Tuesday, March 28, 2023

Củ Chi mới trong thành phố
Bình luận của Liêu Bá Tước
2023.03.28
RFA

Một người dân trong căn nhà rộng 2 mét vuông ở TPHCM hôm 2/5/2018 (minh họa)
AFP

Huyện Củ Chi thuộc TP HCM, thời chiến tranh được những người cộng sản mệnh danh là đất thép. Vì người dân nơi này cương quyết bám trụ mảnh đất ông bà tổ tiên, mặc bom đạn vẫn một tấc không đi, một ly không rời.

Sau gần 50 năm thống nhất đất nước, ai ngờ đâu ngay giữa lòng TP HCM lại mọc lên những Củ Chi mới. Trên cao, dưới thấp, trung tâm, ngoại thành, chung cư hay nhà riêng, vườn rau hay bãi chợ, bất cứ nơi nào địa thế đẹp, dân cư đông đúc sôi động, giao thông thuận lợi phù hợp kinh doanh buôn bán thì gần như đều có những Củ Chi mới nối nhau mọc lên.

Dọc đường Trần Hưng Đạo có nhiều chung cư cũ được xây từ trước 1975. Trước kia chúng là những ngôi nhà to rộng, cao ráo, thoáng đãng, nằm ngay trong trung tâm thành phố nhộn nhịp nên giá bán không rẻ. Thành phố càng phát triển, trung tâm ngày càng đông đúc sầm uất, việc buôn bán kinh doanh hay sinh sống của những người dân ở đó cũng theo đó thuận lợi hơn. Giá đất thì khỏi nói, nó tăng phi mã. Đó chính là tài sản, vốn liếng lớn của những người chủ sở hữu nhà, đất ở đó.

Tuy nhiên, do chuyển từ sở hữu tư nhân thành sở hữu nhà nước nên những chung cư này nhanh chóng xuống cấp.

Nhà tư thành nhà chung-cha chung không ai khóc

Trước 1975, chúng là tài sản của những người chủ cụ thể. Họ xây dựng và kinh doanh những chung cư này, có Ban điều hành chuyên nghiệp để bảo quản và khai thác kinh doanh tòa nhà theo cách tốt nhất. Ở quận 5, rất nhiều tòa nhà xây dựng theo kiểu shop house, tầng trệt là cửa tiệm kinh doanh buôn bán, các tầng trên là nơi ở của chủ nhân. Chất lượng xây dựng của các tòa nhà này đều rất tốt. Sau 1975, khi chuyển về thuộc sở hữu Nhà nước thì chúng đều lâm cảnh cha chung không ai khóc. Ban điều hành chuyên nghiệp bị giải thể, các chủ nhân mạnh ai nấy sống hoặc đi nơi khác sống và cho thuê lại. Lối sống tùy tiện, cẩu thả của một số người được dịp lộng hành. Cùng với tình trạng khốn khổ thiếu điện, thiếu nước, thiếu ăn của hàng chục năm bao cấp, người ta tha hồ đục đẽo nối ống nước lên lầu, xây thêm bể chứa nước trong nhà, làm gác xép, thậm chí dùng luôn phòng tắm để nuôi heo, nuôi chó kiểng cải thiện đời sống… khiến những ngôi nhà biến dạng trầm trọng. Tất cả thang máy đều hư hỏng hoặc trở thành hố rác, những cánh cửa kim loại bị người ta tiểu tiện vào đến han rỉ mục nát dưới chân. Các đường ống dẫn rác chạy suốt nhiều tầng lầu biến thành hố rác công cộng, không thể sử dụng được nữa. Hồ bơi và hồ chứa nước trên sân thượng cạn kiệt. Hệ thống đèn cầu thang và hành lang lờ nhờ tối tăm. Bãi giữ xe chật cứng luôn tiềm tàng nguy cơ cháy nổ… Từ những tòa nhà vốn đẹp đẽ, chúng nhanh chóng biến thành những khu ổ chuột nhiều tầng, nhếch nhác và tàn tạ.

