Vạn Thịnh Phát: lời khai của bị can đã chết về kế hoạch lừa đảo trái phiếu
11.06.2024
BBC
Bà Trương Mỹ Lan và ba bị can đã qua đời trong vụ án Vạn Thịnh Phát
Vụ án Vạn Thịnh Phát có đến ba bị can đột ngột tử vong. Trong đó, bà Nguyễn Phương Hồng, ông Nguyễn Tiến Thành là những mắt xích quan trọng trong vụ án lừa đảo trái phiếu tại Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB.
Ở giai đoạn 2 của vụ án, bà Trương Mỹ Lan và 33 bị can khác có khả năng đối mặt với ba tội: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Rửa tiền" và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".
Theo Bộ Công an, ba nhân vật trong vụ án đã chết là bà Nguyễn Phương Hồng, ông Nguyễn Tiến Thành và ông Nguyễn Ngọc Dương đều phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tội này có liên quan đến việc người dân mua trái phiếu tại SCB.
Tuy nhiên, ba bị can này đã chết nên cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự nhưng vẫn bị ngăn chặn giao dịch tài sản.
Đáng chú ý, kết luận điều tra cho thấy bà Trương Mỹ Lan cùng bà Nguyễn Phương Hồng bị bắt vào ngày 7/10/2022 và đến ngày 9/10/2022 thì bà Hồng chết - khi đã bị khởi tố bị can.
Bà Hồng còn được cho là người đề xuất bà Trương Mỹ Lan dùng Công ty An Đông phát hành trái phiếu nhằm xử lý các khoản nợ của Ngân hàng SCB.
Thời điểm bị bắt, bà Hồng Nguyễn là thành viên HĐQT Ngân hàng SCB và là trợ lý Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Mắt xích quan trọng vụ trái phiếu
Theo kết luận điều tra của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an, bà Trương Mỹ Lan khai rằng, vào năm 2018, bà được bà Nguyễn Phương Hồng báo cáo Ngân hàng SCB phải chịu áp lực trả lãi cho dân, trả nợ nhiều khoản tài chính. SCB cũng bị hạn chế về hạn mức tín dụng, dẫn đến hoạt động của SCB lâm vào bế tắc.
Bà Nguyễn Phương Hồng đã làm việc tại Ngân hàng SCB từ tháng 1/2007 (trước hợp nhất). Tới tháng 3/2015, bà được bổ nhiệm làm phó giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn và lên làm giám đốc vào tháng 8/2015.
Từ tháng 8/2019 đến 17/5/2022, bà Hồng được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT Ngân hàng SCB.
Bà Trương Mỹ Lan khai rằng chính bà Hồng đã nhiều lần đề xuất bà Lan cho sử dụng Công ty An Đông và các công ty khác thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phát hành trái phiếu để có nguồn xử lý các khoản nợ, giúp đỡ Ngân hàng SCB vượt qua giai đoạn khó khăn.
Theo bà Lan, ban đầu bà Phương Hồng đề xuất phát hành khoản trái phiếu Công ty An Đông từ 10.000 tỷ đồng đến 15.000 tỷ đồng, nhưng sau đó, do tình hình thực tế phát sinh nhiều áp lực tài chính nên đã phát hành trái phiếu Công ty An Đông lên tới 25.000 tỷ đồng và cùng nhiều công ty khác như Sunny World, Quang Thuận, Setra.
Phần tiểu sử của bà Nguyễn Phương Hồng trên trang SCB biến mất sau khi bà bị bắt vào ngày 7/10/2022
Bộ Công an đã xác định những trái chủ sở hữu 25 mã trái phiếu của bốn pháp nhân gồm Công ty Bất động sản An Đông, Công ty Đầu tư An Thuận, Công ty Sunny World và Công ty Dịch vụ Thương Mại TP HCM là bị hại của vụ án.
Kết luận điều tra của Bộ Công an xác định bà Nguyễn Phương Hồng là đầu mối trực tiếp làm việc với các bên gồm Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) và các tổ chức phát hành để lên phương án thực hiện việc phát hành trái phiếu, điều phối, đi dòng tiền và sử dụng tiền thu được từ huy động trái phiếu.
