Harvard bị điều tra về vấn đề tuyển sinhReuters
26/07/2023
VOA
Sinh viên tốt nghiệp ngành Y tế công cộng Trường đại học Harvard đón mừng ngày lễ ra trường 25/5/2023, tại Cambridge, Massachusetts.
Văn phòng Dân quyền của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ đang điều tra xem đại học Harvard có phân biệt chủng tộc trong quá trình tuyển sinh bằng cách ưu tiên các ứng viên có quan hệ với các nhà tài trợ và cựu sinh viên hay không, theo một lá thư từ cơ quan này.
Cuộc điều tra diễn ra đáp lại đơn khiếu nại được đệ trình vào ngày 3 tháng 7 bởi ba tổ chức dân quyền, họ lập luận rằng việc Harvard ưu tiên cho các ứng viên “có quan hệ” mang lại lợi ích quá lớn cho sinh viên da trắng, vi phạm luật cấm phân biệt chủng tộc đối với các chương trình nhận tài trợ của liên bang, cũng như đối với hầu hết tất cả các trường cao đẳng và đại học Hoa Kỳ.
Nhiều trường cao đẳng và đại học sử dụng các chính sách tuyển sinh ưu tiên cho các ứng viên có quan hệ với các nhà tài trợ hay với các cựu sinh viên, nhưng các trường đã phải chịu sự giám sát mới kể từ tháng 6, khi Tòa án Tối cao bác bỏ các chính sách xem xét tới yếu tố chủng tộc mà đại học Harvard và đại học North Carolina áp dụng để đảm bảo sự đa dạng cho học đường.
Theo đơn khiếu nại, các ứng viên có quan hệ gia đình với cựu sinh viên hoặc có quan hệ với các nhà tài trợ cho đại học Harvard, gần 70% là người da trắng và có khả năng được nhận cao hơn gấp 6-7 lần so với những ứng viên thông thường.
Những số liệu thống kê đó được tính toán từ dữ liệu tuyển sinh của Harvard được công khai sau vụ kiện mà Tòa án Tối cao đã phán quyết vào tháng 6 năm nay. Bộ Giáo dục dự kiến sẽ thu thập thêm dữ liệu hiện tại trong quá trình điều tra.
Trong một tuyên bố, phát ngôn viên của Harvard không đề cập đến cuộc điều tra dân quyền, nhưng cho biết trường đang xem xét các khía cạnh trong chính sách tuyển sinh của mình để đảm bảo có thể tiếp tục nhận một tập thể sinh viên đa dạng sau phán quyết của Tòa án Tối cao.
“Harvard vẫn quyết tâm... tăng gấp đôi nỗ lực của chúng tôi để khuyến khích sinh viên từ nhiều hoàn cảnh khác nhau đăng ký nhập học,” tuyên bố cho biết.
Bộ Giáo dục không trả lời yêu cầu bình luận.
Đại học Wesleyan và Twin Cities của đại học Minnesota tuyên bố họ sẽ ngừng sử dụng các phương thức tuyển sinh cũ vào tháng 7, sau khi một số tổ chức giáo dục đại học khác đã chấm dứt các chính sách đó trong những năm gần đây.
“Nói một cách đơn giản, Harvard đã đi ngược lại lịch sử,” ông Oren Sellstrom nhấn mạnh. Ông là giám đốc tranh tụng của nhóm Luật sư về Quyền Công dân, tổ chức có trụ sở tại Boston đại diện cho các tổ chức dân quyền đã thúc đẩy cuộc điều tra của Bộ Giáo dục.
“Đà tiến đang tăng lên. Khi ngày càng có nhiều trường cao đẳng và đại học từ bỏ những ưu đãi không công bằng này, thì những người bám lấy chúng sẽ ngày càng bị coi là ngoại lệ.”
Harvard không trả lời đơn khiếu nại hoặc liên hệ với nhóm Luật sư về Quyền Công dân, tổ chức này cho biết.
Ông Sellstrom đã phát biểu tại cuộc họp báo ngày 25/7 liên quan đến cuộc điều tra liên bang, cùng với đại diện của hai trong số các tổ chức dân quyền khu vực Boston có đại diện trong đơn khiếu nại.
Bà Zaida Ismatul Oliva, người đứng đầu Dự án Chica, một tổ chức cung cấp dịch vụ cố vấn giáo dục và nghề nghiệp cho phụ nữ trẻ da màu, nói: “Tỷ lệ phần trăm được tự động chấp nhận vào Harvard này là không công bằng và nó khiến những người trẻ da màu của chúng ta bị loại khỏi phương trình”.
No comments:
Post a Comment