VNTB – Tại sao họ làm vậy?TS Phạm Đình Bá
20.07.2023 11:41
VNThoibao
Tôi nhìn ra hàng cây xanh và những con hải âu bay lượng ngút ngàn trên bầu trời trong một ngày nắm ấm từ một thư viện ở Toronto, nhưng cứ nghĩ lẩn quẩn mãi về đời sống khó khăn của họ.
Bây giờ ở nơi ấy, có 373 người hoạt động cho xã hội dân sự bị đe dọa, 192 người đang bị giam cầm, 97 phụ nữ tranh đấu cho quyền con người bị truy tố và 71 nhà hoạt động xã hội từ các thiểu số sắc tộc bị tù đày.
Thênh thang trên bục giảng trước hàng hàng lớp hoa trang trí và hàng hàng đại biểu trong com lê, ông tổng bí thư khẳng định rằng toàn đảng, toàn dân đã đạt được những thành tựu quan trọng. “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Chúng nó có hơn 5 triệu đảng viên, nắm giữ nhà nước với 2 triệu cán bộ và xử dụng gần 2 triệu công an.
Chúng nó vẫn tiếp tục vi phạm những quyền cơ bản của dân, từ phân biệt đối xử, bắt và giam giữ tuỳ tiện, vi phạm các đảm bảo về xét xử công bằng, đến hạn chế quyền tự do tôn giáo, tự do quan điểm và biểu đạt, tự do lập hội và các quyền tự do khác.
Họ là vài trăm người như những con cá lội ngược giòng mạo hiểm mọi thứ để đấu tranh cho tự do. Họ phải đối mặt với sức mạnh áp đảo của chúng nó. Nhiều người ngay cả bạn bè và gia đình của họ nghĩ rằng họ bị điên.
“Mọi người nói với họ rằng họ đã mạo hiểm quá nhiều, rằng cả cuộc đời họ vẫn còn ở phía trước,” bạn tôi nói. “Họ nói với họ rằng họ không bao giờ có thể làm được gì trong cuộc đấu tranh nầy, vậy tại sao lại vứt bỏ mạng sống của mình?”
Thế nhưng trong những cân nhắc khác, bạn tôi lại chắc chắn rằng họ là một phần của điều gì đó lớn hơn và quan trọng hơn chính họ. Họ tin rằng họ đang đấu tranh cho lẽ phải, và họ tin rằng một phần xã hội, vốn coi trọng tự do, sự thật và công lý, có thể sẽ ủng hộ họ.
Anh Lê Hữu Minh Tuấn, bị tuyên án 11 năm tù và 5 năm quản chế, chia xẻ ý tưởng gởi lén ra ngoài từ trại giam trong những tờ giấy hình vuông chừng 10 cm và một mảnh khăn.
“Đằng sau song sắt và cả những ngày giờ đối mặt với các biện pháp nghiệp vụ đã bào mòn thể xác, tinh thần, tôi tự hỏi tại sao chúng tôi buộc phải nhận và bị trừng phạt về những điều mà chúng tôi không làm hay gây ra. Đến bao giờ tiếng gào thét oan khuất trong và ngoài song sắt mới chấm dứt? Hay tất cả chỉ là sự vô vọng, kéo dài?”
Blogger Lê Anh Hùng, 5 năm tù bao gồm 3 năm cưỡng bức phải uống thuốc tâm thần, vừa ra tù vẫn đối mặt, “… việc tôi bị bắt xuất phát từ hành vi ngày 23/5/2018 khi tôi treo biểu ngữ có nội dung tố cáo ông Hoàng Trung Hải, lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy Hà Nội, phạm tội gián điệp, theo Điều 110 BLHS, và tố cáo ông Nguyễn Phú Trọng, phạm tội phản quốc, theo Điều 108 BLHS…Nhưng họ không cho tôi cơ hội đưa ra bằng chứng, lý lẽ để bảo vệ lời tố cáo của mình, họ lại khởi tố vụ án và bắt tạm giam tôi ngay”.
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn vừa giã từ bạn bè để đến định cư ở Toronto kể rằng “… Tôi có nhớ một lần lúc đó con còn nhỏ và phải đi mua thuốc. Hôm đó trúng vào ngày Chủ nhật có sự kiện thánh lễ cầu nguyện cho Ukraine, được tổ chức ở nhà thờ Cửa Bắc Hà Nội, tôi nhớ là như vậy. Nhưng khi tôi bước ra khỏi căn hộ của mình thì người an ninh chặn lại, người ta cấm cản không cho tôi đi mua thuốc. Những cái chuyện như vậy càng lúc diễn ra càng nhiều hơn và khi bắt đầu có những dấu hiệu rõ ràng là tôi có thể bị bắt, tôi đã quyết định rời khỏi Việt Nam”.
Trong buổi phỏng vấn của CNN, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thừa nhận với phái viên Andrew Stevens “… Em rất sợ. Sợ khủng bố, sợ đe dọa, sợ theo dõi, sợ hành hung, sợ đánh đập, sợ tù đày và sợ bị giết chết. Những nỗi sợ đó ám ảnh ngày đêm ngay cả những người dân vô tội đừng nói chi là người lúc nào cũng bị rình rập, đe dọa như Như Quỳnh.”
Tập thơ Hoa Địa ngục của Nguyễn Chí Thiện xuất hiện ở hải ngoại vào năm 1980 sau khi tác phẩm này được lén đưa vào Tòa đại sứ Anh tại Hà Nội với lời ngỏ: “Nhân danh hàng triệu nạn nhân vô tội của chế độ độc tài, đã ngã gục hay còn đang phải chịu đựng một cái chết dần mòn và đau đớn trong gông cùm cộng sản, tôi xin ông vui lòng cho phổ biến những bài thơ này trên mảnh đất tự do của quý quốc. Đó là kết quả 20 năm làm việc của tôi, phần lớn được sáng tác trong những năm tôi bị giam cầm.”
Thế nhưng những người như họ có phải chăng phục vụ những giá trị nền tảng của tương lai: sự thật, tự do và những quyền căn bản của con người?
Tôi có thể kể chuyện về họ mà không bị đe dọa chỉ vì tôi bỏ đất nước ra đi. Tôi không biết thể chế hiện nay sẽ kéo dài bao lâu.
Nhưng khi tôi nhìn vào khuôn mặt của Lê Anh Hùng khi anh ấy bị cưỡng bức tâm thần, tôi không hiểu bao nhiêu người khác bên nhà có cảm tình với việc họ làm – tôi hy vọng rằng có nhiều người đồng cảm như thế.
No comments:
Post a Comment