Gelephu – Dự án ‘thành phố chánh niệm’ đầu tiên trên thế giới ở Bhutan (phần 1)
VOA Tiếng Việt
13/06/2024
VOA
Hành lang giao thông công cộng ở thành phố chánh niệm Gelephu
Vương Quốc Bhutan có kế hoạch xây dựng và phát triển một trung tâm kinh tế dựa trên di sản và tinh thần Phật giáo để hình thành ‘thành phố chánh niệm’ đầu tiên trên thế giới theo hướng “hài hòa với thiên nhiên, không phát thải carbon” với mục tiêu “đem đến sự thịnh vượng và an lạc cho người dân,” theo tìm hiểu của VOA.
Ý tưởng một đặc khu hành chính mới với những chính sách và luật lệ riêng có tên là Gelephu, đã được Quốc vương Bhutan, Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, loan báo trước quốc dân hôm 17 tháng 12, 2023, trong bài diễn văn mừng Quốc khánh lần thứ 116.
“Mục tiêu của việc thành lập đặc khu hành chính này là tạo ra một trung tâm kinh tế năng động. Đây sẽ là một trung tâm kinh tế độc nhất vô nhị được xây dựng trên tầm nhìn và các giá trị của chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc gia,” Quốc vương Bhutan phát biểu.
“Đó sẽ là thành phố chánh niệm (Mindfulness City) bao gồm những doanh nghiệp có ý thức và bền vững được khơi nguồn từ di sản tâm linh Phật giáo và được đặc trưng bởi di sản độc đáo của Bhutan,” Ngài nói thêm và nhấn mạnh rằng Bhutan ‘phải nắm bắt cơ hội’ khi khu vực Nam Á đang trải qua những biến chuyển kinh tế chưa từng thấy.
Sân bay quốc tế Gelephu nhìn từ bên ngoài
Bhutan là quốc gia nhỏ ở Nam Á, lọt thỏm giữa hai quốc gia khổng lồ là Ấn Độ và Trung Quốc. Với tuyệt đại đa số dân chúng theo Phật giáo và một nền văn hóa thấm đẫm tinh thần Phật giáo, đất nước này còn được biết đến là một trong những quốc gia ‘hạnh phúc nhất thế giới’ vốn áp dụng chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc gia (Gross National Happiness) để đánh giá sự phát triển thay cho Tổng sản phẩm Quốc nội (Gross Domestic Product).
Thành phố chánh niệm Gelephu là cơ hội của cả đời người, Thủ tướng Bhutan, Tobgay Tshering, từng nói với nhật báo The Hindu của Ấn Độ hôm 25/5, và nhấn mạnh rằng các thách thức về tăng trưởng, chảy máu chất xám và du lịch mà quốc gia này đối mặt là ‘rất sâu sắc’.
Mục tiêu kinh tế
Trao đổi qua email với VOA về những lợi thế của Bhutan, cựu Thủ tướng Bhutan, Tiến sỹ Lotay Tshering, thành viên của nhóm công tác về dự án thành phố chánh niệm Gelephu, chỉ ra các yếu tố địa lý, cảnh quan, tự nhiên, tiềm năng năng lượng tái tạo và nền văn hóa Phật giáo.
Thành phố chánh niệm Gelephu nhìn từ trên cao
Về vị trí địa lý, Bhutan là ‘chiếc cầu lục địa’ nối liền một dải đến bang Assam ở tây bắc Ấn Độ xuống các nước Đông Nam Á như Myanmar, Lào, Thái Lan, Việt Nam cho đến Singapore và Malaysia, tạo thành một hành lang kinh tế sôi động.
Bhutan còn cảnh quan tự nhiên ấn tượng, với môi trường nguyên sơ và tinh khiết, Tiến sỹ Lotay Tshering cho biết. “Đây là nơi thích hợp để các doanh nghiệp và cá nhân có ý thức về văn hóa, xã hội và tâm linh muốn đến,” ông viết cho VOA.
Mục tiêu của việc thành lập đặc khu hành chính này là tạo ra một trung tâm kinh tế năng động. Đây sẽ là một trung tâm kinh tế độc nhất vô nhị được xây dựng trên tầm nhìn và các giá trị của chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc gia.
Jigme Khesar Namgyel Wangchuck - Quốc vương Bhutan
Về năng lượng, Gelephu sẽ sử dụng năng lượng tái tạo hoàn toàn với tiềm năng thủy điện dồi dào có giá thành rẻ nhất khu vực.
