàn Quốc, các khách hàng chen chúc nhau trong các hiệu sách, tìm đọc Han Kang. Doanh số của một số chuỗi hiệu sách đã tăng mạnh.

Từ Seoul, thông tín viên Célio Fioretti cho biết tình hình cụ thể :

« Tại một hiệu sách lớn ở trung tâm thủ đô Seoul, các khách hàng tập trung trước những tấm áp phích in hình nhà văn Han Kang. Một ngày sau khi giải Nobel Văn Học được thông báo, chuỗi hiệu sách lớn của Hàn Quốc đã bán ra hơn 100 000 ấn phẩm, gồm nhiều tác phẩm khác nhau của nhà văn Kang. Đối với những khách hàng mua sách, đây là dịp để khám phá những câu văn đầu tiên của bà. Một người phụ nữ cho biết : « Em trai tôi đã đọc sách của bà và nói rằng rất thú vị. Tôi cũng biết nhiều hơn nhờ theo dõi tin tức, do đó, tôi rất tò mò và đã đến đây để mua sách của bà ».

Một nữ khách hàng khác thì giải thích : « Tôi nghe tin bà nhận được giải Nobel Văn Học. Tôi không biết nhiều về bà nhưng tôi thích cách mà bà ấy diễn giải và suy nghĩ, có vẻ rất hay, do đó tôi thấy quan tâm và đến đây ».

Không chỉ trong các hiệu sách, người ta cũng có thể cảm nhận được thành công của Han Kang ngay cả ở bên . Mỗi ngày, những người qua đường dừng lại và chụp ảnh ngôi nhà hay hiệu sách nhỏ của bà, giống như trường hợp của người hướng dẫn viên du lịch này cho các du khách Úc.

« Trước đó, tôi không biết đây là hiệu sách của nhà văn Han Kang, tôi phát hiện ra khi xem tin tức trên truyền hình, khi thấy bà nhận được giải Nobel. Tôi đi ngang qua và dừng lại chụp ảnh ». Một người đàn ông khác thì nói : « Vậy là Han Kang đã thắng giải Nobel Văn Học và cũng quản lý hiệu sách này, bà làm việc ở đây, trong hiệu sách nhỏ này ».

Thành công của Han Kang đã tạo một đòn bẩy cho lĩnh vực sách đang gặp khó khăn tại Hàn Quốc. Theo một khảo sát gần đây, cứ 10 người Hàn Quốc thì 6 người không đọc một cuốn sách nào trong năm ».

Sáng tạo nghệ thuật về sơn mài để gắn kết với di sản truyền thống

Trong tuần này, Hội chợ Nghệ thuật châu Á Asia Fair Now, diễn ra tại Paris, thủ đô Pháp trong tuần này, từ ngày 17-20/10, với sự hiện diện của nhiều phòng trưng bày nghệ thuật Á Đông, giới thiệu với công chúng tại Paris tác phẩm của các nghệ sĩ từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, hay Việt Nam.

Được mở ra từ năm 2015, sự kiện này được xem là chiếc cầu nối nghệ thuật Đông – Tây. Nghệ sĩ Phi Phi Oanh, người Mỹ gốc Việt, được biết đến với những sáng tạo về sơn mài, cũng có mặt tại đây. Các tác phẩm của cô không chỉ được trưng bày tại hội chợ mà một tác phẩm tên gọi « áo giáp » trong số này, đã được đưa về trưng bày tại không gian triển lãm bảo tàng Nghệ thuật châu Á Cernuschi.

Dấn thân vào con đường nghệ thuật từ năm 14 tuổi, Phi Phi Oanh bắt đầu với tranh sơn dầu, nhưng dần quan tâm đến sơn mài sau khi theo học tại một trường ở Paris. Vào năm 2004, cô đã nhận được một học bổng từ Fulbright Grant, tài trợ cho các nghiên cứu về tranh sơn mài tại Hà Nội. Kể từ đó, kỹ nghệ truyền thống này trở thành nguồn sáng tạo nghệ thuật của mình. Trả lời RFI Tiếng Việt, nghệ sĩ người Mỹ gốc Việt giải thích :

« Tôi thấy trong sơn mài có nhiều con đường để đi, chưa khám phá ra, vì mình hay suy nghĩ một chiều về lịch sử sơn mài. Tôi nghĩ rằng có một lý thuyết về sơn mài chưa được viết ra, do đó tôi muốn làm tác phẩm, có thể mở ra con đường đó. Thật ra, tôi làm theo bản năng. Tác phẩm của mình ở trong không gian đương đại đầy thử thách và mở rộng không bị gò bó trong ý tưởng truyền thống. Mình có thể thử thách truyền thống đó, hoặc đặt câu hỏi ngược lại.

Khi bắt đầu làm một tác phẩm, tôi không nghĩ về chủ đề, và thường bắt đầu một câu hỏi, tùy môi trường mà tôi đang làm việc, hoặc tùy triển lãm mà tôi sẽ có cách làm riêng khác nhau, ví dụ như trong triển lãm này, khi giám tuyển mời tôi làm một tác phẩm liên quan đến triển lãm về 3 họa sĩ Việt, sống và làm việc tại Paris. Khi tôi xem tranh, tôi thấy các họa sĩ vẽ nhiều về phụ nữ Việt Nam, nên tôi tranh thủ làm một tác phẩm về phụ nữ.

Về Hà Nội lần đầu tiên, làm việc với vật liệu sơn mài thì tôi thấy nó có sức thu hút rất riêng. Nó giống như một cái « practice » của tương lai, trong tương lai sẽ càng ngày có nhiều người, nhiều văn hóa khác nhau, các kỹ nghệ truyền thống có thể giữ quan hệ với một nơi nào đấy, nó nối mình với một địa điểm nào đấy, hay một cột mốc thời gian, địa lý, kéo mình về nơi đó.»

Theo nữ nghệ sĩ, làm việc với những vật liệu truyền thống và kỹ nghệ xa xưa, giúp kết nối với di sản, với cội nguồn của cô và điều thú vị trong nghệ thuật là có thể cho phép « thể hiện tính cá nhân, cho phép thử nghiệm và sáng tạo ». « Tôi không chỉ học mà còn tham gia vào truyền thống đó », cô khẳng định.

No comments:

Post a Comment