VNTB – Chuyện Tiếng Dân từ Tuyên Quang và Aru Nam DươngTS Phạm Đình Bá
20.12.2024 10:26
VNThoibao
Năm 2021, tôi có dịp nói chuyện với anh Lê Mạnh Hà về dân oan bị quyền lực cướp đất với sự ủng hộ và chia chát của cán bộ từ thấp lên cao. Anh Hà trước đây sống ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang trước khi bị nhà nước địa phương buộc phải di dời để xây dựng dự án thủy điện. Sau đó, anh phải chuyển về ở thành phố Tuyên Quang, nhưng có vẻ như không sao quên được nơi sống cũ.
Na Hang là một huyện miền núi với những khu dân cư vùng cao ở phía Bắc tỉnh Tuyên Quang, với sông Gâm chảy từ Bắc xuống Nam hơn 50 cây số và sông Năng bắt nguồn từ tỉnh Cao Bằng vào Na Hang hơn 20km, tạo nên thiên nhiên hòa nhịp giữa núi non trùng điệp, sông nước mênh mông, các ngọn núi cao và rừng rậm dày đặc.
Ở đầu đối nghịch của vùng Đông Nam Á với Na Hang là quần đảo Aru, một quần đảo xa xôi nằm ở phía đông Nam Dương, trên biển Arafura và ở phía bắc nước Úc. Môi trường tự nhiên của Aru được bao phủ bởi rừng lá rộng ẩm nhiệt đới, rừng thưa và rừng ngập mặn.
Người dân Na Hang thuộc 12 dân tộc sống bằng nghề trồng trà, lúa nếp mang tính riêng biệt của vùng cao, rau trái và cây dược liệu. Họ nuôi gà thả đồi, nuôi giống heo đen vùng cao, nuôi trâu bò dê và nuôi cá trên sông hồ. Nhiều người làm nhân viên bảo vệ rừng, gắn bó với việc tuần rừng gần như cả đời khi còn làm được. Có dân trong huyện sống bằng nghề khai thác rừng, như thu hoạch măng rừng, tre nứa trên các dãy núi cao, hay thu hoạch mật ong. Nhiều người làm việc liên quan đến du lịch vùng cao, dẫn đường và kể chuyện về rừng nguyên sinh và thảm thực vật phong phú trong huyện.
Đập thủy điện thay đổi đời sống người dân Na Hang một cách sâu xa. Hầu như không ai hỏi ý kiến dân địa phương về dự án đập thủy điện. Quyết định xây đập được đưa ra ở cấp đảng và nhà nước và thủ tướng phê duyệt dự án vào tháng 4 năm 2002. Việc xây dựng đập đã khiến khoảng 4.000 hộ gia đình phải di dời trên diện tích gần 8.000 mẫu tây, chủ yếu ảnh hưởng đến người Tày và Dao, cũng như người Kinh.
Nguyên tắc bồi thường “đất đổi đất” theo luật đất đai năm 1993 không được áp ở Na Hang. Dân bị di dời không chỉ nhận được ít đất hơn nhưng đất kém màu mỡ hơn; 83% người dân báo cáo nhận được ít đất nông nghiệp hơn khu vực trước đây của họ và có tới 77% đánh giá đất được bồi thường của họ là có giá trị chất lượng kém. [1]
Dân sống về nghề làm rừng không còn rừng để sinh sống sau khi di dời. Các nguồn thực phẩm hoặc thu nhập khác cũng ít đi vì nghề nuôi cá hay nghề đánh cá bị hạn chế. Nghề săn bắt và sản phẩm gỗ hay chăn nuôi trên đồi cũng mất đi. Lo lắng về thiếu ăn trở nên thường xuyên hơn với dân oan bị di dời. Hơn nữa, việc bồi thường cho việc tái định cư còn thiếu rất nhiều và cơ sở hạ tầng hỗ trợ các khu tái định cư theo thỏa thuận đã bị nhà nước bỏ bê.