Ngoài ra, với nền văn hóa Phật giáo ăn sâu, Bhutan là một xã hội an toàn, thân thiện cho người dân, du khách và nhà đầu tư, ông nói thêm.
Mặc dù chỉ trải dài trên một diện tích 1.000 km vuông, tức chỉ chiếm 2.5% diện tích lãnh thổ Bhutan, đặc khu hành chính Gelephu được Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích to lớn cho cả quốc gia.
Trao đổi với VOA, ông An Võ, người Úc gốc Việt hiện đang làm việc ở Los Angeles, phân tích rằng đặc khu hành chính này có mục tiêu chính là ‘mở rộng nền tảng kinh tế cho Bhutan’ vốn hiện nay chỉ có du lịch để níu chân người Bhutan trẻ ở lại đất nước. Ông An Võ tham gia đánh giá mức độ khả thi cũng như tư vấn thực hiện dự án Gelephu.
Đường băng sân bay quốc tế Gelephu nhìn từ trên cao
Do thiếu cơ hội kinh tế nên trong những năm gần đây khoảng 10% dân số trẻ Bhutan đã bỏ ra nước ngoài làm việc, ông An Võ cho biết. Dân số Bhutan hiện vào khoảng 700.000 người, tương đương một tỉnh nhỏ ở Việt Nam như Hậu Giang hay Lào Cai. Quốc vương Bhutan cảnh báo rằng nếu không hành động thì sẽ có lúc dân số nước này suy giảm đến mức ‘có nhiều cửa hàng hơn khách hàng’.
Tính độc đáo
Từ góc nhìn của nhà quản lý dự án, ông An Võ đặc biệt nhấn mạnh các yếu tố làm cho dự án thành phố chánh niệm ‘độc đáo’ chính là nền kinh tế không phát thải và mang tinh thần Phật giáo.
Ông nói ông nhận thấy người dân Bhutan ‘tâm huyết’ (devotion) và ‘quả quyết’ (deliberation) xây dựng Gelephu trên nền tảng triết lý đạo Phật và tinh thần chánh niệm trong Phật giáo, tức là sống an lạc và hài hòa với thế giới xung quanh – điều mà ông ‘không nhìn thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới’.
“Nếu ở nơi khác, người ta muốn phát triển kinh tế bằng mọi giá thì ở đây họ rất quả quyết nói rằng chúng tôi muốn phát triển kinh tế nhưng nền kinh tế đó phải hài hòa với nền văn hóa Phật giáo của chúng tôi,” ông chỉ ra.
Ông An Võ cho rằng cách định vị Gelephu như thế chính là ‘điểm thu hút nhất’ (selling point) đối với nhà đầu tư nước ngoài vì đó là thế mạnh cốt lõi và là điểm khác biệt của Bhutan.
Bên trong một cây cầu ở Gelephu
“Không phải nhà tư bản nào cũng chỉ chạy theo lợi nhuận. Tôi nghĩ nhiều công ty muốn đi theo cách làm của Bhutan để phù hợp với những giá trị và tôn chỉ của họ cũng như của khách hàng,” ông phân tích và cho biết ‘thành phố chánh niệm’ này phù hợp với sự tiến hóa của thế giới tư bản phương Tây trong vòng 20-30 năm qua, tức là không chỉ hoạt động theo tôn chỉ lời lỗ mà còn tính đến tác động xã hội, tác động môi trường và đóng góp vào sự an lạc của cộng đồng.
Ngoài ra, điểm độc đáo khác ở Bhutan mà ‘không đất nước nào làm được’ là nền kinh tế ‘phát thải ròng âm’, tức là lượng carbon được hấp thụ nhiều hơn lượng thải ra. “Bhutan có nguồn thủy điện rất rẻ mà họ có thể tận dụng cho những ngành công nghệ cao [cần nhiều năng lượng],” ông nói.
“Thay vì xuất khẩu thủy điện giá rẻ sang Ấn Độ, Bhutan có thể mời nhà đầu tư nước ngoài thiết lập những trung tâm dữ liệu hay trung tâm điện toán ở trong nước để chuyển đổi năng lượng giá rẻ đó thành năng lực điện toán,” ông đề xuất.
