Thursday, June 20, 2024

Tổng thống Putin thăm Việt Nam: Châu Âu phản ứng khác Mỹ
20.06.2024
BBC

NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC/GETTY IMAGES
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hội đàm và hội kiến với "Tứ Trụ" Việt Nam trong ngày 20/6 tại Hà Nội

Liên minh châu Âu (EU) không trực tiếp nói đến Việt Nam trong những tuyên bố liên quan đến chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cho đến nay, phản ứng chính thức từ Mỹ là tuyên bố từ người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội liên quan đến chuyến công du của ông Putin đến Việt Nam, theo Reuters tường thuật ngày 17/6:

"Không có quốc gia nào nên cho Putin một nền tảng để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và nếu làm vậy là cho phép ông ta bình thường hóa những tội ác của mình".

"Nếu ông ta có thể đi lại tự do, điều này có thể bình thường hóa những vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế."

Reuters đánh giá phản ứng này của Mỹ, quốc gia vừa nâng cấp mối quan hệ với Việt Nam lên tầm đối tác chiến lược toàn diện hồi tháng 9/2023, là gay gắt.

Trước khi ông Putin đặt chân tới Hà Nội, Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam nhắc lại việc ông Putin đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh truy nã từ tháng 3/2023.

Việt Nam không phải là thành viên của ICC, đây có thể là lý do khiến ông Putin chọn Việt Nam làm điểm đến.

Tuyên bố của Mỹ phần nào mang tính chỉ trích việc Hà Nội đã tiếp đón một nguyên thủ quốc gia đang bị truy nã liên quan đến các cáo buộc về tội ác chiến tranh, bao gồm cả việc bắt nhiều trẻ em từ Ukraine đưa về Nga.

Trong khi đó, Ukraine và các nước trong Liên minh châu Âu đã không đề cập đến việc Hà Nội tiếp đón ông Putin mà chỉ nhắc lại ông này đang bị truy nã và nhắc lại cuộc chiến tranh Ukraine, vốn đã bước sang năm thứ ba.

Dòng thông điệp của Đại sứ Oleksandr Gaman trên Facebook của Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội có nội dung:

"Vladimir Putin đối mặt với sự lên án toàn cầu như một tội phạm quốc tế. Những hành động của ông ta trong cuộc xâm lược Ukraine, bao gồm cả việc cưỡng bức trục xuất và các hành động hủy diệt hệ sinh thái, đã gây ra đau khổ tột cùng và vi phạm luật pháp quốc tế. Cộng đồng quốc tế vẫn kiên định ghi lại những hành động tàn bạo này và đảm bảo trách nhiệm phải giải trình. Việc ICC ban hành lệnh bắt giữ nêu bật mức độ nghiêm trọng của những vi phạm này và nhu cầu cấp thiết về công lý. Điều quan trọng là phải đưa những kẻ chịu trách nhiệm về những hành động tàn ác như vậy ra trước công lý và thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn tổn hại thêm những sinh mạng vô tội."

Ngày 20/6, Đại sứ quán Ukraine nhắc lại "10 năm cuộc chiến tranh xâm lược của Nga", nhấn mạnh thời điểm 2014 khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea của quốc gia này.

"Hơn 10 năm của cuộc chiến tranh xâm lược bất hợp pháp, vô cớ và phi lý chống lại Ukraine.

Hơn 10 năm qua đất nước chúng tôi đã tự vệ bằng lòng dũng cảm và quyết tâm của mình.

Hơn 10 năm đất nước chúng tôi phải gánh chịu những tội ác chiến tranh của Putin."

EU không bình luận trực tiếp

NGUỒN HÌNH ẢNH,ĐẠI SỨ QUÁN UKRAINE TẠI VIỆT NAM
Dòng thông điệp vào ngày 19/6 của Đại sứ Ukraine tại Việt Nam, ông Oleksandr Gaman, có nội dung "[Tòa án] La Hague đang chờ [Putin]".

19 tháng 6 năm 2024

19 tháng 6 năm 2024

Các quốc gia thuộc EU cũng không nói đến trực tiếp chuyến đi của ông Putin mà đồng loạt đăng các thông điệp lên Facebook chỉ trích cuộc chiến tranh Ukraine và nhắc lại việc ông Putin đang bị ICC truy nã liên quan đến tội ác chiến tranh.

Đại sứ quán Đức tại Việt Nam ngày 20/6 tuyên bố:

"Putin phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với những tội ác chiến tranh nghiêm trọng, đặc biệt là việc đưa hàng loạt trẻ em Ukraine sang Nga một cách bất hợp pháp. Chính vì lý do này, Tòa án Hình sự Quốc tế đã phát lệnh bắt Putin."

Với hình ảnh vườn hoa hướng dương cùng dòng thông điệp "Đoàn kết với Ukraine", Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tuyên bố:

"Pháp mong muốn trở lại nền hòa bình lâu dài nhưng Pháp từ chối một trật tự thế giới dựa trên luật pháp của kẻ mạnh và vi phạm các nguyên tắc cơ bản chi phối mối quan hệ giữa các quốc gia."

Ngày 20/6, Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam nhấn mạnh lập trường của quốc gia này là sát cánh với Ukraine:

"Trong hơn hai năm qua, người dân Ukraine đã tự bảo vệ mình bằng lòng can đảm và sự quyết tâm. Ba Lan đứng về phía họ."

Đại sứ quán Ý tại Việt Nam viết trên Facebook ngày 20/6:

"Cộng đồng quốc tế cần đoàn kết và nhất trí lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, đây không chỉ là cuộc tấn công vào Ukraine mà còn nhằm vào trật tự quốc tế của chúng ta dựa trên luật lệ. Sự tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc phải được ưu tiên, cũng vì lợi ích hòa bình và ổn định ở các khu vực khác trên thế giới."