Gia đình anh Hà ở diện phải di dời. Anh lên tiếng khi nhà nước không giữ đúng lời hứa cung cấp một lượng đất nhất định cho người dân tái định cư ở Tuyên Quang. Vì mức đền bù không thỏa đáng, gia đình anh cùng hàng trăm hộ dân trong số 4.000 hộ dân bị di dời từng đi khiếu kiện ở nhiều nơi từ cấp tỉnh đến trung ương trong nhiều năm mà không được giải quyết. Anh tự học luật để cố gắng hỗ trợ tốt hơn cho những người khiếu kiện về đất đai. [2]
Tháng 5/2018, anh Hà thành lập kênh YouTube “Tiếng Dân TV Lê Hà” để đăng video đưa tin về những người dân lên tiếng phản đối việc nhà nước cưỡng bức thu hồi đất. Anh đã phỏng vấn nhiều người khiếu nại đất đai trên khắp tỉnh Tuyên Quang và tuyên bố mục tiêu của mình là “quảng bá hiến pháp để bảo đảm quyền lợi cho công dân”. Anh cho rằng người dân chỉ có một phương tiện duy nhất là điện thoại di động để chống tham nhũng.
Ở Nam Dương, vào thời điểm người dân Aru biết đến dự án mía đường được thúc đẩy bí mật bởi một công ty bí ẩn có tên là công ty Menara với sự đồng lõa của các quan chức tham nhũng, thì đã gần như quá muộn để họ có thể ngăn chặn dự án. Nhưng nếu tiếp tục, dự án sẽ thay thế các khu rừng nhiệt đới ở Aru bằng một đồn điền trồng mía có diện tích tương đương với tỉnh Tuyên Quang, phá hủy sinh kế và nguồn cung cấp lương thực hiện có của hàng chục nghìn dân. [3]
Trên kênh Tiếng Dân TV Lê Hà, dân oan thủy điện Chiêm Hóa đã “kêu trời” khi nước hồ thủy điện tiếp tục dâng cao hơn so với đợt dâng nước lần thứ nhất. Trên kênh TV có những đoạn phim về cán bộ “làm giả làm khống” sai quy định, dùng cơ hội dự án thủy điện để chiếm đất của dân không theo quy trình của dự án. Có những lô đất đã thu hồi hơn 10 năm vẫn để trống và hầu như không sử dụng, có lẽ chờ cho chắc rồi cán bộ sẽ bán cho doanh nghiệp.
Anh Hà gom góp chuyện kể không chỉ từ dân oan ở Tuyên Quang, mà còn ở dân oan mất đất từ Lạng Sơn, Hải Dương, Thái Nguyên, Bình Định, Hải Phòng, Ninh Thuận, Quảng Ninh và Thanh Hóa, cùng những nơi khác. [4]
Để cứu Aru, người dân ở đây cần buộc nhà nước phải hủy bỏ dự án. Đầu tiên, họ xây dựng một “chuỗi thông tin” để đưa những câu chuyện từ nội địa Aru ra thế giới. Họ tập hợp lại vì mục đích chung của người dân dưới sự lãnh đạo của một mục sư có ảnh hưởng tên là Jacky Manuputty. Jacky cử các nhà báo đến Aru để dạy các nhà hoạt động địa phương cách tạo ra thông tin của riêng họ để đưa vào các nguồn truyền thông xã hội. [3]
Không khác gì mấy với Tiếng Dân TV Lê Hà, các nhà hoạt động ở Aru đã tự thực hiện các cuộc điều tra và tường thuật về dự án do công ty Menara. Họ phát hiện ra giấy phép trồng rừng đã được cấp cho 28 công ty khác nhau, tất cả đều do Menara kiểm soát, có mối liên hệ với các quan chức cấp giấy phép đất đai, và có nhiều nghi vấn về tham nhũng.
