Friday, July 21, 2023

Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 21/07/2023
vendredi 21 juillet 2023
Thuymy


1. Tiếp tục câu chuyện súng Kalashikov

Hôm qua sau khi viết về chuyện gì đó mà có khẩu AK-12, tui nhận được 3 tin nhắn và 1 cuộc gọi nói chuyện trực tiếp với một… chuyên gia nghiên cứu về vũ khí, bộ đội nhà mình hẳn hoi, cũng phải thượng tá rồi í.

Chú này kém tui mấy tuổi và thâm niên thì thua tui xa, nhưng về chuyên môn thì đúng là vũ khí. Chú ấy nói xa xả về các tính năng của AK-12, và kết luận: nó là khẩu súng tốt, ưu việt, vượt xa những thứ tương tự của phương Tây.

Tui cười hì hì: Chú nói đúng cả rồi, nhưng mà chú đang nói với một tay mù tịt về vũ khí, tất cả những tính năng gì gì đó chú vừa nói, nó quá xịn, nghe cũng sướng, nhưng mà chú đã cầm nó trên tay chưa? Chưa đúng không?

Vậy ta nói chuyện trên một số cách tiếp cận khác nhé. Hôm qua khi viết cái đó tui có lỗi vì làm cho người đọc hiểu lầm là tui nói về súng, thực ra không phải, tui nói về cái chương trình Ratnik của Nga kia. Còn về khẩu AK-12, điều duy nhất tui biết mà cũng là nghe hơi nồi chõ, là nó dùng chung đạn 5.45×39 mm, là thứ mà người ta bẩu rằng so với đạn NATO 5.56×45 mm là nó thua về LƯỢNG thuốc súng ở trong.

Điều này thực tế, chưa chắc đã đúng. Tui nhớ từ lâu rồi nói chuyện với một sĩ quan người Nga, ông ấy bảo và điều nhiều người trong số các bác chưa chắc đã nghe, rằng tại sao người Nga hay Liên Xô ngày xưa lại phát triển cái đạn ít thuốc đó, ngay các chuyên gia Việt cũng thừa nhận rằng nó mạnh không kém gì đạn của NATO?

Vì thuốc đạn của Liên Xô ngày xưa nổ rất mạnh. Họ sẵn sàng nghiên cứu thành phần thuốc đạn để có sức nổ mạnh nhất, để giảm nhẹ gánh nặng cho sản xuất đại trà, và đồng thời giảm nhẹ gánh nặng cho hậu cần vận tải (còn tải đạn cho người lính thì khác biệt không đáng kể giữa đạn Liên Xô và đạn NATO).

Nhưng cũng chính vì tăng sức nổ của thuốc mạnh lên, tư tưởng này được áp dụng cho tất cả các loại đạn dược khác của họ kể cả đạn pháo nên các kho đạn của Nga khi bị người Ukraine bắn trúng đều nổ rất khủng là như thế. Đặc biệt là xe tăng, ngoài chuyện hệ thống nạp đạn tự động của nó làm cho tổ lái được ngồi trên một cái “mâm đạn” thì mỗi lần trúng đạn, đạn xe tăng Nga cực kỳ dễ bị kích nổ, và vụ nổ xe tăng thường trông giống như một vụ “nổ hạt nhân cỡ micro.”    

Thôi thì cứ cho là đạn Liên Xô và đạn NATO tương đương nhau đi, với tui chẳng quan trọng.

Tui có nói với ông bạn vũ khí kia về một câu chuyện từ thời ông cậu tui còn sống – ổng vốn là kỹ sư chế tạo máy rất giỏi và tui học được rất nhiều từ ổng. Thời đó chỗ ổng làm tiếp nhận hai dây chuyền sản xuất, một của Liên Xô để sản xuất hàng gia công cho các nước Đông Âu, một của Nhật Bản cũng để gia công thuê. Tui còn nhớ những thứ ổng mang về dùng được kỹ sư Nhật cho, từ cái bật lửa ga nhựa màu đỏ trong veo, dùng hết ga ổng cho tui mà nó còn chắc nịch, những kết cấu bánh răng đánh lửa tinh xảo mà cái “bật lửa tàu không dầu cũng cháy” chỉ là thứ thô lậu thảm hại nếu đặt bên cạnh… Lần đầu tiên tui cầm trong tay cái tuốc-nơ-vít cán nhựa hơi trong, vừa vặn vít, vừa là đục, vừa là bút thử điện… cực kỳ tốt.

Khi ổng cho tui vào chơi trong nhà máy, xem cả hai dây chuyền và sau này khi ổng kể về nhiều chuyện, tui mới hiểu sự khác biệt như thế nào giữa người Nga với người Nhật. Cùng một cái máy, ý là cùng thứ máy chức năng tương đương, nó có một cặp bánh răng giảm tốc thì ở máy Liên Xô là cặp bánh răng chéo, còn của Nhật là bánh răng thẳng.

