Tiểu Vũ - Ký ức một thời bé dạimardi 30 avril 2024
Thuymy
Bốn mươi chín năm trôi qua, những đứa trẻ ngày ấy nay đã trở thành những gã trung niên nếm trải nhiều sự đời cùng và chứng kiến biết bao nhiêu thay đổi của thời cuộc. Tuổi thơ đã đi qua, nhưng ký ức thì còn giữ lại.
Tôi nhớ xóm tôi có một số người đi "học tập cải tạo" trên trại An Điềm, trại Tiên Lãnh. Ở nhà các bác gái dành dụm tiền mua đồ tiếp tế, một tháng đi thăm nuôi chồng một lần. Thế mà kiên trì thăm nuôi suốt nhiều năm ròng rã cho đến ngày các bác ấy ra trại rồi đi Mỹ theo diện HO. Bạn bè cùng tuổi tui cũng theo gia đình qua Mỹ. Trong đó thằng Kim, con Lộc, thằng Dũng, con Nga đến giờ tui vẫn chưa gặp lại. Mà nếu gặp lại thì chắc gì nhận ra nhau ngày xưa ở chung xóm.
Ám ảnh hậu chiến cũng ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều người. Ba tui có một người bạn, sau khi "học tập cải tạo" về sống với gia đình bác trở nên khác lạ, ai nói lớn tiếng bác cũng giật mình hoảng sợ. Mỗi khi nói chuyện bác luôn buộc miệng "dạ thưa cán bộ...".
Tôi nhớ các dì tôi từ Đà Nẵng lên thăm mẹ tôi mang theo mấy ký gạo, đường mắm muối áo quần tụi tui ăn, nhưng đến Gò Cà, Đại Hiệp thì bị thuế vụ bắt tịch thu hết vì cho là đi buôn lậu. Mất đồ dì tôi khóc bù lu bù loa...
Tôi nhớ chú tôi bị mấy anh dân quân kéo tóc vào cạnh thùng phi rồi lấy rựa chặt vì dám để tóc dài. Thời đó mấy ông cán bộ thông tin văn hoá xã hay đọc câu: "Tóc dài anh để làm chi/Hay là anh thích Híp bi (hippie) Cô bồi (cowboy)".
Tôi nhớ cô tui bị cắt ống quần vì dám mặc quần ống loe đi đám cưới. Cô về đến nhà là khóc òa lên vì đó là cái quần đẹp nhất của cô.
Trước năm 1975 ba tôi là thợ chụp hình cho hiệu ảnh nổi tiếng ở Đà Nẵng là photo Phụng Ký, còn mẹ tôi thuộc loại "tiểu thư cành vàng lá ngọc" làm lễ tân cho một câu lạc bộ...Nhưng rồi thời cuộc biến đổi, ba mẹ tôi phải đi làm ruộng theo mô hình "hợp tác xã". Năng suất lao động được tính bằng điểm rồi quy đổi điểm ra thành lúa. Do không quen làm nông nên năng suất của ba mẹ rất thấp, cuối mùa quy công điểm ra thì chỉ nhận được chục ký lúa nên nhà tôi đói dài dài. Chuyện nhà tôi thiếu cơm phải ăn sắn khoai chuối nước là quá bình thường.
Tôi nhớ, có lần mẹ dẫn tôi ra bến xe Ái Nghĩa đón xe đò về cầu Đỏ thăm ngoại, chiếc xe có thùng than phía sau nóng đến nung người.
Tôi nhớ mẹ sai tôi ra cửa hàng mậu dịch mua đồ. Tôi cầm cuốn sổ tem phiếu đứng sắp hàng mấy tiếng đồng hồ mới mua được mấy lít dầu tây (dầu hỏa), về đổ vào cái đèn dầu làm từ vỏ quả lựa đạn sau chiến tranh. Đám lửa nhỏ nhoi le lói đó đã soi trang vở bằng giấy vàng ố của tôi suốt thời gian dài.
Lớp học của tui thi thoảng vắng vài đứa, sau này tui mới biết chúng theo gia đình đi vượt biên. Thi thoảng trống vài chỗ. Con Ý, thằng Phương hai đứa ngồi cạnh tôi từ lớp 1 đến lớn 4 thì chết vì bệnh dịch tả.
Tôi nhớ mấy con rồng con phượng ghép bằng mảnh gốm sứ rất kỳ công gắn trên nóc đình làng chùa chiền ở quê tôi bị đập hết vì cho là mê tín dị đoan.
