Thursday, July 4, 2024

Những mối lo của quân đội Trung Quốc sau khi hai bộ trưởng Quốc Phòng bị “hất cẳng”
Phan Minh
Đăng ngày: 04/07/2024 - 11:55
RFI

Sau nhiều tháng đồn đoán sôi nổi cùng với việc chính quyền Bắc Kinh tỏ ra dè dặt, Trung Quốc cuối cùng đã xác nhận hai cựu bộ trưởng Quốc Phòng biến mất khỏi dư luận năm ngoái đang bị điều tra vì tội tham nhũng.

Cựu bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc phát biểu ở Kubinka, ngoại ô Matxcơva, Nga, ngày 15/08/2023. AFP - ALEXANDER NEMENOV

Sự “hạ bệ” ngoạn mục này phơi bày những mánh lới đã ăn sâu vào gốc rễ trong các lĩnh vực then chốt của quá trình hiện đại hóa quân đội của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, bất chấp cuộc chiến chống tham nhũng kéo dài hàng thập kỷ của ông và đặt ra câu hỏi về khả năng sẵn sàng chiến đấu của Trung Quốc vào thời điểm căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Truyền thông Nhà nước Trung Quốc đưa tin hôm 27/06/2024 rằng bộ trưởng Lý Thượng Phúc bị cách chức thẳng thừng vào tháng 10/2023 chỉ sau 7 tháng giữ chức, và Ngụy Phượng Hòa, làm bộ trưởng Quốc Phòng từ năm 2018 đến năm 2023, đã bị khai trừ khỏi đảng Cộng Sản cầm quyền sau các cuộc điều tra, và cả hai vụ việc đều được chuyển giao cho các công tố viên quân đội xử lý.

Hai nhân vật này là những lãnh đạo cao nhất trở thành nạn nhân của cuộc thanh trừng sâu rộng trong lĩnh vực quốc phòng của Trung Quốc kể từ mùa hè năm ngoái, chiến dịch khiến hơn chục tướng lĩnh và giám đốc điều hành cấp cao của những tổ hợp công nghiệp quân sự bị mất chức.

Sự bất ổn trong hàng ngũ cấp cao của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) xảy ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đang tìm những giải pháp giúp cho lực lượng vũ trang Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn, luôn sẵn sàng chiến đấu và tỏ ra quyết đoán hơn trong việc khẳng định các yêu sách lãnh thổ ở những khu vực có tranh chấp.

Ở đỉnh cao sự nghiệp, hai cựu bộ trưởng Quốc Phòng thường có giọng điệu cứng rắn trước các quan chức quân sự hàng đầu thế giới. Tại các diễn đàn an ninh khu vực, hai vị tướng cảnh báo quân đội Trung Quốc sẽ chiến đấu “bằng mọi giá” nếu có ai dám “tách” Đài Loan tự trị khỏi Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, cả hai bộ trưởng đều được thăng chức dưới thời Tập Cận Bình, và việc loại bỏ họ diễn ra trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng kéo dài hơn một thập kỷ của nhà lãnh đạo Trung Quốc, cho thấy rõ những khó khăn trong việc ngăn chặn tình trạng tham nhũng ở cấp cao nhất của quân đội.

James Char, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết mặc dù chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình đã mang lại một số thành công, nhưng việc thiếu sự giám sát dân sự phù hợp và hệ thống pháp luật độc lập đồng nghĩa với việc PLA chỉ bị giám sát bởi các nhà điều tra nội bộ, và nhận định rằng hiện tượng tham nhũng vẫn sẽ tiếp tục.

Tham nhũng trong việc mua sắm vũ khí

Với tham vọng cải tổ PLA thành lực lượng chiến đấu “đẳng cấp thế giới” của Tập Cận Bình, chính quyền Trung Quốc đã rót hàng tỷ đô la mua và nâng cấp trang thiết bị quân sự. Ông Tập cũng đã xây dựng Lực lượng Tên lửa, một nhánh tinh nhuệ giám sát kho vũ khí tên lửa đạn đạo và hạt nhân đang phát triển nhanh chóng.