Sau nhiều năm, Nhà nước bèn yêu cầu dân sống trong chung cư dời đi chỗ khác, lý do là nơi ở của họ đã tiềm tàng nguy hiểm. Ngôi nhà cũ sẽ bị đập ra, sau đó miếng đất đó dùng làm gì thì chỉ Nhà nước biết.

000_97E3WM.jpg
Một khu tập thể xuống cấp ở Hà Nội năm 2021. AFP

“Củ Chi”

Nhưng, “một tấc không đi một ly không rời”, dân bây giờ khôn rồi, chẳng ai đi cả. Mặc dù ngôi nhà hiện tại tồi tàn thật đấy, nhưng nó chắc chắn là của họ, chưa ai lấy mất được của họ chốn cư trú này. Giờ nghe lời Nhà nước đi qua nơi tạm cư, diện tích rộng hơn thật, Nhà nước thưởng 50 triệu cho gia đình nào rời đi sớm và cho ở miễn phí hai năm tại nơi tạm cư. Nhưng hai năm qua nhanh lắm, hết hai năm mà vẫn chưa thỏa thuận được giá bồi thường cho căn chung cư/ngôi nhà cũ thì sao? Tiền đâu thuê nhà? Ở nhà cũ tuy xập xệ nhưng chỉ cần nấu xe hủ tíu cho ngon đứng bán lề đường thì đủ nuôi cả nhà. Qua chỗ mới mặt bằng không có, mối mang bạn hàng đều không có, mưu sinh bằng cách nào? Rồi chừng nào người ta mới bồi thường đủ cho mình? Tiền bồi thường không đủ mua nhà mới có vị trí tốt, thuận lợi buôn bán, học hành… bằng nhà cũ thì sao?

Nói nào ngay, không người nào không muốn được sống an toàn trong một ngôi nhà bền vững. Nhưng những bài học từ Thủ Thiêm, từ vườn rau Lộc Hưng đau đớn quá khiến người dân không còn dám tin vào chính quyền: Người dân đang an cư lạc nghiệp bỗng bị đuổi ra khỏi nhà, xe ủi xúc giật hết mọi thứ xuống thành đống đổ nát. Nhưng đuổi người dân đi rồi thế nào? Sau bốn năm (với vườn rau Lộc Hưng), sau hơn 20 năm (với Thủ Thiêm), mảnh đất đang sầm uất nhộn nhịp, tiền bạc đẻ ra dồi dào mỗi ngày vẫn bị bỏ hoang bất động, cỏ hoang vươn lên khắp nơi làm chủ nhân thay con người. Những người chủ cũ phiêu bạt tứ tán ở thuê ở mướn khắp nơi, thậm chí nhiều người đã qua đời nhưng giấc mơ về ngôi nhà thuộc sở hữu của mình vẫn xa tít tắp.

Năm 2016, Thành ủy TP HCM đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phải giải quyết 50% số chung cư cũ hư hỏng (237 chung cư) trong tổng số 474 chung cư cũ xây trước năm 1975 (gồm 565 lô). Trong đó, 14 chung cư cấp D cần tháo dỡ khẩn cấp. Tuy nhiên, sau gần 10 năm, thành phố chỉ mới giải tỏa được 32 chung cư cũ hư hỏng. 

Về sự bất lực của chính quyền khi muốn di dời dân ra khỏi những chung cư kém an toàn, một Phó chủ tịch UBND quận 5 nói “pháp luật quy định với nhà ở hết niên hạn sử dụng hoặc có nguy cơ sập thì chính quyền phải di dời để đảm bảo tính mạng cho người dân. Thế nhưng luật lại không quy định cụ thể về việc lập phương án bồi thường dạng nhà chung cư. Quận giống như "đi giữa hai làn đạn", một bên người dân yêu cầu phải cho biết số tiền cụ thể mới chịu di dời, một bên lại không quyết định được mức bồi thường nhưng trách nhiệm phải đưa người dân ra khỏi nơi nguy hiểm (UBND TP mới có quyền quyết định-người viết).

