Thursday, July 4, 2024

Nổi tiếng thân Nga, vì sao thủ tướng Hungary đến thăm Ukraina ?
Thụy My
Đăng ngày: 04/07/2024 - 15:49
RFI

Về việc thủ tướng Hungary Viktor Orban thăm Ukraina, Le Figaro ngày 03/07/2024 ghi nhận Kiev không chờ đợi, nói đúng hơn là không còn chờ đợi chuyến thăm này, sau nhiều lời mời không được hồi đáp.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky bắt tay sau khi họp báo chung tại Kiev ngày 02/07/2024. REUTERS - Valentyn Ogirenko

Hôm qua, thủ tướng Hungary Viktor Orban đã sang thăm nước láng giềng lần đầu tiên kể từ 12 năm qua. Ông là nhà lãnh đạo duy nhất trong Liên Hiệp Châu Âu chưa hề đặt chân đến Kiev kể từ khi Ukraina bị Nga xâm lăng. Hai ông Orban và Zelensky đã thỏa thuận về chuyến thăm trong cuộc đối thoại ngắn ngủi hôm 27/06 bên lề hội nghị thượng đỉnh châu Âu ở Bruxelles. Trong ảnh, cả hai đều nghiêm nghị và giữ khoảng cách.

Chuyến thăm không chờ đợi và sự hòa dịu có tính toán

Từ sau ngày 24/02/2022, Budapest càng lệ thuộc vào Matxcơva về năng lượng, và lạm dụng quyền phủ quyết để cản trở EU viện trợ quân sự và kinh tế cho Ukraina. Đến giữa tháng Sáu, có dấu hiệu hòa dịu đầu tiên với việc Hungary tham dự hội nghị thượng đỉnh vì hòa bình cho Ukraina do Thụy Sĩ tổ chức. Dù vậy Viktor Orban vẫn không ủng hộ một chiến thắng cho Ukraina lẫn việc quay lại với đường biên giới được quốc tế nhìn nhận, mà chỉ muốn ngưng bắn và đàm phán hòa bình.

Chính với chủ trương này mà Orban hy vọng áp đặt cho EU, vì với tư cách chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu mà Viktor Orban đến Ukraina.Phái đoàn của ông vượt qua biên giới Hungary-Ukraina đúng vào tối thứ Hai 01/07, ngày đầu tiên Hungary làm chủ tịch. Trước khi lên đường, trả lời kênh M1, ông Orban nhấn mạnh châu Âu cần chuẩn bị cho việc thương lượng với Mỹ và Nga.

Nhà chính trị học Dmytro Toujanski, giám đốc Viện Chiến lược Trung Âu nhận thấy « Chuyến thăm này đáng ngạc nhiên vì Ukraina không nằm trong danh sách ưu tiên của nhiệm kỳ Hungary ». Theo ông, việc Viktor Orban bất ngờ đến Kiev có liên quan với những chuyến đi Roma, Paris và Berlin trước đó. Có thể cho rằng lãnh đạo các nước này đều khuyến cáo nên tử tế hơn với Ukraina. « Để được giải ngân nhiều tỉ euro bị EU phong tỏa, ông ta phải thay đổi thái độ. Tôi nghĩ rằng Orban sẽ tỏ ra hợp tác trong khi chờ đợi những gì sẽ xảy đến với Ủy ban Châu Âu mới và nhất là bầu cử Mỹ ».

Động thái này cũng diễn ra vào lúc Viktor Orban muốn thành lập một nhóm riêng trong Nghị Viện Châu Âu, nhưng khó thành vì quá thân cận với Nga. Người kiến tạo hòa bình cho Ukraina - vai trò mới mà Viktor Orban mong muốn - khó thuyết phục được châu Âu.

Pháp : Dồn sức chống cực hữu

Cuộc bầu cử Quốc Hội mang ý nghĩa quyết định tiếp tục chiếm trọn hồ sơ và tít trang nhất các báo Pháp hôm nay. Le Monde nhận định « Macron không còn nắm được phe mình », Le Figaro đặt câu hỏi « Liệu cử tri có nghe theo khuyến cáo bỏ phiếu chống cực hữu ? ». La Croix thu thập ý kiến của một số công dân Pháp gốc nhập cư, lo sợ chiến thắng của đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) Chủ nhật tới, trích lời của một người làm tít chính « Từ hôm 09/06, tôi nín thở chờ đợi ».

Libération thì đăng ảnh bà Marine Tondelier, tổng thư ký đảng Sinh thái, người được chọn thay mặt Mặt trận Bình dân Mới tranh luận thay cho đại diện cực tả, nhấn mạnh « Cần phải chứng tỏ sẵn sàng lãnh đạo ». Les Echos đưa tít « Đa số tuyệt đối, những chiếc chìa khóa của trận đấu ». Nhìn chung, việc các ứng cử viên về thứ ba rút lui để nhường chỗ cho người có hy vọng thắng được ứng cử viên cực hữu diễn ra ở khắp nơi, từ đảng Phục Hưng cầm quyền cho đến cánh tả, được báo chí tường thuật và phân tích kỹ lưỡng.

