Campuchia: Cuộc chuyển quyền 'trong nhà' từ ông Hun Sen sang Hun Manet sẽ ra sao?
Tác giả,Bùi Thư
BBC News Tiếng Việt
Từ Phnom Penh, Campuchia
21.07.2023
BBC
NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC/BUI THU
Sự xuất hiện của Đại tướng Hun Manet - người được đảng CPP chọn làm ứng cử viên thủ tướng - làm bầu không khí càng thêm vỡ òa
Thủ tướng Hun Sen đã nhiều lần tuyên bố sẽ chuyển giao quyền lực cho con trai cả của mình - Đại tướng Hun Manet. Câu hỏi đặt ra là quá trình này sẽ diễn ra khi nào và được thực hiện ra sao?
Chỉ mới 5-6 giờ sáng, dòng người trong màu áo xanh của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đã lấp đầy mọi nẻo đường ở thủ đô Phnom Penh, đặc biệt tại quảng trường gần khu sòng bài nổi tiếng NagaWorld.
Ngày 21/7 là ngày cuối cùng để các đảng vận động tranh cử. Đảng CPP tuyên bố có tới 30.000 người tham gia tuần hành vận động.
Trong khi đó, các đảng khác như FUNCIPEC chỉ có 2.500 người và đảng Đoàn kết Dân tộc Khmer chỉ có 1.200 người, theo thông cáo của tòa thị chính Phnom Penh.
“Hun Sen! Hun Manet!”
Tới khoảng 8 giờ hơn, trời bắt đầu đổ mưa như xối nước xuống quảng trường nhưng điều đó không ngăn được những người ủng hộ đảng CPP. Dòng người liên tục túa ra mọi ngả.
"Chúng tôi xin nghỉ làm để đi vận động, chúng tôi ủng hộ đảng Nhân dân Campuchia, ủng hộ ông Hun Sen," một thành viên đảng CPP nói với BBC News Tiếng Việt.
Một thanh niên cầm loa đứng trên chiếc xe bán tải được trang hoàng với cờ và hoa của đảng CPP hô vang:
- "Chúng ta sẽ làm gì vào ngày 23/7?"
- "Chúng ta đi bầu cử!"
- "Chúng ta bầu cho ai?"
- "Chúng ta bầu cho CPP! Số 18 chiến thắng! Chiến thắng!" đám đông đáp lời.
18 là số của đảng CPP trên phiếu Bầu cử Quốc gia.
Tên của Thủ tướng Hun Sen được dòng người xướng lên liên hồi.
Sự xuất hiện của Đại tướng Hun Manet - người được đảng CPP chọn làm ứng cử viên thủ tướng - làm bầu không khí càng thêm vỡ òa.
Đến khi ông cất tiếng, đám đông từ già đến trẻ đều im lặng lắng nghe bài diễn văn của vị lãnh đạo tiềm năng trong tương lai. Ông Hun Manet phát biểu về việc giữ vững nền hòa bình của đất nước bị ám ảnh bởi bóng ma nội chiến. Những vấn đề khác mà ông nhắc đến như xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo... đều không có gì mới so với những gì cha của ông từng tuyên bố.
Sau khi Hun Manet kết thúc bài diễn văn, tiếng nhạc cùng với điệp khúc “Hun Sen! Hun Manet!” quyện vào nhau vang vọng, kèm theo hy vọng le lói trong lòng cử tri về một đất nước sẽ sớm chuyển mình.
NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC/BUI THU
Hun Manet là Phó tổng tư lệnh Các lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia và Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Campuchia. Ông được Quốc vương phong hàm đại tướng hôm 17/3.
Tuy nhiên, theo Hiến pháp Campuchia, ông sẽ phải giải ngũ mới được bước vào chính trường. Ông là người Campuchia đầu tiên học ở Học viện quân sự Mỹ West Point. Ông cũng có bằng thạc sĩ kinh tế Đại học New York và bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol.
