Thursday, July 4, 2024

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc mở rộng căn cứ gián điệp ở Cuba
VOA News
04/07/2024
VOA

Phúc trình ngày 3/7/2024 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, có trụ sở tại Washington, về các hoạt động tình báo của Trung Quốc tại Cuba.


Những hình ảnh vệ tinh mới về Cuba cho thấy các dấu hiệu về việc nước này đang lắp đặt năng lực tình báo được cải thiện tại bốn căn cứ quân sự bị nghi ngờ có liên hệ với Trung Quốc, có khả năng cung cấp cho Bắc Kinh một mạng lưới các cơ sở có thể được sử dụng để do thám Hoa Kỳ.

Các hình ảnh đó, được trình bày trong một phúc trình hôm 2/7 bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS có trụ sở tại Washington, được chụp vào tháng 3 và tháng 4. Nó cho thấy công trình xây dựng mới hoặc gần đây tại ba địa điểm gần thủ đô Havana, cũng như công trình chưa được báo cáo trước đó không xa căn cứ hải quân Hoa Kỳ tại Vịnh Guantanamo.

Sự phát triển của thiết bị giám sát không gian tại các địa điểm như Bejucal và Calabazar là đáng chú ý vì Cuba thiếu vệ tinh hoặc chương trình không gian riêng, theo báo cáo.

Theo các nhà phân tích của CSIS, Bejucal là địa điểm lớn nhất trong bốn địa điểm và lần đầu tiên nổi lên trong cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, khi căn cứ này được sử dụng để tồn trữ vũ khí hạt nhân cho Liên Xô.

Gần đây hơn, nó đã trở nên nổi tiếng như một trạm giám sát tình báo tín hiệu lớn, bị nghi ngờ đang theo dõi các liên lạc điện tử cho Trung Quốc.

Những bức ảnh vệ tinh mới cho thấy bằng chứng chứng tỏ Bejucal đã nhận được các cập nhật mở rộng, bao gồm cả ăng-ten điện tử mới.

Hai địa điểm khác gần Havana – Wajay và Calabazar – cũng có sự tăng trưởng. Các nhà phân tích của CSIS trích dẫn bằng chứng về việc mở rộng và phát triển, bao gồm việc lắp đặt ăng-ten, đĩa radar và các thiết bị khác có thể giúp những người sử dụng nó giám sát vệ tinh.

Địa điểm cuối cùng, El Salao, dường như vẫn đang được xây dựng, nhưng vị trí của nó, không xa căn cứ hải quân Hoa Kỳ tại Vịnh Guantanamo, gần thành phố Santiago de Cuba, và chính các công trình kiến trúc, có thể là nguyên nhân gây lo ngại cho Hoa Kỳ.

Hình ảnh do CSIS thu thập cho thấy sự tiến bộ về thứ dường như là một mảng ăng-ten có đường kính từ 130 đến 200 mét. Theo các nhà phân tích, các mảng tương tự đã cho thấy khả năng theo dõi tín hiệu lên tới 15.000 km.

Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ từ chối bình luận về phúc trình của CSIS, nhưng phúc trình này được đưa ra sau một phúc trình năm ngoái của tờ Wall Street Journal rằng Trung Quốc đã trả cho Cuba vài tỷ đô la để xây dựng một cơ sở gián điệp.

Các quan chức Mỹ sau đó nói rằng Trung Quốc đã nâng cấp các cơ sở tình báo ở Cuba vào năm 2019 nhưng sự phản đối của Mỹ đã ngăn cản Bắc Kinh đạt được mục tiêu của mình.

“Chúng tôi tự tin rằng chúng tôi có thể tiếp tục đáp ứng các cam kết an ninh của mình”, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Thiếu tướng Pat Ryder nói trong cuộc họp báo với các phóng viên hôm 2/7.

“Chúng tôi biết rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ tiếp tục cố gắng tăng cường sự hiện diện của họ ở Cuba, và chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để phá vỡ điều đó,” ông nói khi trả lời câu hỏi của VOA. “Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ vấn đề này và thực hiện các bước để chống lại.”

Trung Quốc hôm 2/7 đã bác bỏ những phát hiện trong phúc trình của CSIS, và phát ngôn viên của Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington gọi chúng là “không có gì khác ngoài sự vu khống”.

“Phía Mỹ đã nhiều lần cường điệu hóa việc Trung Quốc thành lập các căn cứ gián điệp hoặc tiến hành các hoạt động giám sát ở Cuba,” ông Lưu Bằng Vũ nói với VOA trong một email.

“Mỹ nên ngay lập tức ngừng bôi nhọ Trung Quốc một cách ác ý,” ông Lưu nói thêm. “Mỹ chắc chắn là cường quốc hàng đầu về lĩnh vực nghe lén và thậm chí không tha cho các đồng minh của mình,” ông Lưu nói.

Cuba cũng phản đối phúc trình của CSIS.

Thứ trưởng Ngoại giao Cuba Carlos Fernandez de Cossio đăng trên mạng xã hội X: “Không trích dẫn nguồn có thể xác minh hay đưa ra bằng chứng, báo cáo này tìm cách hù dọa công chúng bằng những huyền thoại về các căn cứ quân sự của Trung Quốc không tồn tại và chưa ai nhìn thấy”.

Phúc trình của CSIS cho biết các trạm giám sát ở Cuba có thể giúp Trung Quốc có được những khả năng và hiểu biết cần thiết khi nước này cố gắng vượt qua Hoa Kỳ về mặt quân sự.

Phúc trình cho biết: “Việc thu thập dữ liệu về các hoạt động như tập trận, thử nghiệm phi đạn, phóng rốc-két và diễn tập tàu ngầm sẽ cho phép Trung Quốc phát triển một bức tranh phức tạp hơn về các hoạt động quân sự của Mỹ”.

Phúc trình cho biết: “Các cơ sở của Cuba cũng sẽ cung cấp khả năng giám sát lưu lượng vô tuyến và có khả năng chặn dữ liệu do các vệ tinh của Mỹ cung cấp khi chúng đi qua các địa điểm quân sự rất nhạy cảm trên khắp miền Nam nước Mỹ”.

Các trạm giám sát như vậy cũng có thể giúp Trung Quốc tiếp cận được những gì mà phúc trình mô tả là “kho tàng dữ liệu” từ các hoạt động liên lạc thương mại đi qua miền đông nam Hoa Kỳ.

No comments:

Post a Comment