Friday, July 21, 2023

Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 20/07/2023
jeudi 20 juillet 2023
Thuymy


1. Nếu bây giờ NATO chấp nhận việc gia nhập của Ukraine thì sao?

Liệu NATO có tham chiến, đánh nhau với Nga vì cái cớ “chiến tranh với một thành viên của NATO là chiến tranh với toàn bộ liên minh?”

Ngay khi cuộc họp thượng đỉnh NATO đang diễn ra ở Vilnius, đài truyền hình VTC đã vội vàng mời ông cụ Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an đăng đàn chém gió về việc NATO chưa kết nạp Ukraine.

Tui thì chưa bao giờ cho rằng Ukraine sẽ gia nhập NATO trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Chúng ta cần nhìn lại “Điều 5” của hiệp ước NATO quy định rằng một cuộc tấn công vào một đồng minh được coi là một cuộc tấn công vào tất cả liên minh. Điều này có nghĩa là nếu Nga tấn công Ukraine sau khi nước này gia nhập, tất cả các thành viên NATO sẽ có nghĩa vụ đứng ra bảo vệ Ukraine, và nó có thể dẫn đến một cuộc chiến rất tốn kém và đẫm máu giữa NATO và Nga.

Nếu NATO chấp nhận Ukraine lúc này, rất có thể Nga sẽ coi đây là một hành động khiêu khích và có hành động liều lĩnh về mặt quân sự. Nếu vậy, nó có thể dẫn đến một cuộc chiến toàn diện giữa NATO và Nga, đây sẽ là một tình huống rất nguy hiểm. Vì thế NATO vẫn chưa quyết định có chấp nhận Ukraine làm thành viên hay không. Có nhiều yếu tố mà NATO sẽ cần xem xét trước khi đưa ra quyết định, trong đó có nguy cơ Nga sẽ manh động.

Nếu NATO quyết định chấp nhận Ukraine, việc đó sẽ được coi là một sự leo thang lớn trong cuộc xung đột giữa Nga và phương Tây, mà thực tế thì phương Tây không muốn gọi tình trạng hiện nay là CÓ XUNG ĐỘT GIỮA NGA VÀ PHƯƠNG TÂY.

Chúng ta cần hiểu rằng cho đến nay, tất cả những lệnh cấm vận và trừng phạt của phương Tây áp dụng lên Nga, là sự thể hiện của thái độ và chính sách rành mạch của họ đối với hành động ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế khi gây chiến tranh chống Ukraine, còn XUNG ĐỘT giữa Nga và phương Tây thực chất là được tạo ra do Nga. Ngược lại, chính thái độ nhún nhường và hòa hoãn của NATO đã khuyến khích thái độ láo xược của Putox.

Nếu kết nạp Ukraine ngay lúc này, sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, nhưng mặt khác nó cũng có khả năng nó sẽ ngăn chặn Nga gây hấn hơn nữa đối với Ukraine. Vì vậy tổng thống Zelensky vẫn có chút le lói hy vọng vào một khả năng mong manh nào đó. Nhìn chung cả hai mặt đó đều có những cái lý của nó, và chúng ta không thể lường được hết hậu quả của việc NATO chấp nhận Ukraine gia nhập ngay lúc này sẽ như thế nào. Vì vậy, đây sẽ là một nước đi rất mạo hiểm và là điều NATO cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.

Dưới đây là một số hậu quả tiềm tàng của việc NATO chấp nhận Ukraine gia nhập:

Một cuộc chiến toàn diện giữa NATO và Nga nếu xảy ra, có thể rất tốn kém và đẫm máu.

Một cuộc chiến rộng lớn hơn giữa Nga và phương Tây, có thể lôi một số quốc gia khác vào cuộc ví dụ như Trung Quốc.

Một châu Âu bất ổn, tiềm ẩn nguy cơ hỗn loạn đời sống dân sự và bất ổn chính trị.

Sự gia tăng căng thẳng toàn cầu, với khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Dù không đạt được bất cứ điều gì có tính hứa hẹn hay hy vọng cho việc gia nhập của Ukraine, nhưng họ cũng đạt được sự đảm bảo an ninh của G7 đối với Ukraine, mà như ông Lê Văn Cương gọi là một “Israel của châu Âu.” Ông Cương vẫn cứ giọng lưỡi đe dọa phương Tây: Nga có hàng đống đầu đạn hạt nhân và đầy tên lửa mang chúng đến các nước NATO.