Ông chuyên gia Liên Xô chính xác là người Nga lúc nào cũng vênh vang: thiết kế bánh răng chéo như thế này là từ người Đức, về kỹ thuật thì Nhật còn học Đức nhiều. Sau người Đức, người Nga đã nghiên cứu và phát triển nó rất lâu và rất… cao xa trong các viện nghiên cứu. Ông ấy viện dẫn ra đủ các thứ tiến sĩ khoa học, phó tiến sĩ, viện sĩ nữa chứ. Ưu điểm của bánh răng chéo là nó rất êm, và độ mòn của răng trên bánh răng rất thấp, do đó nó rất bền.

Trong khi đó, máy của Nhật thì luôn dùng cặp bánh răng thẳng. Ông cậu tui nói chuyện với ông kỹ sư Nhật đang giúp lắp dây chuyền, thì ông ấy chẳng nói gì nhiều. Ông ấy bảo: ông băn khoăn đúng rồi, rằng bánh răng chéo sẽ gây lực phá dọc trục dẫn đến hỏng các vòng bi ở gối đỡ bên ngoài. Người Nga rất giỏi kinh viện nên người ta tính rằng làm như thế sẽ tiết kiệm được vòng bi. Còn người Nhật thì thấy rằng, làm bánh răng chéo thừa sức, nhưng giá thành sẽ cao, trong khi vòng bi Nhật thì vừa rẻ vừa tốt, thay vòng bi thì nhanh không. Nói về ÊM thì, ông thử lấy máy đo độ ồn ra đây thử xem máy nào ồn hơn máy nào. Máy Liên Xô bánh răng chéo mà còn kêu như thế, thì làm bánh răng thẳng nó còn kêu to đến đâu.

Trong cả cái nhà máy mấy trăm máy chạy một lúc, độ ồn là kinh khủng – người Nga cố giảm độ ồn của nhà máy bằng cách giảm độ ồn của từng máy. Người Nhật thì vốn dĩ có trình độ luyện kim cao hơn (đỡ ồn hơn hẳn nếu vật liệu cao cấp hơn) thì đầu tư vào trang bị… bảo hộ lao động cho công nhân. Liên Xô chuyển giao dây chuyền nhưng không có một tí gì về lĩnh vực đó, trong khi Nhật Bản đưa đầy đủ từ quần áo, găng tay, kính và bịt tai…

Ơ thế cái bánh răng có liên quan gì đến súng Kalashnikov? Ông Nhật ổng còn nói: những thứ cao siêu, hay kỹ thuật cao cấp đó người Đức ứng dụng được, vì trình độ công nghệ chế tạo của họ cao, đặc biệt là khả năng sản xuất lớn (mass production) còn nếu không sản xuất được số lượng lớn, thì cao siêu để làm gì? Về sau ông cậu tui vào miền nam mới nhận ra là máy Mỹ để tại từ thời Việt Nam cộng hòa, được chế tạo không khác gì máy Nhật. Ông ấy bảo: có những cái cần đơn giản thì người Nga cố kinh viện, nhưng nhìn chung thì máy móc Liên Xô thô sơ đến kỳ lạ - mãi về sau mới hiểu là do họ không tổ chức sản xuất được số lượng lớn với những cái kinh viện đó.

Có rất nhiều ý kiến của người Việt, những người tôn sùng vũ khí Nga cho rằng AK-74 tốt, thì AK-12 cũng phải tốt. Nếu nhìn câu chuyện từ góc độ sản xuất lớn, thì đó là hai câu chuyện khác nhau. Ví dụ, AK-47 bây giờ bác Ngô Gia Khảm nhà ta có thể tổ chức sản xuất ở tận Bốt-xoa-na bên châu Phi, dễ ợt; còn dây chuyền AK-74 của Nga mà lôi ra, dỡ chiếu phủ, phủi bụi rồi cho chạy, nó lại chạy ầm ầm vì ngày xưa vốn dĩ nó đã sản xuất hàng triệu khẩu trong một thời gian ngắn.

Thế nhưng bây giờ mà bảo Nga sản xuất ra những cái cao siêu họ vẽ trong phòng thiết kế với số lượng lớn – nó đặt ra yêu cầu máy móc vừa chính xác, vừa hiện đại tự động hóa mức độ cao (giảm số lượng công nhân trực tiếp đỡ phải đào tạo nhiều) lại vừa phải công suất lớn, là thua. Đó là chưa kể đến chuỗi cung ứng, lại dẫn đến những câu chuyện khác nữa.

Ví dụ, với cái khẩu súng AK-12 kia mà tây họ bảo nó có vấn đề liên quan đến cái cần gạt an toàn nào đó bị cứng, tui không biết nó có cấu tạo bên trong như thế nào nhưng giả định nó có cái lò xo nào đó, thì chuyện thép lò xo là cả một vấn đề. Kể cho các bác nghe một chuyện khó tin nữa nhé. Tại sao tất cả các xe máy của H. VN, có giảm xóc trước cứng đơ đơ như thế, nó thua xa của Y và S ???

