VNTB – Đại hội Đảng lần thứ XIV liệu có ‘hủy một phần’ Điều 17.1 Điều lệ Đảng?
Nguyễn Huyền
02.04.2024 12:16
VNThoibao
Tổng bí thư vi phạm Điều lệ Đảng
Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam được giữ nguyên qua Đại hội Đảng lần thứ XI và đến nay vẫn còn nguyên hiệu lực, và được công bố công khai. Ngay lúc công bố ông Nguyễn Phú Trọng đắc cử tiếp lần thứ ba, xem ra kể từ đó đã phá vỡ nhiều ràng buộc được quy định của Điều lệ Đảng mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19-01-2011.
Theo đó, ở Điều 17.1, ghi: “Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị; bầu Tổng bí thư trong số Uỷ viên Bộ Chính trị; thành lập Ban Bí thư gồm Tổng bí thư, một số Uỷ viên Bộ Chính trị do Bộ Chính trị phân công và một số Uỷ viên Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương bầu trong số Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương; bầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; bầu Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trong số Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Số lượng Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư và Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.
Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp”.
Như vậy là nếu mang Điều lệ Đảng làm căn cứ của một dạng “luật Đảng”, thì lúc mà một điều của Điều lệ Đảng có tính cưỡng hành bị vô hiệu hóa, thì liệu những điều khác còn lại có thể còn được bảo đảm thi hành hay không? Rõ ràng, điều này sẽ hạ thấp vị thế của Điều lệ Đảng trong đảng viên và cả trong nhân dân. Đồng thời, tạo thành những tiền lệ không mong muốn về sau.
Chính việc thiếu tôn trọng “luật Đảng” như kể trên nên gần như khóa XIII của Đảng người ta thấy ngay cả lúc có quá nhiều “củi” trong dàn lãnh đạo chóp bu của Đảng và của chính phủ thì sự việc này vẫn đặt trong sự ngờ vực về thanh trừng phe nhóm để giành nhau quyền lực. Như chuyện việc miễn nhiệm hai Phó thủ tướng, hai Chủ tịch nước và một ủy viên khác trong Bộ Chính trị, cũng như việc xử lý một số bộ trưởng, cựu bộ trưởng khác kể từ tháng 12-2022 đã làm suy giảm lợi thế về ổn định chính trị của Việt Nam và khiến thị trường chao đảo.
Số thành viên Bộ Chính trị hiện giảm chỉ còn 14 người – con số nhỏ nhất kể từ năm 1986 khi công cuộc Đổi mới kinh tế của Việt Nam bắt đầu.
Khi nào sửa đổi Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam?
Theo Điều lệ Đảng năm 2011, Đại hội đại biểu toàn quốc do Ban Chấp hành Trung ương triệu tập thường lệ năm năm một lần; có thể triệu tập sớm hoặc muộn hơn, nhưng không quá một năm.
Trong đó, Đại hội đại biểu toàn quốc sẽ đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ vừa qua; quyết định đường lối, chính sách của Đảng nhiệm kỳ tới; bổ sung, sửa đổi Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng khi cần; bầu Ban Chấp hành Trung ương. Số lượng Uỷ viên Trung ương chính thức và Uỷ viên Trung ương dự khuyết do Đại hội quyết định.
Ngoài ra, Ban Chấp hành Trung ương xem xét việc chuyển Uỷ viên Trung ương dự khuyết có đủ điều kiện để thay thế Uỷ viên Trung ương chính thức khi khuyết.
Như vậy, theo quy định trên, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ chỉ được sửa đổi, sung khi cần. Và chỉ Đại hội đại biểu toàn quốc mới có quyền sửa đổi Điều lệ Đảng. (Khoản 1, 2 Điều 15 và Điều 48 Điều lệ Đảng năm 2011)
Trong phiên họp lần thứ nhất của Tiểu ban văn kiện Đại hội XIV của Đảng, ngày 28-2-2024, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban, có hứa hẹn rằng. “Đại hội XIV sẽ kiểm điểm sự lãnh đạo của Trung ương khóa XIII; tiến hành sửa đổi Điều lệ Đảng và bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV”.
Như vậy liệu sẽ hợp thức hóa thêm nhiệm kỳ lần thứ tư ở ghế quyền lực Tổng bí thư bằng việc “xóa” dòng “Đồng chí Tổng bí thư giữ chức vụ Tổng bí thư không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp” ở Điều 17.1 của Điều lệ Đảng (?!)
No comments:
Post a Comment