Không có nội lực để giữ quyền tự chủ chiến lược, Việt Nam mất khả năng chọn phe
Trương Nhân Tuấn
8-2-2025
Tiengdan
09/02/2025
Việt Nam không có nội lực để giữ quyền tự chủ chiến lược. Việt Nam mất khả năng chọn phe.
“Đi định cư ở nước ngoài cả, đất nước này ai xây dựng đây?” là câu hỏi của bà Chi Lan, một trí thức trong nước đặt ra từ nhiều năm rồi. Điều chưa biết là câu hỏi đặt cho ai? Cho những người tài bỏ nước ra đi, hay là cho đảng CSVN, kiểu “mấy anh đã làm cái gì mà người tài bỏ đi hết vậy”?
Tôi thấy kinh tế Việt Nam vẫn không có gì thay đổi lớn lao so với bốn thập niên trước, thời kỳ “đổi mới”. “Nội lực” của Việt Nam hiện nay vẫn là nông nghiệp. Là sầu riêng, cà phê, tiêu, điều, cá ba sa, tôm v.v… Thập niên trước còn có dầu hỏa, khoáng sản và gỗ. Du lịch một thời cũng “phất”. Sau Covid-19 thì xẹp xuống.
Vấn đề là “nội lực” của Việt Nam hiện chỉ đóng góp 20% GDP, cao gấp đôi so với đóng góp của doanh nghiệp tư nhân.
Phát triển dựa vào nông nghiệp không có gì là xấu. Thuở ban đầu, thập niên 60 thế kỷ trước, nước nào cũng vậy. Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Mã Lai v.v… thuở ban đầu khởi nghiệp, nhà nông đóng góp trên 60% GDP.
Các mô hình phát triển Đài Loan, Nam Hàn, Nhật v.v… chỉ trong vòng 20 năm, đóng góp nông nghiệp từ trên 60% GDP xuống còn khoảng 3%, trong khi công nghiệp và dịch vụ từ 10% lên đến 70% GDP. Điều cần nhấn mạnh là hàng hóa sản xuất ở các nước này ít nhứt 90%, nếu không nói 100% “made in nội địa”.
Đi kèm với chính sách phát triển kinh tế là chính sách giáo dục. Nhờ nền giáo dục thực tiễn (không giáo điều), tầng lớp nông dân và công nhân cổ xanh (làm trong nhà máy) lần hồi được thay thế bởi lớp trẻ mới đào tạo, có bằng cấp, thông thạo nghề nghiệp. Các quốc gia này “hiện đại hóa, công nghệ hóa đất nước” thành công.
Còn Việt Nam thì sao?
40 năm đổi mới “nội lực” Việt Nam vẫn là nông nghiệp, chiếm 20% GDP. Còn lại phần lớn do đóng góp của FDI.
Điều đau đớn mà tôi đã nói: Lương trung bình của 18 triệu lao động trong ngành nông (thủy) là 4 triệu đồng tháng, so với mức lương bình quân cả nước là 7 triệu đồng. Tức là thành phần gọi là chủ lực trong nền kinh tế của Việt Nam hiện sống dưới tiêu chuẩn “nghèo”.
Gọi nghề nông (thủy) là nội lực của Việt Nam là vì, giả sử một biến cố làm đảo lộn quan hệ địa chính trị xảy ra trong khu vực, các tập đoàn FDI rút khỏi Việt Nam, những gì còn lại của Việt Nam là nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra Việt Nam không có gì hết cả.
Vấn đề là chỉ trong vài ngày tới, rất có thể chính quyền mới của Mỹ sẽ đặt Việt Nam vào một tư thế “phải chọn bên”.
Miền Bắc Việt Nam hiện thời đã “gắn liền” với Trung Quốc qua dự án “hai hành lang, một vành đai”. Việt Nam cũng là thành viên của sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc. Việt Nam cũng đã ký thỏa thuận cùng với Trung Quốc thành lập “cộng đồng chia sẻ tương lai”. Vừa qua Việt Nam ký thỏa thuận gắn liền Việt Nam với Trung Quốc trên ba vấn đề: Ngoại giao, quốc phòng và an ninh nội địa, điều chưa từng thấy ở hai quốc gia độc lập, có chủ quyền.
Có thể người Việt Nam không ai muốn nhìn nhận thực tế là Việt Nam đã chọn theo phe Trung Quốc.
Người Mỹ có bị tuyên giáo Việt Nam che mắt hay không?
Mục tiêu của Mỹ từ hơn thập niên qua là ngăn cản sự trỗi dậy không hòa bình của Trung Quốc. Bằng mọi cách, người Mỹ sẽ ngăn cản, không cho phép Trung Quốc vượt qua Mỹ, về kinh tế lẫn quốc phòng.
Mỹ đề cao Việt Nam vì họ nghĩ rằng Việt Nam và Mỹ có chung “kẻ thù” là Trung Quốc. Việt Nam có thể trở thành đồng minh của Mỹ, giúp đại cường này ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Thực tế cho thấy điều ngược lại. Hiện thời Việt Nam là một yếu tố củng cố sức mạnh cho Trung Quốc.
Quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” giữa Việt Nam và Mỹ thực tế chỉ có giá trị lợi dụng. Việt Nam lợi dụng “tình bạn bè” với Mỹ để dễ dàng tuồng hàng hóa của Việt Nam và Trung Quốc qua Mỹ.
Vì nội lực yếu kém, Việt Nam không giữ được khả năng “tự chủ chiến lược”, ở đây là khả năng “chọn bên”. Việt Nam đã bị lệ thuộc vào Trung Quốc rồi.
Mỹ sẽ “tha” cho Việt Nam à?
Người có tiền, người tài giỏi lần lượt bỏ nước ra đi. Đảng lãnh đạo nhìn ở đâu trong dân chúng cũng thấy kẻ thù. Đảng CSVN gắn liền Việt Nam vào Trung Quốc.
Việt Nam đã trở thành một “phiên bang”, kém xa một tỉnh của Trung Quốc. Đảng CSVN nhập vào cùng một dòng sinh mạng với đảng CSTQ.
Lãnh đạo CSVN có khác gì một tập đoàn làm tay sai cho đế quốc?
No comments:
Post a Comment