Trong những lời kêu cứu trên Tiếng Dân TV Lê Hà, dân oan vẫn dè dặt trong việc trực tiếp chỉ trích lãnh đạo cấp cao. Có vẻ như dân oan vẫn tin vào khả năng giải quyết của nhà nước Hà Nội. Nhưng tầm hiểu biết và chất lượng của lãnh đạo Hà Nội lại chính là trọng tâm của những thất bại trong việc đánh giá các tác động xã hội của những dự án thủy điện.
Cách làm việc của lãnh đạo Hà Nội dẫn đến tình huống nước lên với đập thủy điện mà dân vẫn chưa kịp di dời. Sự cố “bỏ sót” trên 6.200 dân khi thực hiện điều tra, khảo sát lập quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Na Hang đã làm hàng ngàn người dân đang phải đối diện với một biển nước mênh mông. Cho đến giờ họ vẫn chưa biết “đi đâu về đâu”. [5]
Trong khi người dân phải chịu những tác động oan nghiệt từ những thay đổi về phân chia nguồn nước do đập gây ra, thì lợi ích của việc phát triển thủy điện trước hết được chia sẻ giữa các công ty năng lượng và cán bộ. Các công ty này thu được lợi nhuận khổng lồ từ vai trò là nhà sản xuất điện cho nền sản xuất làm tiền cho công ty và cán bộ, đồng thời được hưởng lợi từ việc nhà nước và chính những cán bộ ấy đánh giá thấp tài sản sinh kế của dân oan phải tái định cư. [6]
Những lời kêu cứu trên Tiếng Dân TV Lê Hà cho thấy sinh kế khó khăn của dân oan. Nhiều người dân tái định cư, đặc biệt là nông dân và ngư dân, mất đi nguồn thu nhập truyền thống và phải vật lộn để thích nghi với môi trường sống mới. Một số người nhận được khoản bồi thường không thỏa đáng, chẳng hạn như những mảnh đất nhỏ cằn cỗi hoặc bị chuyển đến những vùng đô thị xa lạ.
Việc bồi thường lại không tính đến sự gián đoạn của cộng đồng. Có những làng xã bị nhấn chìm, dẫn đến sự tan vỡ của các mạng xã hội và cấu trúc cộng đồng đã được thiết lập. Nhiều địa điểm có ý nghĩa văn hóa, lịch sử và tôn giáo đã bị nhận chìm, dẫn đến sự mất mát di sản văn hóa không thể khắc phục được.
Những cảnh trong Tiếng Dân TV Lê Hà cho thấy tình trạng nghèo đói trong dân oan. Nhiều người dân tái định cư bị giảm sở hữu đất, giảm khả năng tiếp cận tài nguyên thiên nhiên và thu nhập hộ gia đình giảm đi. Những dân làm nông tái định cư thường gặp khó khăn trong việc thích nghi với môi trường sống mới. Trong một số trường hợp, đền bù cho tài sản và sinh kế bị mất không đủ để khôi phục mức sống trước kia.
Mặc dù đa số các video trên Tiếng Dân TV Lê Hà đều do dân oan thực hiện, những người tự làm tự phát và không được đào tạo về làm clip, nhưng hành động của họ góp phần kể lại những câu chuyện có thật mà người dân đã trải qua. TV Lê Hà đóng góp vào kho dữ liệu thật về dân oan, trong khi các báo đài nhà nước chỉ vẽ lên những bức tranh đẹp về lợi ích của đập thủy điện.
Trở lại với câu chuyện các nhà hoạt động ở Aru, họ đã thuyết phục các tổ chức xã hội lên tiếng ủng hộ mục tiêu của họ. Các nhà hoạt động tập trung nỗ lực vào các tổ chức có thể gây áp lực buộc các quan chức phải dừng dự án, bao gồm cả các giáo sư đại học, những người đã giúp giải mã cơ sở lý luận của dự án và Nhà thờ Tin lành, một thế lực hùng mạnh trong một khu vực tôn giáo sâu sắc.