Giá thành là một chuyện – tui đồng ý, nhưng còn chuyện công nghệ nữa. H. VN nhập lò xo từ Tân Đại Châu bên Trung Quốc, còn Y và S thì dùng từ các nhà cung ứng bên Thái Lan. Riêng về phụ tùng xe máy, Thái Lan cách xa Trung Quốc rất rất nhiều bậc. Gì chứ lò xo giảm xóc, Trung Quốc có thể làm được cho xe tải vì nó to, không cần êm mà cần bền và khỏe, lái xe tải người ta khỏe mạnh chịu được tất. Nhưng nếu bác nào sang đặt hàng bộ linh kiện ô tô con, muốn đi sướng, êm ái mà không dẹo dọ, thì phải lắp giảm xóc của nước khác, bét nhất là của Nhật.

Lại đến chuyện – vậy Hàn Quốc thì sao? Bác nào đi Santa Fe rồi thì biết, hồi 2010 tui chạy dự án có cái như thế, ốm đòn với đôi giảm xóc sau của nó: rất êm, rất mềm nhưng mềm quá hóa yếu. Muốn cải thiện chỉ có chi hai mấy triệu đồng mua đôi mới và sau khi ngó kỹ, tui biết là nhiều chi tiết trong đôi giảm xóc thay thế đó, Hàn Quốc họ đi mua. Đến trình độ luyện kim của Hàn Quốc còn có những cái khó khăn, Trung Quốc lâu nay cắm cúi sản xuất lớn còn kẹt, thì Nga tuổi gì.

Không biết các bác thế nào, chứ tui thì rất tâm đắc với câu nhận xét của thằng Girkin: “Công nghiệp của nước Nga đã trải qua một cuộc “đại tàn phá” trong vòng 30 năm.”

Tui rất tin AK-12 là một khẩu súng tốt, tốt nhất thế giới luôn đi cho đỡ phải cãi cọ. Nhưng với điều kiện cấm vận hiện nay, thì nhập được thép lò xo tốt không dễ à nha! Vấn đề của Nga là sau khi Liên Xô tan rã, nền sản xuất của họ mất luôn chuỗi cung ứng, do vậy nếu cố sản xuất thì giá thành luôn cao chổng phộc, thà đi nhập khẩu còn hơn.

Có một câu hỏi rằng, tại sao số lượng súng đặt hàng lớn như thế mà người ta không đầu tư bài bản mà sản xuất? 150.000 khẩu ăn thua gì, đơn đặt hàng phải là 1,5 triệu khẩu rồi lên 15 triệu thì đầu tư mới bõ chứ. Xin hãy nhìn lại câu chuyện của chuỗi cung ứng, bây giờ muốn có nền sản xuất hoàn hảo thì phải phát triển bao nhiêu nhà máy sản xuất phụ tùng, chi tiết, linh kiện. Lại nhớ năm ngoái cậu kỹ sư Nga gửi cho video dây chuyền sản xuất ốc vít của Trung Quốc vừa chuyển cho và chửi: Cái đồ giẻ rách này ngày xưa Liên Xô không bao giờ thèm dùng, bây giờ lại phải đi mua của Tàu.

Nga bây giờ thì tui tin là đến ốc vít cũng không sản xuất được đâu. À mà đinh đóng vào tường cũng mua của Trung Quốc đó.

Đến đây các bác đã rõ là quá trình “cải lùi” từ phòng thí nghiệm đến xưởng sản xuất của Nga nó đã có truyền thống mấy chục năm rồi chứ không phải đến bây giờ mới có.

P/S. Chúng ta cần nhớ lại năm ngoái lính Nga đã bắt đầu than phiền rằng đạn 5.45x39 mm của Nga không xuyên được áo giáp thế hệ mới của Tây viện trợ cho lính Ukraine.

2. Về vụ Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc, tài khoản Viện nghiên cứu Chiến lược Biển Đen (BSSI) có bài rất thú vị trên Telegram:

Việc Liên bang Nga rút khỏi “thỏa thuận ngũ cốc”, kèm theo đó là các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng cảng biển của Ukraine, được cho là để cho cả thế giới thấy rằng “nếu không có Liên bang Nga, thương mại ngũ cốc thế giới sẽ “thất bại”” (một phiên bản khác của huyền thoại “thế giới sẽ đóng băng nếu không có khí đốt của chúng ta”).

Nhưng hóa ra trước đó nền kinh tế thế giới đã hoạt động hoàn hảo mà không cần khí đốt từ Liên bang Nga, vì vậy nếu không có “thỏa thuận ngũ cốc” – nói chung là dự án trên tinh thần xung phong của Erdogan – thì cũng chẳng có gì xảy ra với thương mại ngũ cốc và Nga đang ở trong tình thế tồi tệ hơn:

#1. Nỗ lực của Liên bang Nga nhằm loại Ukraine ra khỏi thương mại ngũ cốc thế giới đã khiến giá của nó tăng 9% vào thời điểm hiện tại, nhưng ngay cả khi các lệnh trừng phạt chống lại Liên bang Nga được dỡ bỏ thì trong trường hợp này, Liên bang Nga sẽ không thể thay thế khối lượng ngũ cốc của Ukraine trên thị trường. Còn khi Nga đang bị trừng phạt thì khỏi nói.

