Lâm Bình Duy Nhiên - Từ La Cambe nghĩ về 30 tháng Tưjeudi 6 juin 2024
Thuymy
LBDN : Kỷ niệm 80 năm D-Day (6/6/1944). Một trong những bài viết tâm đắc nhất, khiến tôi luôn cảm động và suy tư nhiều mỗi khi đọc lại.
(NCTG) “Sử sách ghi lại những sự kiện đã xảy ra không nhằm khơi dậy lòng thù hận giữa các dân tộc. Họ cố gắng nhiều để loại bỏ những sai lầm trong quá khứ. Họ không khẩu hiệu, kêu gọi hay khích động lòng tự tôn dân tộc hay cổ súy cho chủ nghĩa dân túy. Họ nhìn vào tương lai. Họ Lớn khi họ biết Tha thứ”.
Mùa hè năm 2018, vợ chồng tôi lái xe từ Thụy Sĩ sang vùng Normandie (Pháp), để đi dọc theo các bãi biển nổi tiếng từng là vết tích bi hùng trong Đệ Nhị Thế Chiến. Chúng tôi chọn Cabourg làm nơi nghỉ. Đây là một thành phố nhỏ, nằm giữa Deauville thơ mộng và Caen nơi có Đài Tưởng niệm Đệ Nhị Thế Chiến và cuộc Đổ bộ Normandie giàu cảm xúc.
Cứ thế, mỗi ngày, vợ chồng chúng tôi đưa ba đứa nhỏ đi tham quan các bãi biển nơi diễn ra cuộc Đổ bộ lịch sử tại vùng Normandie. Bắt đầu từ chiếc cầu nổi tiếng Pegasus (Pegasus Bridge) đến Le Grand Bunker tại Musée du Mur de l’Atlantique (Nhà Bảo tàng Bức Tường Đại Tây Dương), chúng tôi ghé Sword, một trong 5 bãi biển nơi đồng loạt diễn ra cuộc đổ bộ của quân đội Đồng minh.
Mờ sáng ngày 6-6-1944, hơn 150 ngàn binh lính Đồng minh đã ồ ạt mở cuộc tấn công vùng Normandie qua ba ngả: trên không, trên biển và trên bộ. Đó “có lẽ” là thời khắc lịch sử quyết định cục diện của Đệ Nhị Thế Chiến. “Có lẽ”, bởi vì người Nga vẫn cho rằng Phương Tây và Mỹ cố tình phóng đại quá mức tầm quan trọng của cuộc đổ bộ này nhằm hạ giảm những nỗ lực của Liên bang Xô-viết. Tuy nhiên, một cách khách quan, đó là một cuộc tấn công quan trọng nhằm giải phóng nước Pháp, mở đường cho việc đánh bại quân đội Đức, chấm dứt cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc này.
Sau Sword là các bãi biển khác như Juno, Gold, Omaha và Utah. Ohama có lẽ là nơi mang lại nhiều cảm xúc nhất cho chúng tôi. Đưa bọn trẻ xuống bãi biển nơi những người lính Mỹ anh hùng đã hy sinh trong trận chiến ác liệt với quân đội Đức cách đây hơn 74 năm khiến khóe mắt cay cay. Thả hồn nhìn về đại dương mênh mông, sóng vỗ nhè nhẹ, cảm giác sự an lành của ngày hôm nay đã phải đổi lấy máu xương của hàng ngàn người lính đến từ chân trời xa xôi.
Càng cảm động hơn khi chiêm ngưỡng Biểu tượng Les Braves (Những Người Dũng Cảm) do bà Anilore Banon, điêu khắc gia người Pháp dựng lên. Sóng vỗ liên tục và Biểu tượng vẫn đứng thẳng như lòng can đảm của những người lính quên mình giải thoát nước Pháp khỏi xiềng xích của Đức Quốc xã. Biểu tượng còn mang lại niềm hy vọng vào những giá trị vĩnh hằng như lòng khoan dung, sự độc lập cũng như tình hữu nghị giữa con người và các dân tộc. Hơn 35 ngàn lính Mỹ đã anh dũng chiến đấu tại đây và hơn 3 ngàn người đã mãi mãi nằm xuống trên bãi biển này vì hai chữ Tự Do.
