Tuesday, October 22, 2024

Nam Phi khuất phục sức ép của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan
VOA News
22/10/2024
VOA

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa duyệt hàng quân danh dự tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh , ngày 2/9/2024.


Quyết định của Nam Phi hạ cấp quan hệ với Đài Loan một bước nữa được đưa ra khi đảng ANC của Nam Phi đang nỗ lực trấn an đồng minh lâu năm là Bắc Kinh sau khi thành lập chính phủ liên minh, các nhà phân tích nói với VOA.

Bộ Quan hệ và Hợp tác Quốc tế của Nam Phi đã xác nhận vào tuần trước rằng họ đã yêu cầu Đài Loan chuyển tòa đại sứ không chính thức - được gọi là Văn phòng Liên lạc Đài Bắc - ra khỏi thủ đô Pretoria.

Trong một tuyên bố, Bộ này cho biết văn phòng liên lạc sẽ được đổi tên thành văn phòng thương mại và chuyển đến trung tâm kinh tế Johannesburg, nơi sẽ “phản ánh đúng bản chất phi chính trị và phi ngoại giao của mối quan hệ giữa Cộng hòa Nam Phi và Đài Loan”.

Tuyên bố nói “Điều này cũng phù hợp với thông lệ ngoại giao tiêu chuẩn rằng các thủ đô là trụ sở của Tòa đại sứ nước ngoài và Cao ủy”. Tuyên bố cho biết Đài Loan đã được cho sáu tháng để chuyển đi.

Giống như hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Hoa Kỳ, cũng như các tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc, Nam Phi không chính thức công nhận Đài Loan do nhà nước dân chủ cai trị, mà đảng cộng sản Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai và có thể chiếm lại bằng vũ lực nếu cần thiết.

Tuy nhiên, Đài Loan đã có văn phòng tại Pretoria từ cuối những năm 1990, chuyên xử lý thương mại và visa. Các văn phòng tương tự tại Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đều có trụ sở tại thủ đô của các quốc gia đó.

Các quan chức Đài Loan nói với Cơ quan Thông tấn Trung ương Đài Loan CNA rằng họ tin rằng Nam Phi đang hành động dưới áp lực của Trung Quốc và họ hy vọng chính phủ Nam Phi sẽ xem xét lại. Họ cho biết đã được lệnh di chuyển vào cuối tháng 10.

Các quan chức từ Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng nói họ sẽ cân nhắc các biện pháp có đi có lại nếu Nam Phi cứ khăng khăng như vậy. Những biện pháp đó có thể bao gồm yêu cầu Nam Phi chuyển văn phòng ra khỏi Đài Bắc, siết chặt visa đối với người Nam Phi và đình chỉ các cuộc trao đổi giáo dục, CNA đưa tin.

Về phần mình, Trung Quốc hoan nghênh động thái này.

“Chúng tôi khen ngợi quyết định đúng đắn của Nam Phi khi chuyển Văn phòng liên lạc Đài Bắc tại Nam Phi ra khỏi thủ đô hành chính Pretoria”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói. “‘Độc lập cho Đài Loan’ không nhận được sự ủng hộ của người dân và sẽ chỉ thất bại”.

Thay đổi chính trị

Ông Paul Nantulya, một nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Phi tại Washington, nói với VOA rằng ông nghĩ có một số lý do cho quyết định của Nam Phi.

Vào tháng 5, cuộc bầu cử quan trọng nhất kể từ khi chế độ phân biệt chủng tộc kết thúc 30 năm trước đã chứng kiến ANC mất đa số tuyệt đối lần đầu tiên. Đảng giải phóng — vốn được Trung Quốc ủng hộ trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ cai trị của người da trắng thiểu số — đã buộc phải thành lập Chính phủ Thống nhất Quốc gia với các đảng đối lập không nhất thiết phải chia sẻ mối quan hệ với Bắc Kinh hoặc các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình.

ANC đã phải rất vất vả để “trấn an phía Trung Quốc rằng mối quan hệ giữa ANC và Đảng Công sản Trung Quốc sẽ tiếp tục, bất kể môi trường chính trị ở Nam Phi đã thay đổi mạnh mẽ như thế nào”, ông Nantulya cho biết.