Với số tiền 30.000 tỷ đồng thu được từ việc bán trái phiếu của các trái chủ (được xác định là bị hại), bà Lan đã chỉ đạo bà Nguyễn Phương Hồng quản lý và theo dõi việc sử dụng cho nhiều mục đích của tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Theo kết luận điều tra, bà Hồng khai nhận mình là người lựa chọn các công ty mua sơ cấp trái phiếu và lên phương án dòng tiền khống tại Ngân hàng SCB để hợp thức nguồn tiền cho các công ty mua sơ cấp trái phiếu của Công ty An Đông.
Từ đó, hợp thức tư cách trái chủ sơ cấp của các công ty được lựa chọn, giúp bà Trương Mỹ Lan phát hành thành công trái phiếu Công ty An Đông trị giá gần 25.000 tỷ đồng. Sau Công ty An Đông, bà Hồng tiếp tục đề xuất cho Trương Mỹ Lan phát hành trái phiếu của các công ty là Sunny World, Quang Thuận.
Tổng dư nợ 5 gói trái phiếu mà Phương Hồng tham gia tạo lập, phát hành là 28.000 tỷ đồng.
Bộ Công an kết luận, tiền thu được từ hoạt động bán trái phiếu không được sử dụng đúng mục đích phát hành trái phiếu là đầu tư vào các dự án kinh tế để sinh lời, đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả gốc và lãi cho các trái chủ.
Thay vào đó, bà Lan và đồng phạm đã rút tiền và sử dụng toàn bộ số tiền huy động được từ bán trái phiếu cho các mục đích khác dẫn đến không có đủ nguồn tiền để đảm bảo chi trả gốc và lãi đến hạn cho các trái chủ.
Với kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ đã thu thập, Bộ Công an kết luận hành vi của bà Nguyễn Phương Hồng đã phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Như đã đề cập, do bà Hồng qua đời ngày 9/10/2022 nên không chịu trách nhiệm hình sự.
Tại thời điểm đó, các trang như Pháp luật TP HCM, Vietnamnet, Vietstock, Viez,.. đã đưa tin về cái chết của bà Phương Hồng ở tuổi 39.
Tuy nhiên, chỉ vài tiếng sau, tin tức này cũng như thông tin về bà Phương Hồng trên trang web của Ngân hàng SCB cũng đột nhiên bị gỡ khỏi các trang báo và trên Facebook.
NGUỒN HÌNH ẢNH,CHỤP MÀN HÌNH
Bài viết về việc bà Nguyễn Phương Hồng qua đời đã bị gỡ khỏi trang báo Pháp Luật TP HCM
Trước khi rút tin, tờ Pháp Luật TP HCM đăng nội dung:
"Tối ngày 10/10, gia đình phát tang bà Nguyễn Phương Hồng tại nhà riêng ở đường Nam Hòa, phường Phước Long A, TP Thủ Đức, TP.HCM."
Tờ này mô tả khu vực đám tang bà Hồng có nhiều dân quân tự vệ, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, công an phường tuần tra.
Tuy nhiên, báo chí lẫn kết luận điều tra của Bộ Công an đều không đề cập đến nguyên nhân cái chết cũng như việc bà Hồng qua đời tại địa điểm nào, có phải trong lúc bị tạm giam hay không.
Theo kết luận điều tra, bà Hồng còn giúp bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi rửa tiền - toàn bộ 30.000 tỷ từ trái phiếu. Cụ thể, khi cần tiền, bà Lan chỉ đạo bà Hồng và một số lãnh đạo, cán bộ SCB yêu cầu một số chi nhánh của SCB thực hiện dưới hai hình thức. Một là rút tiền mặt trực tiếp tại SCB, hai là chuyển khoản vào các công ty ma, cá nhân được chỉ định. Tất cả nhằm mục đích cắt đứt dòng tiền.
Việc công an vẫn có lời khai của bà Hồng trong kết luận điều tra vụ án cho thấy có thể bà Nguyễn Phương Hồng đã qua đời trong quá trình làm việc với công an.
Play video, "Bà Trương Mỹ Lan tiết lộ về tướng công an đã chết", Thời lượng 0,32
Chụp lại video, BBC: Xem video
Bà Trương Mỹ Lan tiết lộ về tướng công an đã chết
Hai bị can đã chết khác có vai trò gì?