‘Không nên trở thành Việt Nam khác’
Ông David Liu, người Mỹ gốc Đài Loan vốn là nhà sáng lập và là CEO của quỹ đầu tư Mithera ở Seattle, nói với VOA rằng ông thấy ‘bị cuốn hút’ với ‘chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc gia’ của Bhutan và thích cách tiếp cận kinh tế của Bhutan qua lăng kính chánh niệm.
Thiết kế mái nhà ở Gelephu
“Về cơ bản, đó là phát triển không chỉ vì để phát triển,” ông Liu, vốn vận dụng kinh nghiệm đưa các nhà đầu tư nước ngoài đến Trung Quốc và Việt Nam để tư vấn cho dự án Gelephu, nói.
“Tôi không nghĩ Bhutan cần phải trở thành một Trung Quốc hay Việt Nam khác,” ông phân tích và chỉ ra rằng Bhutan không có đông dân số để đi theo mô hình sản xuất, chế tạo, trong khi mô hình này ‘không bền vững’. Trung Quốc đã mở cửa với thế giới bằng cách tận dụng nguồn lao động giá rẻ dồi dào để trở thành công xưởng của thế giới.
Do đó, Bhutan phải tận dụng những tài nguyên mình có mà các quốc gia khác không có, ông phân tích, chẳng hạn như tiềm năng thủy điện dồi dào hay hệ sinh thái phong phú.
Bhutan là ‘chiếc cầu lục địa’ nối liền một dải đến bang Assam ở tây bắc Ấn Độ xuống các nước Đông Nam Á như Myanmar, Lào, Thái Lan, Việt Nam cho đến Singapore và Malaysia, tạo thành một hành lang kinh tế sôi động.
cựu Thủ tướng Bhutan, Tiến sỹ Lotay Tsherin
“Trên thế giới không còn nhiều khu rừng nguyên sinh chưa hề bị đụng đến như ở Bhutan. Những khu rừng này đem đến sự hiểu biết phong phú về hệ động vật và thực vật – nền tảng tri thức cần thiết cho những ngành công nghiệp cấp cao như y sinh hay dược,” ông David Liu phân tích.
Đất nước này cũng có nhiều dòng chảy do băng tan phù hợp để phát triển thủy điện, ông nói thêm. Tương tự An Võ, ông Liu nói Bhutan có thể tận dụng nguồn điện giá rẻ và tái tạo này để tham gia vào ngành trí tuệ nhân tạo trên thế giới.
“Với cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo, nhu cầu về năng lực điện toán là rất lớn, và với tư cách là nhà đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, tôi rất quan tâm về tính bền vững của ngành công nghiệp này,” ông cho biết.
Nhìn vào yếu tố Bhutan là đất nước duy nhất phát thải âm, ông Liu tin rằng quốc gia này có thể đóng vai trò trong việc thúc đẩy thế giới đi về hướng phát triển bền vững. Thành phố thông minh cũng là một lĩnh vực khác mà nhà đầu tư này đề xuất cho Bhutan mà các công ty Mỹ có thể tham gia.
Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng cơ sở hạ tầng còn sơ khai và thiếu hụt lao động có trình độ là những hạn chế của Bhutan trong việc xây dựng thành phố chánh niệm. Vốn từng chứng kiến quá trình mở cửa của Việt Nam, ông cho rằng ‘một trong những điều đầu tiên mà Bhutan cần phải làm là xây dựng cơ sở hạ tầng’.
Trung tâm Vajrayana ở Gelephu
Nhưng trước mắt, Bhutan cần thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Để làm được điều đó, theo ông, Bhutan ‘cần phải xây dựng một câu chuyện hay và chuẩn bị sẵn các yếu tố’, sau đó là xác định xem sẽ phát triển ngành công nghiệp nào để vẽ ra con đường phát triển nó như thế nào.
“Chẳng hạn như xây dựng bền vững, thì phải nghĩ cách khai thác những vật liệu xây dựng bền vững và cần phải có chuyên môn về xây dựng bền vững,” ông giải thích và chỉ ra rằng khi các nhà đầu tư nước ngoài vào đem theo những hiểu biết của họ thì chính phủ Bhutan cũng nhân đó đào tạo nguồn nhân lực của họ bắt kịp những kiến thức mới.
