Dân chủ để chấm dứt chiến tranhDương Quốc Chính
1-3-2023
Tiengdan
Chúng ta có thể thấy, ở ngoài xã hội, thành phần hung hăng, dễ đánh chửi nhau, thậm chí giết nhau, hầu hết là thành phần cần lao ít học. Những người được học hành tử tế, có hiểu biết pháp luật, không quá nghèo, sẽ không dễ dàng xung đột. Họ luôn có xu hướng ôn hòa hơn. Ở phạm vi quốc tế cũng vậy.
Kể từ sau khi Thế chiến 2 kết thúc, đã hình thành một trật tự thế giới mới với LHQ và các tổ chức quốc tế, luật pháp quốc tế. Kể từ đó, các cuộc chiến tranh hầu hết đều có ít nhất một bên là theo thể chế độc tài hay toàn trị. Ngoài ra, gần đây xuất hiện thêm yếu tố tôn giáo, mà chỉ có Hồi giáo cực đoan. Có duy nhất cuộc xung đột Israel và thế giới Arab không có yếu tố thể chế, nhưng cũng có màu sắc tôn giáo và tranh chấp lãnh thổ lịch sử.
Một đặc điểm chung ở tất cả các cuộc chiến là có ít nhất một bên có yếu tố cực đoan (độc tài, toàn trị hay tôn giáo). Chứ không có hai nước thực sự dân chủ, tự do lại đánh nhau. Việc chung ý thức hệ không quyết định xung đột mà là yếu tố văn minh và thịnh vượng khiến các quốc gia ôn hòa hơn, dù quá khứ nước đó có thể rất hung hăng, xâm lược, thậm chí diệt chủng.
Các xung đột giữa các nước CS cho thấy sự ràng buộc ý thức hệ không hề quyết định cho hòa bình, dù họ vẫn từng rêu rao là các nước anh em.
Chính vì thế, để giải quyết triệt để tận gốc các hiểm họa xung đột chính là dân chủ hóa và sự thịnh vượng. Nếu Nga không phải là một nước độc tài do Putin nắm quyền thì cuộc chiến Ukraine cũng sẽ không xảy ra. Đó là lý do mình dự đoán cuộc chiến này chỉ có thể chấm dứt tận gốc khi Putin chết và Nga được dân chủ hóa.
Như vậy, một cách tổng quát, con người chỉ bớt hung hăng, tàn bạo, khi người ta văn minh hơn và tôn trọng sự khác biệt (là nền tảng của thể chế dân chủ). Các nguyên nhân xung đột phổ biến như tranh chấp lãnh thổ, xung đột sắc tộc, tôn giáo, địa chính trị… sẽ đều có thể giải quyết được nếu có dân chủ và thịnh vượng. Người/quốc gia giàu có nói chung cũng tiếc sinh mạng hơn, nên cũng ít khi muốn đánh nhau hơn những kẻ “cố cùng liều thân”.
Có hai ví dụ gần gũi với Việt Nam là Mông Cổ và Thái Lan. Hai nước này trong quá khứ đã có những xung đột rất ác liệt với Đại Việt. Nhưng sau khi dân chủ hóa, cả đất nước và dân tộc này đều trở nên rất ôn hòa, nhã nhặn. Mông Cổ từng có một quá khứ hung bạo ở tầm thế giới. Còn Xiêm cũng từng là một quốc gia xưng hùng xưng bá ở Đông Nam Á. Bây giờ thậm chí người Việt còn coi thường dân Thái là nhu nhược, hiền quá! Trong khi đó, tính hung hăng của dân Việt Nam và Trung Quốc dường như vẫn không thay đổi, là do thể chế mà thôi. Người Nhật và Đức bây giờ lại rất ôn hòa, dù có quá khứ “hào hùng” và bạo lực.
Khi còn các chế độ độc tài thì chiến tranh sẽ không bao giờ thực sự chấm dứt, sự ổn định xã hội ở các nước độc tài chỉ là sự ổn định cưỡng bức chứ không phải bản chất thông qua thương thuyết, nguy cơ xung đột luôn tiềm ẩn, chính điều đó lại là lý do để nhà cầm quyền cố tình duy trì sự lãnh đạo độc tài. Đó là vòng luẩn quẩn khiến các nước độc tài không thể dân chủ hóa và người dân chấp nhận điều đó.
Nói ngắn gọn và dễ hiểu thì bọn thích đánh nhau là bọn ngu và/hoặc có tư tưởng độc tài. Bọn n gu sẽ là công cụ để bọn độc tài duy trì quyền lực thông qua bạo lực.
No comments:
Post a Comment