Vậy là có những chung cư tuy đã được chính quyền cảnh báo là “có thể sập bất cứ lúc nào” nhưng người dân trong đó vẫn bám trụ sống tiếp từ cả mớ năm nay.

Tuy thế, chung cư ở TP HCM dù có cũ nát xuống cấp cách mấy cũng không thể sánh với mức độ tồi tệ của những ngôi nhà ở khu phố cổ Hà Nội.

Phố cổ hay … những cái lỗ được gọi là nhà?

À mà không thể gọi là nhà, vì chúng thực sự chỉ là những cái hang, cái lỗ tăm tối, ẩm thấp. Mốc meo bò kín từ chân tường đến trần nhà quanh năm hôi hám sặc mũi, nằm xung quanh những con ngõ tối đen sâu hun hút chỉ vừa hai người ngược chiều lách tránh qua nhau. Chúng là những tàn tích quái gở dị hợm của công cuộc phân bổ các biệt thự hoặc nhà cổ của Hà Nội trước kia cho các nhân viên Nhà nước, vào khoảng giữa thế kỷ 20. Khi đó một ngôi biệt thự vốn dành cho khoảng 4-6 người ở, với nhiều phòng riêng, nhà bếp, gara, vườn, bể bơi… đã bị băm nát như bèo để dúi mỗi hộ vào một căn phòng riêng, thậm chí một gara, một nhà vệ sinh cũ.

Ai có thể tưởng tượng 600 ngôi biệt thự được phép bán của Hà Nội lại có đến … gần 6.000 hộ có hợp đồng mua hoặc thuê với Nhà nước? Tương đương gần 10 hộ đã và đang chiếm cứ trong không gian mỗi biệt thự. Trung bình mỗi hộ có ít nhất bốn người thì ngôi biệt thự đang chứa ít nhất 40 người, gấp tối đa 10 lần so với thiết kế đầu tiên của nó.

Thế nên mới có chuyện dân trong phố cổ sáng sớm phải xếp hàng đi vệ sinh, mỗi người cầm xấp giấy trên tay đứng cạnh nhau trò chuyện rôm rả. Nấu nướng thì phải bày hết ra sân chung, ra hành lang. Thậm chí trẻ con và đàn ông thì cứ đánh trần, mặc mỗi cái quần đùi xuống bể nước chung múc nước tắm gội. Các bà các cô thì ngồi giặt áo quần ngay cạnh đấy.

Nhưng ngoài chuyện bám chắc vỉa hè phố cổ để mưu sinh thì với vị trí lõi của lõi trung tâm Hà Nội, mỗi tấc đất phố cổ chính là vàng. Cái giá để hàng ngàn người dân đang sống chui rúc trong phố cổ đồng ý dời đi nơi khác thì tiền không đếm được mà phải tính bằng tấn. Thế nên suốt ba bốn mươi năm, dân kêu cứ kêu, khách du lịch cứ chui vào trố mắt chụp ảnh lia lịa như mới được ngược về thời tiền sử, nhưng Hà Nội cũng bó chiếu, không có cách nào để đền bù di dời, chỉnh trang đô thị cho đẹp mắt và an toàn.

Nguyên do cũng chỉ vì luật pháp Việt Nam hiện tại quy định toàn bộ đất đai thuộc sở hữu Nhà nước. Tuy đất đai đã có từ trước “Nhà nước”, người dân cũng đã khai hoang, thừa kế hoặc mua bán nhà đất đó từ trước “Nhà nước”, nhưng thấp cổ bé họng, họ biết làm cách nào ngoài việc cố sức ôm ghì lấy mảnh đất, ngôi nhà đó trước mọi lực giằng giật?

000_SAHK970912086300.jpg
Người đi đường đi qua dãy nhà ở khu phố cổ ở Hà Nội. AFP

Tại sao chưa thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai?