Khi Bhutan làm được như vậy thì điều này dẫn đến hiệu ứng ‘quả cầu tuyết’, tức hiệu ứng cộng dồn, ông lý giải. Khi đã có đầu tư, có dự án đã triển khai thì sẽ thu hút những người trẻ Bhutan có trình độ ở những nước tiên tiến trở về cùng tham gia.
Ông David Liu, vốn đã tiếp xúc với các quan chức chính quyền Bhutan và đã đến tận nơi để “mắt thấy tai nghe,” cho biết ông đã làm việc với các nhà đầu tư ở Mỹ cũng như ở Đài Loan để xem có thể tạo thành một tổ hợp các nhà đầu tư quan tâm về dự án ‘thành phố Microsoft’ hay không.
Không phải nhà tư bản nào cũng chỉ chạy theo lợi nhuận. Tôi nghĩ nhiều công ty muốn đi theo cách làm của Bhutan để phù hợp với những giá trị và tôn chỉ của họ cũng như của khách hàng.
An Võ – thành viên đánh giá mức khả thi dự án Gelephu
Tiến sỹ Lotay Tshering cho biết thành phố chánh niệm Gelephu là dự án dài hơi được phát triển trong nhiều năm và không có mốc thời gian cụ thể. “Khi cơ sở hạ tầng hoàn thiện và đầu tư nước ngoài tăng tốc, thành phố sẽ phát triển với tốc độ cần thiết để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế trong khi không hy sinh tính bền vững,” ông nói.
Cựu Thủ tướng Bhutan nói nước này đã khởi công xây dựng một sân bay quốc tế cho Gelephu hồi cuối năm ngoái và dự kiến sẽ hoàn thành sau hai năm. Ngoài ra, các tuyến đường sắt kết nối từ Gelephu đến các thành phố của Ấn Độ nằm sát biên giới cũng đã được triển khai.
Trong lúc này, chuyến bay quốc tế đầu tiên đã hạ cánh xuống sân bay Gelephu đang xây dựng hồi tháng 4 năm nay, cũng theo lời ông Tshering.
Các ngành nghề mà Gelephu sẽ ưu tiên đầu tư gồm có nông nghiệp thực phẩm bền vững, công nghệ sinh học, lâm nghiệp, Du lịch-Y tế-Phúc lợi kết hợp, công nghệ sáng tạo, nghiên cứu và phát triển sinh thái, giáo dục tâm linh và chánh niệm, ông nói thêm.
Bên trong một ngôi chợ ở Gelephu
Ông điểm lại một số dự án công nghệ sẽ góp mặt ở Gelephu như hợp tác khai thác tiền mã hóa Bitcoin thân thiện với môi trường của Bitdeer, công ty có trụ sở ở Singapore, chương trình Nhận dạng Điện tử Quốc gia dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) đã được triển khai hồi đầu năm hay xây dựng phòng thí nghiệm chế tạo (super fab lab) thứ tư của MIT trên thế giới và các dự án phát triển máy bay không người lái (drone).
Theo lời ông thì Gelephu đã nhận được sự quan tâm rộng rãi từ nhiều công ty và tổ chức quốc tế nhưng chính quyền đặc khu hành chính này ‘chỉ tiếp nhận những công ty và nhà đầu tư nào hài hòa với triết lý Tổng Hạnh phúc Quốc gia, nền văn hóa và các giá trị của Bhutan’, trong đó có “không phát thải” và “kinh doanh có trách nhiệm.”
“Đặc khu hành chính Thành phố Chánh niệm sẽ là nơi tụ hội của các lãnh đạo tư tưởng toàn cầu và sẽ là nơi thử nghiệm những chính sách sáng tạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững,” ông Tshering nói về tầm nhìn của Gelephu. “Nó cũng là đầu mối tăng trưởng kinh tế, là nơi trao đổi học thuật quốc tế, tạo điều kiện cho các hội thảo và diễn đàn toàn cầu, các lễ hội khoa học, sáng tạo theo hướng chánh niệm.”
Kỳ sau: Trước câu hỏi, một khi bị cuốn vào guồng máy tăng trưởng kinh tế, liệu Bhutan có đánh mất bản sắc hay không, câu trả lời mà VOA nhận được: “Không chỉ được ghi thành luật, tính bền vững còn ‘thấm đẫm trong mọi mặt của thành phố chánh niệm cũng như thấm đẫm trong mọi mặt văn hóa và kinh tế Bhutan.’
No comments:
Post a Comment