Friday, June 14, 2024

VNTB – Kinh Bát Chánh Đạo có được sự phê chuẩn của cơ quan thẩm quyền?
Cát Tường
15.06.2024 12:38
VNThoibao



(VNTB) – Trong giáo lý nhà Phật được truyền bá ở Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không có bộ kinh nào là “kinh Bát Chánh Đạo”.

 Ở bài viết chủ đề Phật học trên báo Giác Ngộ, “Ba cách thuyết minh Bát Chánh đạo”, viết rằng trong Kinh tạng Nikaya, khi Đức Phật nói trực tiếp về Bát Chánh đạo, thì lộ trình theo thứ tự là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định, hay nói gọn lộ trình đó là Tuệ – Giới – Định.

Lại những có những đoạn kinh, cụ thể là trong kinh Đại bát Niết-bàn và một số kinh khác, Ngài lại nói lộ trình là Giới – Định – Tuệ, và đây cũng chính là lộ trình mà hầu như tất cả mọi người học Phật tin tưởng và thống nhất. Còn khi nói về Năm căn và Năm lực, Thế Tôn lại nói theo thứ tự là Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ hay nói gọn là Niệm – Định – Tuệ.

Như vậy “Bát Chánh đạo” có thể được hiểu là một chuỗi của lộ trình tu học theo Phật pháp.

Theo một bài viết trên kênh Phật Giáo Nguyên Thủy Theravāda, thì 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm có 36 tâm-sở đồng sinh. Trong 36 tâm-sở ấy chỉ có 8 tâm-sở gọi là bát-chánh-đạo như sau: 1. Trí-tuệ tâm-sở gọi là chánh-kiến; 2. Hướng-tâm tâm-sở gọi là chánh-tư-duy; 3. Chánh-ngữ tâm-sở gọi là chánh-ngữ; 4. Chánh-nghiệp tâm-sở gọi là chánh-nghiệp; 5. Chánh-mạng tâm-sở gọi là chánh-mạng; 6. Tinh-tấn tâm-sở gọi là chánh-tinh-tấn; 7. Niệm tâm-sở gọi là chánh-niệm; 8. Nhất-tâm tâm-sở gọi là chánh-định.

Tám tâm-sở này cùng với 28 tâm-sở khác đồng sinh với 4 Thánh-đạo-tâm, 4 Thánh-quả-tâm cùng có đối-tượng Niết-bàn siêu-tam-giới.

Một bài giảng trên trang Làng Mai chủ đề “Đạo đế, bát chánh đạo”, nói rằng trong sự tu tập, học hỏi, có ba giai đoạn: văn, tư, tu. Văn tức là nghe giảng, đọc sách, nghe giáo lý, học giáo lý, pháp đàm về giáo lý. Tư là dùng trí thông minh, kinh nghiệm của mình mà chiêm nghiệm. Không vâng tin theo một cách ngây thơ những gì mình nghe, mình học. Tu là đem ra thực tập. Thực tập bằng thiền hành, thiền tọa, ăn cơm im lặng, làm việc, nói năng. Thực tập để có cơ hội xét nghiệm lại, để có thể chuyển đổi tự thân cho sâu sắc hơn, đứng đắn hơn, vững vàng hơn.

Không có cụ thể bài kinh kệ nào mang tên “kinh Bát Chánh Đạo” đúng như tuyên bố của Thượng tọa Thích Chân Quang đây là một biên soạn của cá nhân ông, và được phổ biến như một nghi thức Phật giáo ở chùa Thiền Tôn Pháp Quang.

Cá nhân người viết bài này không phải là nhà nghiên cứu Phật pháp nên chỉ xem xét vấn đề từ góc nhìn của Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Theo luật này thì tại điều 54 “Hoạt động xuất bản, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm” được thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất bản và quy định khác của pháp luật.

Hội đồng Giám luật của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là nơi có chức năng giám sát và chứng minh các hoạt động Phật sự của các cấp giáo hội tại địa phương. Và điều này cho thấy Hội đồng Giám luật cần có ý kiến cụ thể, tường minh về cái gọi là “kinh Bát Chánh Đạo” đang được coi là một nghi thức cho tụng kinh ở chùa Thiền Tôn Phật Quang.

Tài khoản facebook có tích xanh chính chủ của nhà báo Nguyễn Tiến Tường dẫn một đoạn mà đệ tử ông Thích Chân Quang thi nhau truyền tụng trong kinh của ông ấy: “”Đừng chê bai bừa bãi – Kẻo xúc phạm bậc hiền – Nhiều kiếp tổn phước duyên – Có khi sinh cầm thú…”.

Nhà báo Nguyễn Tiến Tường đã thử phân tích hai câu đầu đã cho thấy xô đổ tinh thần “chúng sinh bình đẳng” của đạo Phật. Xúc phạm ai cũng giống nhau. Đối với “bậc hiền”, nếu là người tu thì ai xúc phạm mình còn được xem là đang bố thí ba la mật cho mình. Vì nó giúp người tu “định” trong thử thách.

“Nói như vậy không có nghĩa là kẻ xúc phạm không bị quả báo. Tuy nhiên, ngoài nhân quả thế gian, thì cái nghiệp của người đó đã thành, kiếp sau hoặc vài kiếp nữa mới bị quả báo khẩu nghiệp. Làm sao ông Quang biết sinh cầm thú? Phật lại dạy, nhân ai quả người đó. Tại sao một người bị khẩu nghiệp mà bắt một đứa trẻ làm cầm thú để trả nghiệp cho cha mẹ chúng được!

Chỉ 4 câu “kinh” thất kinh rùng rợn này, ông Quang đã chà đạp chánh ngữ, chánh tư duy, chánh kiến, chánh nghiệp… làm sao có chánh tinh tấn, sao có thể gọi là chánh pháp, chánh đạo!

Chỉ với 4 câu này, ông Quang đã chà đạp toàn bộ giá trị triết lý và tinh thần nhân văn của đạo Phật”, nhà báo Nguyễn Tiến Tường ý kiến và đề nghị “Ban Tôn giáo chính phủ không chỉ thẩm tra các bài thuyết pháp của ông Quang mà nên thẩm tra toàn bộ hệ thống giáo lý tại chùa Phật Quang”.

Như vậy với một nhà sư có học vị tiến sĩ luật chuyên ngành nhân quyền như Vương Tấn Việt/ Thích Chân Quang thì không thể có những khoa ngôn bất chấp pháp luật và giáo lý tôn giáo.

 


 

No comments:

Post a Comment