Bị chính quyền đàn áp, thêm một tín đồ Tin Lành phải bỏ xứ, xa quê!
2023.02.28
RFA
Ảnh: nhân vật cung cấp
Một phụ nữ khuyết tật ở Nghệ An bị Chính quyền đàn áp, bôi nhọ đến mức không thể sống nổi ở Việt Nam, phải tìm đường chạy sang Thái tị nạn.
Bị Chính quyền đàn áp, bôi xấu vì theo đạo Tin Lành
Chị Lầu Y Tòng, một người sắc tộc H’Mong, 36 tuổi, quê ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, sức khỏe yếu, hai chân gần như bị liệt, không thể đi lại như người thường. Chồng chị đi lao động ở nước ngoài, mọi sinh hoạt trong nhà đều phải nhờ vào hai con phụ giúp.
Vốn không nói lưu loát tiếng Kinh nhưng chị Tòng vẫn cố gắng thuật lại câu chuyện của mình với chúng tôi.
“Mình tin Chúa nhưng chỉ để trong lòng thôi, chỉ cầu nguyện trong nhà thôi, không đi nhà thờ, không thờ cúng gì hết.”
Theo lời chị Tòng, từ cuối năm 2020, chị tình cờ thấy các video giảng đạo Tin Lành được đăng trên YouTube. Chị tin và cầu nguyện theo. Không biết nguyên nhân cụ thể như thế nào nhưng theo mô tả của chị Tòng, kể từ khi cầu nguyện, chân của chị bớt đau hẳn khiến chị càng tin và cầu nguyện nhiều hơn.
Sau đó, chị được một mục sư (chị trao đổi qua mạng) gởi tặng một quyển kinh thánh. Câu chuyện về đức tin của chị đã bị người dân phát hiện và báo chính quyền. Chị Tòng kể tiếp:
“Ở Kỳ Sơn, chủ tịch, phó chủ tịch với cán bộ, công an họ vào nhà tôi để đe doạ, họ cứ đi liên tục như vậy. Họ nói ở Kỳ Sơn, Nghệ An là họ không cho ai tin theo Chúa cả.
Họ nói nếu tôi không bỏ Chúa thì một ngày nào đó, khi tôi ra khỏi nhà mà tôi có chết ở nơi nào đó là không liên quan tới họ, mà họ cũng không quan tâm đâu. Trưởng và phó công an nói rứa với tôi.
Khi tôi ra đường là công an đuổi theo, tôi đi là họ bắt lại, lúc đó tôi muốn tìm con đường để chạy trốn nhưng cũng không biết đi đâu.”
Việc chị Tòng đọc kinh cầu nguyện cũng bị gia đình chồng cấm cản:
“Từ khi chồng biết mình tin Chúa thì các con bị đưa cho gia đình chồng theo chính quyền nuôi, mình không được gặp con nữa.”
Một vị mục sư mà chị Tòng không muốn nêu danh tính, hiện đang theo Giáo hội Tin Lành Việt nam, sau khi hay hoàn cảnh của chị Tòng đã đồng ý viết một bức thư gởi cho chính quyền huyện Kỳ Sơn. Bức thư xác nhận chị Tòng là tín đồ sinh hoạt với Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, tổng hội miền Bắc. Đây là tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước Việt Nam cho phép hoạt động. Tuy nhiên, điều này cũng không giúp chị Tòng ít bị đàn áp hơn.
Không chỉ đe doạ, chính quyền địa phương còn cho phát loa trong làng mỗi ngày, cáo buộc chị Tòng theo đạo Tin Lành là vi phạm pháp luật:
“Ở bản làng của tôi ở là chính quyền họ thông báo trên loa ai cũng biết cả mà. Họ nói là tôi tin Chúa là trái phép, vi phạm pháp luật tội hình sự.
Cả cán bộ huyện Kỳ Sơn, cả bản, cả làng không ai chấp nhận chuyện tôi tin theo Chúa. Tôi có giải thích nhưng họ không chấp nhận.”
