Saturday, July 22, 2023

Điểm sách: Nhật Bản và Việt Nam là đồng minh tự nhiên (Phần 1)
Nguyễn Đình Cống
22-7-2023
Tiengdan
Ảnh bìa sách.

Sách: “Nhật Bản và Việt Nam là đồng minh tự nhiên”, của tác giả Umeda Kunio, viết xong vào tháng 5 năm 2021, Nguyễn Thị Lan Hương dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Việt, do nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2023.

Tác giả Umeda Kunio (TG) người Nhật, sinh năm 1954, là một nhà ngoại giao có hoạt động rộng ở nhiều nước, làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Việt nam từ năm 2016 đến 2020. Sách viết về những tình cảm, việc làm của Chính phủ và nhân dân  Nhật Bản, cũng như của  tác giả đối với Việt Nam. Đó là những tình cảm và việc làm tốt đep, có hiệu quả phát triển kinh tế trong thời gian vài chục năm vừa qua.

Mục lục sách gồm: Lời nhà xuất bản, Lời giới thiệu, Lời tác giả, Lời nói đầu và nội dung gồm 7 chương. Mỗi chương chia thành các mục, từ 1 đến 21, đánh số liên tục qua các chương.

Khi đọc sách, tôi có vài nhận xét, có tán thành và có phản biện vì chưa nhất trí với một vài ý kiến. Tôi xin trình bày theo từng mục, từ đầu đến cuối. Những mục không có nhận xét gì thì được bỏ qua. Những điều tán thành là hay, đúng, thể hiện tấm lòng ưu ái của TG, của chính phủ và nhân dân Nhật Bản đối với VN và rất nhiều, tôi không kể ra hết vì sẽ làm cho bài viết khá dài. Tôi chỉ dẫn ra vài việc có ý nghĩa và tập trung chủ yếu vào một số điều chưa nhất trí với TG.

Viết bài này tôi có ý định thử lý giải ý sau của Nhà Xuất Bản: “Xuất phát từ sự kính trọng dành cho TG…, Nhà xuất bản đã ấn hành bản dịch… Điều này không có nghĩa là NXB chia sẻ hoàn toàn các quan điểm, nhận xét – thậm chí là phán xét – hay cảm nhận mang tính chủ quan của TG khi tiếp cận một vấn đề nào đó”.

Không chia sẻ hoàn toàn nghĩa là có ý kiến được tán thành, có ý kiến không đồng ý. Tôi không biết ý kiến của NXB như thế nào, chỉ trình bày ý kiến cá nhân, may ra có vài ý trùng nhau.

Trong lời tác giả, Kunio viết: “Tôi tin tưởng rằng VN trở thành một quốc gia hùng cường hơn, thịnh vượng hơn… Trong cuốn sách nhỏ này có lẽ có những câu chuyện không dễ nghe đối với người Việt Nam, nhưng tôi viết với tất cả tấm lòng cầu chúc cho sự phát triển của Việt Nam”.

Tôi cũng mạnh dạn viết ra vài điều có thể “không dễ nghe” đối với TG cũng như đối với một vài người Việt Nam, nhưng tôi viết với tấm lòng kính trọng, biết ơn TG, ông Umeda Kunio và cầu chúc cho sự phát triển của Việt Nam.

TG tin tưởng là dựa vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong vài năm cuối thế kỷ 20, đầu TK 21. Đó là niềm tin không đến nỗi thiếu căn cứ, nhưng quá lãng mạn vì sự phát triển đó không vững chắc, thiếu động lực mạnh, hơn nữa kinh tế tuy có phát triển nhưng môi trường bị tàn phá, giáo dục, đạo đức xuống cấp thì không thể cho là quốc gia hùng cường, thịnh vượng.

