VNTB – Người dân không được quyền chỉ trích Giáo hội Phật giáo Việt Nam?
Hoài Nguyễn
07.06.2024 12:36
VNThoibao
(VNTB) – Chỉ trích là một quyền được Hiến định.
Theo định nghĩa của từ điển tiếng Việt, thì động từ “chỉ trích” có nghĩa là “vạch cái sai, cái xấu, nhằm chê trách, phê phán”. Ví dụ như “Chỉ trích một chủ trương sai lầm”- “Bị chỉ trích kịch liệt”.
Như vậy nếu quả tình bài viết “Ông Chu Mộng Long bị Giáo hội Quảng Bình đe doạ” đăng trên trang Việt Nam Thời Báo hôm 4-6-2024 là đúng sự thật thì cần thiết xem xét lại cách hiểu pháp lý về quyền tự do ngôn luận được Hiến định của tổ chức mang tên Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình.
Nhà báo Trịnh Hữu Long trong bài viết Chỉ trích bộ trưởng là quyền, không phải tội đăng trên tờ Luật Khoa đã nêu quan điểm rằng, “chuyện chỉ trích quan chức chính phủ thuộc về quyền được mở miệng của người dân, quyền được giám sát những người mà họ đóng thuế để nuôi, và quyền được đuổi việc những quan chức yếu kém và tham nhũng. Đây là lẽ thường của bất cứ một thể chế nào tự nhận là dân chủ và tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người dân”.
Cá nhân người viết bài này cho rằng nếu trước tiên căn cứ vào ngữ nghĩa tiếng Việt – và cả ngôn ngữ pháp lý, thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức tôn giáo thuộc xã hội dân sự, nên chịu lời khen – chê từ xã hội là điều hiển nhiên.
Nếu nói đó là “xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo” như ý kiến của Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình, người ký phát hành văn bản yêu cầu 3 bộ là Thông tin và Truyền thông – Công an – Nội vụ (Ban Tôn giáo chính phủ) về cáo buộc “sử dụng mạng xã hội, lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xúc phạm Đức Phật và Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, thì đây là văn bản sai hình thức, vì thẩm quyền của một tổ chức tôn giáo địa phương không thể nhân danh quyền đại diện tố tụng đối với một tổ chức cấp trung ương, nếu không có văn bản ủy quyền đúng pháp luật.
Ngoài ra ngay cả tổ chức tôn giáo cấp trung ương này cũng không đủ thẩm quyền quy kết hành vi “xúc phạm Đức Phật”.
Hiến pháp 2013 được ban hành với ba điểm được tuyên truyền là rất mới về tín ngưỡng, tôn giáo: (1) Tín ngưỡng, tôn giáo là một nội dung quan trọng của chương II – Quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; (2) Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người (không chỉ là quyền của công dân như trước); (3) Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo (không chỉ là bảo đảm như trước). Đó chính là nền tảng – hiến định của việc hoàn chỉnh quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Nhìn rộng ra, trong xã hội cần lắm sự tự do để mọi người có thể nói lên quan điểm của mình, và người ta cũng thường kêu đòi sự tự do như vậy. Ấy thế mà khi có ý kiến nào đó bất đồng quan điểm với một tổ chức, thì lập tức nhân danh quyền lực của tổ chức này lại đưa ra đề xuất cần phải trừng trị bằng pháp luật hình sự, mà bài viết “Ông Chu Mộng Long bị Giáo hội Quảng Bình đe doạ” là một đơn cử.
Ở đây thông qua hình ảnh thực tế của hành giả Thích Minh Tuệ cùng với các dẫn chứng cụ thể bằng video clip các pháp thoại của Thích Chân Quang, Thích Nhuận Đức, hay hình ảnh “khất thực” của đoàn nhà sư Thích Trúc Thái Minh được công khai trên các kênh truyền thông,… thì những nhà quan sát xã hội dân sự như tác giả Chu Mộng Long, Nguyễn Xuân Diệu mới phân tích, so sánh và đưa ra các khuyến cáo cảnh báo cho công chúng; trong đó có tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Lẽ ra tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình nói riêng, nên cầu thị, rà soát lại các ý kiến đóng góp này thay cho việc đơn thuần phản bác bằng đe dọa sử dụng quyền lực nhà nước.
No comments:
Post a Comment