Nghe Nguyễn Chí Vịnh nói chuyện về “chính nghĩa”Trịnh Hải
29-2-2023
Tiengdan
Tình cờ được nghe tướng Nguyễn Chí Vịnh bàn về cuộc chiến ở Ukraine và ông ta đã nhắc đi nhắc lại cụm từ “chính nghĩa” (*) khiến tôi phải suy nghĩ và tự đặt câu hỏi, “chính nghĩa” thực sự có sức mạnh nào để đem đến chiến thắng cho một quốc gia, hay ông ta đang muốn nói Ukraine tất phải thắng vì họ có “chính nghĩa” trong việc bảo về bờ cõi trước quân Nga xâm lược?
Sức mạnh của “Chính nghĩa” như thế nào?
Có lẽ người miền bắc được nghe nói nhiều về cái gọi là “chính nghĩa” từ những năm chiến đấu chống Pháp, chống Mỹ. Thế nhưng người miền nam chỉ được nghe nói về “chính nghĩa” trong khoảng đầu thập niên 70, khi mà truyện kiếm hiệp Kim Dung được phát hành rộng rãi. Chắc hẳn đó đã là nguồn duy nhất để người dân miền nam biết đến khái niệm “chính nghĩa thắng gian tà” là như thế nào.
Với tôi, “chính nghĩa”, ngoài chuyện kiếm hiệp Kim Dung ra, chỉ là một ngôn từ được dùng trong tuyên truyền của phe cộng sản để mua chuộc lòng dân. Thực tế trong chiến tranh, “chính nghĩa” chẳng có bất cứ một giá trị gì hay sức mạnh nào để quyết định vai trò phe nào thắng hay bại cả.
Như vậy cái gì quyết định sự thành công trong chiến tranh?
Với tôi, ba yếu tố quan trọng bậc nhất trong chiến tranh để chiến thắng kẻ địch, đó là mưu lược, nhân sự và vũ khí.
Cả ba yếu tố trên đều quan trọng và có trọng lượng như nhau. Nếu một trong ba yếu tố đó có phần yếu kém đôi chút thì hai yếu tố còn lại phải phù đắp rất nhiều thì mới có thể thành công được.
Yếu tố nào khiến Mỹ thua ở Việt Nam?
Có thể thấy, Mỹ có dư thừa nhân lực và vũ khí khi giao chiến với cộng sản Bắc Việt; và chúng ta cũng phải hiểu Mỹ đã thua thê thảm ở phần mưu lược.
Robert McNamara được đánh giá là một CEO tài ba vì ông ta đã có công trong việc vực hãng xe Ford trỗi dậy từ cõi chết. Thế nhưng việc Tổng thống Kennedy chọn ông ta làm bộ trưởng quốc phòng Mỹ là một sai lầm nghiêm trọng. Trong binh pháp Tôn Tử có viết: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, thế nhưng McNamara lại hoàn toàn mù tịt về Việt Nam. Đây là nguyên nhân của tất cả các chính sách, tức mưu lược sai lầm về quân sự của Mỹ, mà cuối cùng dẫn đến sự thất bại của họ ở Việt Nam.
Tôi chỉ có thể tóm tắt đôi điều ở đây vì nếu đi vào chi tiết chắc phải mất độ vài ngàn trang để nói về những sai lầm của người Mỹ ở chiến trường Việt Nam.
Cuộc chiến tranh xâm lược Campuchia của Việt Nam năm 1978 thì sao?
Phải công nhận tướng Văn Tiến Dũng là một thiên tài quân sự. So với tổ tiên, có lẽ mưu lược của ông ta có thể được sánh ngang hàng với đức Trần Hưng Đạo trong trận Bạch Đằng Giang năm nào.