#2. Việc Điện Kremlin không có khả năng nghĩ trước vài nước cờ đôi khi dẫn đến những thành công về mặt chiến thuật và sau đó là những thất bại về mặt chiến lược. Liên bang Nga sẽ không thể kiếm được một xu nào từ việc tăng giá ngũ cốc (mà chỉ Ukraine và các thương nhân sẽ thu bộn tiền); mà chỉ có Trung Quốc, người đang mua 1/3 ngũ cốc của Ukraine, hiện đang mất nguồn hàng ngũ cốc từ Liên bang Nga và phải chịu những khoản lỗ. Đúng là một “chư hầu tốt” được nuôi dưỡng bởi Chủ tịch Tập ...

#3. Những lời đe dọa của Shoigu coi tất cả các tàu đến Ukraine là tàu chở vũ khí là vô giá trị nếu sau đó chúng không được thực hiện. Nhưng cuộc tấn công của Hạm đội Biển Đen Liên bang Nga nhằm vào các tàu ở vùng biển quốc tế sẽ là một hành động leo thang không thể chấp nhận được đến mức hậu quả có thể xảy ra có thể dẫn đến việc bổ sung “phi đội tàu ngầm”. Shoigu hiểu rất rõ điều này nên Liên bang Nga không tấn công các tàu nước ngoài mà đánh vào các cảng của Ukraine.

#4. Tuy nhiên, mặc dù “thỏa thuận ngũ cốc” đã kết thúc, nhưng việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine vẫn không bị dừng lại và vẫn tiếp tục theo phương thức tương tự thông qua các cảng của Ukraine trên sông Danube và xa hơn là đến Rumani, với lối vào Biển Đen thông qua lãnh hải của nước này.

#5. Hơn nữa, một giải pháp thay thế khác cho giao thông trực tiếp Odesa – Bosphorus đương nhiên cũng sẽ được áp dụng, nó giúp giảm thiểu việc cản trở hoạt động thương mại: các tàu chở hàng khô chở ngũ cốc có thể đi dọc theo bờ biển trong vùng lãnh hải 12 hải lý từ Odesa dọc theo bờ biển của Romania và Bulgaria đến chính Istanbul. Đồng thời, các cảng hạng nhất của Constanta và Varna, với tất cả các cơ sở hạ tầng cần thiết, đang hoạt động hỗ trợ trên đường đi. Không có khả năng Romania và Bulgaria sẽ từ chối kiếm tiền từ việc trung chuyển ngũ cốc của Ukraine. Và Liên bang Nga sẽ không bao giờ tấn công lãnh thổ NATO.

#6. Do đó, rất có thể, cuộc tấn công của Lực lượng Vũ trang Ukraine vào cây cầu Crimean vào ngày 17 tháng 7 – vào ngày cuối cùng của thỏa thuận ngũ cốc – hầu như không phải là ngẫu nhiên. Đây không chỉ là một “lời từ biệt”, mà còn là một tín hiệu dứt khoát. Việc dừng thỏa thuận ngũ cốc khá có lợi cho Ukraine, bởi vì điều này không chỉ loại trừ Liên bang Nga khỏi vấn đề này (không còn chuyện kiểm tra tàu), mà còn có thêm thu nhập từ việc tăng giá (đối với người mua, Liên bang Nga bên đã rút khỏi thỏa thuận phải chịu trách nhiệm về mọi thứ), và giao thông dọc theo các tuyến đường thay thế có thể được lên kế hoạch trước.

Điểm mấu chốt: rạp xiếc được gọi là “thỏa thuận ngũ cốc” đã đóng cửa, Ukraine không còn phải chịu sự kiểm soát của Nga đối với các xe chở ngũ cốc đồng thời sẽ kiếm được nhiều tiền hơn và Nga, như thường lệ, là thủ phạm chính của mọi vấn đề.

#7. Khả năng duy nhất để Liên bang Nga can thiệp bằng cách nào đó vào tình hình mới là tiếp tục tấn công các cảng của Ukraine. Nhưng, thứ nhất, (bằng cách nào đó) kết quả có vẻ là không tốt lắm với các cú tấn công; và thứ hai, các nhà quan sát ghi nhận sự gia tăng đáng kể về khả năng phòng không ở những khu vực này. Tối nay, lực lượng phòng không đã làm việc ở vùng Mykolaiiv, những thiết bị chưa từng thấy ở đó trước đây. Và Hoa Kỳ đã tuyên bố hỗ trợ Ukraine trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng cảng biển.

Sự cứu rỗi cho Nga trong tình huống này chỉ có thể đến từ Erdogan, người có thể “cứu thể diện của Putin” bằng cách đề xuất một số thỏa thuận riêng biệt mới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên bang Nga, điều này sẽ giúp Putin có cơ hội suy nghĩ về vai trò quốc tế của mình và Erdogan sẽ mang lại lợi ích chính trị.

