Wednesday, September 11, 2024

Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Cuộc tranh luận lộ rõ khác biệt tầm nhìn giữa Trump và Harris
Anh Vũ
Đăng ngày: 11/09/2024 - 15:10
RFI

Cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình đầu tiên và có thể là duy nhất giữa hai ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ 2024 đã diễn ra đúng hẹn, tối 10/09/2024, tại trường quay của kênh truyền hình Mỹ ABC, từ Philadelphia. Trước hàng triệu khán giả truyền hình, trong 90 phút tranh luận căng thẳng, ứng viên đảng Dân Chủ bà Kamala Harris và cựu tổng thống Donald Trump, ứng viên của đảng Cộng Hòa đã thể hiện tầm nhìn hoàn toàn khác biệt nhau về lãnh đạo đất nước.

Người dân theo dõi cuộc tranh luận trên truyền hình giữa hai ứng viên Donald Trump (T) và Kamala Harris, bên ngoài Viện Bảo Tàng Nghệ Thuật Berkeley, California, Hoa Kỳ, ngày 10/09/2024. AP - Gabrielle Lurie

Hai ứng viên chưa từng đối mặt trực tiếp với nhau. Cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình này là cơ hội tốt nhất để thể hiện tầm nhìn lãnh đạo cường quốc Mỹ, tất nhiên đối kháng nhau, từ các vấn đề trong nước, như kinh tế, phá thai hay nhập cư cho đến các vấn đề quan hệ quốc tế với những biến động địa chính trị liên tục trên thế giới hiện nay.

Chiến dịch vận động tranh cử đang đi vào chặng quyết định cuối cùng và chỉ còn chưa đầy hai tháng đến ngày bầu cử tổng thống 05/11, cuộc tranh luận có thể giúp người dân Mỹ có cái nhìn cụ thể về từng ứng viên để lựa chọn.

Ngôn từ tranh luận được hai đối thủ sử dụng rất gay gắt, không ít những lời lẽ châm chọc, giễu cợt khiêu khích nhau.

Vấn đề được quan tâm đầu tiên với cử tri Mỹ rõ ràng là kinh tế. Đây là mảng mà dư luận Mỹ đã đánh giá là điểm yếu của bà Kamala Haris sau khi thay thế ông Joe Biden ra tranh cử.

Ngay trong những phát biểu đầu tiên, cả hai ứng viên đã chỉ trích nhau dữ dội về trách nhiệm đối với tình hình kinh tế của đất nước. Bà phó tổng thống nhằm vào nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump từ 2017-2021: « Donald Trump đã để lại cho chúng ta tỷ lệ thất nghiệp lớn nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái ». Bà cũng nhấn mạnh rằng chính quyền Biden đã tiếp quản và « dọn dẹp sạch mớ hỗn độn mà Donald Trump để lại » và tuyên bố, « Donald Trump không có kế hoạch nào cho bạn ».

Về phần mình, cựu tổng thống Mỹ đã chọn vấn đề lạm phát để ra đòn đầu tiên. Theo ông, tình trạng lạm phát dai dẳng dưới thời chính quyền của tổng thống đảng Dân Chủ Joe Biden là một « thảm họa » đối với người dân và bà đã sao « sao chép » chương trình kinh tế của Joe Biden. Trước khi nhanh chóng chuyển sang chủ đề tranh cử chính của mình là nhập cư : Trump tuyên bố là người duy nhất có thể đối đầu với Trung Quốc không giống như đối thủ của ông, một « người theo chủ nghĩa Marx ».

Trong suốt cuộc tranh luận, phó tổng thống đảng Dân Chủ liên tục có động thái nhằm chọc tức cựu tổng thống đảng Cộng Hòa, khiêu khích ông bằng những lời nhắc nhở về thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 mà ông vẫn phủ nhận và chế giễu những tuyên bố khác của ông. Bà Harris cố gắng chứng minh ông Trump không đủ tư cách đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo đất nước. Đáp trả, ông Trump nhấn mạnh bà Harris là một người cực tả hay thay đổi lập trường, liên quan trực tiếp đến các chính sách thất bại của chính quyền Biden. Và như thường lệ, cựu tổng thống không ngần ngại dùng những thông tin sai sự thật để khẳng định quan điểm của mình.

Phó tổng thống đã tấn công vào các điểm yếu của đối thủ, bắt đầu từ vấn đề phá thai. Về chủ đề này, ông Trump cũng đáp lại bằng thông tin sai lệch, cáo buộc đối thủ đảng Dân Chủ muốn hợp pháp hóa việc phá thai cho đến tận tháng thứ 9 của thai kỳ và thậm chí còn cho phép “hành quyết trẻ sơ sinh sau khi sinh”.

Nếu như quan điểm về các vấn đề trong nước mặc nhiên mâu thuẫn nhau thì hai ứng cử viên cũng hoàn toàn đối lập nhau về chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Donald Trump hứng đòn từ Kamala Harris về chính sách đối ngoại. Khi được hỏi về cuộc xung đột giữa Hamas và Israel vốn đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng trong vòng chưa đầy một năm, Donald Trump trả lời rằng nếu ông nắm quyền điều hành đất nước thì xung đột ở Ukraine và Israel sẽ không bao giờ xảy ra. Vẫn theo cách lập luận không cần biết đến cơ sở, ông Trump nhận định nếu Harris lên nắm quyền, thì đó sẽ là « mối đe dọa cho nền dân chủ » và Israel sẽ có thể « biến mất trong 2 năm ».

Trên hồ sơ chiến tranh Ukraina, cựu tổng thống Mỹ tỏ ra năng nổ, nhưng vẫn với lập luận cũ, khẳng định chỉ có ông mới có thể giải quyết, chấm dứt chiến tranh và ông Biden cũng như bà Harris không được các lãnh đạo Nga và Ukraina tôn trọng. Kamala Harris trả lời các lãnh đạo độc tài ủng hộ ông vì họ biết có thể thao túng ông bằng nịnh bợ.

Nhìn chung, theo phần đông các nhà bình luận Mỹ, ứng viên đảng Dân Chủ đã hoàn toàn thoải mái và làm chủ được cuộc tranh luận, thể hiện được mình là người mạnh mẽ quyết đoán trước một đối thủ  không có gì thay đổi về tính cách hay quan điểm cố hữu, dù có cố tỏ ra điềm tĩnh hơn nhưng không thuyết phục.

Cho dù cuộc tranh luận trực tiêp trên truyền hình này được đánh giá là thời điểm quan trọng của chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, nhưng đa số các nhà phân tích chính trị đều cho rằng tác động của màn tranh luận đến lá phiếu bầu của cử tri thường vẫn hạn chế. Trừ khi xảy ra những diễn biến đặc biệt, như trường hợp của cuộc tranh luận hồi tháng 6 giữa Joe Biden và Donald Trump: Vì màn trình diễn thảm hại của mình, tổng thống đảng Dân Chủ phải bỏ cuộc đua giữa đường nhường chỗ cho bà phó tổng thống.

No comments:

Post a Comment