Sunday, April 28, 2024

VNTB – Kêu giá cao, hỏi sao khó kiếm khách
Phương Nguyên
29.04.2024 3:50
VNThoibao



(VNTB) – Ngân hàng Nhà nước Nhà nước đã phải hủy hai lần đấu thầu vàng…

 Phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC hôm 25-4-2024 đã bị hủy do chỉ có một đơn vị nộp phiếu dự thầu. Vài ngày trước đó, 22-4-2024, việc đấu thầu vàng cũng phải bị hủy do “không có đủ số thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền cọc”. Đến sáng 23-4, Ngân hàng Nhà nước mới tổ chức phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC, sau 11 năm dừng hoạt động này. Song chỉ có hai đơn vị là SJC và ACB quyết định bỏ phiếu trả giá và trúng thầu 3.400 lượng, tương đương 20% quy mô chào thầu. Phiên thầu đầu tiên bị ế 13.400 lượng vàng.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì đơn vị tham gia đấu thầu sẽ phải đặt cọc 10%. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc: 80,70 triệu đồng/lượng. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô, tương đương 1.400 lượng vàng. Khối lượng đặt thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 20 lô, tương đương 2.000 lượng vàng.

Như vậy, để đặt tối thiểu 1.400 lượng vàng, các thành viên tham dự đấu thầu sẽ cần chuẩn bị số tiền gần 113 tỷ đồng.

Nói cho dễ hiểu thì nhu cầu thị trường không cao nên chẳng dại gì bỏ số tiền lớn để mua vàng miếng SJC về bán lẻ từ từ, nhất là khi giá vàng thế giới đang biến động khó lường. Nhưng nếu nói “nhu cầu không cao” thì chuyện khan hiếm dẫn đến giá vàng trong nước cao hơn thế giới từ 13 triệu – 20 triệu đồng kéo dài suốt thời gian qua liệu cần được hiểu như thế nào? Dù viện lý do này, lý do kia thì vẫn có thể nhận thấy, các đơn vị kinh doanh vàng nói chung không mặn mà với việc tham gia đấu thầu từ chuyện giá kêu thầu và ràng buộc về khối lượng tối thiểu.

“Khi đấu thầu giá vàng sẽ có hai phần màn hình giá. Một là giá thế giới, hai là giá trong nước. Việc đấu giá không thể cao hơn giá thế giới, thêm vào đó khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới cũng rất lớn. Những doanh nghiệp, ngân hàng thương mại kinh doanh vàng tham gia đấu thầu là những đơn vị rất am hiểu việc đấu thầu vàng cho nên họ sẽ đấu giá với mức nào hợp lý để đảm bảo rằng họ bán ra sẽ có lãi”, ông Ngô Trí Long – cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), phân tích.

Theo đơn giản cách hiểu của thương lái thì nếu mua một số lượng vàng lớn, nếu giá thế giới quay đầu giảm, bán ra họ có thể bị lỗ luôn, chưa nói đến lời. Do đó, nhiều đơn vị không mặn mà với những phiên đấu thầu vàng được tận dụng từ độc quyền thị trường mà giá rao quá cao so với các nguồn khác thấp hơn.

Tận dụng lợi thế được phép độc quyền nên ở đây Ngân hàng Nhà nước cũng gặp cái khó, là nếu chào thầu ở mức giá thế giới như hiện nay tại vùng giá 73 triệu đồng/lượng, thì sẽ dễ kích hoạt hiện tượng đầu cơ. Có nghĩa là nhóm cá mập sẽ vay vàng để bán lúc giá cao, kết hợp với nguồn cung vàng mới đạp giá xuống, sau đó mua trả lại. Ngân hàng Nhà nước chắc chắn không muốn điều này.

Ngoài ra, bán giá sát thế giới dễ dẫn đến làm thiệt hại ngân sách Nhà nước nếu giá vàng thế giới tiếp tục đi lên. Chưa kể, vàng có trong tay Ngân hàng Nhà nước lại là dự trữ ngoại hối, một bước đệm quan trọng cho an toàn tài chính quốc gia.

Ở chiều ngược lại, việc bán vàng hút tiền VND về cũng được xem là một biện pháp thắt chặt tiền tệ, giúp thanh khoản bớt dư thừa, qua đó giúp tỷ giá USD/VND bớt căng.

Vấn đề không rõ tại sao đến nay vẫn duy trì việc Ngân hàng Nhà nước là đơn vị độc quyền sản xuất vàng miếng và nắm quyền nhập khẩu. Khi mạnh dạn bỏ độc quyền vàng miếng và nới cửa nhập khẩu vàng nguyên liệu, thị trường vàng lúc đó sẽ tự điều tiết, chênh lệch giá trong nước – thế giới sẽ được kéo lại gần hơn đúng với mục tiêu mà cơ quan quản lý hướng tới.

 


No comments:

Post a Comment