Chiều đã về, gió bất chợt thổi từng đợt, từng đợt từ phía đại dương vào bờ. Chia tay Bãi biển bi hùng, chúng tôi lái xe lên Nghĩa trang quân đội Mỹ nằm tại ngôi làng nhỏ Colleville-sur-Mer ngay phía trên Bãi Ohama. Đây là nơi an nghỉ của 9.387 binh sĩ Mỹ đã hy sinh trong Trận Normandie. Nghĩa trang Quân đội Mỹ tại Colleville-sur-Mer là biểu tượng cao cả về sự hy sinh của nước Mỹ cho việc giải phóng Châu Âu. Tại Nghĩa trang, từ trên cao, người ta có thể nhìn xuống Bãi biển Ohama, nơi nguy hiểm nhất trong tất cả Chiến dịch Overlord vào ngày 6-6-1944.
Nghĩa trang Quân đội Mỹ là nghĩa trang quân sự nổi tiếng nhất ở Normandie. Những cây Thánh giá Ki-tô giáo bằng đá cẩm thạch trắng xếp dọc theo những hàng dài hoặc những Ngôi sao David tượng trưng cho sự hy sinh của các nước Đồng minh, và đặc biệt là của Mỹ, để bảo vệ tự do cho cả Châu Âu. Màu trắng là màu chủ đạo tại đây. Nó gợi lên sự tinh khiết và toàn vẹn như chính cuộc đời của những người lính Mỹ đã nằm xuống trên mảnh đất này. Đó là những chàng thanh niên còn trẻ, rất trẻ, từ khắp mọi miền của nước Mỹ xa xôi, đã cầm súng chiến đấu bảo vệ thế giới tự do.
Chúng tôi lặng lẽ ngắm các cây cột lớn được xếp theo hình bán nguyệt cũng như các đài tưởng niệm xung quanh. Những bước chân nhè nhẹ trên những thảm cỏ xanh mượt, chung quanh những ngôi mộ như thể không muốn làm phiền những hương hồn đang yên nghĩa tại đây. Những cái tên khắc trên những cây thập tự trắng để lại trong tôi nhiều ám ảnh và suy tư. Ám ảnh về sự tàn khốc của một cuộc chiến. Suy tư về sự tàn bạo và ngu muội của con người khi chạy theo tham vọng và quyền lực đen tối. Ngày D-Day là ngày mà người Mỹ phải chịu rất nhiều mất mát. Trên một bức tường hình bán nguyệt, ở phía đông, của đài tưởng niệm là tên của 1.557 binh sĩ Mỹ hy sinh trong trận chiến. Thi thể của họ đã không bao giờ được tìm thấy hoặc được xác định lý lịch rõ ràng.
Đứng từ trên cao, nơi các binh sĩ Mỹ được chôn cất, nhìn về phía dưới, Bãi biển Ohama, trong một chiều nhiều sóng và gió mới cảm thấy hết được sự hào hùng của cuộc Đổ bộ - Débarquement tại đây. Các vách đá cao thẳng đứng, nhọn như những mũi chông, tưởng như là một thành trì kiên cố bảo vệ cho quân đội Đức, sau cùng cũng bị chinh phục bởi lòng quả cảm của những người lính chỉ độ ngoài 20 tuổi. Xa xa là Point du Hoc, mỏm đá nhô ra làm ranh giới giữa hai bãi Utah và Ohama, nơi giao tranh khốc liệt giữa quân đội Mỹ và Đức trong ngày D-Day.
Đang miên man suy nghĩ thì bất chợt con gái, chưa được 8 tuổi hỏi chúng tôi: “Người Đức ác như thế thì chắc họ không được chôn cất đàng hoàng, đúng không ba mẹ?”. Tôi chưa kịp nói gì thì vợ tôi đã ung dung mỉm cười bảo với nó rằng: “Người Đức cũng thế, họ cũng chỉ là nạn nhân của cuộc chiến này. Họ đã chết, không còn lại thù hận gì nữa con ạ”.
Tôi bảo với các con rằng người Đức vẫn được chôn cất tử tế sau cuộc chiến đẫm máu này. Trời chạng vạng tối, tôi hứa sẽ đưa các con đi xem Nghĩa trang Quân đội Đức tại La Cambe, cách nơi đây chừng hơn 10 cây số.
Ngày hôm sau, chúng tôi lại lên đường từ Cabourg để đi La Cambe, xa hơn 100 cây số. Trên suốt chuyến đi, bọn nhỏ thắc mắc nhiều điều về cuộc chiến, về những trận đánh và cả về những cái chết của người lính từ mọi bên. Trên đường cao tốc, nhiều tấm bảng lớn ghi lại địa danh của những trận đánh tại vùng Normandie. Chúng tôi rẽ vào quốc lộ 13 để đi đến La Cambe. Càng đến gần, tôi càng cảm động. Một sự cảm động khó hiểu. Tôi muốn tận mắt được nhìn thấy nơi yên nghỉ của những người lính Đức, những người đã tham dự vào một cuộc Thế chiến đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại.