Lời Giới thiệu của GS Trần Văn Thọ, người hiệu đính bản dịch. Theo GS Thọ, Nhật Bản có thể rút ra ba bài học từ lịch sử Việt Nam trong quan hệ với Trung quốc. Một là nâng cao cảnh giác, hai là củng cố sức mạnh và hợp tác với các nước khác, ba là khi đối diện với những hành động xâm lược thì phải phản kháng mạnh mẽ. Không biết rồi Nhật có học được hay không, chứ lãnh đạo Việt Nam hiện nay hầu như không tiếp thu được những bài học từ tổ tiên.

Trong lời mở đầu, TG viết: “Sự tin cậy giữa lãnh đạo cấp cao giữa hai nước tăng cao”… chúng ta đã trở thành đồng minh tự nhiên của nhau. Đúng là tin cậy có tăng, nhưng cao đến bao nhiêu, chưa biết. Đúng là đã trở thành đồng minh tự nhiên trong một vài lĩnh vực. Nhưng liệu Nhật – Việt đã trở thành bạn thân được không thì chưa thể nói.

Để trở thành bạn thân, người ta phải cùng quan điểm chính trị, sẽ thân hơn khi cùng niềm tin tôn giáo. Về chính trị thì Việt và Nhật đi theo hai đường khác nhau, bên này đối chọi với bên kia. Trước đây các nước dân chủ rất lo sợ sự xâm nhập của cộng sản nên tìm mọi cách ngăn ngừa và xa lánh. Ngày nay người ta chủ trương chung sống hòa bình, tôn trọng sự lựa chọn chế độ chính trị của người khác. Nhưng tôn trọng còn xa mới đến tán thành, còn xa mới đến việc cho rằng đó là sự lựa chọn khôn ngoan, hợp lý.

Về tôn giáo thì lãnh đạo Việt Nam theo trường phái vô thần và đa số dân theo đạo Phật, nhưng Phật giáo ở Việt Nam đã bị quốc doanh hóa nặng nề. Việt – Nhật thân nhau hơn so với vài nước khác, nhưng chưa thành bạn thân được.

Việt – Nhật chỉ trở thành thân thiết trong việc xử lý mối quan hệ với Trung Cộng. Nhưng quan hệ đó có điểm khác cơ bản. Nhật, tuy hiện nay bị Trung Cộng gây hấn ở biển Đông, tranh chấp đảo Điếu Ngư, nhưng đã có thời kỳ Nhật chiếm đóng Trung Quốc, còn Việt Nam thì, tuy lịch sử có những chiến công chống giặc Tàu, nhưng mấy chục năm qua lại bị lệ thuộc vào họ quá đáng.

Về việc các bạn trẻ Việt Nam sang lao động ở Nhật, theo TG thì đó là việc tốt, giúp giải quyết nạn già hóa dân số của Nhật, nhưng theo quan điểm của tôi thì đó chỉ là giải pháp tình thế, không cơ bản. Khác với người Hàn và người Nhật sang Việt Nam để làm thầy, người Việt sang Nhật chỉ để làm thợ, làm người giúp việc là chủ yếu. Xuất khẩu lao động là một biến thể của buôn bán nô lệ trong xã hội văn minh.

Lãnh đạo Việt Nam tự hào vì họ giữ được ổn định chính trị. TG nêu lại như là một lời ca ngợi, một điều kiện để nhận đầu tư của nhiều nước. Chỗ này có một nhận thức cần thảo luận. Để phát triển thì ổn định xã hội quan trọng hơn và ổn định chính trị là một trong những điều kiện cần cho ổn định xã hội. Mà xã hội Việt Nam đang kém ổn định, hơn nữa sự ổn định chính trị hiện nay của Việt Nam không phải tự thân, mà cần chống đỡ. Đảng CSVN chống đỡ bằng hai lực lượng, bạo lực của công an và tuyên truyền dối trá của tuyên giáo. Nếu hai lực lượng ấy bị suy yếu thì ổn định sẽ mất.

