Wednesday, July 19, 2023

Toàn bộ cơ cấu nhà nước đã hủ bại, thối tha
Trương Nhân Tuấn
18-7-2023
Tiengdan
19/07/2023

Xử vụ “các chuyến bay giải cứu”, hay vụ Việt Á, trên các tội danh “đưa và nhận hối lộ” hay “chạy án” sẽ không “đúng người đúng tội”, nếu sau đó mọi vấn đề sẽ chấm dứt. Vụ này tôi có nói sơ lược hôm kia (về chuyện lũng đoạn nhà nước).

Thử nhìn phiên tòa đang xảy ra tại Hà Nội, chúng ta thấy gì? Cá nhân tôi thấy là phiên tòa cũng là một hình thức “lũng đoạn nhà nước”.

Khi Tòa đề nghị các biện pháp cho phép các bị cáo “nhả tiền” để “khắc phục hệ quả”, như một hình thức “chạy án công khai” để được “giảm án”, thì bản thân của Tòa đã hủ bại.

Tiền các bị cáo nhả ra sẽ “khắc phục hệ quả” cho ai?

Tính “liêm chính” của nhà nước (từ thượng tầng kiến trúc) qua phiên tòa đã bị tổn thương. Người dân đặt vấn đề về vai trò “bảo hộ công dân” của nhà nước.

Vụ “các chuyến bay giải cứu” không phải là một vụ “lạm dụng quyền lực” đơn thuần của một cá nhân có quyền lực. Nhìn sâu vào vấn đề, ta thấy dính líu cả một hệ thống quyền lực quốc gia, gồm 5 bộ phận: Ngoại giao, Y tế, Công an, Giao thông – Vận tải, Quốc phòng. Đó là chưa nói tới Văn phòng thủ tướng.

Nếu nói đây là một âm mưu “lũng đoạn chính sách nhà nước”, theo nghĩa hẹp của vấn đề, thì cũng đúng.

Chính sách ban đầu của nhà nước, nói một cách hoa mỹ là “bảo hộ công dân trong cơn đại dịch”. Việc “bảo hộ” trong trường hợp này là đưa người dân hồi hương, vì bất kỳ lý do nào đó, bị kẹt ở nước ngoài.

Cán bộ, đảng viên thuộc tổ công tác 5 bộ, cộng thêm nhân viên thuộc Văn phòng Chính phủ là 6, có tránh nhiệm thi hành. Vấn đề là “sáu bộ đồng tình bóp vú con tôi” thì còn gì là đạo lý?

Cán bộ, đảng viên thuộc 6 bộ sử dụng quyền lực của mình để áp đặt những trạm thâu tiền, kiểu “mãi lộ”. Nạn nhân phải đưa tiền mới lên được máy bay.

Ông Phúc, ông Đam có phải là “đầu não” của chuyện này không?

Người dân hoạn nạn bị lột tới đồng tiết kiệm cuối cùng. Có bao nhiêu người phải bán nhà, cầm cố sổ hồng, sổ đỏ… để có đủ tiền “chung chi” cho quan tham?

Người dân bị nghèo đi. Hệ quả đơn thuần của “lũng đoạn nhà nước”, trên phương diện kinh tế.

Môi trường kinh doanh bị triệt tiêu. Tính cạnh tranh trong kinh tế cũng không còn. Hiển nhiên tương lai rất ư là mù mịt.

Lũng đoạn chính sách nhà nước cũng đúng, mà lũng đoạn nhà nước cũng đúng.

Nhưng thêm phiên tòa, là hành vi “lũng đoạn” ở thượng tầng kiến trúc. Đây không còn là cuộc khủng hoảng nữa. Toàn bộ cơ cấu nhà nước đã hủ bại, đã thối tha.

Hệ quả chuyện lũng đoạn nhà nước khiến dân chúng các nước (Hungary năm 2010, ở Bulgaria năm 2013-2014, ở Nam Phi năm 2016…) xuống đường biểu tình. Xã hội nhờ đó mới được thay da đổi thịt, theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

No comments:

Post a Comment