Nền tảng học vấn từ Mỹ và Anh của ông mang lại niềm hy vọng cho các cử tri trẻ, họ tin rằng sẽ có một "làn gió mới" thổi vào nền chính trị vốn đã bị ông Hun Sen và những người thân cận khuynh loát suốt gần bốn thập niên qua.
"Tôi nghĩ không ai thích hợp hơn ông Hun Manet để trở thành người lãnh đạo mới. Ông ấy có học thức và yêu người dân, có sức quyến rũ của một vị thuyền trưởng. Tôi hy vọng ông ấy sẽ lèo lái Campuchia phát triển hơn nữa trong tương lai," cô Leaksmee, 36 tuổi, nói với BBC và chia sẻ thêm rằng, cô đã đứng đợi để được gặp ông Hun Manet từ 6 giờ 30 sáng.
Leaksmee không phải là thiểu số. Lou Kimhouy, 29 tuổi, dán mặt có biểu trưng của đảng CPP, đội chiếc mũ và bận áo vận động của đảng CPP. Cô nói với BBC một cách đầy tâm huyết về tình cảm dành cho Thủ tướng Hun Sen và niềm tin vào ông Hun Manet:
"Tôi rất biết ơn ngài thủ tướng, ông ấy đem cho tôi vận may. Tôi vừa hạ sinh đứa con đầu lòng và nhiều người đã lo về sự tính mạng của tôi nhưng tôi nằm mơ thấy ngài Hun Sen, nhờ đó ngài đã mang đến cho tôi may mắn. Đất nước nhờ có ông mà kinh tế không ngừng đi lên và phát triển về nhiều mặt. Dù có đảng đối lập hay không thì CPP vẫn sẽ thắng cử vì họ luôn đặt người dân làm ưu tiên," Kimhouy nói.
Lou Kimhouy, 29 tuổi nói ông Hun Sen đã đem lại may mắn cho cô
Kevin, 27 tuổi, cũng có mặt trong đoàn diễu hành nói với BBC rằng các phe nhóm đối lập luôn tạo ra những dư luận xấu làm tổn hại danh tiếng của Campuchia trên trường quốc tế: "Tôi nhận thức được về hạn chế của chính phủ trong vấn đề tham nhũng, nhân quyền và khoảng cách giàu nghèo. Nhưng thay vì cố gắng giành ghế ở quốc hội để thay đổi chính sách, các phe đối lập chỉ tập trung vào chỉ trích và khiến Campuchia bị quốc tế lên án."
Sokmeng, 24 tuổi, nói với BBC rằng cuộc tổng tuyển cử năm nay sẽ là "một sự kiện lịch sử" vì có chuyển động trong lòng Campuchia, nhất là khi nhiều cử tri trẻ lần đầu bỏ phiếu: "Người trẻ sẽ quyết định tương lai sẽ thế nào. Riêng tôi quan tâm hơn vào chính sách của từng đảng có lợi ích cho tương lai của mình hay không, hơn là vào một đảng hay cá nhân nào.
"Tôi nghĩ CPP sẽ thắng đậm nhưng cũng mong những đảng khác sẽ giành được ghế trong quốc hội để có đa dạng tiếng nói khi quyết định về số phận của đất nước. Tôi mong đợi ông Hun Manet sẽ đưa ra những chính sách kịp thời, giải quyết được những nhu cầu của người dân như về chất lượng giáo dục, đảm bảo công ăn việc làm, kinh tế và hệ thống y tế," Sokmeng nói với BBC.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có niềm lạc quan rằng ông Hun Manet sẽ mang đến đổi mới cho đất nước 17 triệu dân này. Các nhà quan sát chia sẻ với BBC News Tiếng Việt rằng ông Hun Manet sẽ phải một mình gánh chịu sức nặng của kỳ vọng và đối mặt với những thách thức còn tồn đọng, kèm theo đó là cái bóng quá lớn của cha mình.
NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC/BUI THU
Nền tảng học vấn từ Mỹ và Anh của ông Hun Manet mang lại niềm hy vọng cho các cử tri trẻ
Nhà lãnh đạo chưa được 'thử lửa'
Thủ tướng cầm quyền lâu năm nhất Đông Nam Á Hun Sen trong mắt người dân Campuchia dường như là một người hùng khi ông giữ được nền hòa bình lâu dài cho đất nước và giúp nền kinh tế phát triển đều đặn.
Tuy nhiên, ông Hun Sen cũng bị chỉ trích về việc đàn áp xã hội dân sự, báo chí, các tiếng nói đối lập. Theo nhiều đánh giá từ các tổ chức độc lập, dưới thời cai trị của ông và đảng CPP, tham nhũng tràn lan và khoảng cách giàu nghèo không ngừng tăng. Vào năm 2019, 1% nhóm đứng đầu Campuchia chiếm 16,3% thu nhập của đất nước. Campuchia đứng 150/180 về chỉ số CPI và là quốc gia đứng thứ hai Đông Nam Á về tham nhũng, chỉ sau Myanmar.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, nhà quan sát Virak Ou, người sáng lập tổ chức nghiên cứu Forum Future, nhận định ông Hun Sen sẽ vẫn nắm giữ quyền lực vào thời gian đầu nhiệm kỳ thủ tướng của ông Hun Manet. Theo ông Virak Ou, hiện công chúng có nhiều kỳ vọng, thậm chí đối nghịch nhau dành cho nhà lãnh đạo mới: Một mặt họ muốn Hun Manet sẽ quyết đoán như cha mình, mặt khác họ trông chờ những đổi mới thực sự.
Dù muốn dù không, theo ông Virak, sự chuyển giao quyền lực là điều không tránh khỏi vì có những người đã nắm quyền quá lâu và đã quá già cỗi - và đó là thực tế của cuộc tổng tuyển cử năm nay.
NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC/BUI THU
Virak Ou, người sáng lập tổ chức nghiên cứu Forum Future
"Sự trỗi dậy của Hun Manet đòi hỏi rất nhiều thỏa hiệp và nhượng bộ vì Campuchia được điều hành bằng hệ thống thân hữu và đỡ đầu. Và điều gì sẽ xảy ra với hệ thống đỡ đầu đã ăn sâu vào hệ nền trị này khi có một thế hệ lãnh đạo mới? Vấn đề là, không thể duy trì mãi cơ chế đỡ đầu này và phải bổ nhiệm thêm người mới - những người này sẽ mong muốn có phần trong miếng bánh chính trị," ông Virak phân tích.
Giới quan sát nhận định rằng nội các mới của Campuchia đa phần sẽ là những gương mặt kế nhiệm cha mẹ mình. Nhưng vấn đề nan giải đặt ra là ở thế hệ mới này, giữa họ sẽ không thể có được động lực, sự trung thành và tình đồng chí đồng đội như đời cha ông.
"Nội các mới không phải của một Hun Manet mà là do ông Hun Sen cùng giới tinh hoa và lãnh đạo cấp cao dàn xếp và Hun Manet buộc phải lèo lái. Ông ấy sẽ phải từng bước xây dựng lòng trung thành trong nội các này," ông Virak nêu nhận định.
Ông Hun Sen là lãnh đạo trị vì lâu nhất trong các quốc gia Đông Nam Á
Chưa kể, với sự cầm quyền gần bốn thập kỷ của Hun Sen, trong mắt người dân Campuchia dường như chỉ có một Hun Sen là thủ tướng và không có ai khác ngoài Hun Sen. Như vậy, bài toán đặt ra cho Hun Manet là ông sẽ phải vượt thoát được cái bóng của cha mình.
"Tôi chưa thấy được niềm đam mê thực sự hay tầm nhìn của ông Hun Manet. Diễn ngôn của ông ấy phần lớn là lặp lại cha mình trong các cuộc vận động chính trị. Có thể đó là màn trình diễn làm hài lòng các vị bô lão, nhưng chúng ta thấy Hun Manet chưa sẵn sàng cất lên tiếng nói của chính mình. Ngay trước khi lên làm thủ tướng, ông ấy sẽ phải nghĩ đến di sản của riêng mình," ông Virak nói.
