VNTB – Nghệ
An lại quen tay, quen miệng … xin tiềnChâu Nam Việt
05.06.2024 5:18
VNThoibao
Quốc hội vừa có phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Theo đó, tỉnh này được chọn làm thí điểm các cơ chế đặc thù, vượt trội, với 14 chính sách đặc thù với hy vọng biến Nghệ An thành tỉnh khá của cả nước, phát triển nhanh, bền vững.
Chính phủ đề xuất cho phép Nghệ An giữ lại khoảng 600 tỷ đồng tiền thuế thu từ 22 nhà máy thủy điện để phát triển hạ tầng, xã hội vùng khó khăn phía Tây. Đồng thời, phân bổ thêm 50% vốn đầu tư công từ ngân sách Trung ương cho Nghệ An.
Ngoài ra, Đại biểu Trần Đức Thuận (Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh) cho rằng Nghệ An có tỷ lệ nghèo còn cao nên cần nghiên cứu cơ chế để huy động nguồn lực từ các địa phương giàu hơn. Ông nói: “Trước đây tôi đã từng đề nghị tỉnh giàu giúp cho tỉnh nghèo, huyện giàu giúp huyện nghèo, xã giàu giúp xã nghèo thì nay nếu có chính sách sẽ tạo cơ chế cho các tỉnh thành có điều kiện giúp được tỉnh nghèo”. (1)
Cần nhớ rằng Nghệ An là tỉnh dân số đông thứ 4 và diện tích lớn nhất Việt Nam, phía đông giáp biển (82km), phía tây giáp Lào, với hơn 10 khu công nghiệp và gần 40 cụm công nghiệp. Với những điều kiện thuận lợi này thì Nghệ An hơn hẳn nhiều tỉnh thành khác ở phía Nam, Tây Nguyên hoặc Tây Bắc. Nếu các lãnh đạo tại tỉnh này biết cách phát huy các thế mạnh về dân cư, địa lý thì Nghệ An đã bay cao, bay xa rất nhiều.
Thế nhưng bây giờ người dân Nghệ An vẫn bay cao, bay xa, nhưng là bay đi sang các nước khác xuất khẩu lao động, bay sang Mexico để tìm đường “vượt rào” nhập cảnh bất hợp pháp vào Hoa Kỳ, hoặc bay vào Bình Dương, Đồng Nai làm công nhân. Số liệu năm 2023 cho thấy, Nghệ An là một trong những địa phương có số lao động hiện làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhiều nhất Việt Nam với hơn 75.000 người. Số người xuất khẩu lao động năm sau thường tăng gấp đôi so với năm trước.
Đó là chưa kể chuyện năm nào cũng phải xin gạo cứu đói để phát cho người dân. Đầu năm 2024, tỉnh này được cấp hơn 1.080 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để giải quyết nạn đói cho dân nghèo. Năm 2023, con số này là gần 1.326 tấn gạo.
Dân thì nghèo, phải ly hương cầu thực. Nhưng quan chức thì dùng tiền để làm gì? 48 năm qua thành phố Vinh không xây thêm một ngôi trường phổ thông công lập nào, mà lại thấy thêm hàng loạt tượng đài trăm tỷ, khu di tích ngàn tỷ. Như dự án Thác 9 tầng diện tích lên tới 435.677m2 với kinh phí 1.625 tỷ đồng nhằm tưởng nhớ công ơn bà Hoàng Thị Loan, mẹ ông Hồ Chí Minh.
Hoặc khu quảng trường và tượng đài Hồ Chí Minh (không dưới 1000 tỷ). Tượng đài liệt sỹ Truông Bồn có tổng kinh phí hơn 175 tỷ đồng, tượng đài Phan Đăng Lưu kinh phí (gần) 100 tỷ đồng, tượng đài Xô Viết Nghệ Tĩnh kinh phí gần 93 tỷ đồng, tượng đài Công nông Xô viết Trường Thi – Bến Thủy kinh phí 45 tỷ đồng.
Bây giờ ông Thái Thanh Quý (Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An) còn chê là nếu vốn đầu tư công bổ sung tăng 50%, mỗi năm Nghệ An có thêm khoảng 700 tỷ đồng thì con số này chẳng đáng là bao so với toàn tỉnh. Rồi muốn các tỉnh giàu phải góp thêm cho Nghệ An thì quả thật quá là trơ trẽn.
Chẳng biết số tiền “quyên góp” đó sẽ đi về đâu với cách xài tiền hoang phí vô tội vạ của các lãnh đạo tại đây, nhưng chắc chắn người dân vẫn là nạn nhân chính. Dân các tỉnh khác trên toàn quốc phải đóng thuế và nhường ngân sách cho Nghệ An, còn dân Nghệ An thì lại nhường phần tiền đó lại cho các quan xây tượng đài, tiêu xài phung phí… Câu chuyện phát triển bền vững vẫn là giấc mơ không có thật!
__________________
Tham khảo:
(1) https://vnexpress.net/dai-bieu-de-xuat-tinh-giau-ho-tro-tinh-ngheo-4752923.html
No comments:
Post a Comment