Bình loạn : Con ranh dẫn chương trình vẫn tiếp tục lải nhải rằng “Việc mở rộng NATO bằng cách kết nạp thêm các nước thành viên phía đông đã gây căng thẳng với Nga…” và ông Cương tiếp theo: NATO có mục đích đối đầu với Liên Xô. Từ 1949 thành lập NATO nhưng khối Vác-xa-va đến năm 1955 mới thành lập. Như vậy cái xứ Việt vẫn lải nhải chĩa mũi dùi vào NATO, là thay đổi từ tổ chức phòng thủ quân sự sang thành chính trị quân sự và an ninh, vì tham gia đủ các nơi từ Iraq, Syria, Afghanistan…

Cá nhân tui qua thái độ õng ẹo của các nước phương Tây và cả NATO nói chung, ngay cả khi cuộc chiến tranh của quân khốn Putox đã nổ ra ở Ukraine rồi. Thì cho thấy ngoài những hành động có tính can thiệp – ngăn chặn ở mấy chỗ ông Cương vừa kể trên, riêng với Nga thái độ của NATO là hèn nhát, thể hiện đúng vai của mình là liên minh để bảo vệ nhau.

Vì vậy, tui đồng ý với ông tướng về hưu Ben Hodges (ảnh) khi cho rằng: Nga muốn đảm bảo an ninh được lâu dài, thì phải ủng hộ Ukraine gia nhập liên minh NATO, như thế thì Ukraine cũng không thể làm gì được Nga. Trong khi đó nếu bây giờ tiếp tục khăng khăng với những lời lẽ chối tỉ của hết Medvedev đến Lavrov, lại cả con mụ Zakharova mặt sát tận xương… thì với quá trình tiếp tục vũ trang cho Ukraine như thế này, thì có ngày người ta đánh đến tận Mátxcơva chứ chẳng chơi.

Tướng thế mới gọi là tướng chứ. Riêng ông cụ Cương này, tui không thấy ghét mà thấy thương, vì nhận ra một điều là càng về gần đây, giọng lưỡi của ông ta càng bực bội cay cú. Mặc dù vẫn lớn tiếng la lối, thậm chí đem sức mạnh Nga ra dọa, nhưng mức độ cay cú như thế đang gián tiếp thừa nhận ông ta cũng hoang mang lắm rồi. Một ý nữa: Vốn dĩ giọng Nghệ Tĩnh đã khó nghe, thêm cái thái độ của ông cụ này chỉ tổ làm người ta thêm ghét. Tui quý bạn Nghệ An Hà Tĩnh của tui vì thế tui nguyện lần sau không nghe ông cụ này nói nữa. Bác nào muốn nghe thì nên uống trước viên Paracetamol.

2. Nhân chuyện NATO, nói tiếp đến chuyện một số bác trách móc phương Tây và Mỹ chậm chạp trong cung cấp vũ khí cho Ukraine. Trách thì cứ trách, nhưng rõ ràng là bây giờ thì Ukraine đang đánh nhau chủ yếu bằng vũ khí phương Tây.

Thực chất việc cung cấp có hai mặt: một mặt là sẵn sàng giúp đỡ và mặt khác là khả năng kiểm soát hậu quả. Nếu chúng ta chỉ mong sự giúp đỡ vô tận thì cũng là một nguyện vọng chính đáng, nhưng câu chuyện NATO trên đây lại cho thấy nhu cầu kiểm soát hậu quả của việc chuyển giao vũ khí.

Thế nếu Ukraine nhận vũ khí xong, trở nên quá mạnh mà cuộc chiến vẫn lằng nhằng, Putox thì vẫn tại vị và thậm chí tìm cách câu giờ để phục hồi thành công, thì người Ukraine đi xe tăng Abram đến tận Mátxcơva, lúc đó tình hình sẽ như thế nào?

3. “Chương trình chiến binh” đâu rồi trong cuộc chiến ở Ukraine?

