Sunday, April 28, 2024

Quan và dân (Phần 2)
Nguyễn Thông
28-4-2024
Tiengdan
Tiếp theo phần 1

Chế độ này, mặc dù nó là kết quả của cuộc nổi dậy chống phong kiến, bài trừ, tiêu diệt phong kiến – thực dân, lập nên chính quyền nhân dân, nhưng về cơ bản nó vẫn theo mô thức cũ, thậm chí còn tệ hơn.

Xã hội vẫn bị chia thành đẳng cấp rõ rệt. Số ít nhưng nắm quyền cai trị được gọi tên chung là cán bộ, từ cấp phường xã trở lên tới trung ương cứ nằm trong bộ máy lãnh đạo đều là cán bộ. Có cán bộ, cán bộ trung cấp, cán bộ cấp cao, cán bộ cao cấp, cán bộ cơ sở, cán bộ địa phương, cán bộ trung ương. Đó là dạng quan mới. Phong kiến bị chôn vùi, vua quan bị lật đổ, “rồng 5 móng vua quan thành bụi đất” thì nay là phong kiến mới, núp bóng nhân dân, vậy thôi.

Cán bộ-quan, nhất là nhóm lãnh đạo, chiếm đoạt đủ đặc quyền đặc lợi. Họ tự đặt ra quyền lợi dưới dạng nghị quyết, nghị định, quy chế, luật để công nhiên được hưởng, bắt dân chúng phải chấp nhận. Nói toẹt ra rằng, làm quái gì có chuyện cán bộ thời nay làm việc, cống hiến chỉ vì nước vì dân. Màu mè, che đậy, giả dối cả thôi.

Từ cán bộ nóc tới cán bộ nền, họ đều vì bản thân, gia đình, dòng họ là chính. Khi xưa phong kiến “một người làm quan cả họ được nhờ”, chứ với cộng sản không chỉ cả họ mà còn truyền đời cháu, chắt, chút, chít. Thực tế đã chứng minh, không cần bàn cãi.

Cán bộ gương mẫu ư? Cán bộ khỏe thì chiếm nhà cao cửa rộng, xe cộ, người phục dịch. Cán bộ bệnh thì có cơ quan chăm sóc bảo vệ sức khỏe riêng để chạy chữa, bệnh viện riêng để nằm. Cán bộ già hưu vẫn tiếp tục được dùng xe riêng, sốp phơ riêng, bác sĩ riêng, trả từ tiền ngân sách. Cán bộ chết thì có quốc tang, tang lễ cấp này nọ, cả cái chỗ chôn cũng không chịu chung với mọi người. Cán bộ vi phạm pháp luật thì chỉ cần xin lỗi, kiểm điểm sâu sắc, khiển trách, cảnh cáo, thậm chí được gợi ý làm đơn xin thôi chức vụ rồi hạ cánh an toàn, tệ lắm thì mới bị đưa ra xét xử và đi tù… Tóm lại, cán bộ còn tệ quá đám quan lại vua chúa phong kiến thời xưa. Chống phong kiến, chỉ chống cái mồm.

Cán bộ-quan, nhất là quan lớn, “cụ lớn” được đảng ban kim bài miễn tử, dù có phạm tội nặng mấy, nghiêm trọng mấy đi chăng nữa cũng chỉ bị “triều đình” (trung ương), “vua” (tổng bí thư) xử lý nhẹ hều. Họ luôn nói không có vùng cấm, ai thèm tin, khi luôn có những vùng bất khả xâm phạm, chớ động vào. Tứ trụ chính là vùng đặc biệt ấy. Bọn Phúc, Thưởng, Huệ chỉ bị họ kỷ luật ở mức độ tự làm đơn xin thôi mọi chức vụ do vi phạm này nọ.

Không ai biết chúng vi phạm cái gì. Giấu như mèo giấu cứt. Luật pháp bị dừng ở ngõ nhà chúng. Chúng và bộ máy xử lý chúng đã cười, đã chà đạp lên luật pháp, coi luật pháp chẳng ra gì. Kiểu cùn chí phèo, “anh hùng làng này cóc thằng nào bằng ta”. Tôi nói thật, ở những xứ dân chủ thật sự, thượng tôn pháp luật, đám này lại chẳng rũ tù, lên bờ xuống ruộng.

Số đông còn lại trong cộng đồng dân tộc, bị nhà cai trị gọi chung là nhân dân, quần chúng nhân dân. Có sự tách bạch rõ rệt: Cán bộ và nhân dân, kẻ cai trị và người bị trị. Thiên hạ từng giãy nảy lên mà rằng, nếu có cán bộ nào bị kỷ luật thì đảng và nhà nước đừng trả về nhân dân, bởi nhân dân không phải cái thùng rác.

Đã qua cái thời nhân dân chịu đựng hy sinh hết mình vì cán bộ, “ôi nhân dân, một nhân dân như thế/ con nguyện lại hy sinh nếu được sống hai lần”. Giờ đây giữa nhân dân và cán bộ là hố sâu ngăn cách, cái hố cái hào cái kênh vực sâu thăm thẳm ấy do chính thể chế, do cán bộ đào, chứ chẳng phải nhân dân. Những cán bộ-quan đang nắm quyền cai trị cần phải hiểu ra điều ấy, để mà “tự chỉ trích”, sửa đổi, dọn mình, may ra còn kịp.

(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment