VNTB – Lần đầu ra mắt “Sách trắng về tôn giáo ở Việt Nam”Ngọc Lan
10.03.2023 12:30
VNThoibao
Dân gian có câu: Nói trắng ra. Theo nghĩa đó thì “sách trắng”, tức là một văn bản nói thẳng về một sự việc, vấn đề nào đó.
Sách trắng hay bạch thư (từ văn chương hơn) là một bản báo cáo, hoặc bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, với mục đích giúp người đọc hiểu về một vấn đề, giải quyết một vấn đề hoặc ra một quyết định.
Cách diễn giải khác, đó là sách công khai minh bạch những đường lối, chủ trương hay chính sách mang tính định hướng của một chủ thể nào đó đối với một hay nhiều vấn đề cụ thể của chủ thể đó. Thậm chí nó hàm ý cực đoan hơn: sách trắng là sách không thể viết thêm khi được công bố những đường lối đã vạch ra, thường là không thay đổi chiến lược đã chọn.
Ngày 9-3-2023, Bộ Thông tin và Truyền Thông, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra mắt Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, dày 132 trang gồm 03 chương: Giới thiệu thông tin cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam; quan điểm của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; những quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trong văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; thành tựu, thách thức và ưu tiên của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Phần phụ lục giới thiệu một số hình ảnh về tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam; số liệu về tôn giáo; danh mục tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; Điều 24, Hiến pháp 2013.
Sách trắng khẳng định các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo: “Không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm”. Người dân cũng hoàn toàn tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số, vốn chiếm khoảng 14% dân số.
Nhận xét về buổi ra mắt kể trên, một luật sư nói rằng cần lưu ý về tuyên bố của Sách trắng tôn giáo: “Không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm”.
“Theo đúng pháp luật có phải là tuân thủ theo các quy định của thủ tục hành chính liên quan đến hành đạo, đến niềm tin của các tín đồ? Tôi cho rằng nếu cá nhân hay một tổ chức nào chưa đáp ứng các yêu cầu của thủ tục hành chính đề rồi bị ngăn cấm, thì đó là hành vi đe dọa hình sự hóa một quan hệ dân sự.
Đơn cử, Phật giáo hiện nay được yêu cầu các tự viện phải trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là một vô lý, vì tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ mới ra đời vào thượng tuần tháng 11-1981. Trong khi đó thì chùa chiền có từ trước đó rất lâu và những nhà tu hành này phải được quyền tự do lựa chọn trong việc có hay không là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Tương tự, tôn giáo Cao Đài, Hòa Hảo, tính từ sau tháng tư 1975, có một số đông tín đồ không chấp nhận tổ chức tôn giáo của họ phải chịu sự áp đặt của định hướng chính trị qua việc phải tham gia vào hội đoàn do nhà nước quản lý. Họ muốn được hoạt động độc lập với giáo lý và niềm tin tôn giáo của mình trong các nghi thức hành lễ, tu hành.
Thế nhưng nhà nước thay vì tôn trọng quyền dân sự về tôn giáo và chính trị, đàng này lại sắp họ vào danh sách bị ngăn cấm. Điều này tương tự như bên báo chí từng có bản danh sách được lập bởi Ban Tuyên giáo trung ương, về hơn 100 người không được in bất cứ thứ gì của họ trên báo chí…” – vị luật sư có nhận xét nhanh như vậy nhân sự kiện lần đầu tiên Việt Nam công bố sách trắng về tôn giáo.
No comments:
Post a Comment