“Ratnik” nghĩa là “chiến binh”, là một chương trình cải tiến theo hướng “người lính của tương lai” do Bộ Quốc phòng Nga khởi xướng. Nó xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên trong sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014. Những “người đàn ông nhỏ bé màu xanh lá cây” khét tiếng đã đến Ukraine là những người mẫu thực sự, thay mặt Điện Kremlin đưa ra tuyên bố cực hợp mốt cho cả thế giới chiêm ngưỡng. Động thái này, mặc dù có nhiều vấn đề từ quan điểm địa chính trị, báo hiệu một kiểu lính mới của Nga, một sự ly khai khỏi quan điểm tiêu cực lâu nay về một quân đội vô kỷ luật và thiếu trang bị hậu Liên Xô.

Một vài năm sau, Nga đã sử dụng cuộc chiến Syria làm nơi thử nghiệm cho thế hệ “Ratnik” mới nhất của mình, nơi các phương tiện truyền thông do nhà nước Nga bảo trợ tuyên bố rằng cuộc chiến của họ đã đạt được thành công lớn. Bất chấp một sự cảnh báo quan trọng là thực tế là các đối thủ của Nga ở Syria không phải là các lực lượng chính quy. Do vậy, thiết bị vẫn chưa được thử nghiệm thực địa trong một kịch bản chiến tranh tổng lực.

Ảnh : Lính Nga trong bộ Ratnik. Chính vì cái bộ quần áo này mà nhiều thanh niên Việt u mê thích chơi trò bắn giết, săn lùng những bộ xách tay được từ Nga về, còn báo chí tung hô quân đội Nga thành quân đội hạng nhất thế giới, Mỹ tuổi tôm.

Còn trong cuộc chiến của họ gây ra ở Ukraine, thì chẳng thấy “Ratnik” đâu cả. Tình trạng cụ thể của lính Nga bị bắt ký hợp đồng và lôi cổ ra chiến trường hồi tháng Năm năm 2022, ít ngày sau lễ kỷ niệm Chiến thắng của Putox như sau:

Họ phải mua tất cả bằng tiền túi: Một chiếc áo vest chiến đấu cấp 4 – có thể ngăn chặn đạn súng lục và súng trường cũng như mảnh đạn có giá trung bình 70.000 rúp (1.200 USD). Một chiếc mũ bảo hiểm là 10.000 rúp ($160). Đôi bốt đàng hoàng có giá khoảng 5.000 rúp ($80) và thực sự cần có hai đôi. Một chiếc áo vest chiến thuật có giá từ 5.000 đến 10.000 rúp ($80-160). Và cũng phải mua áo khoác, quần dài, áo phông và áo chui đầu. Con số đó lên tới khoảng 200.000 rúp (3.365 đô la)” – một người lính viết.

Một binh sĩ Nga trong đơn vị quân đội đóng gần dãy núi Ural nói với The Moscow Times rằng hầu như không có thiết bị nào được cung cấp cho những người tới Ukraine: “Chúng tôi phải tự mua mọi thứ bằng tiền của mình. Tôi thậm chí không nói về áo giáp và mũ bảo hiểm hiện đại: không có quần áo ấm, không có khẩu phần ăn khô hay bộ dụng cụ sơ cứu,” anh nói. “Tất cả các thiết bị chúng tôi đang chiến đấu ở Ukraine là tự mua’’.

Đến đây chúng ta cần ngó sang một câu chuyện khác: Bộ phận quan trọng nhất của bộ đồ vía “Ratnik” là khẩu súng trường tấn công AK-12, mà báo chí Việt Nam từ 80 đời đã ca ngợi nó lên mây xanh. Thậm chí việc loại bỏ tính năng của nó vẫn được báo của ta giải thích theo ý nghĩa rất “áo ông trắng giữa mây hồng:”