Lẽ ra khi cần giải tỏa một khu vực dân cư (ngoài các trường hợp vì an ninh quốc gia), chính quyền phải tìm mọi cách để đạt được thỏa thuận với người dân đang cư ngụ tại đó. Nếu cần quy hoạch, xây dựng lại cho khang trang thì sau khi quy hoạch, mảnh đất ấy vẫn phải dành cho những người chủ đang sở hữu (một miếng, một phần) ở đó. Họ phải được tái định cư tại chỗ, có tính toán đến chênh lệch giá trị đất cũ và mới. Hoặc họ phải được tự quyết việc bán đấu giá và chia lại đất hay tiền, tùy họ. Vì, người dân đang sinh sống ổn định và lâu đời ở đó đâu cần một trung tâm thương mại lộng lẫy mọc lên ngay trên đất họ? Cái họ cần là pháp luật bảo vệ quyền sở hữu tài sản chính đáng ấy, để an tâm sinh sống, hưởng lợi từ vị trí đó, ngôi nhà đó, mảnh đất đó… đến hết đời mình rồi để lại con cháu.

Những lý do nghe rất cao thượng như đảm bảo an toàn cho dân, hay chỉnh trang đô thị, nâng cấp giá trị đất đai… mà Nhà nước đưa ra đều bị phản bội trắng trợn khi chính trên những mảnh đất mà người chủ nghèo vừa bị đuổi đi bằng mọi cách thì người ta xây những ngôi nhà khác bán thật đắt đỏ cho người giàu.

Lý do cần giải tỏa gấp để đảm bảo an toàn cho người dân càng là sự nói dối buồn cười hơn nữa, khi chính quyền sốt ruột thúc giục người dân đi, nhưng tiền bồi thường thì vẫn ì ra không thỏa đáng. Mà mất an toàn thế nào khi người dân vẫn bám lại nơi ở đó suốt nhiều năm nhưng không có tai nạn nào xảy ra? 

Nhà đầu tư chỉ nghĩ đến tiền. Nhà nước chỉ nghĩ đến nhiệm vụ được cấp trên giao phải hoàn thành (đây là nói những người trong sáng nhất, mà khéo họ tuyệt chủng hết rồi). Có ai đặt mình vào hoàn cảnh những người dân dù lo sợ và yếu thế nhưng vẫn phải gắng gỏi giữ chặt lấy mảnh đất, ngôi nhà của mình, để lên tiếng đòi pháp luật phải thay đổi theo hướng thừa nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai?

Quyền sở hữu tư nhân về đất đai là quyền chính đáng của người dân. Đã nhiều năm nay các chuyên gia kiến nghị đưa điều này vào luật.

Nhưng đất đai cũng chính là cái nồi cơm Thạch Sanh đảm bảo no béo nhiều đời cho số ít người đang được hưởng lợi từ việc độc quyền thông tin, quy hoạch và phân phối nó. Bảo họ nhả á? Nhả thì… cạp đất mà ăn à?

Chính vì thế nên cứ hết Củ Chi nọ lại Củ Chi kia nối nhau mọc lên giữa trung tâm các đô thị. Không chỉ Hà Nội hay Sài Gòn mà bất cứ nơi nào đang, đã và sẽ diễn ra những quy hoạch ám muội, giải tỏa mù mờ. Khổ thay, dân khôn rồi, thưa các cụ!

______________ 

Tham khảo:

https://nld.com.vn/thoi-su/600-biet-thu-co-duoc-ban-o-ha-noi-co-toi-5686-ho-so-huu-20220420121356264.htm

https://laodong.vn/photo/nguoi-dan-pho-co-ha-noi-quen-voi-cuoc-song-chat-choi-bat-tien-1015528.ldo

https://nhandan.vn/gian-nan-di-doi-nguoi-dan-o-cac-chung-cu-cu-post738198.html

https://vnexpress.net/cuoc-song-trong-chung-cu-sap-sap-4442006.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Tin, bài liên quan

No comments:

Post a Comment