« Không lẫn lộn giữa đối thủ và kẻ thù của nước Pháp »

Xã luận của Le Monde khẳng định « không thể bán rẻ các nguyên tắc của nền cộng hòa ». « Đừng lẫn lộn giữa đối thủ chính trị và kẻ thù của nước Pháp », đó là tuyên bố của một ứng cử viên đảng cầm quyền ở vùng Somme, tuy lọt vào vòng hai nhưng rút lui để nhường chỗ cho ứng cử viên François Ruffin của Mặt trận Bình dân Mới, nhằm chặn bước Tập Hợp Dân Tộc (RN). Tờ báo dùng việc này làm ví dụ cho một mặt trận cộng hòa.

Cương lĩnh của Marine Le Pen về song tịch, ưu tiên cho người Pháp gốc, quyền có quốc tịch cho người sinh tại Pháp vượt quá xa những gì có thể chấp nhận được. Ngay cả thời chính quyền Vichy cũng không có chủ trương này. Vừa xúc phạm, vừa rỗng tuếch cả về kinh tế lẫn văn hóa, an ninh hay ngoại giao, việc kỳ thị người mang hai quốc tịch là vi hiến. Trách nhiệm của các chính khách là quan trọng, không thể đại hạ giá nhiều thế kỷ xây dựng nền cộng hòa cho những cuộc trả giá kiếm phiếu.

Các báo đều ghi nhận sau hai ngày đã có trên 210 ứng cử viên rút lui. Trong số 360 đơn vị bầu cử có ba ứng cử viên tranh tài trong vòng hai, nay chỉ còn chưa đầy 100. Nhưng thời gian cấp bách khiến khó thuyết phục các cử tri mà ứng viên được họ bầu trong vòng một đã bị loại hay rút tên, liệu các cử tri này có quay sang dồn phiếu cho người có thể đánh bại cực hữu hay không – Le Figaro và Les Echos cùng băn khoăn.

1.000 nhà sử học : Pháp không nên quay lưng lại với lịch sử

Trên trang Diễn đàn của Le Monde, tập thể trên 1.000 giảng viên đại học, nhà nghiên cứu ngành sử thuộc nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau cùng ký tên vào một bài viết nhấn mạnh « Nước Pháp không nên quay lưng lại với lịch sử », kêu gọi hợp lực đánh bại cực hữu ở vòng hai.

Theo bài viết, lần đầu tiên kể từ Đệ nhị Thế chiến, cực hữu đứng trước ngưỡng cửa quyền lực tại Pháp, nên các nhà sử học gắn bó với giá trị dân chủ và Nhà nước pháp quyền không thể im lặng, trước viễn cảnh đáng sợ mà vẫn còn có thể kháng cự. Mặc cho những thay đổi bề ngoài, đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) vẫn là Mặt Trận Dân Tộc (FN) như xưa - dân tộc chủ nghĩa, bài ngoại, kỳ thị chủng tộc, bài Do Thái, bạo động. Không nên bị lừa trước những thủ thuật tranh cử, vì đảng này là mối đe dọa lớn nhất cho nền cộng hòa Pháp và cho dân chủ.

Chính sách ưu tiên cho người Pháp gốc đi ngược lại giá trị bình đẳng, bác ái, và buộc phải sửa đổi Hiến Pháp. Việc hủy bỏ quyền có quốc tịch nếu sinh ra trên đất Pháp là một sự đảo lộn sâu sắc - những người sinh tại Pháp và con cái họ không thể là công dân Pháp. Những người song tịch bị loại khỏi một số lãnh vực công là sự phân biệt đối xử không thể chấp nhận. Ngoài ra, cương lĩnh của RN còn khuếch đại những biện pháp an ninh phi tự do, chà đạp lên tư pháp, truyền thông, giáo dục, nghiên cứu.

Một cuộc bỏ phiếu không bình thường

Marine Le Pen và Jordan Bardella công khai ủng hộ các chế độ như của Viktor Orban : dân túy toàn trị, đối lập bị bịt miệng, tự do báo chí bị hạn chế ; chưa bao giờ che giấu sự ngưỡng mộ Vladimir Putin, không ngần ngại đứng cạnh ông ta tại Kremlin năm 2017.Vào lúc tổng thống Nga là mối nguy hiểm chết người cho châu Âu, thù địch với các xã hội dân chủ phương Tây, liệu có thể để cho một đảng mà ông ta tài trợ lên nắm quyền ?