Từ bên ngoài, hiện ra một cái gò cao trên đó là một cây thánh giá lớn màu đen bằng nham thạch đứng sừng sững. Khác với màu trắng tinh khiết của người Mỹ, nơi đây là màu đen của sự tang tóc, của nỗi buồn day dứt và khôn nguôi. Người Đức chọn màu tối đen như để sám hối với chính lịch sử của ông cha họ gây ra. Cái gò trung tâm nghĩa trang là nơi chôn cất của hơn 207 binh sĩ vô danh cũng như 89 người chết đã được xác định sau này. Xung quanh gò là 49 mảnh đất hình chữ nhật, mỗi mảnh đất có khoảng 400 ngôi mộ.
Có tất cả 21.222 ngôi mộ của những binh sĩ Đức tại Nghĩa trang này. Đó là những binh lính đã tử trận trong những trận chiến tại vùng Normandie, từ ngày 6-6 đến ngày 20-8-1944.
Giữa trưa hè oi bức nhưng chúng tôi lại cảm nhận một sự tĩnh lặng dễ chịu. Những cây Thánh giá Celtic và những tấm bia mộ được dựng trên thảm cỏ xanh mượt. Tên tuổi, ngày sinh và mất. Chỉ có thế. Đơn giản thật. Suy cho cùng, con người cũng đã về với cát bụi. Hai đứa nhỏ bỗng dừng lại bên một tấm bia mộ, chúng đếm và tính gì đó, bỗng anh trai nói với em gái: “Ông này chết lúc 18 tuổi”.
Quả thật, nhiều người trong số những người lính này vẫn còn rất trẻ - họ chỉ mới 18, 19 hoặc 20 tuổi. Họ đã chết trong cuộc đổ bộ của quân Đồng minh và các trận chiến sau đó. Và giờ họ yên nghĩ tại mảnh đất này, cách không xa những Bãi biển của ngày D-Day năm xưa.
Một tấm bia kỷ niệm ngay lối vào Nghĩa trang gợi lại số phận chung của những người lính Mỹ và Đức đã ngã xuống trên những chiến trường khốc liệt và đẫm máu tại vùng Normandie. Người Mỹ hay người Đức hoặc những binh sĩ Đồng minh, suy cho cùng cũng chỉ là những nạn nhân của cuộc chiến này.
Trước chuyến đi, tôi tự nhủ sẽ tìm cho ra bia mộ của Michael Wittmann, một viên chỉ huy xe tăng Đức đáng gờm nhất trong Đệ Nhị Thế Chiến. Tấm bia mộ của ông đã từng bị đào trộm vài lần. Cuối cùng, khi tận mắt nhìn thấy những tấm bia mộ của những binh sĩ vô danh, tôi nhanh chóng bỏ đi cái ý muốn ấy.
Chúng tôi dạo bước trong Nghĩa trang. Dường như chẳng ai nói với ai điều gì. Ngay cả bọn nhỏ, chúng cũng im lặng. Tôi khẽ nói với con gái: “Con thấy đó, người Đức họ cũng được đối xử một cách tử tế tại đây”. Dường như nó muốn khóc, nó bảo: “Con không thù ghét người Đức nữa…”.
Mà sự thù hận mới chính là điều chúng tôi chưa hề cảm nhận trong suốt một tuần rong đuổi khắp nơi theo những vết tích của cuộc Đổ bộ tại Normandie. Những viện bảo tàng, những di tích lịch sử, những hầm lô cốt với những khối đại bác khổng lồ chĩa thẳng xuống biển hay những đài tưởng niệm cũng chỉ là những chấm phá lịch sử cho thế hệ mai sau với một thông điệp nhân văn và hòa bình: Hãy hiểu biết VÌ SAO để tránh những đổ máu cho tương lai.
Hai Nghĩa trang Quân đội của người Mỹ và người Đức nằm dọc theo những Bãi biển lịch sử là một minh chứng hùng hồn cho lòng khoan dung và độ lượng của người Phương Tây và người Mỹ sau cuộc chiến tàn khốc. Họ tha thứ cho nhau, họ cảm thông với nhau để cùng nhìn về tương lai, như Vườn Hòa Bình được xây dựng kế bên Nghĩa trang của người Đức.