Thực chất của câu chuyện là gì? Súng AK-12 trước hết ra đời để thỏa mãn thị hiếu của giới chức quân sự chóp bu Nga, trong đó có Putox về một “khẩu súng Nga có những đường nét phương Tây, những chi tiết phương Tây nhưng lại đẹp như truyền thống Nga”. Nôm na là nó rất đẹp, đẹp đến mức làm nhiều quân đội háo hức ngó nghiêng, không loại trừ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đặc điểm thời thượng nhất của khẩu súng là cái ray Picatinny cho phép người lính lắp thêm đủ thứ lăng nhăng vào đó: đèn pin, súng phóng lựu, bộ phận chỉ thị laser… đại khái thế, nhìn chung là tui không thạo. Đặc biệt là nó có những đặc tính, tính chất mà chóp bu quân sự Nga rất thích, bài báo trên của Việt Nam lờ tịt đi: tính năng bắn hai viên cực nhanh, gần như đồng thời cùng lúc để tăng độ chính xác của tác xạ, và khả năng chỉ cần thay nòng súng là thay luôn cả cỡ đạn sử dụng.

Nhưng đáng tiếc rằng những thử nghiệm của AK-12 ở Syria đã đưa về nhiều phản hồi không tích cực, chính xác là khẩu súng quá tệ. Chốt khóa an toàn của nó quá cứng và do đó, người lính rất khó chọn chế độ bắn. Thanh ray để lắp ống ngắm bắn tỉa hoặc kính ngắm laser lên được gắn lên nắp hộp khóa nòng, do đó mỗi lần tháo vệ sinh súng thì chẳng còn tí nào gọi là độ chính xác nữa, mà trong chiến đấu thì chẳng ai đi bắn chỉnh súng suốt ngày cả. Chế độ bắn hai viên dẫn đến một số khó khăn trong sản xuất hàng loạt, làm cho sản phẩm thực tế gặp những vấn đề nghiêm trọng. Cuối cùng là vụ thay nòng: hóa ra khi sản xuất hàng loạt câu chuyện không đơn giản thế và nó cũng dẫn đến một đống rắc rối. Đó là còn chưa kể đến hàng đống vết nứt trên kim loại mà người ta phát hiện ra khi nó được dùng trong thực tế.

Để giải quyết các vấn đề trên, các kỹ sư của Kalashnikov đã chọn phương án loại bỏ các tính năng đó, riêng cái ray Picatinny có xộc xệch nhưng là biểu tượng của thời đại mới thì phải giữ. Bắn hai viên, bỏ. Còn nhu cầu thay nòng, thì họ phát triển một loại súng khác có nòng bắn đạn 7,62 mm gọi là AK-15. Lúc đầu, AK-12 dự kiến phát trước cho các lực lượng đặc nhiệm, dù VDV… nhưng do vẫn dùng đạn 5,45x39 “còn yếu hơn đạn NATO”. Nên các lực lượng đặc nhiệm Nga né luôn AK-12, chuyển sang xài AKM cũ để đảm bảo sức xuyên phá của đạn.

Còn quân đội Nga hiện nay thì vẫn cứ dùng AK-74, thiết kế nổi tiếng “tốt ngay từ đầu.” Câu chuyện của AK-12 là một câu chuyện đúng nghĩa là… cải lùi.

Nhưng nếu không có nó, thì không thành Ratnik. Theo những thông tin công khai, Bộ Quốc phòng Nga đặt hàng 300.000 bộ Ratnik gồm quần áo, mũ, bịt tay bịt chân… theo tiêu chuẩn thì còn có cả thiết bị vệ tinh Glonass, bộ đàm mã hóa gì đó kinh lắm cơ. Về súng, số lượng đặt hàng là 150.000 khẩu AK-12.

Khi quân đội Nga lò mò sang Ukraine ngày 24/02/2022, lúc đầu quần áo trông còn được, về sau thì như lũ khố rách áo ôm. Riêng về súng ống, thì người ta ghi nhận có AK-12 trên chiến trường nhưng rất rất hiếm, đến nỗi mà việc thu được AK-12 với người Ukraine là một chiến lợi phẩm rất quý. 

Chẳng hạn, trong một Tweet ông thiếu tướng Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine, Kyrylo Budanov ngồi với khẩu AK-12 phía sau. Đây là một thông điệp được gửi đến nhân dân thế giới rằng: chiến lợi phẩm thu được tượng trưng cho sự kháng chiến kiên cường của đất nước trước một lực lượng xâm lược mạnh hơn. (Ảnh)

Với cuộc chiến này, có nhiều thứ phá sản trong đó có cả… Ratnik.

