VNTB – Việt Nam đang trở lại thời bao cấpDân Trần
11.06.2024 5:42
VNThoibao
Năm 2020, người dân xếp hàng chờ mua khẩu trang. Qua 2021, người người nhà nhà lại xếp hàng chờ chọc mũi test covid19. Tới 2022 thì dân xếp hàng chờ mua xăng. Rồi 2023 người có xe hơi lại xếp hàng chờ đăng kiểm, vì các cán bộ đăng kiểm bị bắt giam gần hết, ít ai dám làm đăng kiểm nên người dân phải xếp hàng chờ tới lượt. Sang năm 2024 thì mới đầu năm là dân miền tây đã xếp hàng xin nước từ thiện, giữa năm thì nhân dân cả nước lại xếp hàng chờ mua vàng.
Xếp hàng mua đồ là một văn hoá phổ biến ở khắp nơi trên thế giới và không cần phải nói. Nhưng xếp hàng ở Việt Nam bây giờ lạ lắm. Những năm trước mua khẩu trang, test covid, mua xăng hay chờ đăng kiểm thì chỉ là xếp hàng đợi tới lượt. Năm nay xếp hàng mua vàng thì khác.
Chỉ trong nửa năm nay, ngân hàng nhà nước (NHNN) liên tục ban hành nhiều quy định mới về việc quản lý vàng miếng. Cứ tưởng như là bình ổn, nhưng càng sửa càng sai, càng làm giá vàng nhảy múa chóng mặt. Ví dụ như ngày 02/01, ra quyết định 02 sửa đổi bổ sung Quyết định 1623/QĐ-NHNN. Trước đó, 4 ngày, ngày 28/12/2023, NHNN có công văn số 10064 về tuân thủ pháp luật phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Theo đó, giao dịch mua bán vàng nào từ 400 triệu đồng trở lên là phải chứng minh tài chính, sao kê thu nhập 6 tháng gần nhất, báo cáo NHNN…
Rồi sau đó, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú lại tung tin là sẽ sửa đổi nghị định 24 trong việc độc quyền vàng miếng của SJC. Đầu tháng 6 này thì tiếp tục ban hành quyết định sửa đổi bổ sung một số điều trong Quy trình mua bán vàng miếng. Và đồng thời ra quyết định 563 về quy trình mua bán vàng miếng qua hình thức đấu thầu giữa NHNN với tổ chức tín dụng, doanh nghiệp…
Chính sách mua bán vàng thay đổi liên tục thì hỏi tại sao lòng dân không hoang mang. Tạo điều kiện cho việc đầu cơ tích trữ vàng. Nhưng đồng thời cũng cho thấy xu hướng điều hành thị trường của cơ quan nhà nước đang có dấu hiệu quay trở lại thời bao cấp. Khi có dấu hiệu tập cho người dân quen với việc xếp hàng mua vàng theo số lượng giới hạn, giống như hình thức phân phối hàng hóa kiểu tem phiếu thời bao cấp.
Nhắc lại một chút về thời kỳ kinh tế “kế hoạch hoá” giai đoạn 1976-1986. Các doanh nghiệp tư nhân bị loại bỏ hoàn toàn, thay vào đó nhà nước nắm toàn quyền điều hành, phân phối hầu hét các loại hàng hoá. Hạn chế trao đổi bằng tiền mặt và cấm tuyệt đối chuyện người dân tự do mua bán trên thị trường. Cùng với đó là việc thiết lập chế độ hộ khẩu, phân phối lương thực theo đầu người.
So sánh với việc điều hành thị trường vàng của NHNN trong thời gian qua, thì có thể thấy không khác gì mấy thời bao cấp. Một giai đoạn đói khổ cùng cực của người dân với các chính sách sai lầm của nhà cầm quyền. Chính vì sai nên mới có câu chuyện “Đổi mới 1986” để xây dựng nền kinh tế thị trường. Mặc dù vẫn còn cô gắng “định hướng xã hội chủ nghĩa” cho nền kinh tế, nhưng Đổi mới 1986 đã là một chuyển biến tích cực đem lại nhiều bức phá đáng khích lệ cho Việt Nam sau những tháng ngày dài tăm tối.
Vậy mà bây giờ, gần 40 năm sau khi thực hiện đổi mới, nhà cầm quyền lại từng bước muốn điều hướng nền kinh tế quay trở lại thời bao cấp, thì hệ luỵ lâu dài sẽ như thế nào, chắc không cần phải nói. Đảng cộng sản đã bao nhiêu năm nay bền bỉ xin Hoa Kỳ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, vậy mà trong nước lại có dấu hiệu quay trở lại thời bao cấp, tem phiếu, thao túng giá vàng, giá tiền tệ, tăng cường mức độ kiểm soát thị trường vàng cũng như các mặt hàng thiết yếu…
Đây không khác gì chuyện “treo đầu dê bán thịt chó”, khi mà bên ngoài thì muốn được công nhận là tự do kinh tế, còn trong nước thì kiểm soát khắt khe. Có lẽ Hà Nội quá coi thường các quan chức Hoa Kỳ, và có ý định qua mặt đối tác như họ vẫn thường làm từ trước tới giờ.
No comments:
Post a Comment