Hầu hết những tướng lĩnh bị cách chức hoặc mất tích không rõ lý do vào năm ngoái đều có liên quan đến Lực lượng Tên lửa hoặc thiết bị quân sự, trong đó có ông Lý và ông Ngụy.

Trước khi trở thành bộ trưởng Quốc Phòng, Lý Thượng Phúc đã lãnh đạo Cục Phát triển Thiết bị của PLA trong 5 năm. Là một kỹ sư được đào tạo bài bản, vị cựu bộ trưởng 66 tuổi đã từng làm việc trong các đơn vị phóng tên lửa và vệ tinh ở phía tây nam Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, trước khi được chuyển lên trụ sở PLA để phụ trách việc mua sắm thiết bị quân sự.

Ông Ngụy, 70 tuổi, là chỉ huy đầu tiên của Lực lượng Tên lửa. Vào cuối năm 2015, ông được Tập Cận Bình đưa vào biên chế của đơn vị tên lửa cũ thuộc PLA, Quân đoàn Pháo binh số 2, nơi ông từng làm việc trong nhiều thập kỷ. Hai người kế nhiệm ông Ngụy tại Lực lượng Tên lửa cũng đã bị thanh trừng.

Những cáo buộc nhắm vào Lý Thượng Phúc được đưa ra trong thông cáo của Bộ Chính Trị (gồm 24 thành viên), liên quan đến tham nhũng trong việc mua sắm vũ khí. Theo đài truyền hình Nhà nước CCTV, ngoài việc nhận và đưa hối lộ cũng như lạm dụng quyền lực, ông Lý còn bị cáo buộc “gây ô nhiễm trầm trọng môi trường chính trị và hoạt động công nghiệp của lĩnh vực thiết bị quân sự”.

Joel Wuthnow, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Quốc phòng do Lầu Năm Góc tài trợ, cho biết thuật ngữ được diễn đạt cẩn thận này nhấn mạnh đến sự thông đồng giữa các doanh nghiệp Nhà nước sản xuất vũ khí và hệ thống mua sắm của PLA.

Wuthnow nói : “Chúng tôi biết rằng có một số sự thông đồng, nhưng không rõ ràng. ĐCSTQ sẽ không thừa nhận những vũ khí chiến lược không đạt tiêu chuẩn hoặc không đáng tin cậy. Nếu điều đó được chứng minh, đó sẽ là vấn đề nghiêm trọng hơn đối với Tập Cận Bình vì ông ấy sẽ có những nghi ngờ không chỉ về vấn đề đạo đức mà còn về sự sẵn sàng chiến đấu của quân đội.”

Nhà phân tích Char cho biết các vấn đề trong hệ thống mua sắm của PLA đã tồn tại trong nhiều năm. Ông Char lưu ý rằng vào năm 2018, một nghiên cứu do Đại học Kỹ thuật Hải quân Trung Quốc, trung tâm mua sắm thiết bị của Hải quân và văn phòng kiểm toán của Quân ủy Trung ương thực hiện đã phân tích các hoạt động gian lận trong khâu đấu thầu mua sắm thiết bị của PLA và kêu gọi cải thiện hệ thống đấu thầu.

Ông Char cho biết thêm rằng có dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo quân sự hàng đầu của Trung Quốc dường như lo ngại về chất lượng của những thiết bị quân sự (đã mua trước đây), tướng Hà Vệ Động, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương (CMC), cơ quan giám sát các lực lượng vũ trang, tuyên bố vào tháng 3 sẽ dẹp bỏ “những khả năng chiến đấu giả dối” trong quân đội.