“Vì vậy, chúng ta đã thấy ANC thực sự, thực sự thúc đẩy để duy trì mối quan hệ đó, để thuyết phục Trung Quốc rằng họ vẫn là đối tác đáng tin cậy”, ông nói.

Một phái đoàn Nam Phi đã đến một diễn đàn Trung Quốc-Châu Phi lớn ở Bắc Kinh vào tháng trước bao gồm các thành viên của Liên minh Dân chủ, hay DA, vốn từng là phe đối lập chính của Nam Phi nhưng kể từ đó đã tham gia ANC trong chính phủ đoàn kết.

DA đã chỉ trích mối quan hệ chặt chẽ của Nam Phi với Trung Quốc trong quá khứ, chỉ trích Trung Quốc về vấn đề nhân quyền và bày tỏ sự ủng hộ đối với Đài Loan.

Tuy nhiên, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã phát biểu sau diễn đàn rằng một trong những bộ trưởng của ông “ban đầu không mấy thiện cảm với chính sách Một Trung Quốc, lần đầu tiên đến thăm Trung Quốc… đã công khai tuyên bố rằng hiện ông ấy ủng hộ và chấp nhận chính sách Một Trung Quốc”.

“Và Chủ tịch Tập Cận Bình khá hài lòng với điều đó”, ông Ramaphosa, không nêu tên bộ trưởng nhưng được cho là đang ám chỉ đến lãnh đạo DA John Steenhuisen, cho biết.

Dưới áp lực 

Tuy nhiên, sau thông báo tuần trước rằng Nam Phi đã ra lệnh cho Đài Loan di dời văn phòng liên lạc, DA đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ quan ngại.

“Chúng tôi chưa được cung cấp bất kỳ động cơ nào biện minh cho việc thay đổi đơn phương các điều khoản trong khuôn khổ song phương của chúng tôi với Đài Loan”, DA nói.

“Rõ ràng là áp lực đang được các tác nhân bên ngoài gây ra cho Pretoria trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị rộng lớn hơn và Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNU) mới thành lập”, tuyên bố nói thêm.

Trong nhiều thập niên, áp lực của Trung Quốc đối với lục địa châu Phi để tuân thủ chính sách Một Trung Quốc đã mang lại kết quả. Bây giờ chỉ có một quốc gia trong khu vực ủng hộ Đài Loan: vương quốc nhỏ Eswatini.

“Những gì chúng ta đang thấy là Trung Quốc đang phô trương sức mạnh và thực sự thúc đẩy… người ta có thể nói rằng họ đang bắt nạt các nước châu Phi không công nhận Đài Loan”, ông Sanele Sibiya, giảng viên kinh tế tại Đại học Eswatini, nói với VOA.

Ông Sibiya lưu ý rằng Nam Phi không phải là quốc gia đầu tiên đẩy các quan chức Đài Loan ra khỏi thủ đô của mình.

Một cường quốc kinh tế châu Phi khác, Nigeria, đã ra lệnh cho Đài Loan rời khỏi thủ đô Abuja vào năm 2017, được cho là do chịu áp lực từ Trung Quốc. Văn phòng đã được chuyển đến trung tâm kinh tế Lagos, bất chấp sự phản đối từ Đài Bắc.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi và đã đầu tư mạnh vào lục địa này kể từ khi chính sách cơ sở hạ tầng toàn cầu của Tập Cận Bình, Sáng kiến Vành đai và Con đường, ra đời cách đây hơn một thập niên. Tại diễn đàn vào tháng 9, Tập Cận Bình đã cam kết tài trợ 51 tỷ đô la cho châu Phi.

Gần đây, Trung Quốc đã phô trương sức mạnh liên quan đến Đài Loan. Tuần trước, họ đã triển khai máy bay chiến đấu và tàu chiến để bao vây hòn đảo này như một phần của cuộc tập trận mà Hoa Kỳ lên án là “không cân xứng”

No comments:

Post a Comment