Cù Mai Công - “Thành phố nào vừa đi đã mỏi…”vendredi 18 octobre 2024
Thuymy
Sài Gòn-TPHCM theo thông tin chính thức rất lạc quan như “6 tháng đầu năm 2024, kinh tế TPHCM hồi phục tích cực khi chỉ số tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,46 % so với cùng kỳ năm 2023 và cao hơn mức tăng chung của cả nước (6,42 %). Đây là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây”.
Rồi những hứa hẹn: TPHCM sẽ là Trung tâm dịch vụ châu Á, Trung tâm khoa học công nghệ tầm châu Á, Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Asean, Trung tâm kinh tế châu Á - đô thị toàn cầu, Trung tâm tài chính, kinh tế, dịch vụ châu Á, Thành phố điện ảnh…
Rồi rầm rộ chuyện chuyển đổi số, rồi kỳ vọng 183 km metro tới 2035 - dù chưa có tiền…
Đó là hứa hẹn, thậm chí là mơ ước ở thì tương lai - 10, 20, 30… năm. Như vô số công trình, dự án… hiện nay nằm đầy thành phố, “trơ gan cùng tuế nguyệt” 1/4, 1/3, một nửa “60 năm cuộc đời” và hơn thế nữa.
Còn cụ thể, hết quý 3-2024, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 20 % trên 30.000 tỉ đồng. Van ngăn triều 10.000 tỉ tiếp tục bị ngăn… hoàn thành. TPHCM hè 2024 mưa nơi nào ngập nơi đó, đồng hành với kẹt xe “không lối thoát”. Những dự án 20, 30 năm tiếp tục cộng thêm năm. Metro 1 hứa lần thứ n, giờ là hẹn cuối năm, hên xui…
Thu ngân sách trước đây, TPHCM luôn vượt trội so với Hà Nội. Còn 9 tháng đầu năm này là 371.307 tỉ đồng, gần bằng Hà Nội (379.000 tỉ đồng). Hàng quán, cơ sở kinh doanh đóng cửa, sang mặt bằng, rao cho thuê… nhan nhản khắp nơi.
Thu nhập bình quân đầu người của đô thị “đầu tàu” cả nước TP.HCM hiện là 6,51 triệu đồng/tháng - hạng 4, xếp sau Bình Dương (8,29 triệu), Hà Nội (6,86 triệu), Đồng Nai (6,57 triệu). Trong đó, Đồng Nai lần đầu qua mặt TPHCM.
Vậy nên năm rồi 2023, lần đầu tiên TPHCM không còn là điểm đến lý tưởng của người nhập cư từ các tỉnh, thành. Tỉ lệ tăng dân số nhập cư chỉ còn 0,67 %, tương đương với 65.000 người.
Đủ mọi lý do, nguyên nhân được nêu ra. Từ vướng quy định, không đúng luật, kinh tế thế giới khó khăn… cho tới cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm… Và chắc chắn không thể loại trừ lý do... ngầm: “vụng chèo khéo chống”.
Đô thị lớn nhất nước, được giao thêm nhiều quyền hạn ngỡ là sẽ cất cánh ngay. Ai dè coi bộ làm cái gì cũng vướng, từ dự án, công trình, giải ngân… cho tới kẹt xe, ngập nước. Các vị lãnh đạo cao nhất nước lần lượt bay vô gỡ vướng. Thành phố lặng đi, chờ đợi tháo gỡ miệt mài những barie từ chính sách, luật… đến bản lĩnh cán bộ.
… Càng nghĩ càng vướng, tháo gỡ liên tục vẫn vướng. Ngay lúc này tôi lẩn thẩn nghĩ về những barie đá granit giăng mấy hàng liên tiếp trên phố đi bộ Nguyễn Huệ - ngay trước mặt tiền trụ sở Ủy ban Nhân dân TPHCM.
Mấy lớp đá granit này có lẽ được người thiết kế lẫn người duyệt nhằm mục tiêu cản xe cộ chạy vô phố đi bộ. Mục tiêu nhỏ và đơn giản ấy không chỉ rào chắn tầm nhìn xuyên suốt đại lộ lớn nhất Sài Gòn này mà còn phá vỡ, chia cắt vụn mối liên kết chặt chẽ, không thể thiếu nhau giữa hai đại lộ sầm uất nhất Sài Gòn xưa nay. Để thực tế điểm nối bùng binh Cây Liễu ở ngã tư Nguyễn Huệ - Lê Lợi bị “xé lẻ” trơ trọi, nhìn rất “tội nghiệp”.
Tại sao không là một hình thức khác, chẳng hạn như các trụ inox có các dây xích bắc qua những trụ cao trên dưới 1 m (để người ta không vướng chân té) thòng xuống (quen thuộc) chẳng hạn.
Với phong thủy, tôi thuộc thành phần nửa tin nửa ngờ, nhất là dạng mê tín, vẽ vời. Với tôi, phong thủy là khoa học nắng gió thiên nhiên, đi lại và tác động, ảnh hưởng tâm lý. Vậy nên, những hàng đá granit trên phố đi bộ Nguyễn Huệ rõ ràng thiết kế xấu, vụn đã đành, liệu có phạm phong thủy tầm nhìn của Sài Gòn - TPHCM hôm nay?
CÙ MAI CÔNG 18.10.2024
No comments:
Post a Comment