Monday, June 10, 2024

Sư Minh Tuệ, một biểu tượng thiện lương trong nghệ thuật
Nguyễn Thanh Huy
8-6-2024
Tiengdan
10/06/2024

Từ nghệ thuật, có những nhân vật bước ra đời sống. Từ đời sống, cũng có vài con người đi vào nghệ thuật. Nhưng trở thành hình tượng trung tâm, biểu tượng cho sự thiện lương tuyệt đối, không gợn chút bụi trần, có lẽ ngoài Đức Phật, là sư Minh Tuệ.

Nói như vậy, không phải là để so sánh hay nâng tầm, thánh hoá, Phật hóa sư Minh Tuệ. Mà đây là một sự thực đang diễn ra ngay lúc này trong đời sống nghệ thuật đương đại.

Phẩm cách và giới hạnh của ông đã khiến bao trái tim rung lên những cảm xúc triền miên khó tả. Thân hành và bước đi của ông đã khiến cho người ta phải suy nghĩ về cuộc đời. Cuộc sống này có ý nghĩa gì? Thế nào là hạnh phúc? Hàng loạt câu hỏi cứ hiện lên trong những khối óc biết suy tư. Dường như, có một sự đảo lộn trong những nhận thức đã có trước đó.

Người đời cứ chạy theo cuộc sống, bị nó quay cuồng, nó nhấn chìm chúng ta vào vòng xoáy danh lợi, tiền bạc; được mất, hơn thua. Thế rồi, khi người ta có trong tay tất cả những thứ mong ước ấy, là lúc nhận ra mình bất hạnh. Niềm vui chẳng thấy mà chỉ thêm phiền não, bất an. Lại có người tự dối lòng, rằng mình luôn thanh thản. Kỳ thực, đó chỉ là sự trấn an do sự thanh thản ấy đang thiếu vắng ở trong lòng.

Và có một thời, người ta nói về hạnh phúc nghe có vẻ triết lý, rằng “hạnh phúc là đấu tranh”. Nghe hay và có lý lắm. Nhưng có lẽ quan niệm này được chấp nhận do suốt một thời con người phải sống trước những lựa chọn, lựa chọn sinh tồn, lựa chọn tư tưởng, lựa chọn giai cấp…

Đến khi sư Minh Tuệ xuất hiện, người ta mới nhận ra, hạnh phúc là buông, hạnh phúc là khi không có gì. Sư Minh Tuệ không phải là người “phát kiến” ra điều này nhưng chính ông là người tiêu biểu hiện thực hóa điều này; ông như một minh chứng sống động và cụ thể cho những tư tưởng, triết lý mà Đức Phật đã tuyên thuyết cách đây gần 2600 năm.

Đó là lý do ông trở thành nguồn cảm hứng bất tận, làm nên những xúc cảm mãnh liệt, cứ lớn dần và đi tiếp trong tâm hồn của người nghệ sĩ. Không chỉ có vậy, ông đã nhen nhóm tình yêu thương trong tất cả những người mà trước đây không mấy quan tâm đến tha nhân và hiện thực cuộc sống; thôi thúc họ phải viết về ông, phải bộc lộ những tâm tư về ông, như một cách giải tỏa, giải thoát những điều được giấu kín trong thế giới nội tâm của họ bấy lâu nay, cho dù viết có vụng về hay vấp váp, điều đó không mấy quan trọng.

Ông đã cộng hưởng lòng bi mẫn vào những trái tim vốn đã giàu lòng nhân ái khiến họ thêm thổn thức, dâng trào những xúc cảm êm đềm, trong mát, ngọt ngào.

Và như thế, người viết văn, kẻ làm thơ. Lời hay ý đẹp cứ tuôn trào, tạo thành những dòng chảy len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Hàng trăm bài luận, hàng ngàn bài thơ và còn nữa. Có lẽ cũng mới là sự bắt đầu.

Nghệ thuật đâu chỉ có văn chương, hội hoạ cũng không thể đứng ngoài cuộc trước cơn gió thiện lành. Sức lan tỏa của lòng từ bi, của hương đức hạnh đã làm nên bao bức tranh tuyệt mỹ.

Tôi thật sự ấn tượng trước những bức họa này! Mỗi tác phẩm là một cảm xúc, một thế giới rất riêng của người nghệ sĩ, và cũng chẳng giống nhau trong tâm người thưởng thức. Phải thừa nhận rằng dường như chính cái cà sa y phấn tảo của sư nó như rất hợp với hội hoạ, nó như miền đất màu mỡ để những họa sư thỏa sức mà canh tác, cải tạo, trình diễn tài năng của mình. Thật thích thú và khâm phục!

Và thời trang, họ cũng không chịu đứng im, họ đã lên tiếng bằng hàng loạt kiểu mẫu mang màu sắc, phong vị của y phấn tảo. Nói chính xác hơn, nghệ thuật này càng có nhiều cơ hội để diễn trình. Bỏ qua yếu tố thương mại và lợi nhuận, thì chính thời trang đã khiến y phấn tảo bay xa hơn, cao hơn. Nó đã có mặt trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Rõ ràng, đó chính là thông điệp giá trị, ý nghĩa mà chỉ có sư Minh Tuệ mới mang lại được.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một luận điểm quan trọng trong tu Phật, đó là “tu là bỏ tất cả, bỏ tất cả là được tất cả, được tất cả là không được gì hết” (*). Rõ ràng, sư Minh Tuệ chính là hiện thân của triết lý cao thâm này, vì tâm ông đã đạt trạng thái như vậy. Vô cầu, vô trụ, vô chấp.

Một chữ, BUÔNG !

__________

Nha Trang, ngày 8/6/2024

Giảng viên Nguyễn Thanh Huy

Trường Đại học Khánh Hoà

_________

Chú thích:

(*) “được tất cả là không được gì hết”, tức hoàn toàn thanh tịnh, không chấp trước bất cứ điều gì.

@ Hình các tác phẩm hội hoạ: Mượn từ trên mạng. Mong các họa sĩ sáng tác lượng thứ.

                 

No comments:

Post a Comment