Một vấn đề nữa được mà nhà sáng lập Future Forum nhấn mạnh là ông Hun Manet chưa được "thử lửa" nhiều, thậm chí ông ấy chưa giành được ghế nào thông qua bầu cử, dù ở cấp phường xã hay bất kỳ cấp độ nào.
"Nhờ cha mình và nhờ vào nền tảng học vấn mà ông Hun Manet được bổ nhiệm vào quân đội, đó không phải là vị trí nhờ cạnh tranh mà có, và rồi ông ấy thăng tiến trong quân đội. Đương nhiên ông ấy có đủ trình độ nhưng vẫn chưa được thử thách nhiều.
"Giống như bạn dạy võ mà chỉ nói lý thuyết chứ không đưa môn sinh lên võ đài, họ sẽ bị hạ đo ván ngay hiệp đầu cho mà xem," ông Virak kết luận.
Hun Manet, sự lựa chọn hiển nhiên
Đài Phoenix của Trung Quốc hôm 21/7 đã đăng tải video phỏng vấn Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Ông đã không ngần ngại nói rằng, khoảng 2-3 tuần sau cuộc tổng tuyển cử toàn quốc 23/7, Hun Manet "có thể sẽ trở thành thủ tướng kế nhiệm".
Trong khi người dân vẫn chưa rõ về kết quả bầu cử sắp tới, lời nói của ông Hun Sen phần nào cho thấy ván cờ chính trị đã được soạn sẵn, nội các mới phần nào đã được định hình.
Điều này trùng khớp với tài liệu chính thức bị rò rỉ mà tờ Asia Times nhắc đến, rằng Campuchia sẽ chứng kiến cuộc chuyển giao quyền lực theo kiểu "cha truyền con nối". Không chỉ Hun Manet thừa hưởng quyền lực của cha mình để có khả năng lên làm thủ tướng, mà con trai của các bộ trưởng như Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng cũng được kế nhiệm cha của họ.
NGUỒN HÌNH ẢNH,BBC/BUI THU
Ông Hun Manet phát biểu về việc giữ vững nền hòa bình của đất nước bị ám ảnh bởi bóng ma nội chiến
Chiến dịch vận động của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cũng tuyên truyền khẩu hiệu "ủng hộ Thủ tướng Hun Sen và ngài Hun Manet là ứng cử viên thủ tướng kế nhiệm".
Ông Virak Ou nói với BBC rằng sẽ không có gì cản được việc Thủ tướng Hun Sen chuyển giao quyền lực cho con trai mình:
"Rõ ràng ông Hun Sen là người thống trị Campuchia, ông ấy sẽ có được điều ông ấy muốn. Ông Hun Sen đã nói nhiều lần là Hun Manet sẽ kế vị ông lên làm thủ tướng và dường như không ai phản đối việc này, nó trở thành một điều hiển nhiên."
Trước đó, ông Sok Eysan - phát ngôn viên của CPP – cũng xác nhận với BBC News Tiếng Việt rằng ông Hun Manet đã được đảng chọn làm ứng cử viên hàng đầu cho vị trí thủ tướng, thuận theo ý của tập thể trong nội bộ đảng - một dấu hiệu cho thấy con đường đã được dọn sẵn chờ đón Đại tướng Hun Manet.
Tin liên quan
Tổng tuyển cử Campuchia: Sợ hãi và hân hoan trông chờ 'luồng gió mới'21 tháng 7 năm 2023
Campuchia: Đảng đối lập bị cấm tranh cử16 tháng 5 năm 2023
Hun Sen đưa quân tới biên giới Việt Nam, treo thưởng bắn hạ drone30 tháng 6 năm 2023
Campuchia: Kiến nghị điều tra Facebook của Hun Sen9 tháng 2 năm 2018
Campuchia: 'Mọi tòa soạn tôi làm việc đều bị bịt miệng'16 tháng 2 năm 2023
No comments:
Post a Comment