Tiền từ dân, sao Tòa xử bảo nộp Nhà nước?2023.07.19
RFA
Phiên toà xử 54 bị cáo vụ chuyến bay giải cứuVnExpress
Vì sao số tiền tham nhũng trong vụ “chuyến bay giải cứu” khởi phát từ túi người dân, các doanh nghiệp và quan chức chia chác cho nhau mà tòa xử nói nộp lại cho nhà nước, để xét như một tình tiết giảm nhẹ tội?
Tiền của dân, sao trả nhà nước?
54 bị cáo là các quan chức cấp cao trong vụ án “chuyến bay giải cứu” đã bị Viện kiểm sát (VKS) đề nghị mức án hôm 17/7, trong đó có một người bị đề nghị tử hình.
Trước khi toà nghị án, chủ tọa thông báo tạm dừng phiên tòa để xem xét chứng từ nộp tiền khắc phục hậu quả của các bị cáo.
Mạng báo Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ hội đồng xét xử cho biết việc "cập nhật" số tiền khắc phục hậu quả để cơ quan công tố có căn cứ đề xuất mức đề nghị phù hợp.
Theo đó, năm quan chức nộp lại tiền nhiều nhất trong vụ “chuyến bay giải cứu” bao gồm: Cựu Phó giám đốc công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn (nhận hối lộ 61,7 tỷ, nộp khắc phục 35,4 tỷ, mức án đề nghị 6-7 năm tù); Cựu Phó phòng cục quản lý xuất nhập cảnh Vũ Anh Tuấn (nhận hối lộ 27,3 tỷ, nộp khắc phục 20 tỷ, mức án đề nghị 19-20 năm tù); Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng (nhận hối lộ 21,5 tỷ, nộp khắc phục 16,2 tỷ, mức án đề nghị 12-13 năm tù); Cựu Thư ký Bộ trưởng Y tế Phạm Trung Kiên (nhận hối lộ 42,6 tỷ, nộp khắc phục 15 tỷ, mức án đề nghị tử hình); Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái (nhận hối lộ 10,4 tỷ, nộp khắc phục 5 tỷ, mức án đề nghị 5-6 năm tù).
Trong vụ án này, dòng tiền khởi nguồn từ túi dân giao cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành tổ chức các chuyến bay về nước. Rồi các công ty này hối lộ, chia chác với các quan chức. Giờ các quan bị bắt thì số tiền đó nộp lại cho nhà nước chứ không phải là những người chịu thiệt hại trực tiếp. Bởi vậy, có ý kiến trong dư luận cho rằng việc cán bộ nộp lại tiền “khắc phục hậu quả” cho nhà nước là không hợp lý.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, một người dân Hà Nội, nêu quan điểm trên trang Facebook cá nhân rằng: “Tiền ăn cướp của Dân, chứ không phải là ăn cắp từ ngân sách hay đảng phí, không trả cho bị hại, mà lại bị bắt nộp lại cho đảng nhà nước, để mong nhẹ án thì sao gọi là "khắc phục hậu quả" nhỉ? Như vậy là chạy án chứ nhỉ?”
Ông Hoàng Hùng, admin Facebook page “Tôi và sứ quán” cho biết đây cũng là bức xúc của nhiều nạn nhân đã phản ánh với ông:
“Thực ra là thiệt hại là người dân chứ không phải là nhà nước cũng không phải là các doanh nghiệp. Người dân họ phải bỏ tiền ra mua vé bị đội giá rất là cao, như thế thì số tiền thu hồi phải được trả lại cho người bị hại chứ không thể nào sung vào công quỹ được.
Hiện bây giờ, vấn đề là giải quyết chia số tiền đó như thế nào. Bây giờ bắt người dân phải làm đơn đi kiện dân sự là bất hợp lý.”
Cơ sở pháp lý
Về mặt pháp lý, ông H, một luật gia ở Hà Nội theo dõi sát diễn biến vụ án này phân tích với RFA rằng toà đang xét xử về các hành vi tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn, đưa và nhận hối lộ. Đây là tội hình sự, và nó tách biệt với vụ án dân sự giữa nạn nhân và doanh nghiệp:
“Đây là vụ án về các tội liên quan đến tham nhũng và chức vụ, tức là quan hệ pháp luật trong vụ án này là giữa các bị cáo và nhà nước vì vậy không xét đến thiệt hại của người dân trong các chuyến bay. Cái này gọi là “nộp lại tài sản đã hưởng lợi bất chính, do phạm tội mà có.”
Một luật sư không muốn nêu danh tính vì lý do an toàn nói với RFA rằng trong vụ án này, những người “được giải cứu” về nước với chi phí cao có thể yêu cầu đòi các doanh nghiệp bồi thường:
“Trong trường hợp này thì họ có thể khởi kiện những công ty lữ hành du lịch hoặc những người đã nhận tiền của họ.
Trong bộ luật dân sự Việt Nam có quy định về chuyện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.”
Theo Bộ luật dân sự 2015, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng xảy ra khi một bên cố ý hoặc vô ý gây hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, gây hại đến danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc các chủ thể khác:
“Ta thấy rõ ràng ở đây, khi người dân bay về Việt Nam vào thời điểm dịch với giá vé đáng ra chỉ khoảng 2.000 đô la thôi, nhưng mà những công ty lữ hành hút máu nên giá vé phải chi trả có thể lên đến 6.000 đô la. Số tiền chênh lệch đó họ hoàn toàn có thể đòi được.
Đây là những câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Một bên là chịu trách nhiệm trong lĩnh vực hình sự, một bên khác là chịu trách nhiệm trong lĩnh vực dân sự. Phải phân biệt ra hai loại trách nhiệm đó thì mọi người mới rõ ràng được.”
Theo ông Hoàng Hùng, nếu như yêu cầu từng người dân “đơn phương độc mã” đi đòi quyền lợi chính đáng của họ thì rất là khó. Bởi nếu đi khiếu kiện thì thời gian và chi phí cho việc kiện tụng rất lớn, lớn hơn rất nhiều lần so với số tiền mà họ sẽ lấy lại được. Thay vào đó, ông đề nghị:
“Người đấu tranh cho chính nghĩa hay cho thượng tôn pháp luật rất là ít. Bởi vì họ biết rằng sự đòi hỏi của họ là vô vọng cho nên nhiều người cũng tặc lưỡi bỏ qua.
Danh sách nhập cảnh trong các chuyến bay giải cứu viện vẫn còn, tại sao không lấy số tiền đó chia cho những người dân.
Bây giờ phải bắt người dân làm xác nhận là số tiền đó họ đưa cho ai thì rất là khó. Theo tôi chỉ có chia đồng đều cho tất cả những nạn nhân, những công dân đã nhập cảnh trong thời gian bay chuyến bay giải cứu là hợp lý nhất.”
Toà xét xử vụ đại án “chuyến bay giải cứu” bắt đầu từ ngày 11/7. 54 người bị khởi tố về các tội liên quan đến hối lộ, chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ… Đến ngày 17/7, Viện kiểm sát (VKS) đã tuyên bố mức án đề nghị đối với các bị cáo này, đồng thời đại diện VKS đã đề nghị mở rộng giai đoạn hai của vụ án.
No comments:
Post a Comment