Cho đến nay trong lịch sử Pháp, cực hữu chỉ lên ngôi khi đất nước đang trong vòng xoáy của một cuộc bại trận hay bị nước ngoài chiếm đóng năm 1940. Không thể để xảy ra một thất bại mới, thất bại của những giá trị kể từ cách mạng 1789. Cuộc bầu cử này không phải là một cuộc bỏ phiếu bình thường mà nhằm bảo vệ nền dân chủ và nước Pháp chống lại những kẻ thù, không nên lỡ hẹn với lịch sử. Bài viết kết luận : « Trong vòng một, chúng tôi không bầu cho cùng một ứng cử viên hay cùng một đảng. Chủ nhật tới, chúng tôi kêu gọi bỏ phiếu chống lại ứng cử viên RN ».

Đổi địa danh sang tiếng Hoa : Bắc Kinh Hán hóa Tân Cương

Nhìn sang châu Á, Le Figaro nhận định Trung Quốc muốn « Hán hóa » Tân Cương. Theo báo cáo mới đây của một tổ chức phi chính phủ, Bắc Kinh đã đặt tên lại cho nhiều làng Duy Ngô Nhĩ theo kiểu tuyên truyền cộng sản. Thông tín viên tờ báo kể lại trường hợp một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ, sau nhiều tháng phải hô khẩu hiệu ca ngợi đảng Cộng sản Trung Quốc vinh quang, khi ra khỏi trại cải tạo tháng 9/2020 không còn tìm thấy địa chỉ và nhất là tên làng mình, lúc mua vé xe về nhà. Địa danh này đã biến mất trong cơ sở dữ liệu, tên gốc Duy Ngô Nhĩ đã bị đổi thành « Đoàn Kết ».

Theo báo cáo của Uyghur Hjelp hợp tác với Human Rights Watch (HRW) ngày 18/06, tổng cộng 630 làng mang tên âm hưởng Hồi giáo, các bộ lạc du mục hay tập tục văn hóa xưa đã bị đổi sang tên chữ Hán sặc mùi cộng sản, phù hợp với « giấc mơ Trung Hoa » của Tập Cận Bình. Ở hạt Karakax, làng Dutar - tên môn đấu vật truyền thống - bị đổi thành Hồng Kỳ.

Nhà ngôn ngữ học người Duy Ngô Nhĩ Abdulewi Ayup, hiện sống lưu vong ở Na Uy nói với Le Figaro : « Làng tôi mang tên Mollam Beghi, một nhà văn nổi tiếng thế kỷ 11 được chôn cất ở đây. Bỗng dưng không tìm thấy trên bản đồ, tôi phát hiện đã bị đổi thành "Trí Tuệ", và bức tượng nhà văn Mahmoud al-Kachgari ở gần mộ ông đã biến mất ». Những con đường cũng bị đổi tên : hai đường « Hài Hòa » xuất hiện ở hạt Maralbeshi để thay cho những cái tên Hồi giáo.

Trong lần thanh tra Tân Cương tháng 8/2023 Tập Cận Bình đã ra lệnh cho chính quyền địa phương tăng cường Hán hóa. Tại Tân Cương, có 65 % trong số 16.000 đền thờ Hồi giáo đã bị phá hủy hoặc sửa chữa lại kể từ 2017, theo Australian Strategic Policy Institute (ASPI). Kiến trúc phải « theo kiểu Trung Hoa », trang phục Hồi giáo và các lễ nghi cũng vậy. Ayup nhấn mạnh, địa danh giúp cư dân gắn bó với quá khứ, với bản sắc, nhưng nếu bỗng dưng bị đổi thành « Trí Tuệ » thì chẳng còn nghĩa lý gì. Không chỉ Tân Cương, mà Trung Quốc gần như Hán hóa thành công Tây Tạng. Hôm 19/06 khi đến thăm một chùa Tây Tạng ở Thanh Hải, Tập Cận Bình cổ vũ « đoàn kết sắc tộc » tại Trung Quốc.

Những mâu thuẫn về kinh tế của Tập Cận Bình

Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde khi nói về tham vọng của Tập Cận Bình đã nhấn mạnh, đối với ông Tập, an ninh quốc gia quan trọng hơn việc mở cửa, và đảng đứng trên tất cả.

Trong một cuộc tiếp xúc doanh nhân hướng đến đại hội đảng, Tập Cận Bình đã đặt câu hỏi : « Số lượng ‘kỳ lân’ giảm sút, lý do trước hết là gì ? ». « Kỳ lân » là các start-up không niêm yết trên sàn chứng khoán có giá trị trên 1 tỉ đô la. Nguyên nhân theo Le Monde rất rõ : đảng đàn áp các tập đoàn công nghệ như trường hợp Alibaba. Bắc Kinh cũng buộc doanh nghiệp phải hạn chế nhận nguồn vốn nước ngoài nhất là Mỹ, tuy 70 % trong số 369 « kỳ lân » năm 2023 có vốn đầu tư ngoại quốc. Cư dân mạng cho rằng nguyên nhân nằm ngay trong Tập chủ tịch.

No comments:

Post a Comment