Nhưng nếu không, thì Liên bang Nga sẽ đơn giản bị loại hoàn toàn khỏi thị trường ngũ cốc, như trước đây đã bị loại khỏi thị trường dầu khí, và sẽ bán ngũ cốc của mình cho châu Phi với giá thấp hơn giá thị trường, hoặc thậm chí cho không (Putin đã tuyên bố điều này) chứ không giống như Ukraine, quốc gia tiếp tục thu lợi. Ukraine là nhà cung cấp ngũ cốc quá quan trọng đối với Nga để phải tìm bằng được cách nào đó hạn chế họ.

(Bộ phận Phân tích BSSI)

Bình loạn : Về câu chuyện này, bọn blogger Nga viết cực buồn cười:

Nga đã tấn công Ukraine bằng tên lửa hành trình Kalibr công nghệ cao, phóng chúng theo hướng hóc hiểm và ở độ cao thấp để không thể bị phát hiện và tiêu diệt. Tên lửa tấn công một doanh nghiệp nông nghiệp ở vùng Odesa. 100 tấn đậu Hà Lan và 20 tấn lúa mạch đã bị phá hủy. “Tất cả hạt đậu của kẻ thù đã bị phá hủy. Tất cả! Còn lại lúa mạch, bạn sẽ phải dùng dao găm (Kinzhal) để xử lý chúng.”

Giá của 100 tấn đậu hạt là khoảng 20.000 USD, giá của một chiếc Kalibr là 300-350.000 USD (phiên bản xuất khẩu lên tới 500.000 USD).

Nhìn chung, có thể hiểu logic của các cuộc tấn công bằng vũ khí công nghệ cao và hiếm hoi vào các kho ngũ cốc và cơ sở hạ tầng cảng của Ukraine – đây là hành vi tống tiền nhằm ép Ukraine ký tiếp một thỏa thuận ngũ cốc với Nga, nhưng với các điều kiện có lợi hơn (mở SWIFT cho ngân hàng của Patrushev “Rosselkhozbank”, cho phép Nga xuất khẩu amoniac v.v…). Dừng thỏa thuận với chúng tao, chúng tao sẽ ném bom mọi thứ của mày và sẽ không có bất cứ thứ gì xuất khẩu được dọc theo hành lang ngũ cốc.

Nhưng, có vài cái “nhưng”, bao gồm độ chính xác của các cuộc tấn công (100 tấn đậu Hà Lan sẽ không thuyết phục được bất cứ ai), việc tăng cường phòng không ở khu vực Odesa (một cặp tổ hợp Patriot sẽ làm giảm đáng kể mối đe dọa) cộng với lời hứa của Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine phương tiện để bảo vệ cơ sở hạ tầng cảng. Khi điều này xảy ra, hiệu quả của các cuộc “đàm phán tên lửa” sẽ giảm đi rất nhiều.

BSSI đã đăng một phân tích thú vị về tình hình “sau thỏa thuận ngũ cốc.” Nói tóm lại, cuộc tấn công vào cây cầu Crimea ngay trước thềm thỏa thuận có thể được gia hạn đã được tính toán cẩn thận và chính xác là nhằm mục đích để Liên bang Nga rút khỏi thỏa thuận, nhờ đó Ukraine có lợi dụng việc giá cả tăng cao. Có vẻ như đây là một kế hoạch nhằm loại bỏ Nga khỏi thị trường ngũ cốc thế giới, như đã từng xảy ra với thị trường khí đốt. Kế hoạch này được tạo điều kiện thuận lợi bởi tình hình thị trường – các chuyên gia kỳ vọng vụ mùa năm 2023 sẽ được mùa, sản lượng ngũ cốc thế giới có thể đạt 786 triệu tấn, chỉ thấp hơn 1,3% so với mức năm 2022 (và điều này xảy ra trong bối cảnh chiến tranh!) và cũng không ai lường được cú tăng giá này.

Chúng tôi đã mô tả kịch bản này vào tháng Ba năm ngoái. Thuật toán rất đơn giản và, một lần nữa, có thể bắt đầu như tình huống đã xảy ra với khí đốt. Nga đang rời khỏi thị trường khí đốt – giá khí đốt đang tăng lên, lợi nhuận của thương mại khí đốt cũng tăng – Hoa Kỳ đang tham gia và thay thế khối lượng cần thiết bằng LNG của mình. Bây giờ với ngũ cốc: Nga đang cố gắng loại Ukraine ra khỏi thị trường ngũ cốc – nước này đang mất khả năng tiếp cận thị trường – giá ngũ cốc ngày càng tăng – cỗ máy Hoa Kỳ đang khởi động và thay thế khối lượng cần thiết bằng ngũ cốc của chính họ. Một vài năm trước, các doanh nghiệp nông nghiệp ở Hoa Kỳ đã đóng cửa bởi vì Nga và Ukraine đã nghiền nát họ bằng ngũ cốc giá rẻ của mình, và hiện các Quốc gia đều đang dự báo về việc gia tăng sản xuất và xuất khẩu.

