Đảng, nhân sự và làm đến đâu... nát đến đó! (P5)Trân Văn
29/04/2024
VOA
(tiếp theo)
Hạ tuần tháng 12 năm ngoái – cách nay chừng bốn tháng – nhiều người ngạc nhiên khi biết ông Trương Tấn Sơn (lúc đó 39 tuổi), Ủy viên Thường vụ quận ủy Tân Bình, Phó Chủ tịch quận Tân Bình được điều động từ TP.HCM về Long An để làm... cán bộ của Tỉnh ủy Long An [1].
Nhiệm sở đầu tiên của ông Sơn (Kỹ sư Xây dựng – Địa chính) là... Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) – doanh nghiệp thuộc UBND TP.HCM, sau đó lấy Thạc sĩ Kinh doanh quốc tế, học Cao cấp Lý luận chính trị và thăng tiến rất nhanh. Đến khi ông trở thành Phó Tổng giám đốc Saigon Tourist thì trong một “kỳ họp bất thường” diễn ra hồi tháng 3/2020, ông đột nhiên được HĐND quận Tân Bình tín nhiệm, bầu làm Phó Chủ tịch quận cho phần còn lại của nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Đến nhiệm kỳ sau (2021 – 2025), ông Sơn tiếp tục được “tín nhiệm” để đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch quận và năm 2022 được Thành ủy TP.HCM “tín nhiệm” chọn làm Ủy viên Thường vụ Quận ủy Tân Bình cho phần còn lại của nhiệm kỳ 2020 – 2025. Không rõ vì lý do gì, ông Sơn lại được Long An “tín nhiệm” để mời về công tác tại Tỉnh ủy?
“Sự nghiệp chính trị” của ông Sơn tuy khác thường (nhảy từ hoạt động kinh tế qua điều hành chính quyền, đảm nhiệm thêm công tác đảng, rồi trở thành cán bộ đảng chuyên nghiệp) và trong vài năm gần đây luôn là người được trám vào những vị trí bị khuyết giữa các nhiệm kỳ, “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” qua các cấp... song lại hết sức bình thường. Nói theo kiểu cộng sản Việt Nam thì sự ngạc nhiên trước những dấu hiệu khác thường ấy là... “lạc hậu”, bởi việc thăng tiến như vậy hoàn toàn... “đúng quy trình”, kể cả nhảy từ quận ủy một quận thuộc đơn vị hành chính trực thuộc trung ương này vào tỉnh ủy của một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương khác.
Trung tuần tháng 2/2022, Ban Tổ chức của BCH TƯ đảng khóa 13 ban hành Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW để định hướng cho công tác quy hoạch cán bộ. Mục thứ 3 của văn bản này giải thích yêu cầu “thực hiện phương châm quy hoạch đóng và mở”, theo đó: Quy hoạch “mở” được hiểu là không khép kín trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị mà cần mở rộng nguồn cán bộ từ nơi khác để đưa vào quy hoạch những cán bộ đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị [2]. Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW chính là dành cho những người như ông Sơn – quý tử của ông Trương Tấn Sang (cựu Bí thư TP.HCM, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Chủ tịch Nhà nước).
***
Nếu chịu khó lướt qua các văn bản liên quan đến lựa chọn, sắp đặt nhân sự của đảng CSVN, tự nhiên sẽ thấy chúng được soạn thảo chỉ nhằm hỗ trợ một số cá nhân “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” đến đỉnh quyền lực. Làm gì còn chỗ cho hiền tài cống hiến trí lực, sức lực, có không gian thực thi “đổi mới công tác nhân sự” khi Nghị quyết số 26-NQ/TW (tháng 5/2018) xác định “đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược” phải được xây dựng theo hướng “cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới” và muốn lên cao hơn phải “có kinh nghiệm công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao” [3]?
Với những quy định theo kiểu như thế, chẳng riêng thường dân, ngay cả cán bộ - đảng viên không phải “con ông, cháu cha”, không thuộc phe nào, nhóm nào cũng chẳng có “cửa”. Chỉ cần dành ra ít phút, ngẫm nghĩ một chút ắt sẽ nhận ra thâm ý của những đòi hỏi như... chỉ có thể chọn một cá nhân làm Tổng Bí thư, Chủ tịch Nhà nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư nếu cá nhân đó đã tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên... trong Quy định số 214-QĐ/TW của BCH TƯ đảng khóa 12 ban hành hồi tháng 1/2020 [4], hay “chỉ quy hoạch cán bộ vào chức danh cao hơn, không quy hoạch chức vụ đang đảm nhiệm” trong Hướng dẫn 16-HD/BTCTW...
Không phải tự nhiên mà hàng loạt Ủy viên BCH TƯ đảng khóa 13, trong đó có tới năm Ủy viên Bộ Chính trị rơi rụng. Trận bão nhân sự này chỉ diễn ra sau khi sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng sa sút và khả năng ông không thể đảm nhiệm vai trò Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ... tư trở thành hết sức rõ ràng. Việc soạn thảo, ban hành các qui định về lựa chọn, sắp đặt nhân sự nhằm hạn chế cạnh tranh quyền lực trong đảng trở thành nguyên nhân khiến triệt hạ để loại bỏ đối thủ chính trị trở nên tàn khốc hơn, bất chấp điều đó “gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng, nhà nước” nghiêm trọng hơn cả sai phạm cụ thể của các đương sự.
Không chỉ có thế. Khi việc soạn thảo, ban hành các qui định về lựa chọn, sắp đặt nhân sự còn nhằm hồi sinh “con vua thì lại làm vua” như trường hợp ông Trương Tấn Sơn – quý tử của ông Trương Tấn Sang, trường hợp các ông Nguyễn Thanh Nghị [5], Nguyễn Minh Triết [6] – những quý tử của ông Nguyễn Tấn Dũng,... đã mở đường cho các viên chức ở cấp thấp hơn thi đua thực hiện phong trào “cả họ làm quan” và dù vô lý thế nào, bất cập ra sao cũng vẫn... “đúng quy trình”. Trung ương bất chính, địa phương tắc loạn. Các qui định về lựa chọn, sắp đặt nhân sự chính là những bằng chứng sinh động minh họa cho bản chất dân chủ XHCN - công dân có nghĩa vụ làm thần dân đời đời, kiếp kiếp.
Sông dẫu đã cạn, núi dẫu đã mòn, kinh tế dẫu đã suy thoái đến mức khó tưởng, dân chúng lầm than nhưng quy hoạch nhân sự vẫn thế, không thay đổi. Xem cách hành xử của những viên chức hữu trách cao cấp nhất, dường như quốc kế, dân sinh chỉ là vấn đề thứ yếu, vấn đề chính yếu vẫn chỉ là làm sao giữ được ghế và tiếp tục leo lên vị trí cao nhất!
Chú thích
No comments:
Post a Comment