Ca ngợi chuyến bay giải cứu: Cảnh báo chuyến đi bộ, xe máy về quê tự giải cứu
Mai Bá Kiếm
25-7-2023
Tiengdan
Theo trung tướng Tô Ân Xô, trong gần 2.000 chuyến bay giải cứu người VN ở nước ngoài về, sau khi trừ chi phí có những chuyến có thể thu lợi 2 tỷ đồng…
Như vậy, các doanh nghiệp tổ chức các chuyến giải cứu lãi gần 4.000 tỷ đồng. Tổng tiền thực hối lộ (để được phép bay) chắc lớn hơn nhiều số tiền hối lộ bị cáo buộc: 165 tỷ đồng.
Đó là động lực mạnh để các quan chức vênh váo rằng họ đã cứu nhân độ thế, và là lý do để các báo ngạo nghễ tô hồng các “chuyến bay hút máu” thành “chuyến bay mang nặng nghĩa tình, xông vào tâm dịch cứu đồng bào”.
Nhớ lại, Công điện 1063/CĐ-TTg của Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh, thành không để người dân ra khỏi địa phương mình kể từ ngày 1/8/2021 đến khi hết giãn cách.
Thật vô vọng cho 2,2 triệu người lao động tha phương, đã mất việc làm, nợ tiền nhà, thiếu thực phẩm, chui rúc trong nhà trọ ngột ngạt, dễ lây nhiễm. Đầu tiên, 500 người đi bộ từ Bình Phước về Tây Nguyên. Cuối tháng 9 và đầu tháng 10, các chốt, pháo đài vỡ trận phong tỏa!
Do mỗi quận huyện là một pháo đài chống dịch, mỗi khu phố là một lô cốt, mỗi tỉnh là một lãnh địa đồng cản trở đường về quê của dân. Thí dụ, Thừa Thiên – Huế cấm người Huế về quê và người lạ quá cảnh. Hoặc, Cần Thơ buộc xe ngoài tỉnh phải đổi tài, đổi xe (của Cần Thơ cấp lưu hành) thì hàng hóa trên xe mới “quá cảnh” được. Vì vậy, các công ty không thể xin phép 63 tỉnh, thành cùng ban, ngành để cấp phép từng chặn cho chuyến xe giải cứu được!
Cả nhà cùng gia tài của người về quê đều chất lên một xe máy của họ làm chuyến xe tự giải cứu, vậy mà còn bị các tờ báo lên án họ gây nguy cơ mang dịch về quê!
Các báo đồng thanh ca ngợi các chuyến bay giải cứu nhưng đồng lòng cảnh báo các chuyến xe máy tự giải cứu mình?
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/12/2021, cả nước có khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.
No comments:
Post a Comment