Các nhà hoạt động ở Aru đã nuôi dưỡng cảm tình viên trong các cơ quan chính phủ. Một người liên hệ ở văn phòng nhà nước cấp tỉnh đã cung cấp cho họ bản sao giấy phép sử dụng đất; một nguồn khác tiết lộ cho họ những bức ảnh cho thấy các thành viên quốc hội quận Aru đã đến thăm văn phòng của Menara ở Jakarta nhiều lần.
Các nhà hoạt động ở Aru đã đưa ra dữ liệu vững chắc rằng sự phản đối việc trồng rừng trong dân Aru đã lan rộng. Trong nhiều tháng, các nhà hoạt động đã đi khắp quần đảo để cảnh báo người dân về dự án và giải thích tác động môi trường về việc hủy diệt hệ sinh thái hiện tại để trồng mía. Họ thu thập các tuyên bố phản đối có chữ ký của các nhà lãnh đạo truyền thống và các thành viên cộng đồng ở 90 trong số 117 ngôi làng của Aru.
Cuối cùng, chiến dịch “Cứu Aru” là một trong những phong trào cơ sở thành công nhất của Nam Dương. Người dân quần đảo Aru đã thành công trong việc đánh bại kế hoạch biến hơn một nửa quần đảo của họ thành một đồn điền trồng đường khổng lồ, điều này cũng sẽ khiến lượng khí thải nhà kính của Nam Dương, vốn đã thuộc hàng cao nhất thế giới, tăng vọt.
Trong khi ấy, ở Tuyên Quang, ngày 12 tháng 1 năm 2022, công an Tuyên Quang bắt anh Hà khi anh đang lo chuyện đính hôn cho con gái. Ngày 25 tháng 10 năm 2022, anh bị kết án 8 năm tù và 5 năm quản chế bởi toà án Tuyên Quang về cái gọi là “tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước”, theo cái gọi là điều 117 bộ luật hình sự năm 2015. [7]
Khi tôi viết những dòng này vào những ngày cuối của năm nay, anh đã ở tù 783 ngày và vẫn phải đối mặt với 2.137 ngày nữa trong tù, đắng cay với trải nghiệm “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”. Tiếng Dân TV Lê Hà vẫn còn những video anh đã gom góp, nhưng tiếng nói dân oan trên nhiều vùng quê hương không còn tiếp tục vang vọng ở đấy nữa.
____________________
Tham khảo:
- Do, T. and E. Brennan, Hydropower and Social Conflict in Vietnam: Lessons for Myanmar. 2015.
- RFA. Nhà báo tự do Lê Mạnh Hà ra toà vào ngày 24/10/2022. 10/10/2022; Available from: https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/trial-of-citizen-journalist-le-manh-ha-scheduled-on-october-24-10102022014547.html.
- The Gecko Project and Mongabay, 10 takeaways from Indonesia’s grassroots #SaveAru success. 28/10/2019.
- Lê Mạnh Hà, Tiếng Dân TV Lê Hà. 2020 – 2022.
- Đức Bình and Trọng Phú. Dự án thủy điện Tuyên Quang: Nước lên mà dân chưa dời. 21/10/2006; Available from: https://tuoitre.vn/du-an-thuy-dien-tuyen-quang-nuoc-len-ma-dan-chua-doi-168239.htm.
- Rousseau, J.-F., et al., Socialist hydropower governances compared: dams and resettlement as experienced by Dai and Thai societies from the Sino-Vietnamese borderlands. Regional environmental change, 2017. 17: p. 2409-2419.
- VOA. Công an Tuyên Quang bắt chủ kênh Tiếng dân Tivi Lê Hà. 13/01/2022; Available from: https://www.voatiengviet.com/a/cong-an-tuyen-quang-bat-chu-kenh-tieng-dan-tv-le-ha/6395100.html.
No comments:
Post a Comment