Khi chúng tôi nói rằng “thỏa thuận ngũ cốc” với Liên bang Nga là không có giải pháp thay thế, thì chúng tôi đã gần như khẳng định được điều này. Có thể làm xấu đi vị thế của một người, nhưng gần như không thể cải thiện nó. Nhưng một lần nữa – như Tổng thống Putin thích nói, chúng ta đã “bị lừa, đơn giản là bị lừa đảo” và bị kích động trước những phản ứng cần thiết. Nhưng Liên bang Nga rất kỳ vọng vào xuất khẩu nông sản, đặc biệt là gia tộc Patrushev. Tất nhiên, ta thể vận chuyển ngũ cốc miễn phí đến Châu Phi, nhưng điều này khó có thể xảy ra như họ mong đợi…

Liên quan đến tình hình Biển Đen: Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, Adam Hodge, trích dẫn dữ liệu tình báo tuyên bố Nga đã thả thủy lôi một số khu vực biển Đen gần các cảng của Ukraine. Thông tin này đã được báo cáo bởi Bloomberg. “Chúng tôi tin rằng đây là một nỗ lực phối hợp để biện minh cho bất kỳ cuộc tấn công nào vào các tàu dân sự ở Biển Đen và đổ lỗi cho Ukraine.”

3. Một số tin chiến sự

- Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố sẽ coi các tàu di chuyển trên Biển Đen theo hướng các cảng biển của Nga là chở hàng quân sự.

- Từ 05:00 ngày 20 tháng 7, Ukraine cấm đi lại ở các khu vực phía đông bắc Biển Đen và eo biển Kerch – Yenikal do nguy hiểm.

- Trả lời phỏng vấn đài BBC, Tư lệnh Lực lượng Mặt đất của Lực lượng Vũ trang Ukraine, thượng tướng Alexander Syrsky cho biết quân đội Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công vào sườn Bakhmut và tạo mọi điều kiện để giải phóng thành phố. Theo vị tướng, quân đội Nga đang ở trong tình trạng bao vây một nửa.

Syrsky giải thích rằng về nguyên tắc ông ấy rất muốn lấy Bakhmut. “Đây là vấn đề nguyên tắc, là vấn đề danh dự. Bởi vì chúng tôi đã mất rất nhiều anh em, nhiều quân nhân của mình khi bảo vệ Bakhmut,” ông nói. Người đứng đầu Lực lượng mặt đất cũng không đồng ý với nhận định rằng Bakhmut không phải là một thành phố quan trọng từ quan điểm chiến lược. Vị tướng lưu ý rằng các con đường từ Debaltseve, Slovyansk, Horlivka, Kostyantynivka và Siversk đều đi qua nó.

- Chỉ huy Lữ đoàn 123 của Lực lượng Vũ trang Nga, Thiếu tướng Denis Ivanov đã chết ở Ukraine do một máy bay không người lái kamikaze đâm vào ô tô của hắn ta.

Bình loạn : Trong ngày 20/07 quân Nga đã nối lại tấn công ở Masyutivka. Nếu như cô Malyar vẫn nói là “giao tranh ác liệt” nhưng vẫn chỉ là tấn công cấp làng và suốt mấy ngày ròng rã không có kết quả thì cần phải xem lại cú AI PHẢN CÔNG AI NÀY, chất lượng quân cán và năng lực của Nga đến đâu.

- Tin cuối, với một tin khá “buồn” với tui: Thằng Igor Girkin vừa bị bế lên phường. Vợ hắn viết trên mạng xã hội:

“Hôm nay, vào khoảng 11:30, đại diện của ủy ban điều tra đã đến nhà chúng tôi. Lúc đó tôi không có ở nhà. Ngay sau đó, họ đã túm lấy chồng tôi và đưa anh ấy đi theo một hướng không xác định. Qua bạn bè, tôi biết được rằng chồng tôi bị buộc tội theo điều 282 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga. Tôi không biết gì về tung tích của chồng tôi, cũng không liên lạc được với anh ấy. Vào thời điểm bị bắt, tôi không có ở nhà.”

Bình loạn : Nga tiếp tục thao túng lập pháp để đàn áp bất đồng chính kiến trong nước thông qua việc đưa ra đe dọa về việc sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự. Hôm qua do bài dài quá nên tui đã bỏ chuyện này lại: tờ Telegraph kết luận rằng Alexander Lukashenko và chính quyền Belarus đã và đang tích cực tham gia vào việc trục xuất cưỡng bức trẻ em Ukraine. Chính quyền Belarus và Nga đã hợp tác để cưỡng bức vận chuyển ít nhất 2.150 trẻ em Ukraine đến Belarus kể từ tháng 9 năm 2022 và số trẻ em Ukraine ở Belarus có thể sẽ lên tới 3.000 vào mùa thu năm 2023.