Đình chùa bị tận dụng làm kho hợp tác xã hoặc làm phòng học. Tôi và lũ bạn học từ lớp 1 tới lớp 5 cái nhà hội trên chùa làng Ái Nghĩa. Lên lớp 6 lại chuyển sang học ở đình làng Hóa Phú. Giờ ra chơi tôi ngước nhìn lên mái đình trơ trọi, những viên ngói âm dương sấp ngửa đan tựa vào nhau rêu phong phủ kín như ẩn ức một nỗi buồn thăm thẳm.
Năm đó hạn hán rồi lụt lội kéo dài, cả làng cả xóm đói rã rời. Tôi và lũ bạn đứa nào cũng ốm nhom ốm nhách, áo quần thì nhếch nhác. Mỗi đứa chỉ có một bộ, có đứa mặc quần lủng đít, có đứa mặc đồ khín của người khác cho lại nên thụng thệnh, quần phải xăn lên mấy lớp ống thấp ống cao nhìn rất ngộ.
Mẹ tôi bán con heo mua được hai miếng vải, một "xa vi ốt" xanh một "ka tê" trắng, may cho tôi bộ đồ để ra Đà Nẵng thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh. Lần đầu tiên trong đời tôi được mặc quần xanh áo trắng đúng nghĩa học trò nên rất kiêu hãnh và tự hào. Ngày lên phòng giáo dục huyện để tập trung đi thi, mặc bộ đồ trên người mang đôi "săng-đan" có quai sau tôi trở nên "đẹp trai" nhất đoàn luôn. Trong đoàn học sinh năm đó có thằng LAR, giờ nghe đâu nó làm cán bộ rất to ngoài thành phố.
Năm đó tui còn rất bé, trong ký ức tôi vẫn văng vẳng âm thanh trên chiếc loa sắt cuối thôn phát ra câu hát: "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới..." Ba tui nói bọn giặc Tàu đánh biên giới phía Bắc, bọn Pôn Pốt đánh Tây Ninh.
Bà nội tôi tiễn chú Bảy đi nghĩa vụ quân sự ra chiến trường K. Bà ngoại cũng đưa cậu Sáu lên đường nhập ngũ.
Ngày chú lên đường, tôi theo nội lên sân vận động xã. Trai tráng làng tôi đều ở đó. Tôi nhớ mãi hình ảnh của bà nội tôi đứng thẫn thờ nhìn theo chiếc xe chở chú tôi và các chú trong xã khuất dần trên con đường đầy bụi.
Buổi tối bà tôi biểu ba mở radio "ấp chiến lược" để nghe tin chiến sự. Phía Bắc giặc Tàu đánh Hà Giang, Vị Xuyên, phía Nam Khmer Đỏ đánh An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh...Tưởng đất nước hòa bình rồi mà sao vẫn còn chinh chiến, bà tôi bồn chồn đứng ngồi không yên.
Nhưng rất may mắn, sau đó chú tôi bình yên trở về tiếp tục học sư phạm làm thầy giáo, còn cậu tôi thì mãi mãi nằm lại ở nơi nào đó trên dọc tuyến biên giới Tây Nam.
Tôi nhớ có một ông cán bộ đội mũ cối mặt rất dữ dằn dẫn du kích ập vô nhà tôi lấy hết sách vở băng đĩa của ba tôi mang ra đốt vì nói đó là "văn hóa phẩm đồi trụy" gì đó. Nhìn đám lửa thiêu cháy những cuốn sách ba tôi không dám nói một lời nhưng mắt ông thì đỏ hoe.
May mắn thay vài năm sau tôi vẫn có thể đọc những cuốn sách cũ, vì trước đó ba tôi bọc ni lông đào hố chôn ngoài vườn. Trong số cuốn sách được giữ đến ngày nay còn các cuốn Điêu tàn của Chế Lan Viên, Thằng Vũ, Hạ ơi của Duyên Anh, Gái quê của Hàn Mặc Tử, tập thơ Hoang Vu của Nguyễn Vỹ, bộ Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân, Triết học hiện sinh của Trần Thái Đỉnh, Tạp luận của Võ Phiến, Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng...
Ký ức vụn quá nên chỉ nhớ chừng đó. Nhớ tới đâu viết tới đó. Nhắc lại để mà thương, nhắc để mà nhớ.
TIỂU VŨ 30.04.2024
No comments:
Post a Comment