“Mất niềm tin”

Lý Thượng Phúc và Ngụy Phượng Hòa là những nhân vật quân sự cấp cao nhất bị hạ bệ trong 6 năm qua bởi chiến dịch chống tham nhũng không ngừng nghỉ của Tập Cận Bình.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã coi việc loại bỏ tận gốc nạn hối lộ và sự bất trung là một dấu ấn trong sự cai trị của ông kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, đồng thời ông đã hạ bệ những tướng lĩnh quyền lực trước đây được coi là “bất khả xâm phạm”.

Trong những năm cầm quyền đầu tiên, Tập Cận Bình đã loại bỏ hai quan chức cấp cao trong quân đội là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, hai cựu phó chủ tịch CMC. Ông Từ sau đó chết vì ung thư còn ông Quách bị kết án tù chung thân vì tội tham nhũng.

Joel Wuthnow nhận định rằng ở một khía cạnh nào đó, vụ bê bối tham nhũng mới nhất của hai cựu bộ trưởng Quốc Phòng “thậm chí còn tệ hại hơn đối với Tập Cận Bình” so với vụ hai ông Từ và Quách cách đây một thập kỷ.

“Hồi đó có thể nói rằng ông Tập đang thanh lọc nhân sự”, Wuthow cho biết, đồng thời lưu ý rằng Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng được bổ nhiệm vào CMC dưới thời cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân. Nhưng cả ông Ngụy lẫn ông Lý đều do Tập Cận Bình đề bạt.

Wuthnow nói thêm : “Trường hợp của Ngụy Phượng Hòa và Lý Thượng Phúc cho thấy các quy trình thẩm định nhân sự của chính ông Tập và chiến dịch chống tham nhũng được ca ngợi trong thập kỷ qua đã không thành công trong việc ngăn chặn nạn tham nhũng ở cấp cao nhất của hệ thống Nhà nước và điều này cho thấy ông Tập đã mất niềm tin vào những người do chính ông bổ nhiệm.”

Ông Ngụy được thăng cấp thượng tướng chỉ hơn một tuần sau khi Tập Cận Bình nắm quyền lãnh đạo Đảng. Còn ông Lý được thăng cấp trung tướng và sau đó lên thượng tướng chỉ 3 năm sau đó.

Thông cáo của Bộ Chính Trị cho biết hành động của Lý Thượng Phúc và Ngụy Phượng Hòa “đã phản bội lòng tin và trách nhiệm” mà lãnh đạo tối cao của Đảng và quân đội giao cho họ. Theo CCTV, ông Lý “đã phản bội các nguyên tắc của Đảng”, còn ông Ngụy bị cáo buộc “làm suy sụp niềm tin và mất lòng trung thành”.

Tập Cận Bình giờ đây vẫn quyết tâm nhổ tận gốc nạn tham nhũng và sự bất trung. Tháng trước, ông đã triệu tập giới chức quân sự cấp cao tham dự một hội nghị công tác chính trị ở Diên An, địa điểm thiêng liêng của cuộc cách mạng Cộng Sản Trung Quốc trong lịch sử Đảng.

Ông Tập nói với giới tinh hoa PLA : “Súng phải luôn trong tay những người trung thành và đáng tin cậy đối với Đảng. Rõ ràng cần phải có sự nghiêm khắc để đạt được hiệu quả khi chiến đấu. Trong quân đội không có chỗ cho những phần tử tham nhũng ẩn náu.”

James Char cho biết về lâu dài, việc Tập Cận Bình thanh lọc nhân sự và cải cách hệ thống mua sắm của quân đội là một tín hiệu khả quan đối với khả năng chiến đấu của Trung Quốc : “Các vấn đề đang được khắc phục và sẽ luôn có sự rà soát thẩm định cách thức mà Tập Cận Bình dùng để phát triển PLA, qua đó đạt được giấc mơ hiện đại hóa PLA vào năm 2035.”

Nguồn : CNN

No comments:

Post a Comment