Nhắc lại ngày 19/6 là ngày Quốc tế Xóa bỏ Bạo lực Tình dục trong Xung đột, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam nêu tuyên bố:

"Ở Ukraine, các lực lượng Nga tiếp tục vũ khí hóa bạo lực tình dục - hãm hiếp tập thể, hãm hiếp bằng mũi súng và thiến chỉ là một vài ví dụ về những gì phụ nữ, đàn ông và trẻ em Ukraine hiện đang phải chịu đựng."

Cách phản ứng khác nhau giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về chuyến đi của ông Putin đến Hà Nội cho thấy dường như EU và cả Ukraine không muốn can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Việt Nam, nhưng vẫn lên án Nga và ông Putin gay gắt.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Hiện không có một lộ trình hòa bình rõ ràng cho cuộc chiến tranh Ukraine

Trong một động thái khác, Liên minh châu Âu (EU) hôm nay (20/6) đã công bố một loạt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, lần đầu tiên nhắm đến việc cung ứng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) sang một số quốc gia thành viên trong liên minh sau quá trình thương thảo kéo dài giữa đại sứ các nước.

Đây là gói trừng phạt thứ 14 của EU nhắm đến Nga, được đưa ra vào thời điểm quân đội Nga đang ra sức giành lấy lợi thế trên chiến trường Ukraine.

Hiện không có một lộ trình hòa bình rõ ràng cho cuộc chiến tranh Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin không cho thấy dấu hiệu muốn có hòa bình.

Hồi giữa tháng 6, ông Putin tuyên bố Ukraine cần phải rút quân khỏi các vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố đã sáp nhập trước khi lệnh ngừng bắn có thể được thực hiện - một đề xuất mà Tổng thống Ukraine gọi là "tối hậu thư" giống như của Hitler.

Thượng đỉnh hòa bình về Ukraine ở Thụy Sĩ hồi cuối tuần rồi đã kết thúc vài giờ trước dự định.

Ukraine đã không đạt thành công như dự định.

Nhưng đây cũng được xem là cơ hội cho ông Zelensky thúc đẩy một thông điệp chính ngay chính tại Ukraine: Nga giống một kẻ bắt nạt tại trường học, chỉ dùng sức mạnh để nói chuyện.

Điều đó thể hiện cả trên chiến trường lẫn con đường ngoại giao.

Trước đó, Việt Nam đã không tham dự thượng đỉnh này dù được mời và không công bố lý do.

Ngày 18/6, Giáo sư Alexander L Vuving từ trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam không tham dự là vì mối quan hệ ngoại giao với Nga "quan trọng hơn nhiều nếu so với Ukraine", đồng thời Nga đã không được mời tham dự thượng đỉnh vừa qua.

"Quan điểm của Việt Nam, theo tôi, đó là bất kỳ câu chuyện gì liên quan đến cuộc chiến tranh Ukraine thì phải có hai bên tham gia. Không biết một hội nghị hòa bình mà chỉ có Nga tổ chức, không có Ukraine tham gia thì Việt Nam có tham gia hay không," ông đánh giá.

Việt Nam tiếp tục quan hệ truyền đời với Nga

NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC/GETTY IMAGES
Sau khi hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng thống Putin đã có cuộc hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại trụ sở Trung ương Đảng vào ngày 20/6

Ngày 20/6, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, hòa bình, có chính sách đối ngoại đa dạng và đa phương, nhưng vẫn luôn xem Nga là người bạn truyền thống quan trọng.

Quan hệ hữu nghị với Nga là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, theo báo Tuổi Trẻ.

Về phần mình, ông Putin nói Nga rất xem trọng việc phát triển đối thoại với ASEAN, trong đó có Việt Nam là quốc gia thành viên hàng đầu.

"Việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là một trong những ưu tiên của chúng tôi," ông Putin nhấn mạnh.

Ngày 20/6, Jonathan Head, phóng viên Đông Nam Á của BBC News, nhận định về chuyến đi của ông Putin đến Hà Nội cùng viễn cảnh quan hệ Việt - Nga như sau:

"Việt Nam duy trì tình hữu nghị truyền thống lâu đời với ông Vladimir Putin trong bao lâu vẫn là điều chưa rõ ràng. Việt Nam vẫn đang tìm kiếm các nguồn thay thế cho vũ khí quân sự, nhưng chuyện chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga sẽ phải mất nhiều năm."

"Việc một loạt các quan chức cấp cao trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam từ chức gần đây đã phơi bày sự đối đầu nội bộ trong thế hệ lãnh đạo kế tiếp và có thể gợi ý về hướng đi mà Việt Nam chọn. Thế nhưng, vẫn chưa có ai đả động tới chuyện từ bỏ tham vọng làm bạn với tất cả các nước và không kết thù với nước nào."

Giáo sư Alexander L Vuving đánh giá với BBC vào ngày 18/6 rằng nếu nhìn lại quá trình cân bằng quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Mỹ và Nga thì Hà Nội đang thực hiện "một bước lùi, hai bước tiến" trong chiến lược ngoại giao "cây tre".

"Làm sao để vẫn chơi được vẫn cả Nga lẫn Mỹ thì Việt Nam đã dùng phương pháp một bước lùi, hai bước tiến. Việt Nam đã lùi một bước trong quan hệ với Mỹ trong năm 2022 và sau đó tiến hai bước trong quan hệ với Mỹ trong năm 2023. Trong lúc đó, Việt Nam vẫn tiếp tục tiến trong quan hệ với Nga," ông giải thích.

Tin liên quan







No comments:

Post a Comment