Dựa vào tình hình chống dịch từ cuối năm 2020, đầu năm 2021, TG đưa ra nhận xét: “Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất thế giới trong phòng chống đại dịch Covid-19”. Đó là nhận xét quá vội vàng, quá lạc quan và sẽ thấy là sai khi tiếp tục theo dõi tình hình từ cuối năm 2021 trở về sau. Nhưng có thể thông cảm với nhận xét này vì thời gian TG kết thúc viết sách vào đầu năm 2021.

Mục 1: Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Nhật hoàng và Hoàng hậu

Chuyến thăm từ ngày 28 tháng 2 đến 5 thán 3 năm 2017. Ngoài những nghi lễ thông thường, hai vị đã gặp gỡ các vợ, con của lính Nhật được bỏ lại miền bắc VN từ năm 1954. Năm 1945, quân Nhật rút về nước, nhưng có một số ớ lại, lấy vợ người Việt, tham gia cùng Việt Minh đánh Pháp. Những người này, năm 1954 về Nhật, để lại vợ con. Lúc gặp Nhật hoàng, bà Nguyễn Thị Xuân đã 93 tuổi, ông Ngô Gia khánh 72 tuổi. Những người vợ và con của lính Nhật này sau đó được tổ chức đi thăm Nhật, nhiều người được đến viêng mộ, thắp hương cho chồng, cho cha.

Ngày 4 tháng 3 Nhật hoàng đến thăm khu lưu niệm Phan Bội Châu tại Huế, Nhân việc này TG ôn lại công cuộc “Đông du” của Chí sĩ Phan Bội Châu và tình bạn thắm thiết của ông với bác sĩ Asaba Akitaro. Tình bạn đó là một dấu ấn quan trọng trong lịch sử giao lưu Việt – Nhật.

Mục 3Trung Quốc từ góc nhìn của Việt Nam

TG viết: “Không những chính phủ mà người dân VN cũng có ý thức cảnh giác, đề phòng Trung Quốc”. Viết như thế, tuy đã tách chính phủ và người dân, nhưng lại đặt chính phủ lên trước, người dân theo sau. Trong nhiều chuyện thì đúng như vậy, nhưng trong quan hệ VN-TQ có hơi khác.

Việc tàu TQ đặt dàn khoan HD 981 là tương đối rõ. Tháng 5 năm 2014, TQ đem dàn khoan HD 981 đặt ở biển VN. Chính phủ chỉ cho người của Bộ Ngoại giao ra tuyên bố phản đối, lời văn theo mẫu, nhưng thể hiện yếu ớt, trong khi đó lại mạnh tay đàn áp các cuộc biểu tình của người dân tự tổ chức để phản đối Trung Cộng xâm lấn.

Ở trang 55, TG viết: “Trình độ hiểu biết về TQ của VN vô cùng cao”. Viết như vậy dễ gây nhầm. Việt Nam nào, dân hay lãnh đạo cấp cao. Hiểu biết của dân có nhiều mức độ, mà mức độ cao là của những trí thức tinh hoa, những người này đang bị đảng cầm quyên thù ghét, tìm cách triệt hạ, còn lãnh đạo cao cấp, trong lòng không biết như thế nào, chứ thể hiện ra bên ngoài thì rất đáng lo ngại.

Cuối mục, TG viết được một câu có nghĩa: “… Nhưng nếu chính phủ VN thiếu cương quyết trước những hành vi đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ VN của Trung Quốc thì họ sẽ mất đi sự tin tưởng và ủng hộ của người dân…”. Không phải là “sẽ mất” mà thực tế đã mất.