Tôi bảo với các con rằng, mỗi ngôi mộ nơi đây như một lời khích lệ cho khát vọng hòa bình trên thế giới. Chiến tranh, có lẽ là sự ngu xuẩn nhất của con người, mà thế giới đang mong mỏi xóa bỏ.
75 năm trôi qua và sự phẫn nộ chống lại người Đức đã phai nhòa theo năm tháng. Sự hiện diện của những nghĩa trang quân đội Đức tại Pháp góp phần tích cực vào sự hòa giải Pháp-Đức sau Thế Chiến.
Trước khi ra về, tôi chợt đọc hai câu nói được khắc ghi trên một bức tường nhỏ. Một của Léo Tolstoi: “Avant que la guerre n’éclate au grand jour, elle germe pendant longtemps dans le coeur des hommes” (Chiến tranh nẩy mầm trong trái tim của con người trong thời gian dài trước khi nó bùng nổ). Câu kia của nhà triết học người Đức, Albert Schweitzer: “Les tombes de la guerre sont de véritables prédicateurs de paix” (Những ngôi mộ của cuộc chiến tranh là người cổ súy thực thụ cho hòa bình).
Trước chuyến đi, tôi đã có những chủ ý cho các con và cho chính bản thân mình. Rời khỏi nơi an nghỉ của người Đức tại La Cambe, hai câu nói của Tolstoi và Schweitzer cứ ám ảnh tôi mãi. Nó dày vò tâm hồn tôi trên suốt đoạn đường về lại Cabourg. Cho đến cả ngày nay, gần hai năm sau…
Những kẻ thù của ngày hôm qua giờ đã thành cát bụi. Không biên giới, không oán hận. Vạn sự giai không! Đứng xa nhìn về Nghĩa trang Quân đội tại Ranville, nơi chôn cất những binh sĩ Pháp, Anh, Mỹ, Bỉ, Cannada, Úc, Tân Tây Lan, Ba Lan và Đức mới cảm thấy thế giới văn minh nhân đạo lắm thay!
Từ La Cambe, tôi chạnh lòng nghĩ đến Nghĩa trang Quân đội Việt Nam Cộng Hòa tại Biên Hòa. Số phận của gần 19 ngàn binh sĩ và sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa nơi đây là một minh chứng đau lòng cho sự thù hận tột đỉnh của những kẻ thắng cuộc. Khi mà người Đức được chôn cất đàng hoàng thì Nghĩa trang của người lính Việt Nam Cộng Hòa lại bị cố tình bỏ rơi vào quên lãng, đắm chìm trong đìu hiu và hoang phế. Không hề có sự khoan dung hay vị tha của những kẻ chiến thắng. Hận thù là tất cả, ngay cả đối với những nắm xương tàn theo thời gian dần trôi...
Nếu phải nhìn vào những cuộc chiến, những ngôi mộ của những người lính, bất chấp chiến tuyến, để tìm thấy được niềm hy vọng vào hòa bình, vào sự hóa giải hận thù thì những gì xảy ra tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa là đáng bị lên án. Nó đi ngược lại mọi qui luật của thế giới tiến bộ trong thế kỷ 21.
Phương Tây không giáo điều. Sử sách ghi lại những sự kiện đã xảy ra không nhằm khơi dậy lòng thù hận giữa các dân tộc. Họ cố gắng nhiều để loại bỏ những sai lầm trong quá khứ. Họ không khẩu hiệu, kêu gọi hay khích động lòng tự tôn dân tộc hay cổ súy cho chủ nghĩa dân túy. Họ nhìn vào tương lai.
Họ Lớn khi họ biết Tha thứ…
Hận thù, có lẽ là tính đặc thù của người Việt từ bao ngàn năm qua. Có bao giờ cha ông chúng ta khoan dung để xóa bỏ oán hận với nhau?
Đã 45 năm trôi qua, ngay cả nấm mồ của những người đã tử trận trong cuộc chiến tang thương vẫn chưa được nhìn nhận và tôn trọng thì hương hồn của họ bao giờ mới sớm được siêu thoát?
Và “hận thù” này bao giờ mới được xóa bỏ hẳn khỏi ký ức nghèo nàn của một dân tộc nhiều khi tàn ác và đố kỵ nhưng lại mộng tưởng vị tha.
LÂM BÌNH DUY NHIÊN 29.04.2020
No comments:
Post a Comment