Tuesday, April 30, 2024

Cù Mai Công - Mười sáu cái chết thảng thốt trong ngõ Con Mắt chiều 30-4-1975
mardi 30 avril 2024
Thuymy


Ngõ Con Mắt (nay là hẻm 766 Cách Mạng Tháng Tám, phường 5, Tân Bình, TP.HCM) - khu trung tâm Ông Tạ là một con hẻm dài gần 300 mét, cách nhà tôi 200 mét. Xưa tôi hay đến ngõ này chơi, vớt cá ở ruộng rau muống An Lạc - nơi nhà thơ Đỗ Trung Quân thả diều thời thơ ấu.

Ngõ này như một khu làng nhỏ với nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi: Đỗ Trung Quân, Đàm Vĩnh Hưng, Tập “lùn” (đóng loạt phim “bất đắc dĩ” trước 1975 với Thẩm Thúy Hằng), MC Đại Nghĩa, Tóc Tiên, giáo sư Trần Đình Thọ (nhóm chủ biên tập san Sử Địa trước 1975), đào Múi (đoàn Kim Chung - Chuông Vàng Thủ Đô) …

Nhiều sĩ quan cao cấp của Việt Nam Cộng Hòa cũng ở đây và cũng là những cây bút uyên thâm: Vũ Hữu San - hạm trưởng HQ 4 Trần Khánh Dư hiện đại nhất Hải quân Việt Nam Cộng Hòa, tham chiến Hoàng Sa 19-1-1974, bắn cháy hai tàu Trung Cộng. Đại tá Trần Khắc Kính - phó tư lệnh Lực lượng đặc biệt tung biệt kích, gián điệp ra ra Bắc;  trung tá Nguyễn Văn Nhã; thiếu tá Nguyễn Công Luận…

… Lúc 12 giờ 30 trưa 30-4, cánh cổng sắt trước ngõ Con Mắt vẫn bị các nhóm Nhân dân tự vệ ấp Hòa Bình đóng kín, khóa chặt. Chiều 30-4-1975, khi Sài Gòn im tiếng súng, con ngõ này vẫn còn những tiếng nổ thảng thốt, khiến 16 người chết, trong đó có hơn 10 trẻ em. Đó là một nhóm bảy thiếu niên trong ngõ lượm được một đạn pháo sau cuộc chiến ác liệt quanh Ông Tạ trước đó. Những bạn nhỏ này mang viên đạn pháo đó ra trước Đền thánh Giuse cuối ngõ ghè ra tìm hiểu, lấy thuốc đạn thì phát nổ. Cả bảy đều chết, thịt nát xương tan.

Đêm 30-4, vùng Ông Tạ cúp điện. Đám con nít Ông Tạ, trong đó có tôi, tò mò chạy sang một căn nhà ở ngõ Con Mắt (cách nhà cũ của nhà thơ Đỗ Trung Quân chừng vài bước chân) coi chín thi thể của cả gia đình trung tá Đặng Sĩ Vĩnh tự sát lúc hai giờ chiều 30-4 trước đó.

Cả nhà nằm chết ngay ngắn trên giường (riêng xác trung tá Vĩnh nằm xô lệch dưới chân tám thi thể vợ con); thái dương từng người đều có vết đạn. Con trai đầu của gia đình là trung úy Đặng Trần Vinh năm đó 27 tuổi, chưa lập gia đình cũng nằm chết trên giường cùng mẹ và hai em gái út sinh đôi năm đó 15 tuổi, hơn tôi hai tuổi. Hai cô này da trắng, tóc dài, đen nhánh, buộc nơ đỏ, xanh, khi tôi đi chơi qua đó thường thấy hai cô đùa nghịch, cười rúc rích.

Căn nhà khá chật với một gia đình chín người, không có chỗ để xe, phải gửi xe ở nhà ông Năm Châu, con rể ông chủ đất Nguyễn Văn Thêm rộng nhất xóm. Ông Vĩnh vốn là Trưởng ban Binh địa Phòng Nhì Bộ Tổng tham mưu, sau biệt phái qua Tổng nha Cảnh sát. Bà con hàng xóm nói ông sống rất hiền lành, hòa nhã.

Vợ ông là Trần Ánh Nguyệt, chị vợ của nhà thơ trung tá Hà Thượng Nhân với bài thơ nổi tiếng năm 1960 được dạy ở đại học: "Chiêu niệm quái thơ". Hà Thượng Nhân vốn là giám đốc Đài Phát thanh Quốc gia, chủ bút rồi chủ nhiệm nhật báo Tiền Tuyến; từng làm giám khảo Giải Văn học Nghệ thuật toàn quốc, bộ môn Thơ. Vợ chồng ông Vĩnh từng làm chủ một nhà in.

Theo Nguyễn Hà Tường Anh, một đứa con nhà hàng xóm là thiếu tá Luận, ông Vĩnh để lại một lá thư cho người anh trai là ông Đặng Sĩ Toản. Trong một lá thư ngắn khác, ông có lời xin lỗi hàng xóm vì quyết định của gia đình ông có thể làm phiền họ. Ông còn xin họ giúp báo tin cho thân nhân của ông để lo chôn cất và còn một ít tiền để trong ngăn kéo.

Ông Toản báo với em gái là bà Hà Thượng Nhân. Bà Hà Thượng Nhân cùng chị là bà Chấn, chị dâu là bà Tâm, em gái là bà Viên khi khói súng chiến tranh chưa tan, làm tang lễ vội vàng rồi lặng lẽ đưa chín quan tài gia đình ông Vĩnh ra nghĩa địa đô thành Chí Hòa cách đó vài trăm mét (nay là công viên Lê Thị Riêng) chôn cất; nơi lúc sinh thời, ông qua lại hàng ngày.

CÙ MAI CÔNG 30.04.2024

(Trích lược một phần nhỏ “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!” tập 2)

No comments:

Post a Comment