Sunday, April 28, 2024

Việt Nam nói đủ tiêu chuẩn nền kinh tế thị trường. Vì sao các công ty Mỹ phản đối?
VOA Tiếng Việt
28/04/2024
VOA

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo gặp gỡ Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ngày 21/9/2023 tại Washington DC. Tại buổi gặp này, ông Chính đề nghị Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.


Trong lúc Bộ Thương mại Mỹ đang xem xét yêu cầu đánh giá lại tình trạng kinh tế phi thị trường của Việt Nam, Liên minh các công ty sản xuất của Mỹ phản đối công nhận quốc gia Đông Nam Á là nền kinh tế thị trường, nêu lên những lo ngại trong đó có mối quan hệ với Trung Quốc.

Bộ Thương mại Mỹ (DoC) đang trong quá trình 270 ngày lấy ý kiến để xem xét yêu cầu của Việt Nam muốn được đưa ra khỏi danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường. Việt Nam chính thức nộp yêu cầu này lên Bộ Thương mại Mỹ hôm 8/9, ngay trước khi Washington và Hà Nội nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden.

Trong phần bình luận gửi lên Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo để phản hồi quyết định xem xét yêu cầu cấp quy chế nền kinh tế thị trường cho Việt Nam của DoC, Liên minh các công ty sản xuất Hoa Kỳ (AMM) nói rằng họ “mạnh mẽ phản đối yêu cầu của Chính phủ Việt Nam rằng Bộ [Thương mại Mỹ] không coi Việt Nam là một nền kinh tế phi thị trường nữa trong bối cảnh luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ.”

Liên minh, được thành lập năm 2007 bởi một số nhà sản xuất hàng đầu của Mỹ và Nghiệp đoàn công nhân ngành thép Hoa Kỳ, cho rằng Việt Nam nên tiếp tục được coi là nền kinh tế phi thị trường vì sự kiểm soát của Chính phủ đối với nền kinh tế nước này.

Việt Nam, trong yêu cầu khởi xướng rà soát để xem xét vấn đề kinh tế thị trường gửi lên Bộ Thương mại Mỹ, nói rằng họ đã có những “bước phát triển và cải cách mạnh mẽ” kể từ khi Mỹ lần đầu tiên xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường trong cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm cá phi lê đông lạnh của Việt Nam vào năm 2002.

“Nền kinh tế của Việt Nam đã chuyển đổi và không nên bị coi là NME (kinh tế phi thị trường),” Bộ Công Thương Việt Nam nói trong bản đề nghị, đồng thời cho biết có 72 quốc gia – nổi bật là Anh, Canada, Úc và Nhật Bản – đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.

Bộ Công Thương nói rằng những thay đổi cơ cấu kinh tế và cải cách quan trọng kể từ chính sách “Đổi Mới” năm 1986 của Việt Nam đảm bảo tái xác nhận quốc gia này là nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, AMM cho rằng Việt Nam vẫn “tiếp tục hoạt động như một nền kinh tế phi thị trường” khi đưa ra những phân tích cho thấy quốc gia Đông Nam Á không đáp ứng được 6 yếu tố mà DoC dùng để xác định một nền kinh tế thị trường.

‘Quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc’

Trong số những quan ngại hàng đầu mà AMM nêu lên là việc Việt Nam, quốc gia xã hội chủ nghĩa có hệ thống độc đảng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, vốn đang là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ.

“Kể từ khi GOV (chính phủ Việt Nam) yêu cầu CCR (rà soát tình trạng thay đổi), Chính phủ Việt Nam chỉ có tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc bằng việc công bố một thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa hai nước láng giềng cộng sản,” AMM viết trong bản nhận định gửi bà Raimondo.

Việt Nam và Trung Quốc ký kết 36 văn kiện hợp tác và nhất trí xây dựng một “cộng đồng chia sẻ tương lai chung” trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Hà Nội hồi tháng 12, chỉ vài tháng sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ.

“Có nhiều chỉ dấu cho thấy Trung Quốc có thể đang sử dụng Việt Nam làm nền tảng để xuất khẩu sang Hoa Kỳ và điều này rõ ràng khiến các công ty ở [Mỹ] lo ngại,” Chủ tịch AMM, Scott Paul, nói với VOA.

“Một số công ty Trung Quốc đang vào Việt Nam với mục đích xuất khẩu sang các thị trường khác và để khai thác lao động cũng như tài nguyên,” ông Paul nói.

Các công ty Trung Quốc đã xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam và sau đó thay bao bì cũng như gắn nhãn “Made in Vietnam” trước khi xuất khẩu sang Mỹ và các nước như châu Âu. Các quan chức Việt Nam đã phát hiện ra việc này và cho rằng Trung Quốc cố tình dán mác sản xuất ở Việt Nam lên hàng hóa của họ để tránh bị áp thuế quan của Mỹ.

Việt Nam hồi tháng 7/2020 nói rằng họ đã kiểm soát được tình hình gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.

Nêu quan ngại về sự gắn kết giữa Việt Nam và Trung Quốc về mặt hàng hóa, AMM cho rằng “phần lớn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đến từ Trung Quốc, điều này cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát các doanh nghiệp [của họ] hoạt động tại Việt Nam và nói rộng hơn là đối với các ngành của nền kinh tế Việt Nam.”

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nhưng vào tháng 12 vừa qua, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Phan Đăng Tuất đã phải cảnh báo rằng có một làn sóng “với quy mô cực lớn, cực nhanh” của các công ty Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam để né thuế. Theo ông Tuất, các công ty Trung Quốc hình thành các chuỗi sản xuất cụm chi tiết xuất sang châu Âu, Bắc Mỹ để tránh hàng rào thuế quan của Mỹ khi đầu tư vào Việt Nam.

AMM cho rằng việc nâng Việt Nam lên vị thế nền kinh tế thị trường “sẽ gây nguy hiểm cho lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ” vì Việt Nam “có mối liên hệ chính thức... về mặt chính trị, phòng thủ và kinh tế” với Trung Quốc, hiện được xem là mối đe dọa lớn nhất cho an ninh của Mỹ.

Đưa ra dẫn chứng về thương mại không công bằng nếu cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, AMM nói rằng Việt Nam “là trung tâm của lao động cưỡng bức và vi phạm Đạo luật Ngăn chặn Lao động Cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA).”

“Việt Nam đã được chứng minh là nguồn cho các hàng hóa nhập khẩu phá giá bị phát hiện gây tổn hại cho các ngành công nghiệp trong nước và người lao động cũng như cộng đồng của họ,” AMM cho biết.

Hải quan Mỹ hồi tháng 2 nói rằng Việt Nam là nước xuất khẩu hàng hóa có liên quan đến việc sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ lớn nhất trong năm 2023, vượt qua cả Trung Quốc.

Việt Nam bị dùng để ‘né thuế’

Hàng chục nhà lập pháp Mỹ, trong bức thư chung gửi bà Raimondo để nêu quan ngại về việc DoC rà soát tình trạng kinh tế phi thị trường của Việt Nam, cũng đã thúc giục Bộ Thương mại Mỹ “phải tính đến mối quan hệ chặt chẽ của Việt Nam với Trung Quốc, đặc biệt là khi Trung Quốc và Việt Nam tích cực tìm cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại giữa hai nước.”

“Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào từ Trung Quốc, khiến ngành này ‘dễ bị ảnh hưởng bởi rủi ro về lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng,” hơn 30 nhà lập pháp Mỹ viết trong thư và nhắc tới chính cảnh báo trước đây của DoC về việc Trung Quốc sử dụng Việt Nam để né thuế chống phá giá của Mỹ áp lên hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc.

Việt Nam được xem là một đối tác quan trọng của Mỹ trong việc chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc tới các nước thân thiện với Hoa Kỳ trong khi Washington tìm cách kiềm chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới Bộ Ngoại giao Việt Nam về những quan ngại của AMM và các nhà lập pháp Mỹ liên quan đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Trong khi AMM và các nhà lập pháp Mỹ phản đối, thì Hiệp hội các Nhà bán lẻ Quốc gia Hoa Kỳ (NRF) lại cho rằng Việt Nam nên được xem là một nền kinh tế thị trường vì, theo họ, quốc gia Đông Nam Á đã đáp ứng được các tiêu chí theo yêu cầu của Mỹ. Hiệp hội thương mại bán lẻ lớn nhất thế giới nói rằng việc này “đặc biệt đúng đối với các hàng hóa tiêu dùng quan trọng như may mặc, dày dép, điện tử gia dụng và đồ nội thất.”

Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên, trong bức thư gửi Bộ trưởng Raimondo để yêu cầu DoC khởi xướng CCR, nói rằng Việt Nam đáp ứng được 6 tiêu chí mà DoC dựa trên đó để đánh giá một nền kinh tế thị trường cũng như cho biết rằng “các yếu tố khác cho thấy kinh tế Việt Nam vận hành dựa trên các nguyên tắc thị trường.”

“Công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường sẽ là một yếu tố quan trọng của chính sách [đa dạng chuỗi cung ứng của Mỹ],” Phó Chủ tịch về Chuỗi cung ứng và Chính sách Hải quan của NRF, Jonathan Gold, nói trong thư gửi bà Raimondo.

Ông Gold cho rằng việc tiếp tục xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường có thể ảnh hưởng, hay làm dừng lại, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sang Việt Nam.



Nhưng theo Giáo sư Zachary Abuza của Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, “đã có sự đầu tư đáng kể của Trung Quốc vào lĩnh vực bán dẫn và khoáng sản đất hiếm của Việt Nam.” Nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn trong tháng này, vị giáo sư chuyên về các vấn đề chính trị và anh ninh Đông Nam Á nói rằng điều này khiến ông “lo ngại rằng Việt Nam sẽ không nằm trong chiến lược giảm rủi ro [của Mỹ] như chúng ta nghĩ.”

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Murray Hiebert của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng Mỹ không nên tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường, hiện đang gồm có các nước kém thân thiện với Hoa Kỳ như Trung Quốc, Nga và Bắc Hàn, vì, theo ông, Việt Nam “là một trong những người bạn tốt nhất của [Mỹ] ở châu Á và Đông Nam Á và giúp đứng lên chống lại Trung Quốc.”

Các khuyến nghị đưa ra trong báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ đưa ra hôm 4/3 nói rằng Quốc hội có thể tiến hành giám sát việc đánh giá của Bộ Thương mại về tình trạng NME của Việt Nam để giải quyết những lo ngại rằng quy trình này đang bị làm gấp gáp và để đảm bảo Việt Nam đáp ứng các điều kiện của nền kinh tế thị trường theo quy chế của Hoa Kỳ. Quốc hội được khuyến nghị xem xét những tác động tiềm ẩn của quyết định về thương mại Mỹ-Việt và các mối quan hệ song phương tổng thể giữa hai nước.

No comments:

Post a Comment