Trung Quốc cách chức ngoại trưởng Tần Cương, đấu đá gia tăng trong nội bộ Đảng ?
Thanh Hà
Đăng ngày: 26/07/2023 - 16:01
RFI
Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương vừa bị cách chức. Ảnh chụp tại Bắc Kinh ngày 21/02/2023. REUTERS - THOMAS PETER
Báo chí quốc tế hôm 26/07/2023 nói đến một sự nghiệp nhanh chóng « cất cánh » của ông Tần Cương, 57 tuổi, để rồi chỉ vài giờ sau thông báo thay đổi nhân sự trong bộ Ngoại Giao, tên của ông Tần thậm chí đã « bị xóa » hẳn trên các trang mạng chính thức của chính phủ Trung Quốc. Bắc Kinh đã không đưa ra bất kỳ giải thích nào về lý do cựu đại sứ Trung Quốc tại Washington Tần Cương bị thất sủng.
Vẫn chưa thể trả lời câu hỏi « tại sao người từng được ông Tập Cận Bình cất nhắc đã đột ngột rớt đài ».
Ông Vương Nghị quay trở lại bộ Ngoại Giao chỉ 7 tháng sau khi bàn giao lại chức vụ này cho họ Tần. Như vậy người được mệnh danh là « con cáo bạc » của nền ngoại giao Trung Quốc kiêm nhiệm luôn cả chức chủ nhiệm Văn Phòng Ủy Ban Công Tác Đối Ngoại của Đảng.
Trên nhật báo Libération, chuyên gia về Trung Quốc giáo sư Jean-Pierre Cabestan, thuộc trung tâm Asia Centre cho rằng ông Tần Cương mất chức vì lý do chính trị : Từng là bí thư của sứ quán Trung Quốc tại Luân Đôn, rồi sau này đứng đầu sứ quán Trung Quốc ở Washington trong giai đoạn từ tháng 7/2021 đến tháng 1/2023, ai cũng biết Mỹ là điểm « nhậy cảm » nhất trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Một số nguồn tin khác nhắc lại rằng, mùa thu năm ngoái các chuyên gia về Trung Quốc đã khá ngạc nhiên khi ông Tập Cận Bình cất nhắc nhân vật « thân tín trong số những người thân cận » của mình vào chức vụ ngoại trưởng, thay thế họ Vương. Đà thăng tiến nhanh chóng đó của ông Tần Cương đã khiến « không ít người ganh tị » nhưng rồi chủ tịch Trung Quốc đã thành công trong việc áp đặt người của mình đứng đầu ngành ngoại giao.
Cũng chuyên gia Cabestan cho rằng, rất có thể vì rất thạo Anh ngữ lại nổi tiếng là có quan hệ với Hoa Kỳ, nên một bộ phận trong « guồng máy Đảng không còn tin tưởng vào nhân vật này », họ sợ rằng ông Tần Cương « trở thành một công cụ trong tay Hoa Kỳ hoặc của phương Tây ».
Nếu như chính ông Tập Cận Bình đã gây sức ép để « gài » người thân tín vào bộ Ngoại Giao, vậy giờ đây việc cựu đại sứ Trung Quốc tại Mỹ này bị thất sủng có ảnh hưởng gì đến uy tín của nhân vật quyền lực nhất tại Bắc Kinh hay không ?
Theo Bill Bishop, điều hành một tờ báo chuyên về thời sự Trung Quốc, Sinocism, dù bị thanh trừng hay kỷ luật thì vụ này cũng có nguy cơ « làm xấu đi hình ảnh của chính ông Tập ».
Về câu hỏi bộ Ngoại Giao Trung Quốc đổi chủ - hay chính xác hơn là tìm lại chủ cũ là ông Vương Nghị - báo trước điều gì về quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington khi biết rằng ông Tần Cương có chủ trương « mềm mỏng hơn so với ông Vương Nghị » ?
Trả lời báo Le Figaro Alex Payette, sáng lập viên cơ quan tư vấn Cercius, trụ sở tại Canada xem đây « là một vấn đề ». Vụ thay đổi nhân sự đó diễn ra vào lúc mà quan hệ giữa hai nền kinh tế toàn cầu đang căng thẳng. Mỗi bên đều viện lý do « an ninh quốc gia » để nhắm vào các quyền lợi kinh tế của đối phương. Tổng thống Biden cũng như người tiền nhiệm cáo buộc Trung Quốc dọ thám Hoa Kỳ. Nhọc nhằn lắm đối thoại song phương mới được khởi động lại ở cấp ngoại giao, tài chính nhưng về quốc phòng thì không.
Trong bối cảnh đó, nếu đúng như là Trung Quốc cũng thực lòng muốn đưa quan hệ song phương thoát khỏi bế tắc thì tại sao lại không khai thác những mối quan hệ với Mỹ mà cựu ngoại trưởng Tần Cương đã có được ?
Do vậy không ít người nghĩ rằng đây là một đòn chính trị, một vụ « đấu đá nội bộ» bởi vì ông Vương Nghị và ông Tần Cương không ưa gì nhau. Việc ông Vương nắm giữ cả hai chức vụ ngoại trưởng và chủ nhiệm Văn Phòng Ủy ban Đối ngoại của đảng Cộng Sản Trung Quốc, dường như củng cố thêm cho giả thuyết này.
Một nhà phân tích thuộc cơ quan tư vấn Eurasia Group không vòng vo khi cho rằng « Vương Nghị rõ ràng là đã cho mở điều tra về Tần Cương và sự thăng tiến nhanh chóng của ông Tần đã làm phật lòng khá nhiều các nhà ngoại giao kỳ cựu ».
Đối với Alex Payette, những diễn biến gần đây trên chính trường Trung Quốc hay chính xác hơn là trong guồng máy ngoại giao của nước này cho thấy « có những căng thẳng trong nội bộ giới lãnh đạo Bắc Kinh về chiến lược đối với Hoa Kỳ ».
Dù vậy nhà chính trị học Neil Thomas thuộc một trung tâm nghiên cứu của Mỹ Asia Society tỏ ra thận trọng khi nói về kịch bản họ Tần bị « thất sủng » : dù không còn giữ chức ngoại trưởng, dù đã bị xóa tên trên trang chính của bộ Ngoại Giao, nhưng ông Tần Cương vẫn là « cố vấn Nhà nước ». Vả lại, đôi khi một số nhân vật chính trị Trung Quốc hàng đầu cũng đã từng « biến mất » trong một thời gian để rồi « quay trở lại » như chính trường hợp của ông Tập Cận Bình : Trước khi « đăng quang » cuối năm 2012, ông đã « bặt tăm trong 15 ngày ».
Một nhà quan sát khác được AP trích dẫn không loại trừ khả năng đôi khi « những tính toán kinh tế và thương mại » có thể lấn át một số xung khắc về chính trị . Vấn đề còn lại là ai đang « cầm lái » tại Bắc Kinh mà thôi !
No comments:
Post a Comment