VNTB – Lao động nữ cảm thấy đang thất vọng về bảo hiểm xã hộiCát Tường
02.04.2024 12:18
VNThoibao
Tại hội thảo đóng góp ý kiến “Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội tiếp cận dưới góc độ quyền của lao động nữ, do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức tại TP.HCM, đa số các đại biểu cho rằng, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần tạo điều kiện hỗ trợ nữ giới, rút ngắn khoảng cách trong thụ hưởng bảo hiểm xã hội giữa phụ nữ và nam giới; nâng mức hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con…
Sau tuổi 40 là… đã già
Công nhân Trúc Ly, đại diện cho người lao động tại TP.HCM chia sẻ: công nhân, người lao động ai cũng muốn được hưởng chế độ phúc lợi tốt và có lương hưu khi về già. Tuy nhiên hiện nay nhiều người còn chưa thấy được quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm xã hội. Đa số hiện nay những công nhân nữ chỉ làm việc đến 45, 50 tuổi đã rời nhà máy vì sức khỏe yếu, sản lượng công việc thấp… nên họ không thể bám trụ lại thành phố để tiếp tục làm việc và tham gia bảo hiểm xã hội. Do đó họ đều chọn rút bảo hiểm xã hội một lần để về quê trang trải cuộc sống và kinh doanh nhỏ.
“Số đông đồng nghiệp của tôi cho rằng, họ không thể làm việc đến đủ tuổi để về hưu mà họ muốn về quê trước 50 tuổi. Ngoài ra, họ cũng chưa hiểu rõ về chính sách bảo hiểm, chưa thấy những quyền lợi của mình trong khi chỉ thấy thủ tục hành chính để hưởng các chế độ còn phức tạp”, bà Trúc Ly nói.
Các đại biểu là chủ tịch các công đoàn cơ sở cũng cho rằng, do thu nhập quá thấp không có tích lũy nên nhiều lao động nữ chọn nghỉ việc để rút bảo hiểm xã hội một lần.
Ràng buộc là quá khắt khe
Ông Trần Văn Triều – Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Liên đoàn lao động TP.HCM – cũng đặt vấn đề là Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay đang còn bất cập trong quy định về vấn đề lao động nữ đi làm sớm hơn so với thời gian được nghỉ hưởng chế độ thai sản. “Luật Bảo hiểm xã hội quy định lao động nữ được hưởng chế độ thai sản trong 6 tháng. Thời gian nghỉ thai sản được ghi nhận là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội. Nếu buộc lao động đóng bảo hiểm xã hội từ 4 tháng tức là phát sinh thời gian đóng trùng bảo hiểm xã hội vì vậy rất thiệt thòi cho lao động nữ”, ông Triều dẫn chứng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lan Hương, cựu Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng việc sử dụng thời gian đóng bảo hiểm xã hội làm điều kiện để xây dựng các chính sách hưởng gây bất lợi cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ khi thực hiện các quyền lợi về ốm đau và thai sản, vì họ có thời gian làm việc hưởng lương và thời gian đóng bảo hiểm xã hội ngắn hơn nam giới.
Bà Nguyễn Lan Hương cũng góp ý cụ thể từng điều khoản, đề xuất bổ sung chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu của đông đảo phụ nữ tham gia cũng như tăng tính hấp dẫn của loại hình này. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện nhằm xử lý tình trạng trốn đóng, bởi hành vi này ảnh hưởng đến việc thực thi quyền về bảo hiểm xã hội đối với người lao động, đặc biệt là lao động nữ; đề nghị sửa đổi, bổ sung chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm xã hội bắt buộc…
Cùng quan điểm, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, và Công đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, chế độ thai sản đối với lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là “quá khắt khe”. Quy định chế độ đi khám thai đối với phụ nữ có thai là 5 tháng là quá ít, cần phải bảo đảm khám thai cho cả thai kỳ, ít nhất là 9 lần. Ngoài ra, các biện pháp bảo vệ phụ nữ khi mang thai (theo quy định của Luật lao động) cũng cần phải dựa trên đặc điểm và nhu cầu của phụ nữ khi mang thai; cần tăng cường các quy định về chi trả thai sản liên quan đến bảo hiểm y tế, vốn là giải pháp hỗ trợ duy nhất đối với lao động nữ phi chính thức…
Cần giữ công nhân lại với hệ thống an sinh
Các đại biểu cũng đề xuất dự thảo luật cần quan tâm chính sách cho người lao động về nhà ở xã hội, xây dựng viện dưỡng lão cho người lao động nghỉ hưu khó khăn, đơn thân; bổ sung thêm chính sách chế độ hỗ trợ cho con người lao động…
Theo ông Trần Văn Triều thì việc tăng quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người tham gia không chỉ hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, mà cũng là cách giữ họ ở lại hệ thống an sinh.
Vai trò là quản lý chuyên trách, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn.
No comments:
Post a Comment