4. Tình hình chiến sự trong ngày qua

• Đánh giá của Mỹ về diễn biến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine: Các lực lượng Ukraine đã tiến hành các hành động phản công trên ít nhất ba khu vực của tiền tuyến trong bối cảnh Nga gia tăng các hoạt động tấn công và giành được lợi ích chiến thuật dọc biên giới tỉnh Kharkiv – Luhansk vào ngày 18 tháng 7.

• Cô Ganna Malyar viết:

- Cuộc tấn công của kẻ thù theo hướng Kupyansk hiện không thành công. Các trận chiến vẫn tiếp tục, nhưng thế chủ động đã nghiêng về phía chúng ta.

- Ở sườn phía nam xung quanh Bakhmut hôm nay vẫn giống như những ngày trước, có một cuộc tiến công của quân ta. Hôm nay giao tranh vẫn tiếp diễn ở sườn phía bắc. Kẻ thù đang cố gắng giành lại các vị trí đã mất. Các chiến sĩ của ta phải đối phó với mật độ mìn dày đặc và hỏa lực dữ dội của địch.

• Còn đây là những đánh giá cơ bản của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW):

- ISW tiếp tục giữ nguyên các đánh giá rằng các lực lượng Nga sẽ không có khả năng tạo ra những bước tiến đáng kể về mặt chiến thuật hoặc một bước đột phá quan trọng về mặt hành quân giữa tỉnh Kharkiv phía đông bắc và tỉnh Luhansk một phần do chất lượng kém của các lực lượng Nga được triển khai trong khu vực này.

- Cuộc tấn công cầu Kerch ngày 17 tháng 7 có khả năng gây ra sự phân nhánh ngay lập tức đối với hậu cần quân sự của Nga ở miền nam Ukraine. Đoạn phim và hình ảnh được công bố vào ngày 17 và 18 tháng 7 cho thấy tình trạng tắc đường và tai nạn trên diện rộng được báo cáo trên đường cao tốc E58 Mariupol – Melitopol – Tuyến hậu cần chính hiện tại của Thành phố Kherson nối Nga với miền nam Ukraine – tại các điểm khác nhau giữa Mariupol và Berdyansk, và ở tỉnh Kherson.

- Các lực lượng Nga đã tiến hành một chiến dịch tấn công được tuyên bố là “nhằm vào các mục tiêu quân sự của Ukraine ở miền nam Ukraine để trả đũa cho cuộc tấn công cầu Kerch.” Bộ quốc phòng Nga tuyên bố rằng các cuộc tấn công trả đũa của Nga đã trúng vào các mục tiêu cơ sở hạ tầng cảng ở thành phố Odesa và đã phá hủy các cơ sở lưu trữ nhiên liệu của Ukraine đang chứa tổng cộng 70 nghìn tấn nhiên liệu gần các thành phố Odesa và Mykolaiv.

- Việc sa thải cựu Tư lệnh Tập đoàn quân Vũ trang hợp thành số 58 (58 CAA) của Nga, Thiếu tướng Ivan Popov và những vấn đề mà ông nêu ra tiếp tục có ảnh hưởng đến các hoạt động quân sự của Nga ở miền nam Ukraine.

Bình loạn : Sau hôm đánh cầu Kerch, đã nghĩ đến việc sẽ có đợt tấn công hàng loạt các mục tiêu hậu cần quân sự trên bán đảo Crimea, thì hôm qua đến vụ nổ kho đạn rất to ở trên bán đảo này, bất chấp Bộ Quốc phòng Nga đưa tin bắn hạ ráo tất cả các UAV tấn công của Ukraine.

Theo tui thì các cú tấn công này sẽ còn nhiều nữa, thậm chí hạm đội Biển Đen của Nga sẽ bị vô hiệu hóa chỉ vì các kho hậu cần quân sự của họ ở Sevastopol sẽ bị hỏi thăm bằng hết. Từ hôm nay trở đi là sẽ nổ đì đùng suốt.  

PHÚC LAI 20.07.2023

No comments:

Post a Comment