Với Putox, vận mệnh nó lên hồi 2010 đến 2014 là đỉnh cao sau đó là đi xuống – với các lệnh cấm vận. Khổ cái hắn chẳng biết cái gì về triết học hay sao ấy các bác ạ, thấy không ổn phải dừng ngay chứ, cứ ham dấn mãi, đến bây giờ diệt vong sẽ là kết cục không tránh khỏi.

Câu chuyện này còn liên quan đến Wagner của Prigozhin: Lukashenko tuổi gì mà bảo kê được cho đầu bếp. Chẳng qua là trong thời gian qua đã có những chỉ dấu cho thấy tình hình nội bộ của Belarus có thể còn vỡ trước Nga, do vậy bộ ba Putox – Lukashenko và Prigozhin tìm một giải pháp: Pu tạm lờ đi để Lukashenko sử dụng Prigozhin, như vắt nốt một quả chanh. Về phần mình, Prigozhin chắc chắn cũng phải tính kế riêng, cứ hoãn binh thế đã có cơ hội là té luôn. Cũng chưa loại trừ kịch bản đầu bếp giúp ai đó lật Lukashenko trước, rồi Putox bị lôi đổ theo.

Sự kiện Girkin bị bắt đã dẫn đến tâm trạng bi quan của bọn dân tộc chủ nghĩa Nga, một thằng nào đó viết: “Đây là một tin rất xấu và có nghĩa là các cuộc đàn áp đã bắt đầu không chỉ đối với các thành viên của PKK (Câu lạc bộ những người yêu nước giận dữ), mà còn đối với toàn bộ cộng đồng yêu nước tích cực, mà (cộng đồng này) rõ ràng đã trở nên nguy hiểm đối với quyền lực tối cao. Chúng ta phải đoàn kết và ủng hộ Strelkov, vì đây mới chỉ là khởi đầu.

Đánh giá theo hành động của cơ quan điều tra, một nỗ lực có khả năng khiến anh ta phải ngồi tù. Các nhân viên thực thi pháp luật cần phải suy nghĩ lại, bởi vì tất cả những điều này có thể dẫn đến hậu quả tai hại.

Tự do cho Strelkov!”

Nên nhớ rằng cách đây khoảng 5 ngày, trong một cuộc họp nào đó của Putox, vấn đề xử lý Girkin đã được đặt ra.

4. Tại sao tui cứ liều đoán mò – khăng khăng cho rằng người Ukraine sẽ sớm chiến thắng trong cuộc chiến này? Đến nay sau vụ “thỏa thuận ngũ cốc” vừa mới cứng khẳng định nhận xét của tui đã từng viết trước đây, rằng về mặt kinh tế mà nói Putox không cần dầu khí và than đá của Ukraine. Điều hắn ta muốn là ngăn Ukraine bán nó cho châu Âu. Nhưng “người tính không bằng trời tính” tất cả những kế hoạch rồi hành động của Nga – Putox đã gây ra phản tác dụng dẫn đến hậu quả rất xấu. Xuất khẩu dầu khí của Nga – Putox giảm 40% và chính quyền của hắn sẽ đi đến chỗ phá sản. Đó là về dài hạn.

Về trung hạn, tui xin dẫn lời tờ “The Economist” đã viết “Nền kinh tế Nga có thể chịu được một cuộc chiến lâu dài, nhưng không thể chịu nổi một cuộc chiến khốc liệt hơn.” Putox tính toán là nền kinh tế Nga có thể chịu được vài năm nữa – ít nhất đến cuối 2024 hoặc giữa năm 2025 mới thực sự lao đao vì hết tiền bất chấp lệnh cấm vận và trừng phạt; với cuộc chiến này như thế đã là dài hạn. Còn nếu hắn kéo được đến thời điểm các chiến dịch tranh cử tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo ở Mỹ bắt đầu khởi động, các nguồn viện trợ cho Ukraine sẽ giảm nhanh chóng đến bằng 0, thì hắn sẽ thắng. Như vậy thời điểm trung hạn có thể trước thời điểm dài hạn khoảng hơn 1 năm.

Chúng ta cần hiểu ý của The Economist chính xác “cuộc chiến lâu dài” và sau đó “khốc liệt” là như thế nào? Chẳng hạn hiện nay quân Nga sau khoảng 10 tháng chuẩn bị đã cho thấy họ có thể làm được một hệ thống công sự phòng ngự khá tốt, và hoàn toàn có thể ngồi đằng sau đó để thách thức quân Ukraine được. Nếu như bây giờ người Ukraine hoàn toàn không làm gì cả, không tấn công, không phá hậu cần phía sau quân Nga… thì đó chính là rơi vào ý đồ thi hành một “cuộc chiến lâu dài” kéo được thừa đến thời điểm trung hạn của Nga – Putox.

