Đại án ‘chuyến bay giải cứu’: Các bị cáo nhận hối lộ nộp lại bao nhiêu tiền?
VOA Tiếng Việt
19/07/2023
VOA
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử 54 người trong vụ án đưa nhận hối lộ khi tổ chức các chuyến bay "giải cứu" cho người Việt về nước trong đại dịch COVID-19 hôm 17/7 ở Hà Nội.
Cơ quan tố tụng của Việt Nam cáo buộc 21 cựu quan chức trong vụ án ‘chuyến bay giải cứu’ đưa người Việt về nước giữa đại dịch COVID-19 nhận hối lộ hàng trăm lần với tổng số tiền 165 tỷ đồng và chỉ khoảng một nửa trong số đó đã được các bị cáo nộp lại, theo truyền thông trong nước.
Các quan chức này nằm trong số 54 người đang bị đưa ra xét xử tại tại phiên tòa kéo dài 1 tháng ở Hà Nội từ ngày 11/7 với các cáo buộc đưa nhận hối lộ, chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ trong số các tội danh khác trong vụ án được gọi là “chuyến bay giải cứu” liên quan đến 5 bộ, ngành trong chính phủ Việt Nam.
Theo thống kê của Viện Kiểm sát đến ngày 18/7 được VTC News trích dẫn, 54 bị cáo trong đại án đã trả lại số tiền được gọi là “khắc phục hậu quả” gần 130 tỷ đồng và 1,5 triệu đôla.
Riêng nhóm bị cáo nhận hối lộ, trong đó có cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên và cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, nộp lại gần 90 tỷ đồng.
Ông Kiên bị cáo buộc nhận hơn 42 tỷ đồng, số tiền nhận hối lộ lớn nhất trong đại án, và đối diện mức án bị đề xuất cao nhất là tử hình. Theo VTC News, ông Kiên đã nộp lại 35 tỷ đồng và vợ ông “đang đi nộp thêm số tiền khắc phục 8 tỷ đồng” còn lại.
Còn ông Dũng, quan chức cấp cao nhất trong vụ án này, bị cáo buộc nhận hơn 21 tỷ đồng và đã trả lại 16 tỷ đồng, theo VnExpress. Cựu thứ trưởng Ngoại giao bị đề xuất mức án 13 năm tù.
Trên 350 năm tù được đề nghị chia lần lượt cho 53 bị cáo bên cạnh án tử hình được đề nghị cho ông Kiên.
Ghi nhận lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, VnExpress cho biết họ nói rằng họ “nghĩ nhận tiền như món quà cảm ơn và phủ nhận đã vòi vĩnh, ép buộc” nhưng “thấy ân hận, lo sợ” nên “đã tích cực khắc phục hậu quả vụ án.”
Cựu cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Lan Hương, người bị cáo buộc nhận hơn 25 tỷ đồng tiền hối lộ và đối diện mức án 19 năm tù, mới trả lại 900 triệu đồng. Theo Tuổi Trẻ, Viện Kiểm sát đề nghị tiếp tục truy thu 24,1 tỷ đồng nhận hối lộ của bà Lan cùng kê biên 2 căn hộ chung cư cao cấp và một chiếc xe Lexus đứng tên bà.
Vẫn theo VTC News, Viện Kiểm sát phong tỏa gần 20 tỷ đồng và 366.000 đôla trong các sổ tiết kiệm và tài khoản ngân hàng của ông Đỗ Hoàng Tùng, cựu cục phó Cục Lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao. Ông Tùng bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 12 tỷ đồng và đối mặt mức án 10 năm tù.
Ngoài 21 người bị cáo buộc nhận hối lộ, có 25 người bị quy vào tội lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng. Có 23 người là đại diện doanh nghiệp bị cáo buộc đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng và 4 người môi giới hối lộ gần 75 tỷ đồng cũng như lừa đảo chiếm đoạt gần 25 tỷ đồng.
Theo VKS, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra giữa lúc Covid-19 căng thẳng. Các bị can đã lợi dụng dịch bệnh, bất chấp các quy định để trục lợi, khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút. Viện Kiểm sát cho rằng các hành vi này đã tạo điều kiện cho "thế lực thù địch xuyên tạc, kích động gây hoang mang trong nhân dân".
Vụ tham nhũng khi tổ chức các chuyến bay “giải cứu” công dân cùng với vụ nâng khống giá kit xét nghiệm COVID là hai đại án xảy ra trong đại dịch khiến nhiều người dân trong nước và ở nước ngoài phẫn nộ. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam được cho là bị buộc phải từ chức vì những trách nhiệm liên quan tới các đại án này.
Việt Nam nằm trong số các nước có tham nhũng tràn lan. Transparency International xếp Việt Nam ở thứ hạng 77/180 về Chỉ số Tham nhũng năm 2022.