Tuesday, April 30, 2024

Thất vọng đổi đời
Nguyễn Huy Cường
30-4-2024
Tiengdan

Ngày 30/4/1977

Đúng hai năm sau ngày này năm 1975, tôi có một kỷ niệm khó quên. Buổi trưa hôm ấy, tôi đi bộ trên một triền đê sông Hồng ở Vĩnh Phúc để tới một địa chỉ là một cái điếm. Tôi nói vài lời về cái điếm để anh chị em hiểu kỹ về từ “điếm” và cả từ “gái điếm”.

Những con đê lớn nằm ven sông, cách chừng năm km người ta xây một cái nhà cấp bốn, thấp nhưng chắc chắn, thường chỉ có mái nhà, không có cửa, ai vào cũng được, trong nhà nơi thì nền đất, nơi thì nền xi măng. Nhà này mỗi năm chỉ dùng vài lần để cho lực lượng canh đê trong bão lụt. Nếu thấy mực nước vượt lên khỏi mức “báo động ba” thì anh gác điếm sẽ nổi trống hoặc kẻng báo cho cả làng biết, tập trung lực lượng chống lũ.

Một cái điếm canh đê. Ảnh trên mạng

Khi không có lũ lụt, nó thành một ngôi nhà hoang cho người đi đường nghỉ chân. Thỉnh thoảng có bà nông dân đem vài nải chuối, vài trái bưởi hoặc nồi nước vối ra đó ngồi bán, kiếm chút tiền lẻ.

Về đêm, nghe nói những cô gái bán dâm, hạng gái quê, khi thường là nông dân lương thiện, khi có điều kiện thì bắt đôi nhau, đêm hôm đưa nhau ra điếm chiến đấu, thời đó không có nhà nghỉ hay khách sạn. Vào điếm, ra về tự do, chả ai làm phiền ai. Cách nói “Gái điếm” có lẽ xuất xứ từ đó.

Hôm đó, tôi ghé đây nghỉ để chờ một anh bạn trong làng đi buôn chuyến về để giao dịch đôi ba thứ. Anh chuyên buôn bán vài thứ hàng từ miền núi về, và mua vài thứ đồ cũ từ miền Nam ra rồi đem lên Nghĩa Lộ, Sơn La bán. Tôi thường đem những đĩa hát bằng nhựa, đường kính tới 30cm có nội dung đủ loại nhạc vàng, cải lương từ trong nam ra để anh này đem bán cho những người dùng máy quay đĩa.

Lần này phải chờ lâu vì anh kia bị lũ lớn trên miền ngược, chưa về. Cùng nằm chờ với tôi là anh bạn lớn hơn tôi vài tuổi, Cựu chiến binh Đặc công. Anh có cái “đài” National ba băng tần, dùng pin trung rất gọn và quý lắm.

Tôi bị nghiện cải lương chính là lúc này, cứ 13 giờ là “Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM” phát cải lương, với người Bắc lúc đó, dễ mê lắm.

Anh bạn lớn mang theo một cuốn sách có tên “Khát vọng đổi đời” tôi chỉ đọc ghé dăm trang đầu đã mê.

Cuốn sách mô tả xã hội nước Áo bên châu Âu sau chiến tranh thứ hai. Điểm nhấn lớn nhất là hàng trăm ngàn cựu chiến binh khi im tiếng súng thì nhanh chóng biến thành hai loại.

Loại thứ nhất là khoảng vài phần vạn có may mắn ngồi vào lớp thống trị, có địa vị, có của ăn của để.

Còn loại khác là hàng vạn cựu chiến binh lâm vào cảnh y như bên ta “Đầu đường Trung tá bán kem, trong làng thiếu tá thổi kèn đám ma”, cần lao, khổ hạnh, lưu manh, đủ cả.

Tôi nhớ nhất là cảnh một anh thuộc “loại 2” đến gặp một anh “loại 1” để trình hồ sơ xin việc. Anh kia giờ làm một chức phận to lắm.

Anh loại hai trở về sau khi nhận được lời hứa “để tớ xem xét”. Ra bến xe, anh gặp một anh cũng thuộc loại hai mới ở đó ra, ngồi chờ xe.

Anh này khôn hơn, nói rằng “Về đi cậu ạ, đừng hy vọng gì… khi cần mình ra trận, họ đón mình bằng bài ‘Tiến quân ca’ còn bây giờ, cố mà kiếm lấy miếng ăn mà sống kẻo chết đói. Họ chẳng giúp gì mình đâu”.

Khi nghỉ đọc sách, tôi hỏi người bạn đang ở cùng căn điếm: Anh làm gì ở đây?