Bị gia đình bỏ rơi, chính quyền đàn áp, xã hội xa lánh, chị Tòng nói chị không còn con đường nào khác đành phải bỏ xứ ra đi, chạy sang Thái Lan lánh nạn.
Chị Tòng kể, có một người hoạt động theo dõi tình hình trong nước và biết được hoàn cảnh của chị nên đã chủ động liên hệ, gợi ý có thể giúp chỉ đường cho chị sang Thái Lan xin tị nạn. Chị Tòng chấp nhận bỏ lại gia đình, con cái, một mình vượt biên và đặt chân đến đất Thái cách đây hơn một tháng:
“Ở Việt Nam là tôi không thể sống được nữa.
Chồng tôi còn gọi điện về, doạ sẽ giết nếu tôi không bỏ đạo. Còn Chính quyền nói sẽ bắt tôi vào tù.
Nếu họ không làm vậy thì mình cũng không muốn đi. Bởi vì con đường đi nó mù mịt, nguy hiểm, không biết tương lai thế nào.”
Hiện nay, cuộc sống của chị cũng rất khó khăn, vẫn chưa dám ra ngoài vì sợ cảnh sát Thái phát hiện. Nhưng chị Tòng nói, ít ra bây giờ còn được tự do tin theo Chúa và cầu nguyện mà không phải lo sợ gì.
Phóng viên RFA gọi điện cho công an huyện Kỳ Sơn, Nghệ An để xác minh vụ việc nhưng được yêu cầu cầm giấy giới thiệu của toà soạn, đến trụ sở làm việc trực tiếp với công an.
Người H’Mong tị nạn trên đất Thái
Chị Lầu Y Tòng không phải là trường hợp người sắc tộc H’Mong theo đạo Tin Lành hiếm hoi phải trốn chạy sang Thái Lan chỉ vì theo đạo Tin Lành.
Anh Johnny Huy, hiện đang tị nạn tại Thái Lan cũng là một trường hợp như vậy. Anh Huy kể, em họ của anh bị đánh chết trong đồn công an ở tỉnh Đắk Lắk hồi năm 2017. Chính quyền lúc đó không những không điều tra làm rõ mà còn đe doạ, sách nhiễu và ngăn cản gia đình tìm công lý cho em trai.
Do đó, anh Huy đã đến các diễn đàn ở các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan hay Philippines để tố cáo vụ việc. Sau khi về nước, anh bị công an liên tục theo dõi, sách nhiễu, khiến anh phải trốn sang Thái Lan xin tị từ đó.
Hiện nay, theo anh Huy, dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng số người H’Mong đang xin tị nạn tại Thái Lan khá đông.
Cuộc sống của những người như chị Tòng, anh Huy vô cùng khó khăn. Anh Huy kể:
“Ở những vùng mà họ (cộng đồng người tị nạn H’Mong - PV) tập trung, những ngôi nhà ở thật sự rất nhếch nhác, một không gian phòng rất nhỏ hẹp mà cả nhà bảy, tám người ăn, ngủ ở đấy thì nó rất là chật hẹp, ẩm thấp, rất là khổ.”
Cũng theo anh Huy, đa số những người sắc tộc H’Mong tị nạn ở Thái Lan đều theo đạo Tin Lành bị đàn áp ở Việt Nam. Anh Huy nói, chính quyền Việt Nam ngăn chặn, tấn công cả những tín đồ theo các hệ phái Tin Lành mà nhà nước đã cho phép hoạt động như Hội Thánh tin Lành Việt Nam.
Nguyên nhân, theo anh Huy phân tích, có thể là do ở các địa phương chưa có nhiều tín đồ theo đạo Tin Lành, Chính quyền địa phương không muốn đạo này phát triển nên tìm cách triệt tiêu từ sớm. Vì vậy nên tín đồ ở một số địa phương như Nghệ An hay khu vực Tây Nguyên bị đàn áp rất mạnh tay. Trong khi ở các thành phố lớn thì tín đồ Tin Lành được phép sinh hoạt tôn giáo bình thường.
No comments:
Post a Comment