Văn Tiến Dũng được cho là tác giả của chiến thuật “Hoa Sen Nở”, đã giúp Việt Nam thôn tính gần như trọn vẹn Campuchia chỉ trong vòng hơn một tuần lễ. Chiến thuật “Hoa Sen Nở” là chiến thuật tiến công bất ngờ với một (hoặc nhiều) mũi dùi, giống như cuống hoa sen, nhắm thẳng vào trung tâm đầu não của kẻ thù, rồi sau đó xòe ra như những cánh hoa sen để tiêu diệt các bộ phận còn lại ở chung quanh.
Quân đội Mỹ đã áp dụng chiến thuật Hoa Sen Nở ở chiến trường Iraq, và gần đây nhất, Nga cũng đã áp dụng chiến thuật này ở Ukraine. Tuy nhiên Nga thất bại vì chiến thuật này chỉ thành công dựa trên yếu tố bất ngờ.
Trở lại vấn đề, Campuchia hoàn toàn có chính nghĩa trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước của họ chống quân lại cộng sản Việt Nam xâm lược vào năm 1978. Tuy nhiên họ thiếu cả ba yếu tố mưu lược, nhân sự và vũ khí nên đã trở thành nạn nhân của phe cộng sản Việt Nam.
Việt Nam có chính nghĩa trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 với Tàu cộng?
Dĩ nhiên cũng giống như Campuchia năm 1978, Việt Nam có chính nghĩa trong việc bảo vệ đất nước trước quân xâm lược Tàu cộng. Tuy quân số đông đảo, nhưng mưu lược Tàu cộng quá thấp, cộng thêm vũ khí lạc hậu, nên chúng đã phải trả giá khá đắt cho hành vi gây hấn đó.
Theo một tài liệu quân sự của Ấn Độ bàn về chiến tranh biên giới Việt Nam thì phía Tàu cộng phải mất hết ba tháng để điều 300 ngàn quân đến biến giới Việt Nam. (Bên cạnh đó, Tàu cộng còn có thêm khoảng 300 ngàn lao công chiến trường, có nhiệm vụ tiếp vận lương thực, vũ khí, tải thương…) Tình báo Nga biết rất rõ mọi hoạt động của Tàu cộng và đã thông báo lại cho cộng sản Việt Nam, nhưng phía Việt Nam không thể làm gì khác hơn khi quân đội còn bị vướng chân bên Campuchia.
Khi Tàu cộng tràn qua Việt Nam thì cả thế giới ôm bụng cười vì ở cuối thế kỷ thứ 20 mà Tàu cộng còn đánh nhau kiểu thời thượng cổ. Phía Nga cũng thấy chẳng có lý do gì để phải can thiệp trực tiếp khi thấy 100 ngàn dân quân Việt Nam đã dễ dàng chống trả lại đạo quân Tàu cộng xâm lược.
Liệu Ukraine có thể chiến thắng quân Nga xâm lược hay không?
Tuy Putin biết rất rõ về Ukraine nhưng mưu lược của ông ta đã sai vì không tính đến sự quyết tâm của nhân dân Ukraine và trợ giúp quân sự của Mỹ và NATO. Nước Nga đang cố giữ dáng vẻ bình chân như vại, nhưng trong ruột đã có rất nhiều rúng động vì biết chắc họ sẽ thất bại ở Ukraine. Điều đáng tiếc là sự thất bại này sẽ kéo nước Nga xuống bùn và họ sẽ không bao giờ có thể ngóc đầu lên được nữa.
Kết luận
Một người ngay thẳng, thật thà, có chính nghĩa chẳng bao giờ phải nói cho mọi người biết rằng mình là người ngay thẳng, thật thà, có chính nghĩa cả. Khi nghe một người vỗ ngực tự xưng về những điều thánh thiện, tuyệt vời về họ, nếu người ấy đang phỏng vấn xin việc làm thì không nói làm gì, nhưng nếu trong điều kiện bình thường thì chúng ta cần phải đề phòng vì họ đang nói với bạn những điều ngược lại với bản chất thật của họ.
_______
(*) Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Nếu không có chính nghĩa thì tiến hành chiến tranh sẽ thất bại: https://www.youtube.com/watch?v=jra1Mavaui0
No comments:
Post a Comment