Để hóa giải chuyện đó, người Ukraine buộc phải vừa tấn công mặt trước, vừa phá hậu cần ở mặt sau và phải gia tăng cường độ liên tục. Đến bây giờ thì chúng ta đã nhìn thấy rất rõ ý đồ của họ, công khai và không cần giấu diếm, nhưng với Nga thì hoàn toàn không có cách nào chống cự. Các sự kiện diễn ra liên tục, như từ khi bắt đầu cuộc phản công đầu tháng Sáu, đúng kiểu “3 ngày một tiệc nhỏ, 5 ngày một tiệc lớn” các kho, điểm tập trung quân bị quại liên tục, những vụ to đùng như cầu Chongar, rồi đến cầu Kerch thì cách nhau cỡ 3 tuần… Đánh toàn đánh hiểm cả. Ngoài chiến trường, như hôm trước tui báo cáo các bác về cách đánh mới: tiến chậm bằng các nhóm nhỏ nhưng quân Nga cứ hễ phản kích hoặc di chuyển ứng cứu thì sẽ ăn pháo.

Nhận định của The Economist còn có một khía cạnh nữa ta không nên bỏ sót: Nền kinh tế Nga, mà ở đây cụ thể là nền kinh tế sản xuất sẽ không đáp ứng được một yêu cầu của một cuộc chiến đòi hỏi sản lượng ào ạt – chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy lượng đạn pháo quân Nga bắn trên chiến trường kém đi so với trước rất nhiều. Chẳng hạn, năm ngoái khi Nga chiếm Serevodonetsk lượng đạn pháo họ bắn so với Ukraine gấp khoảng 20 lần, năm nay theo trả lời phỏng vấn BBC của ông Syrskyi, phía Nga vẫn bắn nhiều gấp khoảng 7 đến 8 lần so với Ukraine.

Đọc đoạn này chúng ta cũng lại cần hiểu, là 7 – 8 lần thì… trước nay vẫn thế, người Ukraine có cách sử dụng pháo binh khác người Nga. Đồng thời nếu đếm số lượng khu dân cư bị Nga pháo kích trong bản tin của Ukraine thời điểm hiện tại so với năm ngoái chỉ vào cỡ khoảng 20%.

Vậy tại sao tui lại cho rằng Ukraine sẽ sớm thắng?

– Thứ nhất, chiến thuật – chiến lược đó là rất hợp lý và nó được thực hiện với tính chuyên nghiệp cao, có lẽ là cực kỳ khoa học, lựa chọn mục tiêu nào vào thời điểm nào. Chẳng hạn vụ cầu Kerch lần này, nó là một đòn bắn hạ mấy mục tiêu một lúc chứ không phải chỉ cái cầu vật lý. Chưa cần hạ tiếp cầu Chongar, cầu Kerch bị bắn sẽ gây rất nhiều điểm ùn tắc dẫn tới sự hình thành rất nhiều kho dã chiến, kho tạm, điểm tập kết hàng và cả điểm dừng đỗ xe tạm thời, sẽ là những mục tiêu rất ngon ăn cho tên lửa Storm Shadow của Ukraine.

– Thứ hai, càng ngày Ukraine sẽ nhận được thêm những vũ khí mới khác với những tính năng kỹ thuật – chiến thuật khác, đem lại những hiệu quả cao hơn trong tác chiến. Đạn chùm là một ví dụ, và sẽ còn nhiều loại khác.

– Thứ ba, về sức mạnh quốc gia, Nga hiện nay chỉ cho thấy họ đang là nước TO, chứ không phải là nước lớn. Và đúng là họ quá giàu tài nguyên nhưng đang trong tình trạng “đào xúc múc” được nhưng chưa chắc đã bán được hoặc bán được nhưng chẳng mấy lời lãi. Ukraine tuy nước nhỏ hơn nhưng cũng ít dân hơn, vẫn túc tắc sản xuất được – và còn hậu phương các nước đang hỗ trợ họ nữa. Tuy vậy vẫn cần cẩn thận việc nguồn viện trợ bị ảnh hưởng nên dù sao, thắng càng sớm cũng là càng tốt.

– Thứ tư, về sức mạnh của lực lượng vũ trang nói chung, Nga càng ngày càng thua xa về chất lượng, đặc biệt về chất lượng vũ khí và tính tinh nhuệ của người lính. Do vậy bản thân bộ máy quân sự của họ là một cỗ máy gần như không chạy được với nghĩa là cỗ máy hoàn chỉnh, mà là đang cựa ngón tay này một cái, ngón tay kia một cái… và nó sẽ bị sụp đổ bởi chính sức nặng của nó, càng đông, càng đổ đẹp như trong phim. Về tinh thần, kỷ luật, động lực của cá nhân nhân dân và lính tráng, thiển nghĩ không cần phải nói nhiều nữa.

– Thứ năm, cuối cùng là tất cả những đòn đánh của người Ukraine đều có tính chính trị rất cao và mỗi cú lại đẩy Putox vào chân tường. Vì vậy chắc chắn sẽ đến lúc hắn bị chính nội bộ của mình xử lý. Tui thì dự rằng chỉ cuối năm nay thôi, là sinh mạng chính trị của hắn sẽ đi đời nhà ma.

PHÚC LAI 21.07.2023

No comments:

Post a Comment