Anh kể, anh rình mò ở đây mười ngày rồi để túm cổ một thằng đểu, nhà nó bên kia hồ cá phía bãi sông. Nó đang lánh mặt anh.

Ở chiến trường Rừng Sác, đã hai lần anh cứu nó suýt chết, rồi nó mất sức khoẻ được cho về hậu phương. Anh cho nó một số đồ của mình (vì người ở lại thời đó có thể không bao giờ về). Anh gửi biếu cô bạn anh (đã hứa hôn khi về lấy quân vùng này, gặp gỡ ở đây), anh gửi một món quà là một cái đài bán dẫn như cái anh đang dùng đây. Cùng cái đài là một múi vải dù rất đẹp.

Một năm sau anh cũng bị thương và ra Bắc, anh tìm về chốn xưa thì biết, cô bạn vẫn chưa nhận được cái đài, múi vải dù thì đã nhận.

Cái đài hồi đó giá khoảng 450 đồng, bằng tám tháng lương Chuẩn úy của anh. Thằng kia đã ăn cắp luôn. Sau đó anh đã dày công tìm thằng bạn cựu chiến binh này nhưng nó trốn như chạch. Bất lực. Sau đó chúng tôi mỗi người một nơi.

Năm 2004

Hơn ba mươi năm sau, tình cờ tôi gặp lại vị chuẩn uý đã ngủ cùng ở cái điếm xưa hiu hắt qua đêm.

Anh tới Toà soạn báo Tuổi Trẻ khi ấy ở Lý Chính Thắng, gửi cái đơn thư tố cáo một Ban quản lý Khu công nghiệp phía Trảng Bàng khi họ quây một miếng đất lớn, cầm mặt tiền QL 22 của vợ chồng anh, làm khu công nghiệp rồi đền bù bằng cái giá mười một mớ rau muống một mét vuông đất.

Tôi xem hồ sơ và nhận ra một vị thuộc loại “quyền sinh quyền sát” ở tỉnh này, là đồng hương với tôi và anh (Hồi đó Vĩnh Phúc và Phú Thọ là một tỉnh Vĩnh Phú) tôi có quen biết sơ sơ. Hôm tôi dẫn anh đến nhà vị kia, người nhà mời uống trà rồi chờ vì đang trên đường về.

Ngồi trong phòng khách sang trọng, anh lần thần xem những huân huy chương, hình ảnh trang trí trên tường rồi bất ngờ đổi ý lôi tôi về khỏi nhà vị Cựu chiến binh nay là cốt cán quyền quý này. Tôi đọc vị anh bạn thì thấy một nỗi thất vọng tràn trề.

Tôi gạn hỏi thì anh nói “Thằng quan quyền quý này chính là thằng cựu chiến binh tôi tìm xưa ở triền đê Vĩnh Phúc để hỏi tội vì ăn cắp mất cái đài của tôi gửi về cho người yêu đấy.

Thằng lưu manh này cũng là thằng phụ trách cưỡng chế thửa đất sinh sống của nhà tôi rồi dí vào tay tôi sáu chục triệu bạc, đủ tiền thuê nhà hai năm đó. Nó cứ như cái nghiệp bám lấy tôi để hại tôi, mà khi đánh nhau ở Nhơn Trạch, tôi hai lần cứu nó thoát chết.

Chặng đường về, anh rì rầm kể, đã ba bốn lần Ban liên lạc Trung đoàn đặc công họp mặt, gửi giấy mời nhưng anh không tham gia vì ngoài bữa chén và vài giờ du hí, nó chẳng có cái quái gì có ý nghĩa cả. Thằng khổ vẫn khổ như con ngựa, thằng tham lam, vô học, đểu giả thì vẫn nhơn nhơn ra đó, có thằng còn cầm cân nảy mực, viết sách dạy dỗ thiên hạ. Ngày tụ hội gần như ngày để mấy thằng thành đạt, may mắn tuyên công với anh em còn lại.

Thằng này đã hai lần giáp mặt anh rồi chưa xong hội đã chuồn thẳng.

Năm 2023

Bỏ tờ báo mới xuống, bỗng dưng tôi nhớ đến anh, bấm máy gọi và báo tin “Nó đi tù rồi anh ạ”, thằng Cựu chiến binh lừa anh cái đài ấy, nó bị bắt cùng một bộ sậu mươi thằng bởi một dự án địa ốc với vài trăm cái biệt thự trái phép”…

Anh tỏ ra điềm tĩnh, không hồ hởi, giọng trầm trầm: “Bọn cấp quyền chiếm ghế bằng thủ đoạn, cơ hội, may mắn, bằng cái ‘Màu’ Cựu chiến binh còn nhiều anh ạ. Chúng sẽ…”


No comments:

Post a Comment