Mục 4Sự trỗi dậy và hành vi của Trung Quốc

TG trình bày giấc mộng làm bá chủ và sự trỗi dậy của TQ với những “chiến thuật” như: Tằm ăn dâu, luật pháp, dư luận, tâm lý. Đó là những thủ đoạn nham hiểm, thâm độc. Trong các thủ đoạn thì có lẽ việc hối lộ các nhân vật cấp cao trong chính quyền các nước là việc mà Trung Cộng đã phát huy truyền thống và đạt trình độ nghệ thuật bậc cao. Tuy vậy, trong sách chỉ viết loa qua: “bằng cách trao lợi ích kinh tế cho một nhóm người”. Với Việt Nam, Trung Cộng còn có sự thâm hiểm xúi giục chính quyền tìm cách triệt hạ những trí thức tinh hoa. (để chúng dễ bề thao túng) bằng cách vu cho họ la phần tử chống đối, nguy hiểm.

Mục 6: Mối quan hệ giữa Nhật và Việt

Các nhà lãnh đạo VN khẳng định rằng, “Nhật Bản là đối tác đáng tin cậy và quan trọng nhất của VN”. Điều đó đúng vì người Nhật đã thể hiện những đức tính tốt đẹp, trung thực, tôn trọng, hòa hiếu. Thế còn lãnh đạo của Nhật có dám xem lãnh đạo VN là đáng tin cậy không, khi mà, về đối nội thì độc tài, tàn bạo, dối trá tràn lan, nói nhiều điều hay mà làm ngược lại, họp hành và viết nhiều nghị quyết nhưng phần lớn chỉ là những thứ tào lao, rất dị ứng với chế độ tam quyền phân lập, không tôn trọng nhân quyền và công lý, chống tham nhũng có vẻ tích cực, nhưng chệch hướng, không phòng chống được, chỉ mới trừng phạt một số vụ. Đối ngoại theo hình tượng “cây tre”, gió chiều nào ngã theo chiều đó. Có nhiều điều mà Cộng sản Việt Nam tôn sùng thì đã bị thế giới vứt vào đống rác từ lâu.

TG viết: “Tôi càng vững tin rằng vai trò quan trọng của VN sẽ được nâng lên một mức cao hơn nữa”. Nâng lên cao như thế nào đã được viết trong một đoạn trên (lời nói đầu).

Mục 12Hiện trạng của nền kinh tế Việt Nam

TG dưạ vào sự phát triển cơ sở vật chất trong những năm đầu của thế kỷ 21 mà đưa ra nhận định lạc quan, rằng: “Xã hội VN ngập tràn hy vọng, không khí cả nước hào hứng và tươi sáng…VN sẽ làm nên điều kỳ tích. ở khu vực châu Á. Tuy đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với sự cần cù, bền bỉ và khát vọng… dự đoán này hoàn toàn có khả năng xẩy ra”.

Những người quá tin vào chính quyền và sự lãnh đạo của đảng Cộng sản nghe mà sướng cái lỗ tai. Như là được trích từ lời tuyên truyền hoặc nghị quyết của đảng. Viết như vậy có khả năng bị lợi dụng để tuyên truyền (vì đây là nhận xét của một người Nhật).

Cuộc sống xã hội gồm vật chất và tinh thần. Ban đầu, khi đang nghèo đói thì vật chất là quan trọng. Khi vật chất đã tạm đủ thì vai trò của tinh thần tăng lên. Phát triển phải nhằm đem đến hạnh phúc cho con người, mà hạnh phúc có được chủ yếu bằng cuộc sống tinh thần (khi vật chất tạm đủ).

Nhìn thẳng vào đời sống tinh thần của xã hội VN hiện nay, thấy rõ đạo đức và giáo dục xuống cấp, các ý kiến phản biện bị đàn áp, tự do ngôn luận bị cấm đoán, nhân quyền không được tôn trọng, công lý bị tòa án chà đạp v.v… thì làm sao có được sự tươi sáng, hào hứng.

Cuối mục, TG nhắc đến ổn định chính trị, thành công trong chống dịch và lực lượng lao động chất lượng cao là những điều kiện tốt thu hút đầu tư. Ổn định chính trị và thành công trong chống dịch đã nói qua ở đoạn trên, còn lao động chất lượng cao là một ước mơ hơn là thực tế.

(Còn tiếp)

No comments:

Post a Comment