Bên cạnh bà Phương Hồng, ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt (TVSI), và ông Nguyễn Ngọc Dương, Giám đốc Công ty Sài Gòn Penninsula, kiêm cựu Tổng Giám đốc Công ty Vạn Phát Hưng, cũng là hai bị can qua đời.
Ông Thành “bị đột quỵ" (theo cáo phó của gia đình) vào ngày 7/10/2022, ngay sau khi bà Lan bị bắt vào ngày 6/10/2022 - theo lời khai của bà Lan tại tòa. Còn cáo trạng thì ghi bà Lan bị bắt vào ngày 7/10/2022.
Kết quả điều tra của Bộ Công an cho thấy ông Nguyễn Tiến Thành là người tiếp nhận chủ trương, bàn bạc với bà Trương Mỹ Lan và các nhân sự cấp cao của Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để lên phương án phát hành trái phiếu, trực tiếp ấn định thông tin, chỉ đạo, điều hành các nhân viên của TVSI phía nam thực hiện quy trình tư vấn, phát hành trái phiếu cho bốn công ty gồm An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra.
Bộ Công an đã xác định gần 36.000 trái chủ sở hữu 25 mã trái phiếu của bốn công ty này là bị hại của vụ án.
Mặc dù ông Nguyễn Tiến Thành đã chết nhưng với kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ đã thu thập thì Bộ Công an kết luận hành vi của ông Nguyễn Tiến Thành đã phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với vai trò đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan, liên đới trách nhiệm số tiền 30.000 tỷ đồng từ bán trái phiếu.
Thời điểm tháng 10/2022, cái chết của ông Thành cùng với việc bà Trương Mỹ Lan bị bắt đã khiến người dân gửi tiền hoặc mua trái phiếu tại ngân hàng SCB đổ xô đi rút tiền.
Ủy ban chứng khoán Hà Nội thông báo về việc ông Nguyễn Tiến Thành qua đời "đột ngột"
Một bị can nữa qua đời là ông Nguyễn Ngọc Dương, Giám đốc Công ty Sài Gòn Penninsula và công ty VIPD, kiêm cựu Tổng Giám đốc Công ty Vạn Phát Hưng.
Ông đột ngột qua đời vào ngày 14/10/2022, nguyên nhân cái chết chưa được làm rõ nhưng báo chí có đưa tin ông Dương chết tại nhà riêng.
Kết luận điều tra cho thấy ông Nguyễn Ngọc Dương đã có hành vi ký chứng từ chuyển số tiền 3.900 tỷ đồng khống từ Công ty VIPD sang Công ty An Đông trong chuỗi dòng tiền khống tạo lập gói trái phiếu ADC-2018.01.
Ông cũng là người trực tiếp chỉ đạo, điều hành các nhân viên Công ty Sunny World, Natural Land... tìm kiếm, thuê người đứng tên thành lập công ty, cổ phần, khoản vay, ký khống chứng từ, tài liệu... phục vụ cho các hoạt động phạm pháp.
Cũng như ông Thành và bà Hồng, ông Dương bị Bộ Công an kết luận có hành vi phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", liên đới trách nhiệm số tiền 3.900 tỷ.
Cả ba bị can đã qua đời trong vụ án Vạn Thịnh Phát đều đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là bà Nguyễn Phương Hồng.
Tuy nhiên, vào ngày 29/10/2022, người phát ngôn Bộ Công an, ông Tô Ân Xô, nói rằng việc các bị can này qua đời không ảnh hưởng đến vụ án:
"Trong quá trình tố tụng có bị can và một số người liên quan qua đời do đột tử. Điều này tất nhiên sẽ gây thêm khó khăn cho quá trình điều tra. Tuy nhiên, với quyết tâm của lực lượng thực thi pháp luật, điều này không gây ảnh hưởng, vụ việc chắc chắn sẽ được làm rõ, làm đúng pháp luật, đảm bảo đúng người đúng tội."
Tin liên quan
Bà Trương Mỹ Lan đối mặt thêm ba tội danh, bị cáo buộc chuyển hơn 4,5 tỉ USD qua biên giới6 tháng 6 năm 2024
Thượng tướng Lương Tam Quang làm Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương khi không thuộc Bộ Chính trị11 tháng 6 năm 2024
No comments:
Post a Comment